Thanh toán phi tiền mặt giúp giảm thiểu tham nhũng!

RFA
2020.05.26
Những logo quảng cáo thanh toán bằng ví điện tử tại một quán ăn vỉa hè ở TP HCM. Những logo quảng cáo thanh toán bằng ví điện tử tại một quán ăn vỉa hè ở TP HCM.
Reuters

Thống kê từ trang mạng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy so sánh với năm 2018, số lượng giao dịch qua internet tăng 64% và giá trị giao dịch tăng 37%. Trong khi đó, giao dịch qua điện thoại tăng trên dưới 200%.

Giải thích cho nguyên nhân gia tăng vừa nêu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết đó là chủ trương trong nhiều năm qua của chính phủ Việt Nam trong việc phát triển kinh tế của cả nước:

“Chính phủ Việt Nam đã có chủ trương từ hàng chục năm nay rồi, biến nền kinh tế từ tiền mặt sang nền kinh tế phi tiền mặt. Chúng ta có hai dịch vụ, gọi là internet banking và mobile banking. Internet banking thật ra cũng chỉ là mobile banking thôi, nhưng chỉ khác là internet banking có thể sử dụng computer, laptop của mình ở trên bàn để thực hiện giao dịch chuyển tiền.”

Cũng theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chính phủ Việt Nam đã tiếp tục đẩy mạnh sử dụng điện thoại di động để thanh toán thay vì sử dụng tiền mặt trong khoảng ít nhất 4 năm nay, khi lượng điện thoại di động được sử dụng ở Việt Nam hiện ở con số rất lớn. Vì vậy, ông Hiếu cho rằng trong vài năm tới sẽ có một sự bùng nổ trong công nghệ hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Theo thống kê từ Adsota trong năm 2019, Việt Nam hiện có 43,7 triệu người sử dụng smartphone trên tổng dân số 97,4 triệu dân, đưa Việt Nam vào top 15 trên thế giới. Ngoài ra, theo thống kê từ công ty công nghệ thông tin VNETWORK có trụ sở tại TP. HCM, có 68,17 triệu người sử dụng internet tại Việt Nam vào tháng 1, năm 2020.

Với số liệu này, chuyên gia kinh tế, TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng bắt kịp với các nước trong khu vực châu Á cho việc phát triển một nền kinh tế số và công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt:

“Thật ra thì Việt Nam hiện nay được đánh giá là một trong quốc gia có sự tăng trưởng và phát triển kinh tế số nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung. Vì thế cho nên khả năng bắt kịp thanh toán không dùng tiền mặt của quốc gia trong khu vực và trên thế giới thì nó tương đố nhanh. Như vậy, trong khoản thời gian từ năm 2022 đến 2025, Việt Nam sẽ trở thành một trong quốc gia có tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tương đối cao trong khu vực Đông Nam Á và khu vực châu Á nói chung.”

Dịch vụ ví điện tử e-wallet thanh toán bằng cách scan QR code của Grab.
Dịch vụ ví điện tử e-wallet thanh toán bằng cách scan QR code của Grab.
Reuters

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định việc thanh toán không sử dụng tiền mặt càng được phổ biến hơn trong thời kỳ dịch Covid-19 để tránh lây lan trong việc tiếp nhận tờ tiền. Ngoài việc tiết kiệm chi phí in ấn, chuyển vận và lưu trữ đồng tiền, việc chuyển đổi kinh tế tiền mặt sang nền kinh tế số sẽ hỗ trợ giảm thiểu các tệ nạn trong xã hội:

“Thứ nhất là vấn đề thanh toán nhanh chóng hơn. Từ đó, vấn đề kinh tế, như vận tốc của việc thanh toán, nếu mà dòng vốn nó chạy càng nhanh, thì vấn đề vận chuyển hàng hóa nó cũng nhanh hơn và nó sẽ tạo hiệu ứng tăng trưởng kinh tế sẽ mạnh hơn. Một phần quan trọng nữa là khi dùng mobile banking, nó để lại dấu vết trên tài khoản của khách hàng và vì thế mà có thể tránh được vấn đề trốn thuế. Vấn đề trốn thuế được hỗ trợ bởi nền kinh tế tiền mặt, khi người ta giao dịch với nhau từ tham nhũng; từ tất cả các hoạt động phạm pháp như là ma túy, mại dâm thì thường số tội phạm họ sử dụng tiền mặt, vì tiền mặt dễ dàng tiêu thụ, không để lại dấu vết.”

Đồng tình, chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh nhận định việc chuyển đổi sang nền kinh tế số sẽ giúp việc quản lý các hoạt động chuyển tiền giữa các chủ thể và việc xác minh các chuyển khoản của các doanh nghiệp cũng trở nên dễ dàng hơn:

“Kinh tế số nó cũng giúp cho tính thanh minh, công khai, minh bạch của các doanh nghiệp ở mức cao nhất. Từ đó, khi tham gia vào thị trường chứng khoán và tham gia vào các hoạt động công cộng, các chủ thể có thể nắm rõ được tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong từng thời gian ngắn. Bởi vì thế, họ tin tưởng vào khả năng chính cũng như danh lợi của doanh nghiệp, họ sẵn sàng đầu tư, bỏ vốn để giúp cho doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển, có nguồn cung lớn trong sản xuất kinh doanh.

Cho nên việc ứng dụng kinh tế số cũng như thanh toán không dùng tiền mặt nó góp phần giảm thiểu tối đa mức tham ô, hối lộ, tham nhũng cho nền kinh tế.”

Theo số liệu thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có đến 95% số thu Hải quan thực hiện qua ngân hàng với 99% doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử. Ngoài ra, doanh thu tiền điện thanh toán qua ngân hàng lên gần 90%.

M.Đ., một chuyên viên phát triển phần mềm sống tại TP. HCM cho biết việc phát triển công nghệ mobile banking đã giúp cho việc thanh toán tiền điện, nước trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn. Tuy nhiên, anh cũng cho biết sự bất lợi trong việc không gặp trực tiếp nhân viên thu các loại chi phí này khi có những ghi nhận và báo giá sai:

“Giống như hồi trước nhà em ở bên kia, họ vừa thanh toán xong, em trả tiền online tháng xong rồi. Sau đó tháng kế tiếp nhà em không sử dụng, nhà em không ở, không ai ở đó hết, thì họ lại báo giá tiền nước y chang như vậy, tiền điện y chang như vậy, thì em phải tốn thời gian để gọi lên hỏi tại sao không sử dụng mà nó vẫn báo tiền nước, tiền điện này kia vẫn tính. Thì những cái đó em phải gọi trực tiếp để hỏi lại và phải chờ cập nhật lại vô hệ thống để báo lại số tiền, nó cũng tốn thời gian và công sức mình đi hỏi.”

Theo M.Đ., việc thanh toán trực tuyến phải qua nhiều khâu, như tiền điện có đến hơn 5 cách thức thanh toán, vì từ nhà phát điện chính, họ phải nối qua 5-6 chi nhánh để báo giá điện từng tháng qua ứng dụng. Vì vậy, sơ suất kỹ thuật là điều không thể tránh khỏi.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho biết việc chuyển đổi sang nền kinh tế số tại Việt Nam trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt cũng tiềm ẩn các rủi ro liên quan đến vấn đề an ninh mạng:

“Trước kia thì chúng ta có một nền kinh tế tiền mặt và một nền kinh tế tất cả giấy tờ bằng tay—mình kiểm soát được chữ ký, kiểm soát được công văn, văn bản, các chứng từ, tiền mặt chúng ta kiểm soát được… Nêu bây giờ tất cả lên hệ thống điện toán, thì vấn đề bảo mật thông tin, vấn đề kỹ thuật số cho nó không bị tắt nghẽn, cho nó được thông mạch và đặc biệt nữa là vấn đề an ninh quốc gia phải được đặt trên hàng đầu.”

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nếu Việt Nam có thể kiểm soát tốt các hoạt động kỹ thuật số, an ninh mạng, nạn tin tặc cướp tiền trên các tài khoản hoặc để lộ thông tin cá nhân của người dùng…; việc phát triển nền kinh tế số và thanh toán không sử dụng tiền mặt tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong vài năm tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.