Viện Pháp y Tâm thần Trung ương- thêm ổ tham nhũng nay mới bị sờ đến!
2024.06.18
Sáng 16 tháng 6 năm 2024, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã bắt hai lãnh đạo Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, gồm bác sĩ Lê Văn Hùng, Viện trưởng và bác sĩ Nguyễn Thành Công, Phó viện trưởng. Ngoài ra, nhiều bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ của viện này cũng bị công an triệu tập dẫn đến chuyện không còn cán bộ làm việc. Bộ Y tế phải họp gấp.
Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa có chức năng giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật tố tụng và luật Giám định tư pháp; chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ pháp y tâm thần cho ba trung tâm pháp y tâm thần khu vực phía nam.
Theo thông tin được truyền thông Nhà nước loan tải, việc bắt giữ là để điều tra, làm rõ sai phạm trong việc điều trị, lập hồ sơ chứng nhận tâm thần cho bệnh nhân. Đây là chuyên án do Bộ Công an xác lập.
Còn liên quan vấn đề pháp luật thì có những người phạm tội nhưng được cho rằng bị bệnh tâm thần thì ra tòa sẽ được miễn tội chẳng hạn. Có thể họ cấp giấy tâm thần khống, không họp hội đồng giám định gì cả.- BS. Nguyễn Viện
Bác sĩ Nguyễn Viện nêu nhận định của ông với RFA:
“Nó liên quan nhiều đối tượng. Ví dụ công chức muốn nghỉ hưu sớm thì phải qua giám định y khoa, trong đó có giám định về tâm thần. Mà giám định tâm thần thì khám cũng không thấy gì về mặt vật lý, xét nghiệm cũng không thấy gì. Chỉ có tiếp xúc với bác sĩ qua giao tiếp, qua lời nói, thái độ, hành vi rồi bác sĩ đưa ra chẩn đoán. Do đó, chẩn đoán về tâm thần học nó dựa vào nhận định chủ quan của người bác sĩ. Nhưng khi đưa ra kết quả giám định sức khỏe tâm thần thì cũng mời một số bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Còn liên quan vấn đề pháp luật thì có những người phạm tội nhưng được cho rằng bị bệnh tâm thần thì ra tòa sẽ được miễn tội chẳng hạn. Có thể họ cấp giấy tâm thần khống, không họp hội đồng giám định gì cả.”
Một nhà quan sát tình hình chính trị trong nước nêu quan điểm của ông với RFA:
“Về mặt pháp luật thì bị can, bị cáo bị tâm thần có giấy xác nhận của cơ quan chuyên môn thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Về mặt thực tế, đã có nhiều quan chức cao cấp, trung cấp khi bị truy tố ra tòa thì có giấy xác nhận tâm thần. Như vậy, việc lợi dụng bị tâm thần để trốn tội gây ra đàm tiếu, cười cợt trong dư luận, làm mất danh dự của đảng viên ĐCSVN. Nhân sự được lựa chọn theo quy trình rất kỹ lưỡng với nhiều mỹ từ, thế nhưng ra tòa là bị tâm thần. Chắc chắn có sự thông đồng giữa viện tâm thần này với các quan chức bị truy tố để cấp giấy xác nhận tâm thần cho họ nhằm trốn tội.
Việc bắt từ viện trưởng, viện phó cho đến bác sĩ cho thấy đây là một căn cứ để xác nhận mấy tờ giấy xác nhận tâm thần của một số quan chức được mua bằng tiền. Và điều này được Bộ công an theo dõi từ lâu trước khi chuyên án được công bố”.
Nhà quan sát này dự đoán sắp tới sẽ có những nhân vật cao cấp bị bắt tiếp, và dường như Bộ Công an cũng đã nghe ngóng và nắm bắt thông tin sẽ có trò gian lận xác nhận tâm thần để tránh tội.
“Do đó, việc Bộ Công an bắt Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa là để ngăn chặn việc lợi dụng giấy xác nhận tâm thần trốn tội”, ông kết luận.
Chuyện một số quan chức ra tòa có giấy chứng nhận tâm thần không còn là chuyện lạ với người dân. Tại phiên họp toàn thể đánh giá về tình hình phòng chống tham nhũng diễn ra tại Hà Nội từ 10 năm trước, ngày 15 tháng 9 năm 2014, ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lưu ý, rất nhiều vụ án tham nhũng sau khi khởi tố điều tra thì bị can bị cáo bị bệnh tâm thần, phải chờ để giám định, hoặc bị đình chỉ khiến vụ án kéo dài. Ông Đương cho rằng loại tội phạm này thì không cần phải đi giám định tâm thần nữa.
Việc bắt từ viện trưởng, viện phó cho đến bác sĩ cho thấy đây là một căn cứ để xác nhận mấy tờ giấy xác nhận tâm thần của một số quan chức được mua bằng tiền. Và điều này được Bộ công an theo dõi từ lâu trước khi chuyên án được công bố. - Nhà quan sát
Báo chí Nhà nước cũng từng đặt vấn đề quan chức ra tòa có giấy chứng nhận tâm thần, như báo Tuổi Trẻ có bài ‘Tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế!’; báo Dân trí có bài ‘Tại sao cứ phạm tội là bị tâm thần’ bài ‘Từ “hội chứng tâm thần tham nhũng” đến giang hồ… “chạy bệnh điên”!’; báo Thanh niên có bài ‘Tội phạm tham nhũng thường... tâm thần’…
Cách đây vài năm, khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phải ra tòa về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, thì được đề nghị giảm án do có ‘tiền sử bị bệnh tâm thần’.
Có ý kiến cho rằng, việc bắt hai lãnh đạo của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa là một bước ngăn chặn nạn “giả tâm thần” để tránh sự trừng phạt của luật pháp trong công cuộc đốt lò của ông Trọng.
Theo quy định của pháp luật thì kết luận pháp y là một nguồn chứng cứ để cơ quan tiến hành tố tụng tham khảo, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền bác bỏ, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng lại không có chuyên môn nên có thể yêu cầu giám định lại nếu có nghi ngờ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, giám định lại thì kết quả cũng không khác. Ông nói với RFA:
“Nếu có giấy xác nhận bị bệnh tâm thần thì có thể không bị khởi tố, cho nên cũng có nhiều quan chức phải “chạy” cho được những tờ giấy này để miễn bị truy tố. Đây cũng là một câu chuyện trong công cuộc đốt lò thôi. Chắc họ phát hiện ra có nhiều vị tai to mặt lớn có giấy tâm thần để trốn tội, nên mục đích trong vụ này có thể là tốt, theo nghĩa cho công bằng hơn. Điều này đúng thôi.
Nhưng bản thân cái cuộc đốt lò này cũng có đại vấn đề mà đánh giá thì không đơn giản. Cả cái hệ thống thối nát thì có chặt chỗ này cũng còn chỗ khác. Không bớt thối nát đi được”.
Sau vụ bắt giữ lãnh đạo và bác sĩ Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Bộ Y tế đề nghị Thanh tra Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý khám, chữa bệnh tiến hành thanh tra đột xuất ngay đối với các đơn vị có biểu hiện vi phạm trong giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh, đồng thời hằng năm đưa nội dung này vào kế hoạch thanh tra trình Bộ Y tế xem xét, quyết định.