Cơ sở cho nỗi lo về tham nhũng trong phân bổ tiền hỗ trợ vì dịch COVID-19

0:00 / 0:00

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của thành phố Hà Nội diễn ra chiều 15/4, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu Sở Y tế và các quận, huyện được phân bổ ngân sách phải chủ động rà soát lại toàn bộ kết quả việc mua sắm, đảm bảo đúng quy trình, đúng giá, không để thất thoát, không để tiêu cực xảy ra.

Người đứng đầu thành phố Hà Nội cho rằng nếu lãnh đạo để xảy ra biểu hiện, việc làm móc ngoặc, nâng khống giá lên để tham ô, tham nhũng thì không chỉ mang tiếng với địa bàn thành phố, trên cả nước mà cả cộng đồng quốc tế.

Giải thích rõ hơn vì sao ông Nguyễn Đức Chung đề cập đến vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự tại Hà Nội cho hay:

“Trong mua sắm công có thể người chi tiền mua thường móc ngoặc với nguời bán. Nếu giá là 1 thì người ta có thể khống lên thành 1,5 và ăn chia đâu đấy trong khoản 0,5. Đấy là một hiện tượng thường phổ biến trong mua sắm công, xảy ra ở khắp thế giới nếu không có sự giám sát rất kỹ lưỡng.”

Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, lãnh đạo đưa ra cảnh báo như việc người đứng đầu Hà Nội vừa làm là tốt vì chuyện tham nhũng từ việc lớn đến việc nhỏ là chuyện vẫn thường xuyên xảy ra trên dải đất chữ S.

Đặc biệt, tần suất lãnh đạo nhà nước nhắc đến việc không để xảy ra tiêu cực khi cứu trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 ngày càng tăng sau khi Chính phủ Hà Nội ban hành Nghị quyết về các biện pháp với gói hỗ trợ trị giá hơn 62.000 tỉ đồng hướng tới 20 triệu người dân vào ngày 10/4.

Cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hay Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đều lên tiếng nhắc nhở trong việc công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách khi thực hiện cứu trợ.

Trong đó, theo lời ông Đào Ngọc Dung thì những người lao động tự do cần được quan tâm nhưng lại là nhóm khó xác định nhất, dễ nảy sinh hệ lụy.

Dưới góc nhìn cá nhân, Nhà báo tự do Ngô Nhật Đăng cho rằng các quan chức thường xuyên lên tiếng kêu gọi không tham nhũng thời gian gần đây là điều dễ hiểu. Ông lập luận:

“Chúng ta đều biết chuyện này không phải không có tiền lệ, rất nhiều nhóm chiếm chỗ cho những người có hoàn cảnh dễ tổn thương trong xã hội từ trước đến nay. Thậm chí đối với những việc giúp đỡ những người nghèo của người làm thiện nguyện, từ thiện tự giác của người dân. Chuyện ăn chặn, ăn bớt hoặc không đến được tận tay người dân là chuyện người ta lo ngại trong dịp trợ giúp phòng chống coronavirus này cũng là điều dễ hiểu.”

Nói rõ hơn về những cách thức trục lợi tiền cứu trợ người dân của các cán bộ nhà nước, Tiến sĩ Nguyễn Quang A phân tích:

Một phụ nữ nhận thức ăn quyên góp cho người nghèo trong đợt dịch COVID-19 tại Hà Nội, ngày 7 tháng 4 năm 2020.
Một phụ nữ nhận thức ăn quyên góp cho người nghèo trong đợt dịch COVID-19 tại Hà Nội, ngày 7 tháng 4 năm 2020. (Reuters)

“Bất kể khoản tiền công nào được phân phát cho những đối tượng rất đông dân chúng như thế trong quá trình phân phát có thể xảy ra những chuyện lừa đảo, lạm dụng. Chẳng hạn như trong một thôn có 10 người đáng được hỗ trợ thì họ khống lên thành 100, những người lãnh đạo ở thôn, xóm ăn phần vênh ra. Đây là chuyện đáng tiếc xảy ra khá nhiều ở Việt Nam nên việc người ta cảnh báo chống chuyện như thế là rất dễ hiểu.”

Chị Thanh Hằng hiện đang sống tại quận Bình Tân, Sài Gòn khi trao đổi qua Facebook Messenger với RFA vào tối ngày 16/4 cũng cho rằng dịch bệnh là thời cơ để ‘bòn rút’ của công mà không dễ bị phát hiện:

" Cách ly xã hội nên nhiều doanh nghiệp đóng cửa thì cán bộ quan chức nhà nước cũng khó khăn là chuyện đương nhiên vì giảm bớt nguồn thu chủ doanh nghiệp đút túi riêng. Nên tranh thủ có dự án nào kiếm được thì phải tham nhũng một miếng chứ, nếu họ không làm thì cũng có người khác làm, tại sao lại nhịn cho người khác ăn? Tâm lý làm quan này có từ lâu đời ở Việt Nam rồi, cảnh báo cho có lệ chứ chẳng có tác dụng gì đâu."

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, sở dĩ những công chức nhà nước có thể ‘bỏ túi’ trong những trường hợp hỗ trợ nhân dân những lúc khó khăn như hiện nay là do hệ thống quản lý dữ liệu tại Việt Nam chưa phát triển mạnh:

“Ở Việt Nam hạ tầng cơ sở xã hội như quản lý lao động, khai thất nghiệp lẽ ra phải có hệ thống thông tin quy củ để bất kể người nào đăng ký đều có thể xác minh và tất cả những người dân ấy đều có tài khoản ở ngân hàng thì trung ương thấy đủ tiêu chuẩn sẽ rót thẳng tiền từ kho bạc thẳng tiến vào tài khoản người đó. Việt Nam không có hạ tầng như vậy nên việc xác minh là ai, ở đâu, có đủ tiêu chuẩn hay không vẫn phải dùng đến đội ngũ con người. Như thế sẽ có một số người lợi dụng việc này để kiếm ăn.”

Việc các quan chức nhà nước trục lợi, tham nhũng khi thi hành các chính sách công để giúp đỡ người dân mỗi khi dịch bệnh, thiên tai vẫn luôn là đề tài được nhắc đến xưa nay.

Thời gian gần đây, ngày càng nhiều những vụ án cán bộ cấp cao tham nhũng được đưa ra xét xử công khai, thông tin rộng rãi trên các báo đài.

Nhận xét vì sao những lãnh đạo lại ‘tha hóa’ bản chất, không còn đặt lợi ích của người dân lên nhiệm vụ hàng đầu, nhà báo Ngô Nhật Đăng nhận định:

“Chúng ta đều biết thể chế của hệ thống chủ nghĩa xã hội cần rất nhiều bộ máy quan chức rất cồng kềnh. Thực tế ngân sách để nuôi bộ máy to lớn như thế thì không thể nào đủ, nên ta thấy tình trạng công chức nhà nước ở các nước chủ nghĩa xã hội lương rất thấp, có thể không đủ sống. Tình trạng đó sẽ gây ra chuyện tham nhũng là tất nhiên không thể tránh khỏi. Như thế có hai vấn đề: tham nhũng là sự tất yếu xảy ra và khi phòng chống tham nhũng lại làm suy yếu bộ máy quyền lực chính trị đó. Hầu như 100% quan chức đều có thể nói là những cán bộ cao cấp dều tham nhũng với điều kiên bất khả kháng, nếu không tham nhũng thì không thể tồn tại. Do đó khi chống tham nhũng là thái độ rõ ràng làm cho bộ máy yếu đi như ông Nguyễn Sinh Hùng ngày xưa có nói nếu kỷ luật hết thì lấy ai làm việc?”

Nhà báo Ngô Nhật Đăng cũng cho rằng có thể chống tham nhũng được kêu gọi để làm cho bộ máy mạnh lên nhưng thật ra theo quy luật lại khiến suy yếu thế lực của chính quyền. Ông cho rằng nguyên nhân do cán bộ lúc đó sẽ không lo làm việc nữa mà chỉ lo làm sao đảm bảo an toàn cho bản thân, cho số tài sản họ đã kiếm được trong quá trình tham nhũng.