Ông Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao mới đây đã gửi Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng trả lời kiến nghị về tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thu hồi.
Theo thông tin trong văn bản dược báo chí nhà nước Việt Nam đăng tải ngày 11/1, cơ quan có thẩm quyền đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành báo cáo nghiên cứu, xây dựng quy định biện pháp tịch thu tài sản không thông qua thủ tục kết tội, buộc đối tượng tình nghi phải chứng minh nguồn gốc hợp pháp của tài sản.
Trao đổi với RFA tối cùng ngày, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội bày tỏ:
“Nếu cái đấy với lãnh đạo nhà nước có thể không sao, còn nếu với người dân thì cái đấy rất nguy hiểm. Như thế rất kỳ lạ, một người tham nhũng thì phải kết luận người ta tham nhũng, cái đấy phải xử xong mới tịch thu tài sản chứ. Chưa xét xử thì sao biết cái đấy tham nhũng hay không tham nhũng?”
Tôi thấy dự thảo Viện Kiểm sát lần này cũng là góp phần để công tác phòng chống tham nhũng có chuyển biến hơn. Tôi thấy tỉ lệ tham nhũng hiện nay, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian vừa qua thấp. – LS. Nguyễn Văn Hậu
Với kinh nghiệm hoạt động trong ngành luật lâu năm, Luật sư Đặng Đình Mạnh ở Sài Gòn cũng cho rằng đề xuất vừa nêu của Viện Kiểm sát Tối cao chưa ‘chuẩn’. Ông giải thích:
“Mặc dù về ý nghĩa anh nghĩ mọi người sẽ rất tán thành việc xét xử nghiêm, nghiêm khắc đối với đối tượng tham nhũng nhưng ít nhất cũng phải trên cơ sở có tình có lý. Hiện nay nó vi phạm Luật Hình sự vì Luật Hình sự có quy định khi một người có tội mới kèm theo hình phạt phụ là tịch thu tài sản hoặc tịch thu những khoản tiền bất chính. Theo ý kiến của Viện Kiểm sát Tối cao đưa ra như vậy thậm chí chưa cần có bản án tuyên họ có tội thì làm sao có thể xác định đó là tài sản bất chính để nhà nước có thể thu?”
Còn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, thông tin báo chí đăng tải dẫn nội dung văn bản của Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chỉ là dự thảo. Ông nhận định:
“Tôi thấy dự thảo Viện Kiểm sát lần này cũng là góp phần để công tác phòng chống tham nhũng có chuyển biến hơn. Tôi thấy tỉ lệ tham nhũng hiện nay, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian vừa qua thấp. Ngay cả nghị trường Quốc hội cũng cho rằng tòa có tuyên những bản án nghiêm khắc nhưng không thu hồi tài sản tham nhũng thì việc xử lý coi như không triệt để và không đạt được mục tiêu. Tỉ lệ thu hồi tham nhũng vừa qua tôi thấy thấp và khá khiêm tốn so với tiệt hại lớn mà tham nhũng gây ra cho nhà nước. Do đó tôi thấy khó khăn nhận diện tham nhũng đa số là những đối tượng tội phạm tham nhũng là những người có chức vụ và có trình độ nên khi họ phạm tội đều có sự chuẩn bị và thủ đoạn tinh vi, che giấu tài sản kỹ lưỡng, chuyển đổi rồi tẩu tán, hợp thức hóa tài sản. Có những trường hợp xài hoang phí nên khi phát hiện không có khả năng khắc phục hậu quả.”

Vẫn theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, hiện nay cơ quan tố tụng chưa quyết liệt, chưa kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn để tránh tẩu tán tài sản tham nhũng. Trước tình trạng này, vừa rồi chính phủ cũng có quy định mở rộng việc công khai tài sản.
Luật sư Hậu cho rằng ý kiến mới đưa ra của Viện Kiểm sát Tối cao để tham khảo các ngành, các cấp để làm sao phát huy hơn nữa công tác phòng chống tham nhũng từ thực trạng mà ông vừa nêu.
Theo thắc mắc của cử tri Hải Phòng nêu ra đối với Viện Kiểm sát, các quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự được áp dụng trong thực tiễn mới chỉ chú ý đến việc phát hiện, xử lý các hành vi phạm tội mà chưa chú trọng làm rõ đến tài sản tham nhũng, tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng để thu hồi.
Ngoài ra, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định rõ trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng trong việc phát hiện, xác minh làm rõ, thu hồi tài sản tham nhũng.
Cụ thể, Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành còn thiếu các quy định cụ thể làm cơ sở để thực hiện tốt công tác kê biên tài sản, một biện pháp tố tụng được đánh giá là quan trọng để đảm bảo thu hồi tài sản liên quan đến tham nhũng.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng trong thực tế việc thu hồi tài sản tham nhũng là việc không hề dễ dàng nên với dự thảo mà Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đang nghiên cứu sẽ phần nào góp phần đem lại kết quả tích cực:
“Bởi vì đây là một công tác khó khăn, do dó nếu như có dấu hiệu thì mình sẽ tạm giữ tài sản đó để phục vụ công tác kê khai, kê biên và xác định thu hồi tài sản và kịp thời kê biên, phong tỏa tài sản đó để phục vụ cho công tác thi hành án sau này. Mục đích cuối cùng là như vậy.”
Cần có điều tra mở rộng đối với tài sản của những người thân trực hệ đối với bị can, bị cáo. Như vậy mới có cơ sở thu hồi tài sản họ thu lợi bất chính. – LS. Đặng Đình Mạnh
Trong khi đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh chỉ ra khoản còn thiếu của luật pháp hiện nay khi xét xử về tham nhũng:
“Họ thường chỉ căn cứ tài sản của chính người bị xét xử, tức bị can, bị cáo thôi, đôi khi tài sản họ tham nhũng có thể họ tẩu tán, nhờ người thân trong gia đình chẳng hạn đứng tên. Thế thì anh nghĩ cần có điều tra mở rộng đối với tài sản của những người thân trực hệ đối với bị can, bị cáo. Như vậy mới có cơ sở thu hồi tài sản họ thu lợi bất chính.”
Theo thông tin ông Nguyễn Duy Giảng đưa ra trong văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, bên cạnh dự thảo tịch thu tài sản tham nhũng không cần thông qua thủ tục kết tội vừa nêu, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao còn đề xuất sửa đổi quy định có liên quan trong Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự để trình Chính phủ, đề xuất cả việc đề ra các phương án và kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật có liên quan như Luật Phòng chống tham nhũng.
Bộ Tư pháp Việt Nam vào tháng 6/2020 vừa qua đưa nội dung về việc bổ sung các báo cáo, số liệu liên quan đến việc thu hồi tài sản trong vụ án kinh tế, tham nhũng thuộc danh mục bí mật Nhà nước độ tối mật. Dự thảo này gây nhiều ý kiến trái chiều lúc bấy giờ.