Trung Quốc đã bắt đầu một tháng diễn tập quân sự ở Biển Đông từ thứ Hai tuần này và cáo buộc các quốc gia khác làm căng thẳng thêm tình hình bằng việc gia tăng hiện diện quân sự của họ tại các vùng biển có tranh chấp.
Thứ Sáu tuần trước, Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc tuyên bố một khu vực có diện tích khoảng 80km2 trong vùng biển của Trung Quốc ở phía Tây bán đảo Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông và phía Bắc đảo Hải Nam sẽ được đóng để dành cho hoạt động diễn tập từ ngày 1-31/3/2021.
Những cuộc diễn tập này diễn ra sau nhiều cuộc tập trận của quân đội nước ngoài trong vùng biển tranh chấp tại Biển Đông, điều có vẻ đã làm Bắc Kinh tức giận.
Trong hai tháng vừa qua, Hải quân Mỹ đã liên tục thực thi "các hoạt động tự do hàng hải" (FONOPS) và các hoạt động khác như vậy ở Biển Đông và hải quân Pháp cũng ghé qua vùng biển này. Các quốc gia khác như Anh và Đức được cho là cũng đang có kế hoạch điều tàu hải quân tới khu vực này như RFA đã thông tin trước đây.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói hôm thứ hai (1/3) rằng bộ này “kiên quyết phản đối bất cứ quốc gia nào gia tăng hiện diện quân sự trên Biển Đông dưới chiêu bài “tự do hàng hải”, tạo ra bầu không khí căng thẳng, xen vào các vấn đề khu vực và làm tổn hại tới lợi ích của các quốc gia trong khu vực”

Cục An toàn Hàng hải thông báo rằng các cuộc diễn tập mới nhất này của Trung Quốc sẽ diễn ra trong khoảng bán kính 5 km tính từ một điểm ngoài bờ biển của tỉnh Quảng Đông trong khu vực Vịnh Bắc Bộ. Trung Quốc chưa công bố thêm thông tin về những cuộc diễn tập này.
Diễn tập kéo dài một tháng được bắt đầu hôm thứ hai chỉ là một hành động quân sự mới nhất của Trung Quốc tại Biển Đông – nơi Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Đài Loan, Malaysia và Brunei đang có những tranh chấp chồng chéo về lãnh thổ và hàng hải.
Ví dụ, các máy bay ném bom của Trung Quốc gần đây đã thực hiện các cuộc diễn tập tấn công trong khu vực Biển đông và máy bay của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã liên tục đi vào khu vực nhận diện phòng không của Đài Loan (ADIZ) giữa quần đảo Đông Sa và vùng đất liền của Đài Loan. Các quốc gia thường yêu cầu máy bay phải tuân thủ một số quy trình nhận diện khi đi vào khu vực nhận diện phòng không của nước họ.
Theo Tân Hoa Xã, Hải quân của Quân đội Nhân dân Trung Quốc cũng tiến hành một cuộc diễn tập chung với Hải quân Singapore trong tuần trước. Theo một báo cáo được xuất bản bởi Viện Nghiên cứu Hàng hải Trung Quốc, Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ trong tháng 9/2020, hải quân Trung Quốc thường xuyên tham gia vào các hoạt động ngoại giao hải quân để hỗ trợ các mục tiêu chiến lược và chính trị.
Oriana Skylar Mastro, một chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli của Đại học Standford nói với RFA rằng: "Các hoạt động quân sự của Trung Quốc đang trở nên ngày càng thường xuyên trên Biển Đông".
“Một phần việc này diễn ra khá tự nhiên khi quân đội Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn và cố gắng thử và hoàn thiện năng lực quân sự của mình”
Nhưng những hoạt động này cũng nhằm truyền đi sự quyết tâm và răn đe của Bắc Kinh đối với cường quốc khác, ông Mastro nói.
Nỗ lực tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và trên biển rộng lớn của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng trong khu vực Biển Đông trong những năm gần đây, thu hút cả các quốc gia không tuyên bố chủ quyền trong khu vực như Mỹ, Pháp và Nhật Bản.
Tuần trước, Kyodo News đưa tin theo những nguồn tin của Chính phủ Nhật Bản, Trung Quốc đã đệ đơn phản đối Nhật Bản vào năm 2018 sau khi hai máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bay gần đảo nhân tạo của Trung Quốc được xây dựng trên Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.
Nhật Bản dường như đã trích dẫn vụ việc này trong một công hàm ngoại giao gửi Liên Hợp Quốc, trong đó Nhật Bản bác bỏ tuyên bố đường cơ sở của Trung Quốc và tố cáo những nỗ lực hạn chế tự do hàng hải và tự do hàng không trong khu vực Biển Đông. Công hàm của Nhật Bản là đề nghị mới nhất trong một loạt công hàm ngoại giao từ nhiều nước như Anh, Pháp, Đức, Malaysia, Úc, Mỹ, Indonesia, Vietnam và Philippines phản đối những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.