Sức mạnh “mềm” của Trung Quốc sẽ được tăng cường qua Cung hữu nghị Việt-Trung?
2017.11.16
Cung hữu nghị Việt-Trung vừa được khánh thành, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Quốc hội việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân. Dư luận trong nước, một lần nữa lại dấy lên lo ngại rằng Bắc Kinh có thể sử dụng kênh giao lưu văn hóa để bành trướng sức mạnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Việt Nam
Gia tăng sức mạnh “mềm”
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức hai ngày đến Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, vào chiều ngày 12 tháng 11, ông Tập cùng Chủ tich Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Lễ khánh thành Cung hữu nghị Việt-Trung và khai trương Trung tâm Văn hóa Trung Quốc tại Hà Nội.
Sự kiện vừa nêu được dư luận rất quan tâm. Tiến sĩ chuyên ngành Hán-Nôm Nguyễn Xuân Diện nói với RFA theo ghi nhận của ông thì dân chúng Việt Nam không tỏ ra phấn khởi khi Chính phủ Hà Nội đón nhận thêm một trung tâm giao lưu văn hóa như thế. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện giải thích thắc mắc của nhiều người rằng vì sao Cung hữu nghị Việt-Trung và Trung tâm Văn hóa Trung Quốc được đặt chung tại một nơi rộng lớn và bề thế ngay trong thủ đô của Việt Nam:
Trong khi tuyên truyền về văn hóa Trung Hoa sẽ bao gồm tất cả tư tưởng chủ nghĩa bành trướng hiện đại của Trung Quốc. Vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa là vấn đề rất lớn. Đây không phải là chuyện ngoài Biển Đông đâu, mà là mang tư tưởng bành trướng Đại Hán cắm ngay ở thủ đô Hà Nội. Tôi cho đó là một sự xúc phạm rất lớn đối với những tư tưởng độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam
-GS. Ngô Đức Thọ
“Điều đó cho thấy người Trung Quốc không còn muốn đóng gói lại ở trong các Viện nghiên cứu nữa, mà muốn bung ra thành những trung tâm văn hóa. Thế thì, khi cả hai Cung hữu nghị Việt-Trung và Trung tâm Văn hóa Trung Quốc đặt ở cùng một nơi gây ra rất nhiều lo ngại. Bởi vì cả hai thực chất là trung tâm để quảng bá cho vấn đề du học, du lịch, học Hoa ngữ và là nơi tụ tập của những người Trung Quốc tại Việt Nam, ví dụ như lưu học sinh, nghiên cứu sinh hoặc những công viên chức và các doanh nghiệp đang sống ở Hà Nội. Mục đích là như vậy.”
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện khẳng định những trung tâm văn hóa của các nước góp phần làm phong phú thêm cho hoạt động văn hóa của Việt Nam, tăng cường giao lưu văn hóa, cũng như thể hiện sự tôn trọng và sáng tạo trong chừng mực mà những nền văn hóa đặt cạnh nhau để cùng tỏa sáng. Một số trung tâm văn hóa hoạt động rất tốt tại Việt Nam mà Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện kể tên như Trung tâm Văn hóa của Nhật Bản, của Hàn Quốc, của Pháp, của Anh và của Đức…Tuy nhiên, riêng Trung tâm Văn Hóa Trung Quốc thì những người quan tâm lo ngại rằng cùng với Học viện Khổng tử, được thành lập tại trường Đại Học Hà Nội sẽ là những kênh mà Chính phủ Bắc Kinh dùng để tuyên truyền có lợi cho Trung Quốc.
Ngay sau khi truyền thông quốc nội loan tin Viện Khổng Tử đặt tại Việt Nam với tiêu chí hoạt động nhằm quảng bá văn hóa và dạy ngôn ngữ Trung Hoa hồi cuối tháng 12 năm 2014, Tiến sĩ Vũ Cao Phan, nguyên Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Trung, Cố vấn Viện Chính trị và Quan hệ Quốc tế, Đại Học Bình Dương đã nêu lên quan điểm cá nhân của ông với RFA:
“Tôi hoan nghênh việc Trung Quốc phát triển văn hóa khắp thế giới. Nhưng chúng ta phải luôn luôn thấy rằng trong phát triển và quảng bá văn hóa thì Trung Quốc luôn luôn đưa những mục đích khác vào. Có thể là Trung Quốc sẽ rất khôn khéo đưa những vấn đề liên quan đến Trường Sa, Hoàng Sa, Biển Đông một cách nào đó qua quảng bá của họ để tuyên truyền.”
Giao lưu một chiều
Nhận định của Tiến sĩ Vũ Cao Phan trùng với quan điểm của không ít các chuyên gia nghiên cứu nước ngoài là đánh giá Học viện Khổng Tử như một chương trình thực hiện “quyền lực mềm” nhằm quảng bá kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ và ngoại giao của Trung Quốc. Các chuyên gia nghiên cứu cho rằng đó là lẽ đương nhiên khi một quốc gia có quyền lực mạnh mẽ thì quốc gia đó sẽ quảng bá văn hóa của họ để đạt được hai mục đích, bao gồm thúc đấy kinh kế thông qua giao thương văn hóa và phổ biến văn hóa nhằm thực hiện ý thức hệ của quốc gia đó.
Mặc dù giới nhân sĩ trí thức trong nước và những người quan tâm đến hiện tình đất nước Việt Nam không bài trừ văn hóa Trung Hoa, vốn gắn bó và ảnh hưởng sâu rộng ở Việt Nam trong hàng thế kỷ, tuy nhiên rất nhiều người lên tiếng rằng Chính phủ Hà Nội đã không cân nhắc kỹ lưỡng trước động thái Bắc Kinh sẵn sàng đầu tư cho việc quảng bá văn hóa Trung Quốc một cách mạnh mẽ tại Việt Nam. Giáo sư Ngô Đức Thọ, công tác tại Viện Hán Nôm Hà Nội tỏ ra lo lắng. Ông nói với RFA rằng đó là sự sai lầm của chính quyền:
Trung tâm Văn hóa Trung Quốc hay Cung hữu nghị Việt-Trung ở Hà Nội chỉ có trưng bày những thứ thuộc về văn hóa Trung Quốc. Ngược lại, người Việt Nam tổ chức những sự kiện đậm màu sắc dân tộc để giao lưu, như một hình thức chứng minh văn hóa Việt Nam thông qua những điệu múa, bài hát…khác biệt thì tôi cho rằng Việt Nam sẽ không thực hiện được
-TS.Nguyễn Xuân Diện
“Trong khi tuyên truyền về văn hóa Trung Hoa sẽ bao gồm tất cả tư tưởng chủ nghĩa bành trướng hiện đại của Trung Quốc. Vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa là vấn đề rất lớn. Đây không phải là chuyện ngoài Biển Đông đâu, mà là mang tư tưởng bành trướng Đại Hán cắm ngay ở thủ đô Hà Nội. Tôi cho đó là một sự xúc phạm rất lớn đối với những tư tưởng độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.”
Quay trở lại việc khánh thành và đưa vào hoạt động đối với Cung hữu nghị Việt-Trung và Trung tâm Văn hóa Trung Quốc, các chuyên gia văn hóa của Việt Nam cũng lo ngại rằng những hoạt động giao lưu chỉ là một chiều vì người Trung Quốc một mực khẳng định văn hóa của Việt Nam là thuộc về của Trung Quốc. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện lập luận:
“Trung tâm Văn hóa Trung Quốc hay Cung hữu nghị Việt-Trung ở Hà Nội chỉ có trưng bày những thứ thuộc về văn hóa Trung Quốc. Ngược lại, người Việt Nam tổ chức những sự kiện đậm màu sắc dân tộc để giao lưu, như một hình thức chứng minh văn hóa Việt Nam thông qua những điệu múa, bài hát…khác biệt thì tôi cho rằng Việt Nam sẽ không thực hiện được.”
Cung hữu nghị Việt-Trung tọa lạc trong công viên rộng 3,3 héc-ta, với diện tích xây dựng gần 14 ngàn m2, bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Đây là sẽ là nơi tổ chức các hoạt động giao lưu nhân dân, văn hóa, nghệ thuật và hội nghị…
Việt Nam từng bị Trung Quốc đô hộ theo chiều dài lịch sử, mà người dân Việt thường gọi là “ngàn năm Bắc thuộc”. Kể từ sau cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc hồi tháng 4 năm 1975, Việt Nam và Trung Quốc có cùng hệ thống chính trị, do Đảng Cộng Sản điều hành quốc gia.
Mặc dù hai nước luôn chủ trương duy trì mối quan hệ hữu nghị mật thiết, nhưng vẫn có những giai đoạn căng thẳng liên quan tranh chấp lãnh thổ; điển hình là cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 do Trung Quốc chủ động tấn công, gây ra hàng chục ngàn cái chết thương tâm cho những thường dân Việt Nam ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai và số liệu thương vong cho đến nay vẫn chưa được thống kê đầy đủ cũng như công bố chính thức. Bên cạnh đó, xung đột tại Biển Đông giữa hai nước vẫn kéo dài và tiếp diễn, mà Việt Nam luôn bị cho là yếu thế trước người anh khổng lồ Trung Quốc.