Tranh cãi về đề xuất “mất bằng lái xe phải thi lại”

Trung Khang, RFA
2019.03.07
dao-tao-sat-hach-lai-xe-960 Nơi đào tạo, thi sát hạch bằng lái xe của Bộ GTVT (ảnh minh họa)
Courtesy mt.gov.vn

Đề xuất của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể rằng “tất cả người mất bằng lái xe phải thi lại” vấp phải búa rìu công luận trong những ngày này.

Ông Nguyễn Văn Thể phát biểu đề xuất vừa nêu tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp hôm 6 tháng 3, với lý do ông đưa ra nhằm tránh tình trạng lợi dụng để xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3.

Khi giải thích với báo chí về đề xuất của vị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Ông Lương Duy Thống, Vụ Quản lý Phương tiện và Người lái thuộc Tổng cục Đường bộ cho biết, thời gian qua số người báo mất và xin cấp lại giấy phép lái xe gia tăng nên Bộ trưởng Giao thông đã đề nghị như vậy nhằm mục đích là hạn chế các trường hợp giả mất bằng để xin cấp lại.

Khi hỏi chuyện Anh Liêm, một người hành nghề lái xe chuyên nghiệp ở Đà Nẵng, hôm 7 tháng 3 năm 2019 về vấn đề này, anh cho biết ý kiến của mình:

“Ông làm vậy vì sợ người ta lợi dụng, nếu lái xe đường dài hay lái xe container họ báo mất bằng lái rồi xin vài ba cái bằng, để công an giữ bằng thì có cái khác dùng. Nhưng theo tôi, bây giờ thời công nghệ thông tin, sao không viết ra phần mềm quản lý? Ai vi phạm thì chỉ cần gõ ra là biết. Tại vì bằng lái có số, cảnh sát giao thông chỉ cần laptop hay iPad gõ số bằng lái vào là biết ai vi phạm hay không chứ có gì đâu mà bắt thi lại.”

Anh Liêm cho rằng mất bằng lái xe mà bắt thi lại thì khó khăn lắm, phải đi học lại, mà đi học lại thì mất vài tháng, chưa kể chi phí khoảng vài chục triệu đối với anh là rất nhiều, theo anh như vậy là không hợp lý.

Còn một tài xế chạy xe du lịch ở Nha trang không muốn nêu tên bày tỏ thất vọng:

“Mấy ông ở trên đưa ra, mình cũng làm gì được đâu? Theo tôi nghĩ bằng lái mà mất thì hồ sơ cũng còn, tra xong lấy ra ngay, chứ đâu cần phải hạch sách cái đó. Theo tôi nghĩ thủ tục bày ra để kiếm tiền, để thu tiền chứ có cái gì đâu?”

Ông bộ trưởng đã đồng hóa hai việc vào làm một. Tựa như, để tránh việc một vài công dân không trung thực, thì ông bộ trưởng muốn toàn xã hội phải uống thuốc trị bệnh!
-Luật sư Đặng Đình Mạnh

Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua e-mail hôm 7 tháng 3 năm 2019, Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết, có lẽ ông bộ trưởng chưa phân biệt được ý nghĩa và hậu quả của việc mất bằng lái xe và việc bị tạm câu lưu bằng lái xe. Ông viết rõ:

“Bằng lái xe được hiểu là chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền về khả năng điều khiển xe của công dân.

Nhưng trong vài ngày gần đây, người dân trong cả nước phát sốt với ý kiến “Mất bằng lái xe phải thi lại”. Rất may, điều đó chưa phải là quy định có tính cưỡng hành mà mới chỉ là đề xuất của ông bộ trưởng Nguyễn Văn Thể.

Về bản chất pháp lý, có lẽ ông bộ trưởng chưa phân biệt được ý nghĩa và hậu quả của hai việc: Việc mất bằng lái xe và việc bị tạm câu lưu bằng lái xe.”

Theo luật sư Mạnh, công dân có thể mất bằng lái xe vì nhiều lý do: Trộm cắp, rớt mất, hỏa hoạn… nhưng trong thực tế, điều đó không làm ảnh hưởng đến khả năng điều khiển xe của người bị mất bằng. Do đó, công dân bị mất bằng lái yêu cầu cấp lại bằng mới là chính đáng. Nhưng nếu công dân bị cơ quan công an tạm giữ bằng lái vì vi phạm luật giao thông, thì điều đó có thể làm gián đoạn việc điều khiển xe của công dân về phương diện pháp lý. Công dân không có quyền yêu cầu cấp bằng mới mà phải chu toàn nghĩa vụ bị chế tài của mình. Nếu sự chế tài bao gồm cả tịch thu bằng lái, buộc lòng, công dân phải thi lại để được cấp bằng mới.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, ông bộ trưởng đã đồng hóa hai việc vào làm một. Tựa như, để tránh việc một vài công dân không trung thực, thì ông bộ trưởng muốn toàn xã hội phải uống thuốc trị bệnh!

Nơi đào tạo, thi sát hạch bằng lái xe chở khách của Bộ GTVT (ảnh minh họa)
Nơi đào tạo, thi sát hạch bằng lái xe chở khách của Bộ GTVT (ảnh minh họa)
Courtesy mt.gov.vn

Tương tự, Luật sư Hà Huy Sơn cũng không tán thành đề xuất của ông Nguyễn Văn Thể:

“Theo tôi việc mất bằng lái xe, thì người ta tra sổ lưu rồi cấp lại thì mới là đúng. Chứ còn mất bằng lái mà bắt thi lại để cấp bằng thì chưa nằm trong các trường hợp quy định của luật. Tôi cho rằng việc này sẽ không hợp lý với thực tế của xã hội, nên tôi cho rằng ý kiến của ông là không tốt.”

Ngay khi dư luận đang phản ứng mạnh mẽ, thì hôm 7/3/2019 truyền thông trong nước đồng loạt đưa tin ông Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã gửi một văn bản hoả tốc chỉ đạo siết cấp lại giấy phép lái xe.

Cụ thể ông yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN đưa ngay giải pháp siết chặt quản lý việc cấp giấy phép lái xe, rà soát, tổng hợp các trường hợp vi phạm bị tạm giữ hoặc tước quyền sử dụng bằng lái xe nhưng cố tình gian dối để xin cấp lại bằng lái, hoặc các trường hợp cố tình báo mất để xin cấp lại bằng lái với mục đích sở hữu đồng thời nhiều bằng lái xe.

Đằng sau phải có một cái gì đó, hơn là cái ông sơ sót, ông không tham vấn cấp dưới, hay hỏi người nào có hiểu biết… tôi nghĩ như vậy. Đó tư cách của một người dân bình thường chứ không có chuyên môn gì?-

Đây không phải là lần đầu tiên ông Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu gây sốc. Tuy nhiên, cũng như những lần trước, ông Thể vẫn chưa hề nhìn nhận đề xuất trước đó của mình là không hợp lý.
-PGS. TS. Hoàng Dũng

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 7/3/2019, Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng nhận định:

“Nếu nói là chưa tham vấn cấp dưới mà đã vội vàng phát biểu thì cũng không chắc đúng, một người không ai là không sai lầm, nhưng không sai lầm một lỗi cũ. Các vị lãnh đạo của chúng ta, trong đó có ông Bộ trưởng Thể, cứ sai hết sai lầm này đến sai lầm khác, như thế người ta phải nghĩ là ông giả vờ ngu, chứ ai mà cứ ngu hết lần này đến lần khác được. Đằng sau phải có một cái gì đó, hơn là cái ông sơ sót, ông không tham vấn cấp dưới, hay hỏi người nào có hiểu biết… tôi nghĩ như vậy. Đó tư cách của một người dân bình thường chứ không có chuyên môn gì?”

Phó giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng cho rằng, người ta thì ai cũng có thể sai, mà sai thì vẫn có thể làm quan to, nhưng to đến mức bộ trưởng và sai liên tiếp từ cái này sang cái kia, mà vẫn vững vàng trên ngôi bộ trưởng thì toàn dân đều khó hiểu cả? Ông nêu ví dụ một chính trị gia ở một thể chế tử tế hơn, nếu chỉ sơ sẩy nhỡ lời hay lỡ lời, thì họ có thể tồn tại ở chức vụ đó hay không?

Theo ông, cũng may là có mạng xã hội để người dân phản ứng mạnh mẽ, chứ giả sử không có mạng xã hội, hay nhà cầm quyền siết chặt, tước quyền ngôn luận của người dân, và như vậy các ông lớn còn lộng hành đến đâu nữa.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.