Mâu thuẫn trong dự báo xuất khẩu gạo

Tin Ấn Độ sắp soán ngôi “vua” xuất khẩu gạo và Bộ NN-PTNT dự báo sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm nay chỉ đạt 5,42 triệu tấn gây quan ngại cho nông dân.
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2012.05.19
nong-dan-3-250.jpg Nông dân sớm gieo sạ lúa. RFA photo
Photo: RFA

 

 

Dân thành thị mỗi ngày ăn hai bữa cơm có lẽ chẳng quan tâm tới chuyện Việt Nam giảm xuất khẩu gạo. Nhưng điều này lại hết sức quan trọng với mấy triệu hộ nông dân trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long, nơi cung cấp 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế cho tới nay mỗi khi đầu ra xuất khẩu không thông thoáng thì lúa mất giá thậm chí gây tồn đọng.

Ngày 9/5/2012 một số báo mạng trong đó có báo điện tử Dân Trí dựa vào mạng tin thương mại Bloomberg, hình thành câu chuyện Ấn Độ thế chỗ Việt Nam ở vị trí nước xuất khẩu gạo thứ nhì thế giới và thậm chí có thể vượt qua cả Thái Lan, để trở thành nước đứng đầu bảng sắp hạng. Bloomberg đã dựa vào số liệu của Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế, theo đó Ấn Độ dự kiến tăng hơn gấp đôi lượng gạo xuất khẩu trong năm 2012, đạt hơn 6 triệu tấn và Thái Lan giảm xuất khẩu chỉ còn khoảng 6,5 triệu tấn. Trong khi đó Bloomberg dẫn dự báo ngày 4/5 của Bộ NN-PTNT cho biết sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam năm nay chỉ đạt 5,42 triệu tấn, thấp hơn dự báo hồi đầu năm do chính bộ này đưa ra là 6,5-7 triệu tấn.

VN vẫn đứng thứ hai xuất khẩu gạo

Tối 17/5, trả lời chúng tôi từ Hà Nội, Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc tỏ ra ngạc nhiên về thông tin vừa nêu. Ông nói:

“Tôi là người chỉ đạo sản xuất, tôi vẫn nghĩ là đầu vào nguồn sản xuất lương thực vẫn đảm bảo và như thế đầu ra nếu có thị trường thì vẫn bảo đảm được không có vấn đề gì cả.

Về sản xuất cho đến thời điểm này vụ đông xuân thắng lợi thậm chí vượt sản lượng năm ngoái cỡ khoảng 500.000 tấn thóc, nếu vụ đông xuân ở miền Bắc không diễn ra vấn đề gì bất lợi. Vào ngày 23/5 sắp tới sẽ có cuộc họp giữa Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và một số ngành liên quan.”

Nhận định của Cục trưởng Cục trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc phù hợp với dự báo mới nhất của Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO). Theo đó Việt Nam vẫn đứng thứ hai trong số các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với mức xuất khẩu 7,2 triệu tấn gạo trọn năm 2012, tăng khoảng 100.000 tấn so với năm 2011. FAO dự báo Thái Lan xuất khẩu khoảng 7,5 triệu tấn gạo, giảm 300.000 tấn so với năm ngoái nhưng vẫn xếp đầu bảng. Ấn Độ được dự báo xuất khẩu 6,3 triệu tấn gạo tăng 2,3 triệu tấn so với năm 2011, xếp thứ ba danh sách. Campuchia cũng nổi lên như một gương mặt mới với dự báo xuất khẩu 1,2 triệu tấn gạo trong năm 2012 và người Khmer nay có thể tự hào nói nước họ ở trong tốp 5 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Dự báo của Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) tuy mâu thuẫn với dự báo ngày 4/5 của Bộ NN-PTNT, nhưng FAO nhận định rằng, dù khởi động với lượng gạo xuất khẩu thấp, nhưng Việt Nam được các chuyên gia dự đoán là vẫn duy trì mức xuất khẩu gạo không thay đổi so với năm ngoái. Các giới chức FAO cho rằng, xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm sút trong quí 1 là vì lúa đông xuân thu hoạch trễ. Tốc độ xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ gia tăng trong những tháng tới, nhất là với mức giá gạo hạ giảm.

Trong khi đó theo trang tin điện tử của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tính từ đầu năm đến ngày 10/5 các doanh nghiệp đã xuất khẩu 1.904.000 tấn gạo trên tổng lượng hợp đồng xuất khẩu đã ký 4.500.000 tấn. Báo Công thương ghi nhận mức xuất khẩu tháng 4 đã tăng 45% so với tháng 3.

Đối với hè thu, vụ lúa lớn thứ nhì ở đồng bằng sông Cửu Long dự kiến canh tác trên diện tích 1.500.000 ha, theo Bộ NN-PTNT, tính đến đầu tháng 5 các tỉnh đã xuống giống gần 700.000 ha trong đó đã thu hoạch gần 40.000 ha lúa hè thu sớm. Phần còn lại tiếp tục gieo sạ trong tháng 5 để thu hoạch trước mùa lũ.

Làm theo thương lái

Theo Thời báo Kinh tế Saigon Online giá lúa gạo tăng lên mức cao nhất trong vòng 3 tháng trở lại đây tính đến giữa tháng 5, sau đó giảm nhẹ. Hiện nay thương lái mua lúa hè thu sớm loại hạt tròn 50404 khoảng 5.500 đ/kg lúa khô, lúa hạt dài 5.800 tới 6.000đ/kg. Mức giá này được cho là tốt dù chưa sánh được với vụ hè thu năm ngoái.

Một nông dân vùng Cần Thơ phát biểu:

“Lúa hè thu này được như năm ngoái thì nông dân mới đỡ, năm ngoái trên 6 ngàn năm nay sợ khó… Lúa của tôi hôm nay vô gạo được hơn nửa bông rồi còn 19 ngày nữa thu hoạch, tôi làm OM 421 thơm nhẹ hạt dài, năng suất cũng cỡ 50404, mùa này làm 50404 cỡ ba tháng còn giống này dài hơn chừng 2-3 ngày, giống này ít đổ ngã hơn. 50404 nhiều người thích làm vì nó nặng ký hơn.”

Trong vụ đông xuân vừa kết thúc, đã xảy ra tình trạng ứ đọng lúa đặc biệt với giống lúa hạt tròn 50404. Tỉnh Đồng Tháp vào thời điểm cuối tháng 4 đã tồn đọng tới 200.000 tấn lúa 50404. Trong những năm vừa qua Bộ NN-PTNT và Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhiều lần khuyến cáo các tỉnh chỉ trồng giống 50404 từ 15% tới 20% diện tích, tuy nhiên nông dân chưa bao giờ chấp hành chỉ đạo. Thậm chí trong vụ đông xuân 2011-2012 vừa kết thúc, nhiều tỉnh có diện tích lúa 50404 từ 50% tới 70% diện tích.

GSTS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo Long An, cũng là một chuyên gia hàng đầu về lúa gạo giải thích về giống lúa 50404:

Nhà nước nói vậy nhưng nhà nước không mua mà thương lái mua vì vậy nông dân làm theo họ.

GSTS Võ Tòng Xuân

“Giống lúa 50404 dễ làm thích hợp với đất phù sa cũng như đất phèn hoặc đất mặn, tức là nó có phổ rất rộng, đồng thời lại không cần nhiều phân bón mà vẫn cho năng suất từ 6-7 tấn,, người bón phân đúng có thể đạt tới 9 tấn. Đây là giống lúa rất dễ trồng, năng suất rất cao rất ngắn ngày, tuy nhiên phẩm chất gạo của nó ăn không ngon, tại vì bột nhiều, trái lại để làm bánh tráng, làm hủ tiếu làm bột thì nó rất tốt.

Hiện nay người ta dùng giống này xay ra bột xuất khẩu sang Nhật. Nhưng quan trọng là Philippines, Indonesia và nhiều nước châu Phi thích gạo này vì rẻ hơn. Nhờ vậy có thể cung cấp cho nhiều khách hàng, tôi gọi là đây là sử dụng giống lúa thần diệu cấp thấp để cứu những nước đang đói kém.”

Theo GSTS Võ Tòng Xuân, thị trường lúa gạo thế giới khoảng 30 triệu tấn/năm thì lúa thơm chỉ chiếm dưới 10% tức khoảng 2-3 triệu tấn… xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn chủ yếu là gạo cấp thấp và trung bình. Nông dân không nghe chỉ đạo của chính quyền là vì qua nhiều vụ lúa, doanh nghiệp trong nước vẫn có nhu cầu mua lúa 50404, có lúc lượng mua tăng cao đến mức không đủ hàng. GSTS Võ Tòng Xuân tiếp lời:

“Khi thương lái không mua người ta hay phê phán là vì nông dân ham trồng giống 50404. Nhưng trồng 50404 so với giống Jasmine là giống ngon cơm hơn thì lại lời hơn vì cách biệt giá giữa hai giống này chỉ có mấy trăm; trong khi đó sự khác biệt về năng suất có thể tới 3-4 tấn, thành ra trồng 50404 vẫn còn lời hơn.

Tuy là phê phán nông dân như thế nhưng nông dân vẫn trồng và thương lái vẫn tìm mua, tại vì Philippines, Indonesia đặt hàng. Nhà nước nói gì nói dân vẫn trồng, vẫn biết ông nhà nước nói đừng trồng giống đó nên trồng giống khác, nhà nước nói vậy nhưng nhà nước không mua mà thương lái mua vì vậy nông dân làm theo họ.”

Trong câu chuyện với chúng tôi, GSTS Võ Tòng Xuân nói là nhà nước cần phải thay đổi cách điều hành xuất khẩu gạo tập trung quyền hành quá lớn vào Tổng công ty lương thực và Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hai nơi này tên khác nhau những là một người điều khiển. Theo lời GSTS Võ Tòng Xuân báo chí đã nói rất nhiều về vấn đề này nhưng nhà nước vẫn chưa lắng nghe và hậu quả là nhóm doanh nghiệp xuất khẩu lo toan cho lợi ích của riêng mình bỏ quên người nông dân.

Theo dòng thời sự:

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.