Công an ‘like’, ‘share’ ý kiến phản biện sẽ bị kỷ luật

RFA
2019.05.13
000_1DW9GF.jpg Ảnh minh họa
AFP

Nội dung bản dự thảo lần hai được truyền thông trong nước loan tải với quy định rằng cán bộ, chiến sĩ thuộc ngành công an nếu bấm nút “like” hoặc chia sẻ những bài viết, hình ảnh, lời nói, bình luận nào bị cho đi ngược lại chủ trương, đường lối chính sách của Đảng trên mạng xã hội có thể sẽ phải chịu hình thức kỷ luật.

Cũng theo ản dự thảo thì quy định này không áp dụng cho toàn bộ ngành công an; tức những bộ phận được giao nhiệm vụ ‘phản bác’ thông tin chỉ trích chính phủ, đảng do những thế lực thù địch bên ngoài.

Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng trao đổi với chúng tôi rằng vì công an và quân đội được ví như là ‘thanh kiếm, lá chắn’ bảo vệ chế độ nêu trong thời đại công nghệ tin học lâu nay họ phải quan sát mạng xã hội để theo dõi, truy tìm những người sử dụng công cụ mạng Internet để bày tỏ chính kiến khác biệt của họ đối những chính sách, đường lối của Đảng và chính phủ Việt Nam.

Nay đưa ra qui định xử phạt những người trong ngành công an khi có quan điểm đối với những ý kiến bất đồng như thế thể hiện sự lúng túng về mặt quản lý của nhà nước

“Những luật như thế nó rất là buồn cười, từ những việc đơn giản con người ai cũng có nhận xét và ý kiến riêng của mình nên đưa việc xử lý đó vào luật thì nó phản ánh một tâm trạng của Đảng hiện nay, một nỗi lo sợ không đáng lo trước tình hình đất nước cần phải đổi mới mà hệ thống chính trị không nghĩ được việc đó và chỉ luôn luôn ám ảnh một nỗi lo sợ, sự đối lập trong nước hoặc những cái họ gọi là lật đổ từ nước ngoài thì theo tôi nó cũng chẳng có tác dụng gì mà chỉ thể hiện sự lúng túng của họ mà thôi.”

Nhà báo Ngô Nhật Đăng còn trình bày rằng kết quả hỏi ý kiến công chúng đối với Thông tư qui định xử phạt vừa nêu chắc chắn sẽ hơn 90% đồng ý; thế nhưng tính khả thi của thông tư sẽ là một vấn đề lớn. Trong thời đại hiện nay với hằng chục triệu tài khoản người sử dụng mạng xã hội Facebook ở Việt Nam thì quy định này cũng vô ích.

Luật sự Đặng Đình Mạnh cho rằng văn bản quy định như thế vi phạm Hiến pháp Việt Nam. Ông giải thích:

“Tôi cho rằng trước khi trở thành cán bộ công an thì họ cũng là công dân và công dân thì họ cũng có quyền do Hiến Pháp quy định, trong đó có quyền biểu đạt tất cả mọi vấn đề. Thì việc cơ quan cấm họ biểu đạt các vấn đề của đất nước thì tôi cho rằng văn bản đó đã vi phạm Hiến Pháp, xâm phạm đến quyền của công dân.”

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng thành viên của nhóm No-U từ Hà Nội đưa ra nhận định về thông tư qui định xử phạt người trong ngành công an khi ‘like’, ‘share’ những bình luận trên Facebook bị cho là ‘chống đối đảng, nhà nước’:

“Đầu tiên về mặt luật pháp thì điều này là vi hiến, vi hiến quyền con người, vi hiến quyền tự do ngôn luận của người ta, chẳng lẽ người ta đồng ý điều gì hoặc thích suy nghĩ như thế nào mà không được phép nói lên. Điều thứ hai nếu như điều luật đó được thực thi thì tính khả thi của điều luật này hoàn toàn không có và không thể kiểm soát được. Vì công an từ trước đến nay là ngành rất là đặc thù và bị sự chỉ trích rất là lớn từ dư luận. Mỗi khi có sự việc nào đó xảy ra bên ngoài mà bị dư luận phản đối lên án điều gì đó thì họ rất là sợ là nếu như ai đó tìm được Facebook, Zalo hay về thông tin cá nhân sẽ bị mạng xã hội khai thác nhanh chóng thế nên thường các chiến sĩ họ lên FB hay Zalo họ thường không sử dụng chính danh của họ.”

Tại điều 4 văn bản dự thảo có quy định về quyết định kỷ luật, nếu cán bộ vi phạm bị bắt tang và có đầy đủ bằng chứng vi phạm sẽ bị khới tố và bị kỷ luật bằng cách tước danh hiệu công an nhân dân.

Hình ảnh những biểu tượng biểu hiện cảm xúc trên mạng xã hội Facebook. (Ảnh minh họa)
Hình ảnh những biểu tượng biểu hiện cảm xúc trên mạng xã hội Facebook. (Ảnh minh họa)
AFP

Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng khẳng định nếu họ sử dụng không đúng chính danh như vậy thì về mặt quản lý nhà nước không thể nào kiểm soát được.

“Với số lượng khổng lồ người dùng Internet mà hầu hết các cán bộ công an hiếm ai sử dụng tên thật trên mạng xã hội, thì làm sao có thể xác định được IP, cái số IMEI của thiết bị điện thoại di động đăng nhập vào nick đó nên khó lòng có thể kiểm soát, nếu như người ta muốn biết một trường hợp nào cụ thể thì có thể làm được nhưng mà chắc chắn người ta không thể đủ phương tiện để kiếm soát hết được.”

Đồng ý với điều này, nhà báo Ngô Nhật Đăng dẫn một ví dụ:

“Bởi vì để kiểm soát chặt chẻ như Trung Quốc thì họ phải bỏ ra một ngân sách và nhân sự khổng lồ, thời gian để kiếm soát mà còn không kiểm soát nổi thì sao Việt Nam có một cơ chế, kỹ thuật để có thể theo dõi các cán bộ chiến sĩ nào vi phạm hay không, tôi cho rằng bất khả thi.”

Ông Nguyễn Tử Quảng Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ BKAV Việt Nam khẳng định với chúng tôi rằng, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có một phần mềm nào có thể kiểm soát được điều này; tuy nhiên ông trình bày:

“Tôi nghĩ rằng bất kỳ luật nào đưa ra thì cũng chưa hẳn có luôn các giải pháp kỹ thuật ngay và cần phải đầu tư tốn kém, điều chỉnh nó. Đôi khi luật là để điều chỉnh hành vi của con người trước rồi sau đó các sự việc cụ thể thì họ sẽ sử dụng luật đó và dùng kỹ thuật để sát minh xem có vi phạm hay không. Tôi nghĩ nguyên tắc của các luật là như thế.”

Các chuyên gia mà chúng tôi có dịp trao đổi đều khẳng định rằng họ không hiểu được ý đồ đằng sau văn bản quy định này nhưng chắc chắn là có mục đích nào đó. Hãy chờ xem trong thời gian tới có cán bộ nào thuộc Bộ Công an sẽ bị kỷ luật, ra khỏi ngành vì những quy định như thế này hay không.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.