Dự án điện than khó triển khai, sao không dừng hẳn?
2022.09.28
Có năm dự án điện than đang gặp khó khăn triển khai, thu xếp vốn, nhưng không chủ đầu tư nào tự nguyện dừng dự án. Thông tin vừa nói được Bộ Công Thương nêu lên khi trình Chính phủ về phê duyệt đề án quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Năm dự án vừa nêu gồm dự án Sông Hậu 2, Vĩnh Tân 3, Nam Định 1, Quảng Trị và dự án Công Thanh. Các dự án này gặp khó khăn triển khai, thu xếp vốn, trái với cam kết về môi trường khi sử dụng than... sao Bộ Công Thương không chấm dứt các dự án này?
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên -Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007, khi trả lời RFA hôm 28/9 nhận định:
“Nhiều nhà đầu tư đã chuẩn bị theo kế hoạch cũ, chính vì vậy dừng lại có khi sẽ gây thiệt hại, cho nên họ cương quyết tiếp tục cho triển khai dự án theo cách cũ vì họ đã nhập trang thiết bị… Nhưng tôi cho rằng với cam kết của Chính phủ cũng như kế hoạch về việc chuyển đổi việc sản xuất năng lượng của Việt Nam, thì Nhà nước phải can thiệp bằng cách đưa ra khỏi quy hoạch điện VIII đúng như cam kết của Chính phủ tại COP26. Phải có chủ trương về thay đổi, sử dụng những nguồn năng lượng tái tạo khác nữa ví dụ như năng lượng sóng biển, năng lượng thủy triều, hoặc nhiệt điện khí hóa lỏng.”
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, tất cả các loại năng lượng tái tạo đang mở ra một triển vọng tốt cho Việt Nam. Vì vậy ông Võ cho rằng Chính phủ Việt Nam phải cương quyết loại bỏ bớt nhiệt điện than, vì Thủ tướng cũng đã cam kết trước cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam sẽ giảm phát thải thông qua việc sản xuất năng lượng. Ông Đặng Hùng Võ nói tiếp:
“Hoàn toàn Chính phủ có thể tự quyết định chấm dứt dự án, thậm chí có thể tính ra thiệt hại của chủ đầu tư, yêu cầu nhà đầu tư chuyển đổi và Chính phủ có thể miễn giảm thuế để bù vào những thiệt hại mà nhà đầu tư có thể gặp phải. Tôi cho rằng vào từng giai đoạn cụ thể, mức độ triển khai theo kế hoạch theo cách cũ hay cần phải thay đổi theo tình hình mới… thì hoàn toàn phải tính toán với từng giai đoạn cụ thể.”
Hoàn toàn Chính phủ có thể tự quyết định chấm dứt dự án, thậm chí có thể tính ra thiệt hại của chủ đầu tư, yêu cầu nhà đầu tư chuyển đổi và Chính phủ có thể miễn giảm thuế để bù vào những thiệt hại mà nhà đầu tư có thể gặp phải.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Cũng theo Bộ Công Thương, tính tới cuối tháng 9 năm 2022, Việt Nam có 39 nhà máy điện than, tổng công suất 24.674 MW đang vận hành. Hiện còn 12 dự án điện than với tổng công suất 13.792 MW đã giao chủ đầu tư, đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng.
Tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh hôm 1/11/2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết Việt Nam sẽ giảm phát thải ròng về 0. Theo đó, Bộ Công Thương phải hoàn thiện lại quy hoạch điện VIII, cập nhật những cam kết này.
Vậy liệu Bộ Công Thương có thể buộc chấm dứt những dự án điện than gặp khó khăn này không? Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến 2002, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này hôm 28/9 giải thích:
“Nếu mà chấm dứt thì phải đối chiếu lại với hợp đồng, nếu đã có cam kết trong hợp đồng mà bây giờ phải hủy thì phải bồi thường cho đối tác. Đây là những quy định được vận dụng trong giao dịch trên cơ sở hợp đồng. Nếu chủ đầu tư là doanh nghiệp Nhà nước thì họ cũng hoàn toàn có quyền tự chủ về tài chính, họ phải chịu trách nhiệm về các chi phí, cho nên dẫu là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp Nhà nước thì các đối tác đã ký kết hợp đồng phải bồi thường nếu như có vi phạm hợp đồng.”
Trái với cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị chống biến đổi khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow, Viện Năng lượng Việt Nam vào tháng 6 năm 2021 lại cho rằng, chưa thể từ bỏ nhiệt điện than, thậm chí cần xây thêm để bảo đảm an ninh năng lượng.
Theo Viện Năng lượng Việt Nam - đơn vị xây dựng Quy hoạch điện VIII, mặc dù nhiệt điện than đang mang lại những lo ngại, song việc phát triển nguồn năng lượng này vẫn cần thiết để đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam ngày càng tăng cao.
Liên quan vấn đề này Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhận định:
“Về việc nên sử dụng điện than hay không… thì hiện nay Việt Nam có tiềm năng lớn về điện tái tạo tức là điện gió và điện mặt trời ở miền Nam và miền Trung. Nhưng để sử dụng tất cả những nguồn điện đó thì cần phải đầu tư vào các trang thiết bị tích điện, bởi vì điện mặt trời chỉ có khi nào có mặt trời mới có điện, đến đêm không có mặt trời thì phải dùng điện tích lũy được để mà sử dụng, khâu đầu tư đó tại Việt Nam hiện nay chưa được xác định rõ ràng.
Còn về điện than tại Việt Nam thì rất cần bảo đảm các cam kết về giảm ô nhiễm môi trường. Bởi vì than của Việt Nam hiện nay không đủ để cung cấp cho các nhà máy điện, mà Việt Nam cũng phải nhập hàng. Vì vậy tận dụng được các nguồn điện tái tạo thì có thể giúp cho việc giảm sử dụng than và bảo đảm được cam kết về bảo vệ môi trường.”
Bởi vì than của Việt Nam hiện nay không đủ để cung cấp cho các nhà máy điện, mà Việt Nam cũng phải nhập hàng. Vì vậy tận dụng được các nguồn điện tái tạo thì có thể giúp cho việc giảm sử dụng than và bảo đảm được cam kết về bảo vệ môi trường.
-Tiến sĩ Lê Đăng Doanh
Trong khi đó, thời gian gần đây, trong hàng loạt hội thảo liên quan đến phát triển năng lượng, đa số các chuyên gia đều cho rằng nhiệt điện than là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cần phải loại bỏ. Thế nhưng, trong Quy hoạch Phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn 2045, hay còn được gọi là Quy hoạch Điện VIII, nhiệt điện than vẫn chiếm khoảng 27% đến năm 2030 và 18% vào năm 2045.
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA liên quan vấn đề này cho biết:
“Nhiệt điện than thì quan điểm của tôi cái nào đã xây dựng rồi thì cứ để nó vận hành. Còn những cái từ giờ đến 2025 mà đang xây dựng thì vẫn phải để thôi. Nhưng sau 2025 thì phải có xem xét, vì tiềm năng năng lượng gió Việt Nam rất nhiều, mà tỷ lệ sử dụng gió và mặt trời có thể đưa lên nữa. Bởi vì nguồn vốn tư nhân vào điện gió và mặt trời đã đăng ký nhiều, không sử dụng thì lãng phí. Một quốc gia có tiềm năng năng lượng lớn như vậy thì không nên xây dựng thêm nhiệt điện than ở những năm sau.”
Đối với lý giải của Viện Năng lượng Việt Nam - đơn vị xây dựng Quy hoạch điện VIII, rằng nếu không xây dựng nhiệt điện than thì an ninh năng lượng không được đảm bảo... Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho rằng:
“Nếu không xây dựng nhiệt điện than thì nên xây dựng nhiệt điện khí, vì khí có thể đảm bảo an ninh năng lượng hơn than. Hơn nữa khí hiện có trong nước, không phải nhập khẩu. Thế nên sau năm 2030 mà vẫn phát triển nhiệt điện than thì cái đó theo tôi là không chuẩn.”
Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, để đảm bảo tiến tới phát thải CO2 bằng không, có nghĩa là người ta sẽ tăng thuế carbon rất cao, nên cần xem xét lại. Vì vậy quan điểm của Tổng sơ đồ VIII mà vẫn dựa vào nhiệt điện than quá lâu, theo ông Lâm là không nên, mà phải giảm dần nhiệt điện than đi.