Nghĩa trang cho cán bộ cao cấp 1400 tỷ

Mỹ Lan RFA
2018.02.13
000_R04ZX_960.jpeg Hình minh hoạ không liên quan đến bài . Một cựu chiến binh thắp hương trên mộ tại một nghĩa trang ở Hà Nội hôm 27 tháng 07 năm 2017
AFP

Một video clip quay cảnh bữa ăn của các em học sinh nhỏ ở một huyện miền núi phía bắc tỉnh Điện Biên. Ngôi trường không được tiết lộ tên cụ thể, thế nhưng đập vào mắt người xem là hình ảnh các em bé tiểu học mặt mũi lấm lem, quần áo cũ nát ngồi ăn cơm trắng chan với mỳ ăn liền. Giữa lớp học là một đống củi nhỏ đang được đốt để sưởi ấm trong mùa đông giá rét.

Mặc dù đây không phải là một câu chuyện mới thế nhưng khi xem những hình ảnh này, rất nhiều người đã không thể không cầm lòng. Đất nước đã thống nhất, chiến tranh đã đi qua hơn 4 thập kỷ mà vì sao cuộc sống bà con ở nhiều vùng miền vẫn còn cơ cực đến như vậy? Những đứa trẻ ngây thơ vốn phải được chăm lo, nâng niu vì sao vẫn phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn đến cực cùng?!

Hỏi cũng là để tự trả lời!

Trước thông tin về dự án nghĩa trang cao cấp cho cán bộ như được loan báo, từ Hà Nội một người dân bày tỏ bức xúc:

Tôi thấy nghĩa trang thì đã có nghĩa trang Mai Dịch dành cho cán bộ trung ương và Hà Nội rồi. Trong khi đó dân thì đang nghèo, bệnh viện thì không có, thiếu thốn, nhiều người phải nằm trên 1 giường, trường học cho các cháu thì không có, cái cháu không có chỗ để học. Cái nữa là việc đó không bình đẳng, tiền đó là tiền thuế của dân,  mà lại lấy xây 1 cái nghĩa trang tới 1400 tỷ mà chỉ cho một số cán bộ thôi. Sao các ông không bỏ tiền ra? Các ông bỏ tiền ra thì các ông làm gì cũng được còn đây là tiền thuế của dân, là tiền mồ hôi nước mắt, tiền xương máu. Dân còn đang đói khổ như thế này thì chúng tôi không thấy bằng lòng chút nào cả. Tiêu vào tiền thuế của dân như thế là rất lãng phí mà đồng thời là nó k đúng với lòng dân.

Dân còn đang đói khổ như thế này thì chúng tôi không thấy bằng lòng chút nào cả. Tiêu vào tiền thuế của dân như thế là rất lãng phí mà đồng thời là nó k đúng với lòng dân. - người dân Hà Nội

Nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng, tác giả của loạt phim Vietnam from Above giới thiệu các danh thắng nổi tiếng của Việt Nam, người đã từng tác nghiệp ở rất nhiều quốc gia trên thế giới chia sẻ:

“Cũng như rất nhiều các dự án khác có cùng tính chất thì tôi cảm thấy đó là điều rất là tồi tệ và bản thân là một công dân thì tôi phản đối bởi vì ngân sách đất nước đang cạn kiệt và chúng ta thì không thể lãng phí vào những công trình như vậy. Tôi đã từng đến Philippines, tôi đã đến công viên nghĩa trang rất lớn và đẹp là công viên nghĩa trang ở Manila dành cho những người hy sinh trong Thế chiến thứ II, hy sinh vì nền hoà bình của thế giới. Đó chỉ là những đồi cỏ xanh mướt cùng những cây thánh giá biểu trưng cho những ngôi mộ. Và xung quanh họ xây những ngôi nhà nhỏ, mô tả bằng bản đồ rồi tranh vẽ kể về những câu chuyện và lịch sử về những người đã hy sinh trong cuôc chiến đó. Rất nhiều người là người Mỹ, người Nhật và khối đồng minh của họ đã chết trong cuộc chiến đó chứ k phải chỉ là người Philippines.”

Nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng nhận định theo anh thì dự án nghĩa trang Yên Trung không có ý nghĩa như thế. Anh cho rằng Việt Nam không có nhiều cán bộ cấp cao đến như vậy nên theo anh thì nó không phải dành cho các cán bộ cấp cao.

Anh tiếp lời: “ Còn cứ tạm cho rằng những đóng góp của cán bộ cấp cao là  xứng đáng đi, thì lượng cán bộ mà để đủ cho cái số vị trí mà họ để dành để chôn cất. Tôi nghĩ là sẽ mất rất nhiều năm, rất nhiều thập kỷ may ra về mặt lý thuyết mới sử dụng hết cái nghĩa trang đó.

Ngoài vấn đề lấy tiền ngân sách, vốn là tiền thuế của dân ra xây nghĩa trang cho quan chức, việc quy hoạch diện tích mỗi mộ phần từ 25 – 30m2 trong thực tế vi phạm Nghị định số 23 năm 2016 của Chính phủ trong đó điều 4 quy định: Diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5 m2 và diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ cát táng tối đa không quá 03 m2. Đối với những địa phương có diện tích đất rộng, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số thì mỗi mộ phần cũng không quá 10m2.

Nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng cho biết thêm:

Hiện tại có những vùng dân nghèo mà bố mẹ mất 3 đứa con vì chết đuối mà không có chỗ chôn nên họ phải hoả thiêu và rất nhiều những người khác gần như một căn nhà để sống cũng không đủ cho nhiều người thì diện tích nghĩa trang này quá lớn, 120ha chia cho 2200-2500 ngôi mộ thì diện tích đó là quá lớn cho một lượng cán bộ”

Cứ tạm cho rằng những đóng góp của cán bộ cấp cao là  xứng đáng đi, thì lượng cán bộ mà để đủ cho cái số vị trí mà họ để dành để chôn cất - Nhiếp ảnh gia Lê Thế Thắng

Trước câu hỏi “Vì sao chính quyền Hà Nội lại quyết định công bố dự án vào thời điểm này”, theo anh Thắng, những dự án như thế này thường bị cộng đồng lên án rất là nhiều nên chính quyền quyết định công bố nhân dịp bóng đá U23 Việt Nam giành chiến thắng vào bán kết. Thứ hai là thời điểm này đang diễn ra nhiều phiên toà xử những nhà hoạt động xã hội,những người đấu tranh vì môi trường, nhân quyền, hay những vụ xử gấp rút các cựu quan chức Cộng sản như Đinh La Thanh, Trịnh Xuân Thanh… hiện đang thu hút được sự quan tâm của dư luận nhiều hơn.  Tuy nhiên, lại có giải thích cho rằng việc Hà Nội công bố một bản quy hoạch nghĩa trang dành riêng cho cán bộ cao cấp với tổng vốn đầu tư 1.400 tỉ từ tiền ngân sách trong khi điều kiện cuộc sống người dân còn muôn vàn khó khăn như hiện nay, chỉ có thể là sự coi thường người dân và công luận bởi từ hàng chục năm nay các cấp chính quyền luôn tiêu tiền thuế của dân một cách vô tội vạ nên giờ họ cũng chẳng ngại ngần khi đưa ra những dự án và những con số bị cho là ‘lạnh lùng’ đến như vậy.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.