Video quảng bá quân sự ám chỉ về sự ra mắt tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc

2022.04.25
Video quảng bá quân sự ám chỉ về sự ra mắt tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc Ảnh chụp màn hình video kỷ niệm Ngày Hải quân Trung Quốc 23/4/2022 do Cơ quan Tuyên truyền thuộc Cục Chính trị Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và các tài khoản Webo và WeChat chính thức của quân đội Trung Quốc.
Global Times

Theo giới chuyên gia và truyền thông Trung Quốc, một video quảng bá quân sự mà nước này mới phát sóng cho thấy tàu sân bay thứ ba của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có thể sớm được hạ thủy.

Một video dài sáu phút , do Cục Chính trị Hải quân PLA và truyền hình quân đội sản xuất và phát sóng vào thứ sáu tuần trước đã giới thiệu sơ lược về chương trình tàu sân bay của Trung Quốc và cách thức hoạt động của các tàu sân bay và quân nhân PLA.

Trung Quốc hiện có hai tàu sân bay đang hoạt động là Liêu Ninh và Sơn Đông. Chiếc thứ ba đang được đóng và video nói trên dường như ngụ ý rằng thời điểm hạ thủy hàng không mẫu hạm này đang đến gần.

Video này được phát sóng nhân kỷ niệm Ngày Hải quân của Trung Quốc - rơi vào thứ bảy tuần trước. Phần cuối video có đoạn một sĩ quan nhận cuộc gọi từ mẹ đẻ - người dường như thúc giục anh ta có "đứa con thứ ba". Đáng chú ý vị sĩ quan này đã trả lời: "Việc đó đang được sắp xếp rồi.” 

Sau đó, máy quay lướt đến hai hình ảnh boong tàu nơi máy bay cất cánh - một tham chiếu rõ ràng về hai tàu sân bay đầu tiên - trước khi chuyển sang một màn hình trống và phần giới thiệu những người tham gia làm phim.

Ngụ ý này đã khiến một số phương tiện truyền thông Trung Quốc phấn khích. Tờ Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo lá cải của Chính phủ Trung Quốc viết: “Đây là một ngụ ý rất rõ ràng rằng hàng không mẫu hạm thứ ba của đất nước sắp ra mắt! ”

Tờ báo này dẫn lời ông Song Zhongping, một chuyên gia quân sự đồng thời là bình luận viên truyền hình của Trung Quốc nói rằng tàu sân bay thứ ba, được biết đến với tên gọi Type 003, có thể được hạ thủy “vào nửa cuối năm 2022”.

Tờ báo cho biết tàu sân bay có thể được đặt tên là Giang Tô (Jiangsu), theo tên một tỉnh ở miền đông Trung Quốc.

2018-04-24T000000Z_1982020106_RC19BCE38300_RTRMADP_3_CHINA-MILITARY.JPG
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tham gia một cuộc tập trận quân sự của Hải quân Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương ngày 18/4/2018. Ảnh: Reuters

Đóng cửa vì COVID

Sheu Jyh-Shyang, chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh (INDSR) của Đài Loan cho biết: “Video này cho thấy có vẻ như tàu sân bay thứ ba của Trung Quốc sẽ được hạ thủy trong tương lai gần".

Trong một báo cáo vào tháng 11 năm ngoái, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ cho biết rằng lễ hạ thủy "có thể diễn ra sớm nhất là vào tháng 2 năm 2022". Tuy nhiên, sự kiện này đã bị trì hoãn nhiều lần do Trung Quốc đang phải vật lộn với đại dịch COVID.

Gần đây, các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt đã được áp dụng tại Thượng Hải, quê hương của Nhà máy đóng tàu Giang Nam, nơi tàu Type 003 đang được đóng. Tình hình COVID đã làm gián đoạn việc đóng tàu và có thể đã gây ra sự chậm trễ trong việc vận chuyển các bộ phận của con tàu.

So với hai tàu sân bay đầu tiên, Type 003 có vẻ lớn hơn và có một số cấu phần quan trọng mới, trong đó hệ thống phóng máy bay từ tàu. 

Chuyên gia Sheu từ INDSR cho biết: “Đây là tàu sân bay có hệ thống hỗ trợ cất cánh, hạ cánh CATOBAR đầu tiên mà Trung Quốc có".

Ông nói thêm: “Với CATOBAR, các tàu sân bay có năng lực tốt hơn nhiều, nhưng họ [Trung Quốc] vẫn cần có đủ kinh nghiệm điều hành."

Báo cáo của CSIS hồi tháng 11 năm ngoái cũng cho biết sau khi hạ thủy, sẽ phải mất nhiều năm để tàu Type 003 được biên chế cho Hải quân PLA và đạt tới khả năng hoạt động ban đầu.

Theo Văn phòng Tình báo Hải quân Hoa Kỳ , Trung Quốc đã có hạm đội hải quân lớn nhất thế giới. Nhưng Mỹ có nhiều hàng không mẫu hạm hơn nhiều: 11 chiếc so với hai chiếc của Trung Quốc.

4-22-2022 aircraft carrier vid screengrab.png
Ảnh chụp màn hình video kỷ niệm Ngày Hải quân Trung Quốc 23/4/2022 do Cơ quan Tuyên truyền thuộc Cục Chính trị Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và các tài khoản Webo và WeChat chính thức của quân đội Trung Quốc. Ảnh Global Times

Dễ bị tổn thương như soái hạm 'Moskova'

Bộ Quốc phòng Đài Loan, cơ quan đang theo dõi chặt chẽ các diễn biến quân sự của Trung Quốc, cho biết trong một báo cáo được công bố đầu năm nay rằng Type 003 sẽ cho phép Hải quân PLA có sức mạnh vượt qua “chuỗi đảo đầu tiên”.

Chuỗi đảo đầu tiên, khái niệm được hình thành trong Chiến tranh Lạnh, thường được dùng để chỉ các quần đảo lớn nằm ngoài khơi bờ biển lục địa Đông Á. Chuỗi này trải dài từ Bán đảo Kamchatka ở phía đông bắc đến Bán đảo Mã Lai ở phía tây nam, và bao gồm lãnh thổ của hai đồng minh của Hoa Kỳ là Đài Loan và Philippines.

Các nhà quan sát Đài Loan cũng chú ý đến kế hoạch mua sắm máy bay chiến đấu mới cho tàu sân bay Type 003 của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).

“Hai hàng không mẫu hạm đầu tiên chỉ có máy bay chiến đấu J-15 và có thể một số trực thăng nhưng chiếc thứ ba có thể có một số máy bay KJ-600 có khả năng kiểm soát và cảnh báo sớm trên không (AEW&C) KJ-600” - nhà phân tích quân sự Sheu cho biết.

Xian KJ-600 được cho là có thể phát hiện và theo dõi chính xác các máy bay khác, do đó làm tăng đáng kể hiệu quả của các máy bay tác chiến trên tàu sân bay.

Trong khi đó, truyền thông Đài Loan cũng đang xem xét báo cáo cho rằng tên lửa Neptune của Ukraine đã đánh chìm tàu chiến "Moskva" của Nga vào tuần trước.

Nga cho biết tàu chiến này đã bị hư hại trong một vụ cháy không rõ nguyên nhân.

Tàu tuần dương tên lửa Moskva được đóng tại Nhà máy đóng tàu Mykolaiv trên Biển Đen ở Ukraine - cũng là nơi chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được đóng từ thời Liên Xô cũ. Bắc Kinh đã mua chiếc tàu này, sau đó gọi là Varyag và rồi đổi thành Liêu Ninh.

Tàu Liêu Ninh thường xuyên tuần tra eo biển Đài Loan và có thể được triển khai trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang với hòn đảo tự trị này. Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai sẽ được hợp nhất với đại lục.

Tờ  Thời báo Tự do (Liberty Times) của Đài Loan dẫn lời một nhà phân tích nói rằng “Đài Loan có kho vũ khí tên lửa chống hạm lớn hơn và mạnh hơn Ukraine”.

Các tàu sân bay Trung Quốc có thể “bị tấn công và dễ bị tổn thương như 'Moskva' trước tên lửa chống hạm của Đài Loan” – tờ báo này nhận định.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.