Nông nghiệp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013.09.15
Biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng đối với sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL. Biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng đối với sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL.
Bộ tài nguyên MT

Nghe bài này

Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam vào ngày 10 tháng 9 vừa qua chủ trì hội thảo ‘Nông nghiệp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu: Cơ hội và Thách thức’.

Hội nghị đưa ra một số đánh giá thực tiễn về tình trạng biến đổi khí hậu đang gây nên cho lĩnh vực nông nghiệp trên khắp cả nước.

Đó là những tác động gì?

Ghi nhận thực tế

Báo cáo được đưa ra tại hội thảo cho thấy tại một số nơi tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và đồng bằng Sông Hồng, mức độ nhiễm mặn trên 4/00 đã lấn sâu vào từ 30 đến 40 kilomet khiến cho diện tích bị nhiễm mặn trên 4/00 hiện nay là chừng 1300 nghìn héc ta. Dự báo với kịch bản nước biển dâng 0.69 mét thì diện tích bị nhiễm mặn trên 4/00 sẽ tăng lên hơn gần 1500 nghìn héc ta và với kịch bản nước biển dâng 1 mét số đó sẽ là hơn 1600 nghìn héc ta. Khi nước biển dâng cao 1 mét thì nhiều nơi chuyên trồng lúa hai vụ một năm không còn có thể sản xuất do nước mặn xâm nhập.

Cục phó Cục Trồng Trọt thuộc Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam, ông Phạm Đồng Quảng trình bày lại những biểu hiện trước mắt của tình trạng tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.

Theo dõi trong những năm gần đây có nhiều biểu hiện thời tiết cực đoan, không bình thường theo những qui luật chung lâu nay vẫn có.

Thứ nhất tình hình hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn và tần suất xuất hiện dày hơn. Ví dụ năm 2010 khô hạn xảy ra nghiêm trọng tại các tỉnh ở miền núi phía Bắc và các tỉnh bắc Trung bộ. Khi đó tỉnh Sơn La là tỉnh có diện tích ngô lớn nhất, năng suất giảm đến 40%; cũng năm đó vụ hè thu ở các tỉnh bắc Trung bộ lẽ ra phải cấy trong tháng 6 nhưng hết tháng 7 vẫn chưa thể cấy vì đồng khô hạn, ngay ở các hồ chứa cũng không có nước. Năm nay 2013, nóng hạn xảy ra rất nghiêm trọng ở duyên hải nam trung bộ và Tây Nguyên. Lẽ ra 16 nghìn héc ta lúa hè thu phải gieo cấy, nhưng không có đủ nước nên có khuyến cáo nông dân không sản xuất. Đợt hạn vừa rồi làm hàng nghìn héc ta cà phê ở Tây Nguyên bị chết.

Báo cáo được đưa ra tại hội thảo cho thấy tại một số nơi tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và đồng bằng Sông Hồng, mức độ nhiễm mặn trên 4/00 đã lấn sâu vào từ 30 đến 40 kilomet

Thứ hai rét đậm, rét hại cũng có nhiều biểu hiện thất thường, không bình thường. Rõ nhất là rét dài hơn, nhưng ngày rét đậm- rét hại nhiều. Rét xâm nhập sâu hơn vào các tỉnh bắc Trung bộ và nam Trung bộ. Trước đây rét chỉ ảnh hưởng đến các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng và các tỉnh miền núi phía bắc thôi; nhưng gần đây mức độ của rét nghiêm trọng hơn, xâm nhập cả vào phía nam. Ví dụ vào năm 2008, 2010 đợt rét làm hằng nghìn héc ta của Bình Định, Phú Yên cũng bị ảnh hưởng bị lép vì khi trổ gặp điều kiện nhiệt độ thấp. Ở các tỉnh miền Bắc thì số ngày rét liên tục tăng lên từ 38 đến 40 ngày, rồi những ngày rét đậm- rét hại tăng lên. Tình hình đó gây khó khăn cho sản xuất vụ đông xuân ở các tỉnh phía bắc, rồi vụ đông xuân ở các tỉnh miền Trung và thậm chí ảnh hưởng lên cả Tây Nguyên.

Biến đổi khí hậu, một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị khô hạn.(photo xaluan.com)
Biến đổi khí hậu, một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị khô hạn.(photo xaluan.com)
xaluan.com

Thứ ba là diễn biến mưa trái mùa, mưa đá, lốc xoáy bất thường. Tình trạng mưa trái mùa ảnh hưởng rất lớn đến cây điều ở các tỉnh Đông Nam Bộ. Mưa trái mùa vào lúc điều đang ra hoa làm ảnh hưởng rất lớn đến năng suất điều. Năm 2013 có tình trạng mưa đá, lốc xoáy trái mùa tức vào cuối mùa khô đầu mùa mưa, tần suất nhiều  gây ảnh hưởng rất lớn.

Thứ tư bão cũng rất bất thường; ví dụ như hai gần năm gần đây những cơn bão hay áp thấp nhiệt đới đầu tiên trong năm lại xuất hiện ở vùng biển phía nam ảnh hưởng đến các tỉnh duyên hải nam Trung bộ trước. Như thế rất không bình thường so với qui luật lẽ ra bão thường đi từ Trung Quốc sang Việt Nam vào các tỉnh phía bắc, sau đó mới đi dần vào các tỉnh bắc trung độ đến duyên hải nam trung bộ … Ví dụ như cơn bão Sơn Tinh- bão số 8 năm ngoái vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 rất lớn đổ bộ vào Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình. Lẽ ra thời điểm đó bão đổ bộ vào duyên hải nam Trung bộ, khi đó gặt xong rồi, thu hoạch xong rồi không ảnh hưởng lớn; nhưng bão lại đổ bộ vào phía bắc đang trong trọng tâm vụ đông khiến đồng bằng Sông Hồng mất hằng chục nghìn héc ta cây vụ đông.

Một số nơi do hệ thống đập và cống không được tốt, chưa tốt nên làm nước mặn xâm nhập vào vùng lúa làm cho lúa bị ảnh hưởng, có những chỗ nghiêm trọng lúa không thể sinh trưởng được

Đồng bằng Sông Cửu Long chịu tình trạng xâm nhập mặn do nước biển dâng lên và vì tình trạng khô hạn. Từ đó dẫn đến việc nước từ thượng lưu xuống, cũng như việc hình thành các hồ đập từ thượng lưu làm ảnh hưởng đến nguồn nước. Mặn xâm nhập sâu hơn vào đất liền, đặc biệt ở các cửa sông lớn ở đồng bằng Sông Cửu Long. Đặc biệt có những chỗ nước mặn đi sâu đến hơn 40 kilomet tính từ cửa biển. Điều đó ảnh hưởng rất lớn đến việc lấy nước tưới cho lúa đông- xuân và lúa xuân-hè. Có những diện tích cuối đông- xuân, đầu xuân- hè không thể lấy nước từ sông vào được vì nước vượt độ mặn mà cây lúa có thể chịu. Thậm chí một số nơi do hệ thống đập và cống không được tốt, chưa tốt nên làm nước mặn xâm nhập vào vùng lúa làm cho lúa bị ảnh hưởng, có những chỗ nghiêm trọng lúa không thể sinh trưởng được.

Biện pháp trước mắt

Vậy trước những tác động bất lợi do biến đổi khí hậu gây nên cho ngành sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam như thế, cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có những hướng thế nào để giảm thiểu các tác động bất lợi như thế?

Ông Cục phó Phạm Đồng Quảng trình bày:

Trước tình hình như thế phải có những giải pháp. Có nhiều vấn đề phải làm; trong chiến lược phát triển của trồng trọt và trong các qui hoạch, kế hoạch, đề án sản xuất nếu trước đây chưa quan tâm đúng mức nay phải quan tâm đúng mức đến tác động của biến đổi khí hậu để đưa vào trong chiến lược, chủ trương, chính sách rồi những qui hoạch, kế hoạch đó một cách toàn diện lường được cả những yếu tố của biến đổi khí hậu vào chính sách, giải pháp đi kèm. Đó là cái chung.

Còn lĩnh vực trồng trọt phải tập trung vào một số giải pháp chính. Trước hết là những giải pháp cứng, tức giải pháp công trình, phải đầu tư hệ thống thủy lợi, hệ thống hồ đập. Thế rồi phải tính toán được nguồn nước ngầm, nguồn nước mặt, xây dựng hệ thống hồ đập tưới. Tiếp tục đầu tư cho hệ thống thủy lợi nội đồng để làm sao bảo đảm vấn đề nước để đối phó với tình trạng hạn hán. Thứ hai phải có những thay đổi về công nghệ tưới, đặc biệt đối với những loại cây công nghiệp dài ngày- cà phê, chè, điều, những cây lâu nay nhờ nước trời là chính, nay sẽ phải nghiên cứu những biện pháp để tiết kiệm nước. Sẽ xây dựng chính sách và có những thử nghiệm làm sao khuyến khích nông dân sử dụng nước tiết kiệm và áp dụng những công nghệ như công nghệ tưới của Israel: nhỏ giọt hay phun mưa vừa tiết kiệm nước vừa làm cây trồng phát triển tốt hơn. Hiện nay tưới cà phê lãng phí nước rất lớn, trong khi nguồn nước ngầm đang suy giảm. Đó là những biện pháp công trình, đầu tư…

Trước hết là những giải pháp cứng, tức giải pháp công trình, phải đầu tư hệ thống thủy lợi, hệ thống hồ đập. Thế rồi phải tính toán được nguồn nước ngầm, nguồn nước mặt, xây dựng hệ thống hồ đập tưới

Ông Cục phó Phạm Đồng Quảng

Các giải pháp kỹ thuật chuyển đổi cây trồng. Chuyển từ loại cây trồng này sang cây trồng khác chịu hạn, chịu úng hơn. Chuyển từ giống hiện nay sang những giống thích ứng hơn với sự chuyển đổi của thời tiết- chịu hạn, chịu úng, chịu rét, chịu mặn, chịu phèn tốt hơn…Để chuyển đổi được như thế phải có đầu tư cho nghiên cứu. Nghiên cứu thu nhập những loại cây trồng mới phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Thứ đến nghiên cứu tạo nên giống mới, tổ chức sản xuất hạt giống, cây giống để đưa vào sản xuất. Rồi nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, qui trình kỹ thuật. Tức nghiên cứu, thử nghiệm các gói kỹ thuật để nông dân có thể áp dụng được, sẵn sàng đối phó được khi thời tiết cực đoan xảy ra.

Phải làm từng bước, đầu tư những gì trọng điểm, cái gì làm trước , cái gì làm sau. Nhưng quan trọng cuối cùng là những giải pháp như thế phải đến được người dân, tạo cho người dân nắm bắt được giải pháp và người ta chủ động ứng phó. Chứ nếu chỉ dừng ở nghiên cứu không thôi, mô hình chung chung thôi thì không có hiệu quả. Quan trọng nhất nâng cao năng lực của người dân: người dân hiểu, người dân biết và người dân thực thi.

Việt Nam vẫn được thừa nhận là một quốc gia nông nghiệp và chừng 70% dân số sống tại các vùng nông thôn.

Từ xa xưa người nông dân từng phải chịu phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết khi tiến hành hoạt động canh tác của họ. Nay, trước tình trạng Trái đất ấm dần lên do hiệu ứng khí nhà kính, hoạt động sản xuất nông nghiệp lại gặp khó khăn.

Mục Khoa học- Môi trường kỳ này tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại quí thính giả và các bạn trong chương trình kỳ tới.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.