Dự án nhiệt điện ở Cần Thơ có an toàn cho môi trường Đồng bằng Sông Cửu Long?
2021.02.09
Dự án Nhà máy nhiệt điện 1,3 tỷ USD do Liên danh Tổng công ty cổ phần thương mại xây dựng Vietrancimex và Tập đoàn Marubeni Nhật Bản, vừa được Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố Cần Thơ chấp thuận đầu tư hôm 8/2/2021.
Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II có công suất thiết kế 1.050MW, sẽ xây dựng tại vị trí thuộc Trung tâm Điện lực Ô Môn thuộc phường Phước Thới, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại vào năm 2024 - 2025.
Sao vẫn cho phép đầu tư dự án nhiệt điện khi chính phủ cam kết phát triển năng lượng tái tạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm, không ảnh hưởng đời sống người dân xung quanh khu vực xây dựng nhà máy điện? Một người dân Cần Thơ giấu tên khi trả lời RFA hôm 9/2 liên quan việc xây dựng Nhà máy nhiệt điện ở Cần Thơ, nói:
“Mấy ông nhà nước ổng muốn làm gì ổng làm, chứ ổng có coi dân ra gì đâu. Mấy ổng muốn xây chỗ nào thì xây, đất ổng muốn lấy của ai ổng lấy để làm... Dân phải chịu thôi chứ biết sao bây giờ. Nghe nói ở đó có nhà máy Cà Mau kéo về trạm ở Ô Môn chỗ đó, chứ chưa nghe nói xây nhà máy. Ở đó thì không khí cũng không thoáng đâu. Cũng như Cần Thơ có nhà máy giấy C&N Trung Quốc làm đó, dân phản ảnh mà mấy ổng muốn làm cứ làm, đâu cần biết. Mấy ổng không nghe dân, mọi lần còn ở trong đó thì ‘vì dân, do dân’.... bây giờ mấy ổng trên cao mấy ổng đứng trên pháp luật, thành thử ra là muốn làm gì thì làm chứ không ý kiến được.”
Mấy ông nhà nước ổng muốn làm gì ổng làm, chứ ổng có coi dân ra gì đâu. Mấy ổng muốn xây chỗ nào thì xây, đất ổng muốn lấy của ai ổng lấy để làm... Dân phải chịu thôi chứ biết sao bây giờ.
-Người dân Cần Thơ
Tuy nhiên khi phát biểu tại buổi trao giấy chứng nhận, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ lại cho rằng, Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II sẽ đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực và hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế xã hội của thành phố Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng ông không nhắc đến việc cuộc sống người dân Ô Môn có thể bị xáo trộn vì nhà máy điện này.
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, chuyên gia năng lượng độc lập thuộc Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, khi trao đổi với RFA hôm 9/2, nói:
“Trong tổng sơ đồ 8 có quy hoạch bao nhiêu năng lượng tái tạo ở miền Nam chứ không phải tất cả miền Nam. Vẫn có nhiệt điện, nhưng chưa chắc, sau này khi khí về nhiều thì người ta có thể đổi từ xăng sang khí, như vậy là tốt nhất, vì khí không ô nhiễm môi trường. Cho nên người ta sẽ tính khu vực đó có bao nhiêu khí, và nhiệt điện than sẽ ở bất cứ chỗ nào khi cần thiết. Nhưng tổng sơ đồ cũng nói miền Nam và miền Trung chủ yếu sẽ là năng lượng tái tạo, nhiệt điện than rất ít, chỉ còn lại ở miền Bắc.”
Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, hiện nay Chính phủ đã quy hoạch tổng thể về năng lượng Việt Nam về nhiệt điện than, dầu khí và thủy điện... tới năm 2030, tầm nhìn 2040. Nhưng mới đây khi trình lên Chính phủ, Thủ tướng đã yêu cầu ban soạn thảo gồm Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài nguyên - Môi trường phải làm lại. Ông nói tiếp:
“Hiện bản làm lại chưa gởi lên Thủ tướng, nên chưa biết thế nào, nhưng tinh thần là Thủ tướng yêu cầu tập trung để phát triển, giảm bớt nhiệt điện than, giảm bới nhập khẩu than, tăng cường năng lượng tái tạo, tăng cường điện khí... Và với yêu cầu nhập khẩu năng lượng trước đây, thì Thủ tướng có yêu cầu làm lại giảm nhập khẩu rất nhiều.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, khi trả lời RFA hôm 9/2, cũng cho rằng nếu là nhiệt điện khí thì hoàn toàn phù hợp. Theo ông, xu hướng hiện nay là chuyển sang nhiệt điện khí, Việt Nam cũng đang rất tích cực trong việc chuyển đổi này. Ngoài ra ông nói thêm về năng lượng tái tạo:
“Ngoài ra, tôi cũng cho rằng xu hướng hiện nay trên thế giới cũng như VN là phát triển năng lượng tái tạo, tận dụng năng lượng tái tạo từ biển. Đây cũng là chủ trương của nhà nước, chỉ có một trục trặc ở Việt Nam dù Thủ tướng đã ra lệnh tăng giá mua điện từ điện năng lượng mặt trời.... nhưng cũng còn vướng vấn đề chưa giải quyết được ô nhiễm từ những tấm pin mặt trời khi hết niên hạn.”
Theo Bộ Công thương, tính đến năm 2020, Việt Nam có 19 dự án nhiệt điện được đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), với tổng công suất khoảng gần 27.000 MW. Ngoài ra, theo quy hoạch năng lượng điện của chính phủ, còn hơn 30 dự án nhiệt điện nữa chưa khởi công.
Dù Thủ tướng đã ra lệnh tăng giá mua điện từ điện năng lượng mặt trời.... nhưng cũng còn vướng vấn đề chưa giải quyết được ô nhiễm từ những tấm pin mặt trời khi hết niên hạn.
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Tiến sĩ Ngô Đức Lâm cho rằng quy hoạch còn hơn 30 dự án nhiệt điện nữa này đang được điều chỉnh lại. Tuy nhiên ông cho rằng, nếu hợp đồng đầu tư đã ký thì không thể thay đổi:
“30 cái nữa là cái cũ, bây giờ Thủ tướng đang xem xét lại. Trong tổng sơ đồ 8 có quy hoạch 30 cái, sắp tới giảm xuống cón bao nhiêu thì phải chờ xem thế nào. Những cái đã làm trước đây, đã ký trước đây, thì không thay đổi, người ta đã ký và mang tiền vô sau đuổi người ta được. Những nhiệt điện dù là nhiệt điện than, nằm trong quy hoạch cũ mà đã ký rồi thì không bỏ được nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Việt Nam. Không phải là diệt hết nhiệt điện than, vẫn giữ từ 20% đến 25%... đấy là do an ninh năng lược Việt Nam yêu cầu.”
Theo Tiến sĩ Ngô Đức Lâm, an ninh năng lượng của thế giới cũng vậy. Tuy Châu Âu và Mỹ giảm nhiệt điện than, nhưng Châu Á vẫn còn, Trung Quốc vẫn còn và tỷ lệ còn cao hơn Việt Nam. Ông nói không phải cứ hết nhiệt điện than là tốt.
“Về tính an ninh năng lượng thì vẫn phải cần nhiệt điện than có tỷ lệ là bao nhiêu thì mới đảm bảo cho hệ thống, chứ không phải cứ thủy điện hay điện mặt trời, điện gió là tốt. Vì trong an ninh năng lượng, điện gió và mặt trời vào một tỷ lệ nào đó thôi, nếu tỷ lệ mà lớn quá thì hệ thống không an toàn, có thể sập bất kể lúc nào.”
Nhiệt điện bị cho gây hại cho môi trường nếu không áp dụng những công nghệ tiên tiến nhằm xử lý khói, bụi, xỉ than thải ra. Một số nhà máy nhiệt điện chạy than tại Việt Nam từng bị dân chúng biểu tình phản đối như nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 ở Bình Thuận hồi năm tháng Tư năm 2015.
Đơn cử như trường hợp dự án nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 2 ở Hà Tĩnh, Việt Nam... nhiều năm qua bị nhiều người lên án về việc gây ô nhiễm môi trường của dự án này. Mới nhất, vào tháng 2 năm 2021, nhà hoạt động môi trường người Thụy Điển Greta Thunberg qua một clip video đã kêu gọi các bạn trẻ hãy tiếp tục đấu tranh cho một môi trường trong sạch... đã cùng một số nhà hoạt động từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam lên tiếng kêu gọi Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc và Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản rút ra khỏi dự án nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 2 tại Hà Tĩnh, Việt Nam.