Vẽ ông Hồ Chí Minh ngang hàng Đức Phật là “nông cạn và bệnh hoạn”

Trung Khang, RFA
2019.05.13
dao-phap-dan-toc-960 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội hôm 10/5/2019, đã tổ chức sự kiện mừng Lễ Phật Đản năm 2019 và công bố bức tranh sơn mài có tên “Đạo Pháp và Dân Tộc”.
Courtesy hvpgvn.edu.vn

Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội hôm 10/5/2019, đã tổ chức sự kiện mừng Lễ Phật Đản năm 2019 và công bố bức tranh sơn mài có tên  “Đạo Pháp và Dân Tộc”. Bức tranh khiến công luận phản ứng với hình ảnh một bên là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thành đạo dưới cội bồ đề, một bên là ông Hồ Chí Minh, và ở giữa là bánh xe chuyển pháp luân.

Tác phẩm ‘Đạo Pháp và Dân Tộc’ được xây dựng dựa trên sáng kiến của ông Hà Huy Thanh, cháu nội của cố Tổng bí thư đảng Cộng sản Hà Huy Tập, cùng sự ủng hộ và hưởng ứng nhiệt tình của Thượng toạ Thích Thanh Quyết cùng đông đảo cán bộ và tăng ni sinh của học viện Phật Giáo Việt Nam. Thượng tọa Thích Thanh Quyết cũng chính là người đã đặt những nét vẽ đầu tiên để “khai bút” cho qúa trình thực hiện bức tranh.

Nhận định về Bức tranh ‘Đạo Pháp và Dân Tộc’, Nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện cho Đài Á Châu Tự Do biết ý kiến của mình hôm 13/5/2019, như sau:

Tôi có xem bức tranh đó, trước hết tôi thấy sự hiểu biết quá nông cạn và quá bệnh hoạn của các họa sĩ này. Bởi vì những họa sĩ có học hành đầy đủ và có nền tảng về tri thức thì không bao giờ người ta vẽ bức tranh như thế.
-Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện

“Bức tranh ‘Đạo Pháp và Dân Tộc’ do một nhóm họa sĩ tặng cho Học Viện Phật Giáo mà người nhận là Thượng Tọa Thích Thanh Quyết, đã gây một chấn động lớn trên mạng xã hội, và gây một sự phản ứng lớn trong cộng đồng mạng. Tôi có xem bức tranh đó, trước hết tôi thấy sự hiểu biết quá nông cạn và quá bệnh hoạn của các họa sĩ này. Bởi vì những họa sĩ có học hành đầy đủ và có nền tảng về tri thức thì không bao giờ người ta vẽ bức tranh như thế, cho dù người ta có tôn kính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hay tôn kính cố Chủ tịch Hồ Chí Minh hay không,  thì người ta cũng không thể phác họa đồ án và trình bày như thế.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, sự việc này thể hiện sự hiểu biết về văn hóa rất là thấp kém, thể hiện sự sùng bái quá đáng, nó là sự xúc phạm lớn đến cả Đức Phật Thích Ca Mâu Ni và cả ông Hồ Chí Minh. Ông nói tiếp:

“Tôi cho rằng những người vẽ bức tranh này xứng đáng nhận những lời đàm tiếu của thiên hạ, của mọi người. Ngoài ra, Thượng Tọa Thích Thanh Quyết là Phó Học Viện Phật Giáo Việt Nam, người đã hồ hởi nhận bức tranh đó, theo tôi biết cũng là người tư vấn ban đầu cho dự án vẽ bức tranh này, xứng đáng nhận lời chê trách, phê bình và khinh bỉ của mọi người.”

Thượng tọa Thích Thanh Quyết tại Lễ công bố bức tranh “Đạo Pháp và Dân Tộc”.
Thượng tọa Thích Thanh Quyết tại Lễ công bố bức tranh “Đạo Pháp và Dân Tộc”.
Courtesy vietnamnet

Tin cho biết, bức tranh “Đạo Pháp và Dân Tộc” có chiều cao 2 m, chiều ngang 4,2 m, được thực hiện trên chất liệu sơn mài với nguyên liệu sơn ta của Việt Nam và vàng thật 100%, thời gian thực hiện kéo dài 1 tháng, với sự tham gia của họa sĩ Ngô Hải Yến và 5 họa sĩ khác.

Phát biểu tại Lễ công bố bức tranh, Thượng tọa Thích Thanh Quyết cho biết:

“Toàn bộ bức tranh là trí tuệ, chất liệu tâm huyết của người Việt Nam vẽ Đức Phật và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm nay ngày sinh của đức Phật và chủ tịch Hồ Chí Minh lại trùng nhau, hiếm có ngày nào như vậy, vì vậy tâm thành của các cư sĩ Phật tử, tri thức và các hoạ sĩ đã vẽ một bức tranh đặc biệt như vậy.”

Tuy nhiên từ Đà Nẵng, Thượng tọa Thích Thiện Phúc lại bày tỏ sự không đồng tình:

“Lắm lúc mình nói thì cũng không hay cho lắm, nhưng thực chất vẽ như vậy là không đúng. Thứ nhất các nhà hội họa, tầm cỡ họ nhìn không rõ ràng và sắc nét, bởi vì có vẽ gì thì nội dung họ muốn được phong phú. Thứ hai đồng ý ông Hồ là vị lãnh tụ quốc gia, nhưng ổng ở tại thế gian mà, đâu có xuất gia, làm sao so sánh với Đức Phật. Đức Phật là xuất thế gian, mình là tại thế gian. Đức Phật thì tầm cỡ năm châu bốn bể, mình chỉ tầm cỡ quốc gia, ý thức hệ được lòng dân thì 5, 7 chục năm, 100 năm, không được thì còn ít hơn. Từ ngàn xưa đã như thế, Đức Phật đã hơn 25 thế kỷ rồi, ông Hồ làm sao ngang hàng được.”

Thượng tọa Thích Thiện Phúc cho rằng, các thầy, các sư là người xuất gia không nên tô son đánh phấn một cách sai trái văn hóa, sai trái về lịch sử Phật Giáo từ ngàn xưa đến giờ. Theo ông, ý thức hệ thì sẽ mai một, không trường tồn, chế độ nào cũng tuyên bố muôn năm, nhưng thực chất không muôn năm. Ông dẫn chứng, Phật Giáo không cần nói muôn năm, nhưng Phật Giáo vẫn tồn tại trong lòng dân tộc. Ông cho rằng, Đạo Pháp là của dân tộc chứ không của riêng một ý thức hệ nào cả.

Hòa Thượng Thích Không Tánh thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, nhận định:

Đồng ý ông Hồ là vị lãnh tụ quốc gia, nhưng ổng ở tại thế gian mà, đâu có xuất gia, làm sao so sánh với Đức Phật. Đức Phật là xuất thế gian, mình là tại thế gian. Đức Phật thì tầm cỡ năm châu bốn bể, mình chỉ tầm cỡ quốc gia.
-Thượng tọa Thích Thiện Phúc

“Những vị Tu sĩ Phật Giáo mà thực chất họ là những đảng viên cộng sản, nên đương nhiên họ bị lệ thuộc hoàn toàn vào đảng và nhà nước. Họ ca ngợi ông Hồ chỉ vì quyền lợi của họ mà thôi. Những ‘đảng sư’, những nhà sư ủng hộ đảng và nhà nước, thì vốn từ lâu họ cũng tôn thờ, coi ông Hồ Chí Minh như Bồ Tát, coi như Phật cho nên họ làm vậy cũng là bình thường đối với họ. Nhưng làm đau lòng những chức sắc tôn giáo, những phật tử chân chính, rất là đau đớn.”

Theo Hòa Thượng Thích Không Tánh, những vị sư không còn đi theo đúng đường hướng của Đức Phật thì đương nhiên họ cũng không cần biết đúng hay sai, miễn sao họ được hưởng lợi. Cho nên theo ông, họ mới có những hành động tung hê, lấy lòng một cách lộ liễu như vậy.

Còn Thượng tọa Thích Thiện Phúc thì cho rằng, đã là con nhà Phật, đã cát ái từ thân xuất gia, thì không thể làm như thế được. Ông cho biết, khi  nhìn bức tranh vẽ như thế, nhìn Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhìn các vị ‘Họa Nô’, ông đã xót xa cho Phật Giáo vô cùng.

Đối với thực tế lâu nay có tình trạng đưa tượng bán thân của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh vào trong các ngôi chùa để thờ cạnh Đức Phật, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, cho rằng điều này phản ánh một tín ngưỡng, một tâm thế của xã hội Việt Nam, có một cái gì đấy bất ổn về mặt tâm linh.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

CĐM
08/06/2021 03:27

Tu hành định hướng theo xã hội chủ nghĩa ..

TRANTUS
26/09/2021 10:33

Day co the duoc coi la mot cach "da xeo" tham thuy lam mat uy tin cua Cu Ho day! Sinh thoi Cu rat ton kinh cac truong phai Ton Giao de thu phuc nhan tam chu dau co dams the hien 'bang vai phai lua' voi cac Giao Chu nhu Duc phat Thich Ca hay Duc Chua GieSu?