Lúng túng trong mặc niệm nạn nhân lũ lụt và chuyện cứu dân!

Diễm Thi, RFA
2020.10.20
000_8TC2XR.jpg Các quân nhân khiêng thi thể từ địa điểm xảy ra vụ sạt lở đất ở tỉnh Quảng Trị, miền Trung Việt Nam ngày 18 tháng 10 năm 2020.
AFP

Mưa lũ những ngày qua ở các tỉnh miền Trung Việt Nam đã khiến ít nhất 132 người chết và mất tích tính đến ngày 20/10. Trong đó có một đoàn công tác 13 người do Thiếu tướng Nguyễn Văn Man - Phó tư lệnh Quân khu 4 dẫn đầu tử nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 ở Thừa Thiên Huế; 22 cán bộ, chiến sĩ của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 chết và mất tích ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ngoài ra, gần 7.000 ha hoa màu bị ngập, hư hại, hơn 5.800 con gia súc, hơn 685.000 con gia cầm bị chết.

Một ngày trước phiên khai mạc kỳ họp 10 Quốc hội khóa 14 diễn ra, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại lễ khai mạc vào ngày 20 tháng 10, Quốc hội sẽ dành một phút mặc niệm thiếu tướng, đại biểu Quốc hội khóa 14 Nguyễn Văn Man, Phó tư lệnh Quân khu 4, và các chiến sĩ hy sinh trong phòng chống, khắc phục thiệt hại do mưa lũ gây ra miền Trung. Dư luận xã hội tỏ ra bất bình, bởi Quốc hội luôn được nói là đại diện cho dân, thế mà chẳng thấy người dân trong danh sách mặc niệm được ông Chủ nhiệm Quốc hội nói đến.

Giáo sư Đặng Hùng Võ chia sẻ suy nghĩ của ông với RFA về việc này:

“Theo tôi thì trong phút tưởng niệm đó, vì anh Man là thành viên của Quốc Hội, là đại biểu Quốc Hội nên có thể gọi tên cùng với hai mươi mấy chiến sĩ quân đội mất ở Quảng Trị. Nhưng điều làm tôi nghẹn lòng là ông Nguyễn Hạnh Phúc không nói đến việc mặc niệm những người dân thường. Trong đó có những cảnh rất là tang thương, ví dụ như vợ đi sinh con bị lũ cuốn trôi. Hoặc hai vợ chồng nóng lòng con ở nhà nên trở về lại bị lũ cuốn trôi…

Tôi cho rằng Quốc Hội là đại diện của nhân dân nói chung, cho nên trước hết phải mặc niệm tất cả những người dân thời quan qua đã bị chết do thiên tai, lũ lụt. Sau đó hãy nói đến các chiến sĩ quân đội. Rồi mới đến ông Nguyễn Văn Man. Theo tôi, với trật tự đó thì mới thỏa đáng.”

Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, tử vong vào ngày 13 tháng 10 thì đến ngày 17 tháng 10, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã quyết định tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhất cho ông Man.

Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, đúng 9 giờ sáng ngày 20 tháng 10, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14 chính thức khai mạc tại Hà Nội. Quốc Hội đã tiến hành mặc niệm Thiếu tướng Nguyễn Văn Man và các cán bộ chiến sĩ hy sinh khi cứu nạn và đồng bào, đồng chí tử nạn do lũ lụt gây ra. Các đại biểu Quốc hội đã quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt tại miền Trung.

Tuy nhiên, theo Nhà báo Võ Văn Tạo thì bà Chủ tịch Quốc hội đã sửa sai cho ông Nguyễn Hạnh Phúc trước phút mặc niệm. Ông Tạo nói:

“Đấy là cái tuyên bố hớ của ông Nguyễn Hạnh Phúc. Mà ông này từ lúc làm Chủ nhiệm văn phòng Quốc Hội đã tuyên bố nhiều câu hớ hênh, mất quan điểm. Lần này, tôi theo dõi buổi khai mạc kỳ họp Quốc hội hôm 20/10 thì tôi thấy bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tich Quốc Hội đã kịp chữa cháy bằng cách nói là mặc niệm đồng bào, Thiếu tướng Man và các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong đợt lũ vừa rồi ở miền Trung.”

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa lũ thì nhiều nơi tại miền Trung Việt Nam lại chìm trong biển nước. Năm nay, lượng mưa lớn và kéo dài buộc các nhà máy thủy điện phải xả lũ, cứu đập khiến nạn lụt vượt mức lịch sử. Rừng thì bị phá nhiều không thể giữ nước. Lũ chồng lũ; bão số 7 nối bão số 6. Nhiều nhà cửa, ruộng vườn, gia súc, gia cầm và người ngập chìm trong nước.

Cư dân địa phương chèo thuyền đến điểm đón để chuyển hàng cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt lớn ở xã Quảng An, Thừa Thiên Huế, Việt Nam, ngày 20 tháng 10 năm 2020.
Cư dân địa phương chèo thuyền đến điểm đón để chuyển hàng cứu trợ cho người dân bị ảnh hưởng bởi lũ lụt lớn ở xã Quảng An, Thừa Thiên Huế, Việt Nam, ngày 20 tháng 10 năm 2020.
Reuters

Và cũng như mọi năm, các vị lãnh đạo quốc gia lại kêu gọi dân chung tay cứu nạn. Tại chương trình “Cả nước chung tay vì người nghèo” năm 2020, tổ chức tối 18 tháng 10, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có thư thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các tỉnh bị bão lũ, đồng thời kêu gọi nhân dân giúp nhau vượt qua khó khăn. Thư có đoạn viết:

“Tôi rất mong đồng bào ta ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần ‘tương thân, tương ái’, ‘thương người như thể thương thân’, hết lòng động viên, giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn, khó khăn, những người nghèo, hộ nghèo, để hạn chế đến mức thấp nhất những tổn thất do thiên tai gây ra.”

Bà Nguyễn Lai từ Nha Trang nêu quan điểm của mình:

“Đúng ra việc cứu trợ là của Nhà nước. Nhà cầm quyền bắt buộc phải lo cho dân chứ không phải là dân tự lo hay kêu gọi dân lo cho nhau như vậy. Tuy nói vậy nhưng rồi chỉ có dân thương dân nên mọi người lại đóng góp để lo cho những người vùng lũ. Nhưng…mấy đời bánh đúc có xương? mấy đời cộng sản mà thương dân mình hả em?”

Họ không chuẩn bị gì trước hết. Nếu họ có lương tâm thì họ đã chuẩn bị từ trước để không có những người chết thương tâm như vậy. Năm nào cũng xảy ra lũ. Không có sự hỗ trợ nào từ trước như di tản dân, hay ứng phó khi lũ về như viêc cứu hộ chẳng hạn.”

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ vào chiều ngày 19 tháng 10 về tình hình khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định hỗ trợ 5 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh - mỗi tỉnh 100 tỷ đồng và 1.000 tấn gạo cứu trợ.

Cô Mai Quỳnh từ Đà Nẵng, người thường xuyên giúp đỡ người nghèo trực tiếp, không qua bất cứ tổ chức nào của nhà nước, cho biết cô không tin vào những gói cứu trợ của Nhà nước sẽ đến tới tay dân một cách trung thực. Cô kể:

“Như đợt dịch vừa rồi, gia đình em mấy tháng không buôn bán được họ nói gia đình có bốn người sẽ được nhận mỗi người một triệu. Đến hết dịch họ mới đưa tiền, mà cả nhà chỉ có một triệu đồng, nghĩa là số tiền của một người. Không biết ‘hắn’ ăn hết bao nhiêu trong cái gói cứu trợ 62 ngàn tỷ đồng lo cho dân.

Kỳ này em thấy bên showbiz và những nhóm mạnh thường quân họ đi cứu trợ trực tiếp nhiều. Còn nhà nước thì chỉ thấy di dời dân vì họ không thể bỏ mặc dân chứ chuyện tiền bạc thì không rõ. Tiền bạc thì em sợ là Nhà nước thấy dân giang tay giúp nhau thì họ chỉ làm chừng mực thôi. Tiền họ ‘rót’ vô những địa chỉ khác, những người không thật sự cần nhưng chắc là bà con của họ, còn những hộ thật sự cần thì không được nhận tiền.”

Hồi tháng 2 năm nay, khi dịch COVOD-19 bắt đầu vào Việt Nam, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Ngoại giao khuyến khích các tổ chức quốc tế và kiều bào hỗ trợ, cung cấp các trang thiết bị phòng chống dịch bệnh cho người dân trong nước.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Anonymous
20/10/2020 11:25

Mặc niệm toàn thể đồng-bào nạn nhân bão lũ 2020 và... "bão lửa" 1972,1975! 😪

Anonymous
20/10/2020 14:48

Trước đây, Quốc hội Việt Nam họp Xuân Thu nhị kỳ. Sau, vì lý do mùa thu thường có bão lụt, nên thay đổi thời gian tụ họp để hợp "thời" tiết, tạo điều kiện cán bộ tập trung chỉ huy "phòng chống bão lụt". Không hiểu sao, thay đổi thời gian họp, bão lũ cũng thay đổi thời gian, thường xuyên xảy ra việc bão lũ trùng với các kỳ họp.
Thiên tai được các phương tiện tuyên truyền ra sức đổ tội cho "Trời". Ông cựu thứ trưởng bộ tài nguyên là dạng "dư luận viên cao cấp", với tem mác giáo sư gì gì đó, "mồm xoen xoét như đít vịt". Cứ xem những việc ông ta làm khi đương nhiệm, cho đến việc dính líu đến Alibaba gần đây, theo dõi tất cả các phát biểu của ông ta sẽ rõ. Cái trò mấy ông được gọi là "trí thức", mấy "người của công chúng", các Kols gì đó ..v..v.. diễn trò cho nhà đương cục Hà Nội chẳng có gì là lạ. Nhiều người không hiểu, vẫn dồn tiền cho họ đi làm "từ thiện", "cứu giúp đồng bào"...
Ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi "kiều bào" giúp đỡ. Đầu năm, nổ ra dịch cúm Tầu, ông Trọng bảo, dịch bệnh là do "nơi khác !" lan đến, không phải do ta, như "luận điệu kích động" của "những người chống phá". Chắc ông "nhột", vì có điều tiếng về "đức thiên tử kém nên xảy ra thiên tai, dịch bệnh". Nay không thấy ông nói lũ lụt là do bão "từ Philipin đi vào". Ông Trọng chỉ toàn ngụy biện, nói quanh mà thôi, mục đích của ông và đảng của ông, dưới gầm trời này ai chả biết.
Quốc hội cũng là tiếng nói của đảng. Đảng dựa vào quân đội cảnh sát để duy trì việc cầm quyền. Quốc hội đề cao quân đội, lờ dân đi, đó là lẽ dĩ nhiên.

Anonymous
21/10/2020 07:08

Lũ lụt quân đội chỉ lo cứu đồng đội, còn dân chết thì để dân lo. Người ta gọi đó là quân đội nhân dân.

Anonymous
21/10/2020 07:10

Cái quân đội CSVN hình như chỉ để bảo vệ đảng chứ không phải nhân dân.

Anonymous
21/10/2020 07:17

Xưa nay dân miên Nam có truyền thống cứu trợ đồng bào bị thiên tai, lụt lội. Trước 75 tại miền Nam, học sinh sinh viên, hướng đạo, chùa, nhà thờ tự động quyên góp làm chứ không cần chính phủ. Nhưng quân đội vẫn phụ một tay. Hồi xưa là vậy, còn bây giờ dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng, chẳng anh nhà nước, đảng viên nào làm.