Trung Quốc hiện thực hóa bành trướng biển Đông và giải pháp nào cho Việt Nam


2018.12.07
000_GD8M9.jpg Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự trên các đảo tại khu vực Biển Đông.(Ảnh minh họa)
AFP

Trung Quốc hiện thực hóa mưu đồ bành trướng Biển Đông

Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tiếp có những động thái gây căng thẳng trên Biển Đông, chèn ép các quốc gia khác trong khu vực, như xây dựng, mở rộng và quân sự hóa các đảo, đá mà nước này xâm chiếm được tại Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; thường xuyên tổ chức tập trận bắn đạn thật, ... Trong năm 2018, Trung Quốc càng tỏ rõ mưu đồ bành trướng trên Biển Đông qua các phát biểu chính thức.

Theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng – Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, tuyên bố và hành động xâm chiếm của Trung Quốc đối với các đảo trên Biển Đông của Việt Nam đã diễn ra từ lâu, ngay trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam cho đến bây giờ.

“Đây không phải là sự ngẫu nhiên. Quá trình này nằm trong chính sách được thiết kế, được tính toán khá kỹ lưỡng. Người ta thực hiện lúc nào, hành động lúc nào, cái đó là do những tính toán chiến thuật, chiến lược. Cho nên không phải đến bây giờ chúng ta mới biết Trung Quốc có một chiến lược hẳn hỏi để chiếm Biển Đông, mà chúng ta đã biết từ lâu, thậm chí từ trong chiến tranh.”

Đáp lại những động thái đó, Tiến sỹ Thắng cho biết, tùy vào hoàn cảnh lịch sử, bối cảnh quốc tế và khu vực, nhất là quan hệ song phương giữa hai quốc gia cộng sản, mà chính quyền Việt Nam có phản ứng công khai hoặc đấu tranh thầm kín.

Đây không phải là sự ngẫu nhiên. Quá trình này nằm trong chính sách được thiết kế, được tính toán khá kỹ lưỡng. Người ta thực hiện lúc nào, hành động lúc nào, cái đó là do những tính toán chiến thuật, chiến lược.
- TS. Đinh Hoàng Thắng

Ông Thắng đánh giá, sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tháng 4/2014 là một mốc quan trọng trong việc Trung Quốc công khai trước thế giới về chính sách bành trướng trên Biển Đông.

“Có thể nói đây là phép thử của họ. Họ vừa thử phản ứng của Việt Nam - ở đây có hai loại phản ứng: của nhà nước và của người dân. Thứ hai là họ thách thức dư luận trong khu vực, trong đó có dư luận của thế giới, của Mỹ và các nước khác.”

Mặt khác, chuyện kéo giàn khoan HD-981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam còn một lúc đạt nhiều mục đích, trong đó có việc “dương đông kích tây”, đánh lạc hướng truyền thông và sự chú ý của cộng đồng quốc tế, nhằm xây dựng, mở rộng, quân sự hóa các đảo, đá tại Trường Sa ngay trong mùa hè năm 2014.

Ngoài phương diện quân sự, ngoại giao, Trung Quốc còn nhiều biện pháp khác để khẳng định chủ quyền của họ trong đường lưỡi bò phi pháp, trong đó có cả nghề cá. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn chỉ nghe và thấy những đoàn tàu cá của Trung Quốc tràn xuống Biển Đông, thì nay GS-TS Nguyễn Hữu Dũng – Chủ tịch Hội nuôi biển Việt Nam cảnh báo một mối nguy mới.

Năm 2017, Nhà máy đóng tàu Thanh Đảo, Trung Quốc đóng thuê cho Na Uy một lồng nuôi cá đại dương có tên “Ocean Farm No.1” với đường kính 110m, cao 67m, nặng 7700 tấn, bằng thép. Từ đó, Trung Quốc lấy được công nghệ và đầu tư 1 tỷ USD để sản xuất đại trà các lồng nuôi tương tự, với đường kính lớn hơn để đưa ra các vùng biển xa có tranh chấp, trong đó có Biển Đông.

“Ta tưởng tượng với 1 tỷ USD, nếu họ đóng hàng chục cái lồng nuôi lớn như thế thả vào Vịnh Bắc Bộ và vùng nước đang tranh chấp, thì an ninh của chúng ta sẽ như thế nào?”

Trong khi đó, khi thăm Quân khu phía Nam và Hạm đội Nam Hải trong tháng 10 vừa qua, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố quân đội nước này sẵn sàng chuẩn bị cho chiến tranh khiến các nước trong khu vực phải nâng cao cảnh giác.

Giải pháp bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam

Trong mọi cuộc tiếp xúc và tuyên bố, Việt Nam và các bên khác đều nêu đến việc giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực, và dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Tuy nhiên, sau hơn hai năm Tòa Trọng tài Quốc tế PCA ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò chín đoạn - yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc, thì phán quyết này vẫn chưa có ý nghĩa, hiệu lực trên thực tế và dần trôi vào quên lãng.

Trung Quốc – một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã không tham gia quá trình tố tụng tại PCA từ khi Philippines khởi kiện, và sau khi có phán quyết, nước này đã phản ứng quyết liệt, tuyên bố bác bỏ và không thực thi. Trong khi đó, các nước khác (bao gồm cả Việt Nam) phản ứng thận trọng, và bản thân Philippines còn làm nhẹ đi tác động của phán quyết trong thực tế. Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng cho rằng, đây là một hiện tượng tiêu cực trong quan hệ quốc tế và một tiền lệ xấu trong công pháp quốc tế.

Chủ tịch hai nước Việt Nam - Trung Quốc gặp nhau tại Hà Nội. (Ảnh minh họa)
Chủ tịch hai nước Việt Nam - Trung Quốc gặp nhau tại Hà Nội. (Ảnh minh họa)
AFP

“Luật quốc tế bao giờ cũng thế, chỉ là quy ước, quy phạm, phải được sự thống nhất của các bên. Chứ còn tính chất ràng buộc, tính pháp lý áp đặt của nó phải trên cơ sở tương quan lực lượng, mà tương quan lực lượng ở trong khu vực hiện nay thì Trung Quốc so với các bên tranh chấp thì Trung Quốc đang chiếm ghế trên. Cho nên, phải nói là nếu mà tự nguyện thì không bao giờ có chuyện Trung Quốc sẽ thực thi cái phán quyết này. Ngoại trừ có những sức ép mạnh từ những lực lượng mà một là trên hoặc ngang bằng Trung Quốc; hai là từ những tập hợp lực lượng có chiến lược hẳn hoi để ép Trung Quốc theo hướng đó.”

Vì cán cân chênh lệch như vậy, nên Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng trong nhiều năm nay đã suy nghĩ và đưa ra một biện pháp giải quyết tổng thể, một mô thức có tên là “P&DOWN”, trong đó P là Partnership – đối tác, D là Democratization – dân chủ hóa, nhằm nâng nội lực các nước nhỏ trong khu vực và tạo một liên kết (N – networking) mạnh giữa các nước nhỏ này với các nước đối tác lớn như Mỹ, Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, EU để đối trọng với một Trung Quốc ngày càng hung hăng.

“Nếu như tiềm lực, sức mạnh bên trong của mỗi nước, mỗi tổ chức không có thì không bao giờ ép được Trung Quốc. Tóm lại, hai thứ rất quan trọng là xây dựng quan hệ đối tác và thúc đẩy dân chủ hóa quan hệ quốc tế, cộng với việc tổ chức một cuộc chiến trên hai khía cạnh pháp lý và truyền thông phải làm thật mạnh. Về pháp lý là đi đâu, diễn đàn nào anh cũng phải nói rõ: anh là nước bị hại.”

Đồng quan điểm với Ts. Đinh Hoàng Thắng trong việc phải hợp tác quốc tế trong vấn đề giải quyết tranh chấp Biển Đông và bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam, GS-TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, Việt Nam nên phát triển kinh tế biển, trong đó có nuôi biển công nghiệp, dầu khí và đóng tàu với sự hợp tác đầu tư của nước ngoài.

“Tôi nghĩ là có rất nhiều quốc gia mà mong muốn được hợp tác với chúng ta để khai thác Biển Đông, vùng biển nhiệt đới rất giàu tiềm năng của chúng ta. Nếu có sự hiện diện của các quốc gia khác ở trên vùng biển của chúng ta, trong các hoạt động rất hòa bình là nuôi biển, thì đó là một sự bảo đảm rất là tốt cho chủ quyền của mình.”

Biển Đông là một vùng biển quốc tế, do đó không thể giải quyết song phương, mà phải đa phương hóa, quốc tế hóa. Đây là một thực tế khách quan mà Trung Quốc không thể tự ý thay đổi. Vì vậy, giải quyết vấn đề Biển Đông phải có sự tham gia của các cường quốc với vai trò trung tâm của ASEAN, mà Việt Nam là một thành viên chủ chốt, một bên tranh chấp.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.