Nhân dịch bệnh Corona, Việt Nam cần một chính sách đối ngoại độc lập hơn trước Trung Quốc

Hoàng Thanh Dung
2020.02.04
AP_17316396698047_960.jpeg Hình minh họa. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở Hà Nội hôm 12/11/2017
AP

Trong đại dịch mới thấy bản chất

Cũng giống như khi con người bấn loạn mới bộc lộ ra những “tính xấu” mà bình thường có thể che giấu. Đại dịch virus Vũ Hán làm “lộ” nhiều “điểm yếu” chết người của nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam.

Đại dịch virus Vũ Hán nổ ra, mới thấy “Siêu cường tương lai” có “gót chân Asin” rất lớn. Thông tin thì không minh bạch. Khả năng quản trị khủng hoảng có vấn đề. Đặc biệt, các lãnh đạo Trung Quốc chỉ giỏi “hô khẩu hiệu” vì nhân dân này nọ, nhưng khủng hoảng virus Vũ Hán nổ ra, mới thấy lãnh đạo Trung Quốc coi mạng dân như cỏ rác.

Virus Vũ Hán là vũ khí sinh học?

Mới đây, báo chí Ấn Độ đã cho biết: “Sau khi các nhà nghiên cứu Ấn Độ buộc phải từ bỏ nghiên cứu về mối liên hệ giữa virus Vũ Hán với virus HIV, thì nay nhà chức trách Ấn Độ tuyên bố là thực hiện một cuộc điều tra xem xét việc Viện Nghiên cứu Virus của thành phố Vũ Hán có được phép thực hiện nghiên cứu các mẫu vật sống từ dơi và người hay không?[1] Điều này cho thấy còn rất nhiều ngờ vực trong việc bỗng nhiên bùng phát loại virus đáng sợ này. Và một điều đáng nghi vấn là hầu hết các nạn nhân tử vong đều ở Trung Quốc.

Hình minh hoạ. Ống nghiệm có tên virus Corona. Hình chụp hôm 29/1/2020.
Hình minh hoạ. Ống nghiệm có tên virus Corona. Hình chụp hôm 29/1/2020.
Reuters

Trên website của một tạp chí chuyên về quan hệ quốc tế của Ấn Độ là GreatGameIndia đã có một cuộc phỏng vấn một chuyên gia luật là Tiến sĩ Francis Boyle, người đã tham gia soạn thảo Đạo luật Vũ khí Sinh học. Chuyên gia này khẳng định rằng virus Vũ Hán là sản phẩm của một cuộc tấn công bởi vũ khí sinh học và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) biết điều đó.[2]

Cuộc điều tra mới bắt đầu nên chúng ta chưa thể có kết luận, nhưng những điều đó cũng cho thấy nghi vấn về nguồn gốc loài virus này là một sản phẩm của quân đội Trung Quốc cũng không phải là hoàn toàn vô lý.

Việt Nam trù trừ phản ứng

Khi thông tin về sự bùng phát của loại virus này lan truyền trên truyền thông quốc tế khoảng trước Tết Nguyên Đán, các quốc gia đã có các hành động phản ứng khác nhau.

Một số quốc gia đã kiên quyết cấm nhập cảnh những du khách đã tới Trung Quốc trong thời gian gần đây. Điển hình là Mỹ. Mỹ đã cấm nhập cảnh các du khách đã ở Trung Quốc trong vòng hai tuần qua. Nhật Bản và Singapore cũng tương tự. Triều Tiên là quốc gia đóng cửa biên giới sớm nhất, nhờ vậy mà chưa thấy có người bị nhiễm virus Vũ Hán ở quốc gia này.

Mặc dù rất nhiều người dân lên tiếng việc cần phải đảm bảo an toàn cho người dân Việt Nam, nhưng chính quyền Việt Nam vẫn trù trừ, không kiên quyết trong việc cấm các công dân Trung Quốc nhập cảnh. Thậm chí, nhiều báo chí và quan chức vẫn thể hiện quan điểm cần bảo vệ cho ngành du lịch Việt Nam. Và vẫn có rất nhiều đoàn người Trung Quốc đổ xô đến Việt Nam thời gian này. Cho đến ngày 1/2/2020, trước các thông tin nguy hiểm về nạn dịch này, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam mới ra tuyên bố tạm dừng tất cả các chuyến bay từ Trung Quốc, Hồng Công và Ma Cao. Tuy nhiên, việc thông báo dừng các chuyến bay dường như chỉ để dẹp yên dư luận. Bởi vì hoạt động qua lại tại các cửa khẩu biên giới đường bộ và đường sắt vẫn còn tiếp tục. Vừa mới đây, mới có tin tạm ngưng các chuyến tàu liên vận Việt Trung, nhưng chính quyền Việt Nam vẫn chưa ra lệnh đóng cửa biên giới. Vì sao như vậy? Ta có thể tìm câu trả lời qua các sự kiện sau:

Bác sĩ mặc đồ bảo vệ ở khu vực cách ly tại bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh hôm 31/1/2020
Bác sĩ mặc đồ bảo vệ ở khu vực cách ly tại bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh hôm 31/1/2020
Reuters

Thứ nhất, ngày 3/2/2020, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã chỉ trích đích danh Mỹ. Bà nhấn mạnh thay vì hỗ trợ cho Trung Quốc chống dịch, Mỹ lại tạo ra và gieo rắc nỗi sợ hãi trên thế giới. “Mỹ là quốc gia đầu tiên rút về nước một số nhân viên ngoại giao tại Trung Quốc và tại Vũ Hán - tâm dịch nCoV. Mỹ cũng là nước đầu tiên ra lệnh cấm nhập cảnh với toàn bộ công dân Trung Quốc.”[3]

Như vậy, ta có thể hiểu, dù virus nguy hiểm đến tính mạng người dân, nhưng theo bà Hoa, Chính phủ Hoa Kỳ không nên “chăm chăm bảo vệ người dân của mình”, mà phải “giữ quan hệ đại cục với Trung Quốc”, muốn rút nhân viên về nước hay không phải được sự đồng ý của Trung Quốc.

Thứ hai, khi được hỏi vì sao chưa đóng cửa biên giới trên bộ với Trung Quốc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trả lời báo chí trong nước: “Việt Nam và Trung Quốc có ký kết hiệp ước, nếu liên quan an ninh và dịch bệnh thì có thể đóng cửa nhưng phải có thỏa thuận giữa hai bên chứ Việt Nam không thể đơn phương.”[4] Thông tin này sau đó chừng nửa ngày là đã biến mất khỏi trên mạng internet ở Việt Nam. Tuy nhiên, theo nội dung của Hiệp định về cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tại Khoản 3 Điều 5 có quy định: “3. Để bảo vệ lợi ích xã hội, an ninh quốc gia hoặc vì lý do thiên tai nghiêm trọng, dịch bệnh truyền nhiễm lớn, dch bệnh động thực vật và các trường hợp bất khả kháng khác, một Bên có thể tạm thời đóng hoặc hạn chế việc qua lại cửa khẩu. Tuy nhiên, cần phải thông báo cho phía Bên kia trước 5 ngày, trong trường hợp khẩn cấp không được ít hơn 24 giờ.”[5] Như vậy, không phải là Việt Nam không có quyền hoặc cơ sở pháp lý để đóng cửa khẩu với mục đích ngăn chặn dịch bệnh lây lan, mà đúng ra là Nhà nước Việt Nam không đủ dũng khí để thực hiện điều này, cho dù họ có đủ cơ sở pháp lý.

Như vậy, ta có thể suy luận được rằng, mặc dù dịch virus nguy hiểm vô cùng, nhưng chính quyền Bắc Kinh vì muốn “giữ thể diện” nên đã “mặc kệ” cho người dân mình chết, mà chỉ lo thể hiện giữ “mặt” của một cường quốc.[6] Cường quốc là gì nếu không có nhân dân?

Để “giữ mặt”, Trung Quốc cũng dùng sức ép để các quốc gia khác không được trái ý “thiên triều”, mà trong đó, Việt Nam là ví dụ cụ thể nhất. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng tương tự. Chính vì vậy, vì sợ “oai” Trung Quốc, mà Chính phủ Việt Nam có thể đẩy người dân đến chỗ nguy hiểm khi không “dám” kiên quyết ngăn dịch bệnh.

Các lãnh đạo Trung Quốc, dù người dân đang chết thảm vì bệnh dịch như vậy, nhưng vẫn “mặt sắt đen sì”, không chấp nhận cho Đài Loan tìm cách sơ tán công dân của họ ra khỏi vùng dịch bệnh.[7] Và cho dù người dân Trung Quốc đang chết chóc và hoảng loạn, thì các tàu hải cảnh của Trung Quốc vẫn lượn vòng vòng bên cạnh khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam.

Vì thế, nếu thực sự lo cho người dân và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, dân tộc, Việt Nam cần có một chính sách đối ngoại thực sự độc lập hơn hiện nay. Điều đó mới có thể giữ được “tuổi thọ” của Đảng Cộng sản lâu hơn nữa.

 


[1] https://www.thehindu.com/news/national/study-on-bats-and-bat-hunters-of-nagaland-come-under-the-scanner/article30722099.ece

[2] https://t.co/MbItPq8OTz?amp=1

[3] https://www.reuters.com/article/us-china-health-usa/china-accuses-u-s-of-scaremongerng-over-coronavirus-idUSKBN1ZX0QR

[4] https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/can-vn-close-border-to-china-01312020092557.html

[5] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-thong-van-tai/Hiep-dinh-cua-khau-quy-che-quan-ly-cua-khau-bien-gioi-tren-dat-lien-114879.aspx

[6] https://news.zing.vn/benh-vien-vu-han-qua-tai-nguoi-nghi-nhiem-virus-corona-chet-tai-nha-post1042411.html?fbclid=IwAR3hhjJgInag2dzAF2fXr19DzIQ7Q3kWtmzdjFtfwewOGMxH_S9eOUPYU0k

[7] https://www.taiwannews.com.tw/en/news/3865894

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.