Tàu khảo sát Trung Quốc bám tại EEZ Việt Nam: Bắc Kinh muốn gì?

2023.05.30
Tàu khảo sát Trung Quốc bám tại EEZ Việt Nam: Bắc Kinh muốn gì? Tàu Cảnh sát biển Việt Nam áp sát tàu Cảnh sát biển Trung Quốc trên Biển Đông
Reuters

Đến ngày 30/5, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 của Trung Quốc vẫn hoạt động trong vùng biển Việt Nam.

Theo thông tin từ trang web của nhà báo, nhà quan sát độc lập Duân Đặng, ngoài hai tàu hải cảnh 5305 và 3303, cùng một số tàu dân binh, đội hình hộ tống của tàu Hướng Dương Hồng 10 dường như được bổ sung thêm tàu Hải cảnh 4103.

Về phía Việt Nam, hai tàu kiểm ngư KN-465 và KN-469 vẫn bám sát đội hình này.

Trung Quốc muốn gì?

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cho biết theo luật quốc tế về biển thì tàu thuyền của các quốc gia khác được đi qua vùng biển của Việt Nam, nhưng phải tuân theo nguyên tắc “Đi qua không gây hại”, nghĩa là không làm phương hại đến hòa bình, trật tự hay an ninh của các quốc gia khác:

“Thế nhưng, trường hợp này nó (tàu Hướng Dương Hồng 10 - PV) không phải là đi qua mà nó đến đấy để thực hiện những hoạt động thăm dò không được phép và họ bảo rằng đó là biển của họ, thì đó là một hoạt động không còn là vô hại nữa.”

Theo ông Hà Hoàng Hợp, hành động của Trung Quốc có bốn mục tiêu chính. Thứ nhất là Trung Quốc muốn quấy rầy, xâm phạm trắng trợn chủ quyền Việt Nam:

“Họ (Trung Quốc - PV) làm vậy để chứng tỏ đó cũng là vùng biển thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc, dù là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Họ đưa các hoạt động thực địa ra để tái khẳng định cái đòi hỏi đó." 

Thứ hai, ông Hà Hoàng Hợp cho biết nếu để ý đường đi của tàu khảo sát thì “sẽ thấy rằng nó muốn phá các hoạt động khai thác dầu khí của Liên doanh Nga và Việt Nam.

Thứ ba là Trung Quốc muốn thử nghiệm một động tác mới, nằm trong tổng thể chiến thuật vùng xám của Trung Quốc:

“Cái mới ở đây là họ lần đầu tiên dùng các tàu cá có trang bị vũ trang của dân binh đi hộ tống. Từ trước đến nay chỉ có tàu hải cảnh của Trung Quốc đi kèm thôi.”

Mục tiêu thứ tư, theo tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, là Trung Quốc liên tục sử dụng chiến thuật vùng xám thách thức Việt Nam, tuyên bố chủ quyền một cách vô lý, vô pháp của họ.

Screen Shot 2023-05-31 at 11.02.28 AM.png
Tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 vẫn hoạt động trong vùng biển Việt Nam vào ngày 30/5. Ảnh: MarineTraffic

Nhận định về vụ việc lần này, giáo sư Carl Thayer, một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam, cho biết các yêu sách của Trung Quốc trên biển Đông là không có căn cứ theo luật pháp quốc tế, và trong trường hợp này là vi phạm quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển và tài nguyên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình:

“Trung Quốc dường như đang phản ứng với các hoạt động thăm dò dầu mới ở khu vực gần Bãi Tư Chính. Bằng việc cử một tàu khảo sát cùng với các tàu hộ tống, Trung Quốc đang gửi một thông điệp tới Việt Nam rằng họ không công nhận quyền tài phán của Việt Nam ở khu vực này.”

Trả lời RFA qua email, ông Vũ Xuân Khang, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành An ninh quốc tế tại Đại học Boston (Boston College) cho rằng lần này, ngoài mục đích chính là khẳng định chủ quyền của họ trên biển Đông, Trung Quốc còn có một mục đích khác ít người đề cập đến:

“Đó là cho Việt Nam thấy rằng bất chấp Hà Nội đi tìm sự ủng hộ quốc tế với vấn đề Biển Đông, sẽ không có nước nào sẵn sàng đứng về phía Việt Nam và ủng hộ Việt Nam thực chất.

Mỹ, Ấn Độ, Úc, hay Nhật Bản đều có quyền lợi ca riêng họ, và không có lý do gì họ phải giúp đỡ Việt Nam cả, và Trung Quốc muốn cho Việt Nam thấy là Việt Nam cô độc trên biển Đông và đừng nên đối đầu với Trung Quốc vô ích.” 

Phá hoại hoạt động thăm dò dầu khí của Việt - Nga

Theo Reuters, tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 đã di chuyển phần lớn qua lô khí đốt 04-03, do Vietsovpetro, một liên doanh giữa Zarubezhneft và PetroVietnam, vận hành.

Nó cũng thường xuyên đi qua các lô 132 và 131 mà Việt Nam đã cấp phép cho Vietgazprom, một liên doanh giữa tập đoàn khổng lồ Gazprom của Nga và PetroVietnam. Trung Quốc đã đưa ra các hồ sơ dự thầu cạnh tranh để cấp phép cho hai lô đó.

Theo ông Hà Hoàng Hợp, việc di chuyển lại gần khu vực khai thác nêu trên cho thấy Trung Quốc muốn quấy phá hoạt động khai thác bình thường, hợp pháp của liên doanh Nga - Việt:

“Tính chất của  việc làm này là rất nặng nề. Trung Quốc thấy rằng nước Nga đang gặp phải vụ rắc rối ở Ukraine cho nên họ quấy phá, họ muốn đuổi người Nga đi khỏi vùng này, nhưng mà không bao giờ có thể đuổi được Nga bởi vì Nga không có một thỏa thuận nào để rút khỏi cái vùng biển đó.”

Phân tích thêm về việc Trung Quốc quấy rối trong lô dầu khí mà Nga và Việt Nam đang vận hành, giáo sư Carl cho biết, trong năm 2017 và 2018, Trung Quốc đã phản đối các hoạt động thăm dò của Repsol của Tây Ban Nha và Rosneft của Nga ở vùng biển gần Bãi Tư Chính.

Năm 2019, Trung Quốc triển khai tàu khảo sát và hộ tống đến Bãi Tư Chính để quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí của Repsol của Tây Ban Nha. Trung Quốc được cho là đã đưa ra những lời đe dọa buộc lãnh đạo Việt Nam khi đó phải ra lệnh dừng hoạt động và trả tiền bồi thường cho Repsol.

Trong thời gian gần đây, các quan chức Chính phủ Nga đã từ chối yêu cu của Trung Quốc là ra lệnh cho Rosneft ngừng hoạt động. Tình hình lần này khác vì Nga phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc do cuộc chiến của Putin ở Ukraine.

Trong một bức tranh lớn hơn, tập đoàn Gazprom của Nga có lợi ích từ Lô Cá Ngừ của Indonesia. Tập đoàn này có kế hoạch dẫn khí đốt đến Việt Nam bằng cách kết nối với cơ sở hạ tầng trong khu vực Bãi Tư Chính. Trung Quốc muốn gây áp lực lên cả chính quyền Hà Nội và Jakarta để làm gián đoạn các kế hoạch vừa nêu.

Trung Quốc sẽ tăng cường quấy nhiễu

Theo Giáo sư Carl Thayer, khu vực chính mà Trung Quốc muốn nhắm đến hiện nay là Biển Tây Philippines, do hợp tác quốc phòng giữa Philippines và Hoa Kỳ được tăng cường. Trung Quốc không có lợi khi kích động sự đối đầu ở vùng biển mà cả Philippines, Indonesia và Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Do đó, ông đưa ra dự báo:

“Trung Quốc có thể sẽ ưu tiên tăng cường áp lực lên Philippines. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không bỏ mặc Việt Nam và Indonesia. Tàu Trung Quốc rất có thể sẽ quay trở lại  đồng thời Trung Quốc sẽ đưa ra lời cảnh báo và áp lực ngoại giao đối với Jakarta và Hà Nội.

Ông Vũ Xuân Khang dự đoán, sắp tới, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục khẳng định chủ quyền mà họ tuyên bố và cho Việt Nam thấy rằng Việt Nam không có cơ hội đối đầu với Trung Quốc trên biển:

“Cần nhớ rằng Việt Nam chưa bao giờ thắng một trận hải chiến ngoài khơi với Trung Quốc, nên Trung Quốc hoàn toàn tự tin vào khả năng bắt nạt Việt Nam trên biển.” 

Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp cho rằng, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh sử dụng chiến thuật vùng xám và chiến thuật này sẽ leo thang đến gần giới hạn giữa vùng xám và xung đột vũ trang:

“Trong trường hợp đó, Việt Nam vốn là nước đã có kinh nghiệm trong việc tiến hành các biện pháp để phòng thủ quốc gia trong bối cảnh bất cân xứng, cho nên không có gì phải sợ cả. Tất nhiên là Việt Nam không bao giờ muốn phải đánh nhau, thế nhưng mà một khi đã bị tấn công thì ta sẽ đáp trả.”

Tuy nhiên, theo tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, hiện Việt Nam vẫn còn nhiều phương cách phi quân sự khác nhau, như là các biện pháp về đối ngoại Nhà nước, quốc phòng, đối ngoại an ninh và đối ngoại nhân dân… để ngăn chặn xung đột từ sớm.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Nguyễn Văn
30/05/2023 19:30

Nếu nói Tàu Cộng xâm phạm vào vùng EEZ của VN là để khẳng định chủ quyền thì họ đã xua đuổi tàu của VN rồi chứ không để bị bám đuôi.

Tàu dám hành động ngang ngược là bởi vì VN luôn ở thế yếu, không dám kháng cự và đối đầu, bên cạnh đó là không có đồng minh. Và nếu Hà Nội cứ tiếp tục theo chính sách 3 Không thì VN sẽ tiếp tục còn bị bắt nạt mà không có ai bênh vực. Mỹ nhiều lần thăm viếng VN và níu kéo nhưng Hà Nội không dám ngả về Mỹ để bảo vệ đất nước. Cơ hội này nhiều nước trong khu vực muốn được mà không được. Cuối cùng Mỹ cũng hiểu vì sao Hà Nội không muốn hợp tác với Mỹ để bảo vệ lợi ích chung, đó không phải là vì Hà Nội sợ Tàu mà là sợ những diễn biến hòa bình dẫn đến chế độ sẽ sụp đổ. Mấu chốt của vấn đề từ nhiều năm nay là vậy. Dù Mỹ và EU đổ nhiều tiền vào đầu tư nhưng cũng chỉ để VN phát triển kinh tế thoát cảnh nghèo chứ không làm đảng cộng sản VN thay đổi chính sách để thoát ảnh hưởng của kẻ thù phương bắc và bảo vệ đất nước.

Hà Nội chỉ giao hảo và làm ăn với tư bản về kinh tế nhưng về chính trị thì vẫn không muốn có bất kỳ thay đổi dù Mỹ đã từng nhiều lần hứa tôn trọng chế độ chính trị của Hà Nội. Nhưng đảng cộng sản vẫn không tin ở Mỹ mà chỉ tin ở Nga và Tàu dù chính Liên Xô (nga bây giờ) đã từng phản bội đồng minh VN khi Tàu Cộng đánh VN năm 1979, và bây giờ cũng chính Nga đã không còn đủ sức để cho Hà Nội dựa vào để cân bằng với áp lực của Tàu khi chính đất nước Nga và Putin cũng đang khốn đốn và phải bám sợ hỗ trợ của Tập. Sự ngang nhiên cho tàu vào vùng EEZ của Việt nam khảo sát sát ngay địa điểm của Nga là phép thử, xem Nga có lên tiếng và hành động gì, cho thấy VN nay cô đơn hơn bao giờ hết khi có rất nhiều bạn bè có quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện nhưng không một nước nào lên tiếng bênh vực. Hà Nội phải thay đổi bỏ chính sách 3 Không, và nếu muốn bảo vệ đất nước thì phải như Philippines, cho Mỹ vào cùng nhau bảo vệ lợi ích chung.

Cứ nhìn EU, dù tốn hàng tỷ dollar và thiệt hại nặng nề về kinh tế, nhưng EU vẫn phải viện trợ cả về vũ khí và tài chánh, không để cho Nga thắng chiếm Ukraine. EU, họ hiểu được không có gì quan trọng bằng lợi ích chung và sự tồn tại của đất nước họ. Cộng sản VN phải nghĩ cần tiến thêm một bước nữa, bắt tay với Mỹ vì lợi ích chung của hai quốc gia và để bảo vệ lợi ích tài nguyên và đất nước. Chỉ cần cho Mỹ vào cảng Cam Ranh, dù có bị Tàu Cộng có áp lực và đe dọa nhưng nước Tàu sẽ không còn dám bắt nạt VN như hiện giờ. Đài Loan đứng vũng tới nay là vì họ không sợ Tàu Cộng, vì biết cái giá để chiếm Đài Loan sẽ không thua gì cái giá mà Putin đang trả ở Ukraine. Nhưng nếu đảng cộng sản VN vẫn theo chính sách "thà mất nước hơn mất đảng", hoặc lo sợ chế độ cộng sản bị sụp đổ thì vấn đề không còn gì để bàn luận.
nv

Phạm chuyen
31/05/2023 08:09

Từ ngàn năm người Hán tham lam, không từ chối một miếng nào, tất cả đều nuốt hết có thế mắt híp, không nhìn thấy công lý luật pháp quốc tế,

luật nhân quả
01/06/2023 05:46

Tuy nhiên, theo tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, hiện Việt Nam vẫn còn nhiều phương cách phi quân sự khác nhau, như là các biện pháp về đối ngoại Nhà nước, quốc phòng, đối ngoại an ninh và đối ngoại nhân dân… để ngăn chặn xung đột từ sớm. toàn tào lao ngay học giả Úc cũng ham thể hiện tào lao nhiều phương cách gì đu dây tự tin vị trí khi xuất khẩu nay HK-EU đang giãm 40% giá trị bởi khôn lõi lì sống chết mặt bây cứ bảo thủ nề nếp PK triều cống ngụy biện hèn với giặc rất ác với dân lợi ích nhóm tư bản đỏ la to cầu tiến thì toàn ăn xổi mời gọi CNTB kiến thức thấp quay ra kinh doanh đất phục vụ và ôm thể chế ĐTQL chiếm mang danh toàn dân bất công đội lớp cương lĩnh ĐCS ở thì sự vô cảm ngay đồng hương lừa vào chổ chết 39 đông lạnh đi Anh và xấu hỗ các nước đánh giá tư cách miềm trung tồi vì lợi ích sẵn sàng giết danh dự quê hương nguồn gốc toàn lý lịch con em cán bộ đào tạo tại Đ.âu