Có cần một bộ qui tắc ứng xử cho mạng xã hội hay không?

Kính Hòa RFA
2018.05.22
000_Hkg9235495 Một quán cà phê tại trung tâm Hà Nội. Việt Nam có hơn 50 triệu người sử dụng mạng xã hội. Ảnh chụp tháng 11/2013.
AFP

Ngày 18/5/2018 Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam tổ chức một buổi tọa đàm tại Hà Nội, đặt ra vấn đề là cần phải có một bộ qui tắc ứng xử cho mạng xã hội tại Việt Nam.

Ý kiến cho rằng cần phải có bộ qui tắc ứng xử

Tiến sĩ xã hội học Trịnh Hòa Bình cho rằng tình trạng phát triển của mạng xã hội tại Việt Nam hiện nay đặt ra yêu cầu cần phải có bộ qui tắc ứng xử:

Khi đặt ra vấn đề là cần có một bộ qui tắc ứng xử trên mạng có nghĩa là vấn đề giao thương giao tiếp, va chạm trên mạng đã cần phải có sự kiểm soát, điều tiết. Một thực tế chúng ta không thể chối cãi được là có những vấn đề rất là phức hợp, nhạy cảm, không rõ ràng, về quốc kế dân sinh, về sinh hoạt văn hóa tinh thần, đặc biệt là sự va chạm trong vấn đề con người và xã hội.”

Nhưng ông cho rằng bộ qui tắc ứng xử này không phải là những điều luật mà là những qui định dưới luật, và việc xử lý những điều xảy ra trên mạng xã hội là không đơn giản vì mạng xã hội là một bức tranh phức hợp, đa dạng.

Cũng đồng ý là cần phải có những qui tắc ứng xử, nhưng nhà báo Bút Lông Phan Lợi cho rằng nó nên được thực hiện theo những nhóm tự nguyện qui ước với nhau về những điều gì mà các thành viên nên làm và không nên làm. Ông Phan Lợi cho biết là ông đã thực hiện việc này với các nhóm mà ông thành lập trên Facebook.

Ông Phan Lợi nói cụ thể những chuyện cần phải tránh đối những thành viên của các nhóm mà ông tham gia, hay thành lập:

“Ví dụ họ có thể tấn công những người khác, hay là có những người bị đem ra bêu riếu về những vấn đề tôn giáo, giới tính, hay sự sử dụng hình ảnh, liên quan đến những nhóm yếu thế, những nhóm dễ bị tổn thương như là trẻ em, những người dân tộc thiểu số, v.v…”

Áp dụng như thế nào? Hay là không cần thiết?

Tiếp nối ý kiến của nhà báo Phan Lợi, ông Trương Duy Nhất, một nhà báo tự do và là một blogger nói rằng thực ra tất cả những cơ quan đều có ban hành qui định phải ứng xử như thế nào trên mạng xã hội, và những nhà báo có trong biên chế của báo chí nhà nước cũng đã bị ràng buộc bởi những qui định như vậy, nhưng điều đó không có nghĩa là rằng một bộ qui tắc như vậy có thể được áp dụng lên những nhà báo tự do như ông:

“Bây giờ Bộ Thông tin Truyền thông có ra những bộ qui tắc gì đó, thì nó cũng ngoài tầm, ngoài cuộc sống của chúng tôi. Nó chả có tác động gì với chúng tôi, chả có hiệu lực gì với chúng tôi cả, bởi chúng tôi có ràng buộc gì với họ đâu?”

Không ai đưa ra thông tư để hướng dẫn hay chế tài những nguyên tắc, qui tắc ứng xử của những người tự do cả.
-Nhà báo Phan Lợi.

Ông nói rằng tác động của những nhà báo tự do trên mạng xã hội là mạnh hơn rất nhiều so với những nhà báo làm cho báo chí chính thống của nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Hậu, một chuyên gia ngành khảo cổ cho chúng tôi biết là bà cũng có chứng kiến những chuyện rắc rối liên quan đến ứng xử trên mạng xã hội, nhưng bà nghi ngờ về khả năng áp dụng một bộ qui tắc chung:

“Thực sự nếu xã hội không có những điều đó thì mạng xã hội nó sẽ không phản ánh. Đó là cái thứ nhất. Cái thứ hai là bộ qui tắc ứng xử, đặt ra thì dễ, nhưng để kiểm soát, và xử lý tất cả theo bộ qui tắc đó như thế nào thì đó là cái mà tôi rất quan tâm.”

Nguyên nhân của việc mà Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu đưa ra cho câu hỏi của mình là mạng xã hội có một điều kiện kỹ thuật riêng, cho nên những sai phạm hay những hành vi ứng xử trên đó sẽ không được quan sát, xử trí theo như trong một không gian xã hội truyền thống được.

Luật sư Hà Huy Sơn ở Hà Nội thì nói rằng một bộ qui tắc ứng xử cho mạng xã hội là không cần thiết, ông giải thích lý do:

“Tôi cũng chưa biết người ta sẽ qui định cái gì, nó có hạn chế quyền của công dân theo hiến pháp qui định hay không? Nhưng theo chủ quan của tôi thì chắc là người ta muốn quản lý, siết chặt tự do tư tưởng. Còn nếu mà người ta có những mặt tích cực, hạn chế những chuyện như là đưa tin sai, vi phạm văn hóa, thì tôi nghĩ những cái đó luật dân sự, luật hình sự cũng đã qui định rồi, quan điểm của tôi là đưa những qui tắc này ra nó cũng không cần thiết.”

Tính đạo đức và pháp luật của mạng xã hội

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, mạng xã hội chỉ khác đời thường ở chổ là có những quan hệ rất trực tiếp mặc dù người ta không biết nhau ngoài đời, và điều đó xóa đi làn ranh của sự vị nể, làm cho người tham gia mạng xã hội phải chấp nhận những chỉ trích đến với mình, cũng như phải có trách nhiệm cao hơn với những hành động của mình, do đó theo bà, những yêu cầu về đạo đức trên mạng xã hội cao hơn đời thường:

“Ở ngoài đời nếu có một tin đồn thì ngồi quán trà nói xong thì thôi, nhưng trên mạng xã hội, do đặc điểm kỹ thuật của nó thì do tính tương tác lan truyền của nó rất nhanh, mà lại trực diện nữa, cho nên con người mình phải có trách nhiệm hơn. Thế nên tôi thấy đạo đức trên mạng xã hội nó vẫn thuộc phạm trù đạo đức, nhưng rõ ràng nó đòi hỏi cao hơn môi trường xã hội bình thường, môi trường truyền thống.”

Nhưng đạo đức và pháp luật là hai lĩnh vực khác nhau.

Nhà báo Phan Lợi quan niệm rằng mạng xã hội cũng giống như là một xã hội dân sự, mà trong đó nhà nước nên là một thành viên tham gia chứ không thể là một tác nhân ngồi lên trên để quán xuyến tất cả những gì xảy ra trên mạng xã hội. Theo ông cơ quan pháp luật không thể căn cứ vào những qui chuẩn của một bộ qui tắc ứng xử nào đó mang tính đạo đức, để xử lý những cá nhân vi phạm. Ông nói về buổi tọa đàm vừa qua tại Hà Nội:

“Có đoạn cuối trong bài báo tường thuật buổi tọa đàm đó thì tôi thấy nói rằng việc đưa ra qui tắc cho người sử dụng mạng xã hội, rồi căn cứ vào đấy để ban hành các thông tư để dựa vào đấy mà xử lý thì tôi thấy là không chuẩn. bởi vì thông tư chỉ có thể hướng dẫn những vấn đề pháp luật thôi, chứ không ai đưa ra thông tư để hướng dẫn hay chế tài những nguyên tắc, qui tắc ứng xử của những người tự do cả.”

Mạng xã hội Facebook được lan truyền rộng rãi tại Việt Nam ngay từ khi nó mới ra đời tại Mỹ, và theo nhiều số liệu khác nhau thì hiện có đến hơn 50 triệu người Việt Nam tham gia mạng xã hội.

Đạo đức trên mạng xã hội nó vẫn thuộc phạm trù đạo đức, nhưng rõ ràng nó đòi hỏi cao hơn môi trường xã hội bình thường.
-Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu.

Nhiều nhà hoạt động dân sự, chính trị, bất đồng chính kiến đã sử dụng mạng xã hội để nêu lên chính kiến của mình, cũng như thúc đẩy các hoạt động xã hội như biểu tình vì môi trường, chống Trung Quốc,… Người ta cũng chứng kiến những tranh cãi rất dữ dội giữa những nhóm khác nhau trên mạng xã hội Việt Nam với những quan điểm chính trị đối lập nhau.

Nhiều người tham gia mạng xã hội với những phát biểu mang tính chính trị hay chỉ trích nhà cầm quyền đã bị bắt bỏ tù.

Ngày 19/5/2018, Báo Quân đội nhân dân có đăng bài viết nói rằng “cần xử lý hiện tượng loạn ngôn trên mạng xã hội,” trong đó có nêu trường hợp ông Nguyễn Văn Đực, một thành viên của Hiệp hội bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh. Báo Quân đội nhân dân cáo buộc rằng ông Nguyễn Văn Đực đã xúc phạm các cán bộ cấp cao và làm ảnh hưởng đến đường lối chính sách của nhà nước, và của Đảng Cộng sản.

Chúng tôi có liên lạc với ông Nguyễn Văn Đực, nhưng ông không có bình luận gì về cáo buộc đó.

Theo quan sát của chúng tôi trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Đực không phải là người duy nhất có những chỉ trích các viên chức cao cấp của Đảng Cộng sản và nhà nước Việt Nam, mà có rất nhiều người, ẩn danh có mà dùng tên thật cũng có, và đối tượng bị chỉ trích bao gồm cả các quan chức cao cấp nhất như Tổng Bí thư Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ…

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.