Campuchia họp Quốc hội dù đảng đối lập không tham dự

Quốc Việt, thông tín viên RFA, Campuchia
2013.09.23
P-4-305.jpg Quốc vương Norodom Sihamoni chụp ảnh lưu niệm với 68 đại biểu Quốc hội Campuchia khóa V sáng ngày 23/9.
Photo by Quốc Việt/RFA

 

Quốc vương Norodom Sihamoni khai mạc phiên họp Quốc hội khóa V với bài diễn văn có điểm cho rằng Quốc hội khóa V sẽ đánh dấu một giai đoạn mới trong lộ trình phát triển của đất nước Campuchia.

Quốc vương phát biểu rằng phiên họp Quốc hội đầu tiên khóa V mở ra một chương mới trong lịch sử cơ quan lập pháp Campuchia được nhân dân bầu chọn. Các nghị sĩ phải cố gắng hết sức phục vụ lợi ích đất nước và nhân dân. Với tư cách là cơ quan lãnh đạo tối cao của đất nước, những điều luật do Quốc hội thông qua sẽ tạo cơ sở cho chính phủ Hoàng gia thực hiện các chương trình phát triển đất nước vì bảo vệ, xây dựng đất nước, nâng cao đời sống nhân dân sống trong hòa bình, an ninh, ổn định, đảm bảo tự do và tôn trọng nhân quyền.

Quốc vương Norodom Sihamoni nhấn mạnh để có thể hoàn thành những trọng trách cao cả này, toàn thể nhân dân phải thống nhất và thể hiện tinh thần đoàn kết dân tộc trên nền tảng của việc thực thi các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền.

Sau khi kết thúc bài diễn văn khai mạc, Quốc vương trở về Hoàng cung. Còn Quốc hội khóa mới bắt đầu nhóm họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội khóa IV, Heng Samrin.

Trước tiên, ông Heng Samrin đọc tên 123 nghị sĩ được trúng cử. Trong khi đó, các nghị sĩ từ đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đang có mặt tại phiên họp đều đã thống nhất lập một Quốc hội mới.

Ông Heng Samrin phát biểu: “Căn cứ vào điều 82 ‘mới’, các nghị sĩ phải tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ mới vào chiều ngày 23/9. Quốc hội sẽ họp bầu bộ máy lãnh đạo của Quốc hội gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban chuyên ngành và bỏ phiếu tín nhiệm thành phần Nội các của Chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ V vào ngày 24/9”.

Đây là phiên họp đầu tiên của Quốc hội Campuchia từ sau cuộc bầu cử ngày 28/7, với chiến thắng thuộc về đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của Thủ tướng Hun Sen giành được 68 ghế, đảng đối lập Cứu quốc (CNRP) giành được 55 ghế.

Đảng đối lập tẩy chay

Tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội không có nghị sĩ đối lập nào có mặt sau khi đảng Cứu quốc tuyên bố tẩy chay phiên họp vì không được đáp ứng yêu cầu điều tra độc lập kết quả bầu cử.

Trong khi đó, đối lập phát đi một thông cáo báo chí phê phán Quốc hội khóa V là không hợp pháp. Thông cáo viết cuộc tổng tuyển cử Quốc hội năm 2013, các cử tri đã bầu cử cho đảng Cứu quốc và đảng Nhân dân Campuchia. Tuy nhiên, Quốc hội đã khai mạc phiên họp đầu tiên chỉ có 68 nghị sĩ đến từ đảng CPP.

Đảng đối lập cho rằng phiên họp Quốc hội đầu tiên mà không có mặt của nghị sĩ đối lập là sự vi phạm Hiến pháp.

Chủ tịch đảng Cứu quốc Sam Rainsy nói với RFA: “Lập trường của đảng Cứu quốc vẫn như trước. Chúng tôi tôn trọng ý chí của dân. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tìm công lý cho những cử tri. Các cử tri đều muốn được công bằng và muốn thấy rằng đảng đối lập là đảng giành được chiến thắng. Do đó, chúng tôi vẫn giữ lập trường đòi thành lập một Ủy ban điều tra độc lập nhưng bị đảng Nhân dân Campuchia từ chối. Khi nào chưa điều tra các vụ sai phạm trong bầu cử, chúng tôi không tham gia Quốc hội, không hợp tác với chính phủ mới.”


Lập trường của đảng Cứu quốc vẫn như trước. Chúng tôi tôn trọng ý chí của dân. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để tìm công lý cho những cử tri.
- Ông Sam Rainsy

An ninh cho kỳ họp ra mắt Quốc hội tại thủ đô Phnom Penh đã được thắt chặt với việc triển khai công an, an ninh, cảnh sát chống bạo động và lập hàng rào dây thép gai tại khu vực Hoàng cung và trụ sở Quốc hội nhằm đảm bảo phiên họp đầu tiên diễn ra an toàn.

Cũng trong sáng 23/9, Quốc vương Sihamoni đã ký phê chuẩn ông Hun Sen, Phó Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia làm Thủ tướng chính phủ Hoàng gia nhiệm kỳ mới. Quốc vương yêu cầu ông Hun Sen sớm hoàn thành danh sách thành viên Chính phủ để Quốc hội mới thông qua.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích và luật gia cho rằng Campuchia đã trở lại chế độ Cộng sản bởi việc họp Quốc hội chỉ có một đảng phái tham dự. Thay vì Hiến pháp quy định phiên họp ra mắt Quốc hội phải có nghị sĩ từ nhiều đảng phái khác nhau.

Tiến sĩ Kem Ley, nhà phân tích chính trị Campuchia nói theo Hiến pháp phải đa nguyên đa đảng trong Quốc hội. Ông nói hai đảng phái chính trị đã thiếu khả năng và cơ chế đàm phán khiến đất nước lầm nguy vào chế độ Cộng sản một lần nữa.

Tiến sĩ Kem Ley phát biểu: “Trước hết, Quốc hội phải họp bầu bộ máy lãnh đạo của Quốc hội, Phó Quốc hội. Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm thành phần Nội các của Chính phủ Hoàng gia và Thủ tướng nhiệm kỳ V. Sau đó, Quốc vương mới ký phê chuẩn ứng cử viên Thủ tướng. Nhưng trong sáng cùng ngày Quốc hội họp ra mắt chúng ta thấy Quốc vương ký phê chuẩn ông Hun Sen làm Thủ tướng. Điều này cho thấy, cả Quốc vương lẫn chính phủ đã lập lại chế độ Cộng sản, độc tài như cách đây 20 năm.”

Đại sứ Mỹ, Pháp, Trung Quốc, Anh, Australia và các đoàn ngoại giao, trong đó có đại sứ các nước thành viên ASEAN đã tham dự buổi lễ.

Nhưng Đại sứ Hoa Kỳ William E. Todd và Cộng đồng Châu Âu ra thông cáo báo chí rằng họ tham dự buổi lễ nhưng không có nghĩa công nhận kết quả bầu cử ở xứ chùa Tháp.

Cả EU và Hoa Kỳ kêu gọi Campuchia điều tra các sai phạm trong bầu cử và tiếp tục đàm phán giải quyết vấn đề bất đồng nhằm nâng cao các nguyên tắc dân chủ và pháp quyền.

Theo chương trình nghị sự, bất chấp sự phản đối từ phe đối lập, Hoa Kỳ và EU, Quốc hội nhiệm kỳ V của Campuchia sẽ bầu bộ máy lãnh đạo và thông qua thành phần Nội các chính phủ mới vào ngày 24/9.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.