Nỗi lo ‘thuốc kém chất lượng’ tại bệnh viện

RFA
2018.06.20
PHARMA.JPEG Công ty cồ phần VN-Pharma
Courtesy of thanhniennews.vn

Thực trạng thuốc trị bệnh giả, thuốc kém chất lượng tràn lan gây hoang mang cho người tiêu dùng và cả người quản lý bấy lâu nay. Có bệnh nhân đặt niềm tin hoàn toàn vào các loại thuốc được phân phối tại bệnh viện, trong khi đó một số khác lại lo ngại vì hiệu quả của các loại thuốc trong bệnh viện không cao bằng thuốc mua tại nhà thuốc tư nhân. Vấn đề này được các bên trong cuộc và người dân nhìn nhận như thế nào?

Người dân: ‘Không bao giờ mua thuốc trong bệnh viện’

Ngô, một bạn trẻ sinh sống tại Sài Gòn, cho biết trường hợp của bản thân khi cần phải mua thuốc trị bệnh và tình hình liên quan.

Thật ra mình không bao giờ mua thuốc trong bệnh  viện hết, kể cả bệnh viện công và bệnh viện tư. Nếu có bảo hiểm thì mua thuốc ở bệnh viện công rất rẻ. Còn nếu dịch vụ thì mua thuốc lại cực kỳ đắt, gấp ba lần.

Bác sĩ cho đâu thì mình đi mua ở đó. Giờ cũng không biết làm sao. Giống như cái mạng mình giờ giao gửi bác sĩ ở đây hết rồi.
-Người dân

Đồng quan điểm với Ngô, một chủ hiệu thuốc tư nhân lớn và lâu năm tại tỉnh Long An, nhấn mạnh giá bán cao là nguyên nhân khiến người tiêu dùng hạn chế mua thuốc ở các bệnh viện, nhưng còn về chất lượng thuốc ra sao thì người dân khó biết.

Người ta nói rằng thường thuốc ở trong bệnh viện mắc hơn ở ngoài nhà thuốc, có sự chênh lệch. Đó là một lý do lớn người ta không mua thuốc ở bệnh viện. Còn tất nhiên có lẽ sau này rộ lên vấn đề là thuốc bệnh viện nhập không có chất lượng, hàng này hàng kia, thì người ta mới có chuyện không mua ở bệnh viện bởi vì không chất lượng thôi.

Trái ngược với quan điểm không mua thuốc trong bệnh viện vì cho rằng giá mắc hơn bên ngoài, nhiều người dân hoàn toàn đặt niềm tin vào thuốc bán tại bệnh viện do bác sĩ kê toa. Bà Nguyễn Thị Tuyết, một bệnh nhân ung thư giai đoạn hai đang điều trị tại bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh nói:

Bác sĩ cho đâu thì mình đi mua ở đó. Giờ cũng không biết làm sao. Giống như cái mạng mình giờ giao gửi bác sĩ ở đây hết rồi.

Chất lượng thuốc trong bệnh viện ra sao?

Trả lời thắc mắc về tình hình sử dụng thuốc trong các bệnh viện tại Việt Nam hiện nay ra sao, một nhân viên y tế dấu tên làm việc tại một bệnh viện lớn ở Sài Gòn cho biết:

Đa phần là thuốc nội địa hoặc có nguồn gốc sản xuất từ Ấn Độ. Nhưng mà thấy đáp ứng lâm sàng của bệnh nhân cho những thuốc đó không có tốt lắm. Chi phí dành cho những thuốc tốt trước (thuốc ngoại nhập) thì quá lớn nên bảo hiểm không chi trả được cho những loại thuốc đó nữa.

Người nhân viên y tế giải thích thêm về chất lượng các loại thuốc sản xuất nội địa được dùng trong bệnh viện nơi mình công tác.

Nếu dựa trên mặt thành phần, thì thuốc nội địa vẫn đáp ứng đầy đủ các thành phần, nhưng mà đánh giá đáp ứng lâm sàng thì không nhanh bằng so với các thuốc ngoại nhập khác. Tại vì hồi trước sử dụng những thuốc ngoại nhập cho bệnh nhân rồi thì họ khỏi bệnh rất nhanh. Còn sử dụng thuốc nội địa hiện tại thì thời gian nằm viện sẽ kéo dài thêm, với lại các triệu chứng từ từ mới khá lên được, không khá liền hay khá hẳn.

Bạn trẻ Ngô nhận định về chất lượng của thuốc được hỗ trợ bởi bảo hiểm y tế của các bệnh viện.

Còn riêng về thuốc trong bệnh viện của bảo hiểm y tế là mẹ tôi mua thì nó không phải không có tác dụng. Nó cũng có tác dụng nhưng không phải là thuốc tốt vì là do Việt Nam sản xuất. Mà thường thuốc do Việt Nam sản xuất uống rất lâu mới hết và hay bị lờn thuốc.

Dưới góc độ của người tiêu dùng, Ngô nhấn mạnh mình không biết cụ thể quy trình sản xuất thuốc và chỉ đánh giá theo hiệu quả thuốc mang lại.

Ví dụ như cùng một bệnh đó, mình uống thuốc của Đức, của Pháp, hay của Hàn Quốc thì nó sẽ khác nhiều. Nhưng cũng cùng bệnh đó, uống thuốc của Việt Nam thì hiệu quả sẽ lại khác.

Người nhân viên y tế dấu tên cho biết những loại thuốc dùng trong bệnh viện mà Việt Nam chủ yếu sản xuất là kháng sinh, một số thuốc điều trị như dạ dày, hạ sốt. Người này đưa ra con số về chất lượng và số lượng thuốc chưa đạt chất lượng được tiêu thụ trong bệnh viện nơi mình công tác.

Dựa trên kinh nghiệm mình làm thì mình cảm thấy những thuốc đó chưa đạt được 50% nữa. Còn tổng số thuốc không đạt chất lượng chiếm khoảng 50%.

Đấu thầu để được nhập thuốc vào bệnh viện

Khác biệt giữa chất lượng thuốc ngoại nhập và thuốc Việt Nam là thế, nhưng hiện nay các bệnh viện vẫn phải ưu tiên cho các loại thuốc sản xuất nội địa. Nhân viên y tế cho biết các tiêu chí sau của lãnh đạo bệnh viện.

Thứ nhất là người Việt phải dùng hàng Việt. Thứ hai là những thuốc đó sản xuất nội địa thì sẽ đỡ tốn tiền vận chuyển hơn. Cái đó một phần là do kinh tế. Còn lại là do quy định ở trên. Ở trên yêu cầu mình nhập bên nào thì mình phải thầu bên đó.

Dựa trên kinh nghiệm mình làm thì mình cảm thấy những thuốc đó chưa đạt được 50% nữa. Còn tổng số thuốc không đạt chất lượng chiếm khoảng 50%.
-Nhân viên y tế

Chủ nhà thuốc tư nhân từng có kinh nghiệm lâu năm trong việc mua bán và phân phối thuốc nhận định yêu cầu để đấu thầu nhập thuốc vào các bệnh viện.

Nếu như để đấu thầu vô được bệnh viện, mình không nói tới những vấn đề tiêu cực khác như chuyện phải chia cho người thầu bao nhiêu, chia chác làm sao, ăn chia hoa hồng thế nào. Nhưng mình chỉ nói chuyện chất lượng thuốc nếu được đưa vô đấu thầu thì ai cũng nói là đạt chất lượng hết đó.

Thực trạng thuốc nội địa kém chất lượng tại bệnh viện được người trong cuộc và người tiêu dùng phản ảnh là thế, nhưng hiện nay hầu hết tất cả các bệnh viện tại Việt Nam đều sử dụng thuốc giống nhau. Nhân viên y tế khẳng định.

Hầu hết giờ tất cả các bệnh viện thuốc đều giống nhau vì Sở Y tế chỉ duyệt cho một số cơ sở thầu thôi, cho nên bệnh viện nào cũng phải thầu cơ sở đó.

Vụ án công ty VN Pharma nhập 9.000 hộp thuốc ung thư giả vào Việt Nam gây bức xúc trong dư luận đã được đưa ra xét xử vào hồi năm ngoái. Trước đó, Cục Quản Lý Dược thuộc Bộ Y Tế vào tháng 11 năm 2016 từng có lệnh đình chỉ lưu hành toàn quốc một số loại thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng do Ấn Độ sản xuất.

Trong khi số liệu thống kê của Cục Quản Lý Dược vào tháng 2 năm 2018 cho biết chỉ có khoảng 3% số lượng thuốc tại Việt Nam là kém chất lượng, nhiều ý kiến khác lại nói tỷ lệ các loại thuốc nội địa kém chất lượng đang được tiêu thụ ngay tại các bệnh viện công là 50%.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.