Bi hài ‘tem chống hàng giả’ bị làm giả!

RFA
2019.07.18
0718-f1.jpg Tem chống hàng giả bị làm giả.
Nguồn: haiduongdost.gov.vn

Hàng giả tem giả hay hàng giả tem thật?

Vào ngày 24/1/2017, Viện Khoa học hình sự thuộc Tổng cục cảnh sát ra văn bản số 94/C54-P1 về việc dừng phát hành và cung cấp tem chống hàng giả cho các doanh nghiệp trong nước, bắt đầu từ ngày 1/2/2017.

Trước đó, tất cả các tem chống hàng giả cho các sản phẩm lưu hành tại Việt Nam đều do Viện khoa học hình sự thuộc Bộ Công An phân phối tới các doanh nghiệp.

Như vậy, chỉ sau khi thông báo được ra hơn một tuần, Viện Khoa học hình sự đã ‘đá’ việc in tem chống hàng giả về cho các đơn vị tổ chức doanh nghiệp được cấp phép in ấn và dán trực tiếp lên sản phẩm.

Tem mà còn bị làm giả thì làm sao biết tin vô đồ nào đồ thiệt, đồ nào đồ giả, có gì nữa mà tin, không có cách nào xác định luôn, không tin tưởng vô hệ thống an toàn đất nước, chắc chỉ có Việt Nam mới vậy. - Hà Anh

Trong khi đó, chính phủ Hà Nội lại không quy định mẫu tem cho các sản phẩm, mà các doanh nghiệp được tự chọn lựa mẫu tem tùy theo thiết kế của họ.

Điều này vô tình trở thành kẽ hở khiến việc kiểm soát cũng như in ấn khó quản lý. Lợi dụng kẻ hỡ đó, ngay lập tức, trên thị trường xuất hiện hàng loạt ‘tem chống hàng giả’ bị làm giả.

Nhận xét về việc này, chị Hà Anh, hiện đang ở Sài Gòn bày tỏ thất vọng:

“Tem mà còn bị làm giả thì làm sao biết tin vô đồ nào đồ thiệt, đồ nào đồ giả, có gì nữa mà tin, không có cách nào xác định luôn, không tin tưởng vô hệ thống an toàn đất nước, chắc chỉ có Việt Nam mới vậy. Việc tự in như vậy bản thân những người không làm giả đi, nhưng những hàng trôi nổi khác tự làm tem cho đáng tin cũng được, chẳng ai kiểm soát hết.”

Còn theo Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Việt Nam cho hay khi ông còn đương chức, trong các kỳ họp cũng đã bàn đến chuyện này. Tuy nhiên ông không đồng tình với quyết định chỉ thông báo một thời gian ngắn rồi ‘rút chân’ hoàn toàn của Bộ Công an. Ông giải thích ở Việt Nam hiện nay có hai dạng hàng giả gồm có hàng giả tem giả và hàng giả tem thật:

“Đôi khi tem thật nhưng đóng vô hàng giả, thì hàng giả cũng thành hàng thật hay sao? Họ chỉ cần mua tem về dán vô nhưng chất lượng sản phẩm thiếu chất lượng hoặc nguyên liệu thì cũng thành hàng thật hay sao? Nên chuyện mỗi sản phẩm làm ra họ (doanh nghiệp) tự đăng ký sản phẩm tem chống hàng giả để cho hàng của họ trên thị trường không có nơi khác giả hàng của mình, đưa hàng giả vào bán, cạnh tranh với doanh nghiệp rất lớn. Đó cũng là cái theo mình nghĩ là còn phải bàn bạc, thảo luận ghê lắm.”

Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng chuyện sản phẩm do công ty làm ra rồi công ty tự dán tem chống hàng giả lên sản phẩm là hợp lý, nhưng vấn đề tem đó có đảm bảo thật hay không.

Tem chống hàng giả.
Tem chống hàng giả.
Nguồn: 24h.com.vn

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, chị Mai, một quản lý công ty in tại Sài Gòn cho biết sau khi văn bản số 94/C54-P1 có hiệu lực, công ty chị đã mở rộng thêm việc sản xuất ‘tem chống hàng giả’ cho các doanh nghiệp. Nói rõ hơn về những loại tem chống hàng giả đang có trên thị trường, chị Mai cho biết:

“Dạng thứ nhất là tem vỡ, tức khi dán vô rồi nếu ai xé ra thì tem đó sẽ vỡ nát ra từng miếng, không thể nào tháo ra rồi dán vô lại như cũ được. Dạng nữa là có mấy tia màu ở dưới nền. Dạng khác là chữ ví dụ như logo hoặc tên công ty chạy màu dưới tem. Hiện tại bây giờ công nghệ mới hơn sẽ có dạng in bình thường, nhưng khi quét nước, tem bị ướt thì sẽ hiện chữ lên, hoặc ánh sáng tia UV chiếu vào sẽ hiện thông tin công ty.”

Vẫn theo chị Mai, việc in ấn tem chống hàng giả cũng không phải dễ dàng, không có chuyện công ty in ấn nào muốn thì nhận in là được:

“Theo đúng luật khi in tem chống hàng giả người ta phải nộp giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký của sản phẩm đó và được thông hành trên thị trường. Còn nếu không chứng minh được những thứ đó, nhà in không được in, nếu liều in là phạm pháp. Khi công an xuống kiểm tra không chỉ kiểm tra lúc mình in mà còn kiểm tra file trên máy (tính), kêu xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc (file), nếu không chứng minh được sẽ phạt, mỗi lần từ trăm triệu đến một tỉ.”

Chống cách gì?

Chúng tôi có liên lạc với luật sư để hỏi về việc pháp luật Việt Nam hiện nay đối với việc buôn bán hàng giả. Từ Hà Nội, Luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết hiện nhà nước có 2 hình thức xử lý đối với vấn đề này:

“Vấn đề thứ nhất về quản lý nhà nước thì việc xử lý với tính chất mức độ thấp thì người ta xử lý hành chính. Nếu tính chất mức độ gây hại và mức độ theo lượng hàng giả thì sẽ xử phạt hành chính: phạt tiền hoặc một số hình thức. Trường hợp thứ hai đến một mức độ nhất định người ta sẽ xử lý hình sự.”

Người Việt Nam không quan tâm tới tem chống hàng giả. Vì ở Việt Nam mấy cái đó biết chắc là thế nào cũng có đường làm giả, dù có tem chống hàng giả cũng vậy, nên cũng không quan tâm, nhìn bao bì, thương hiệu mình mua thôi. - Hường

Luật sư Trần Quốc Thuận cho biết thêm, mức xử lý hình sự có thể bị bỏ tù nhiều năm tùy thuộc vào mặt hàng bán giả.

Trước những mức phạt cao như vậy, nhưng tình hình tem giả, hàng giả vẫn nhan nhản xảy ra ở Việt Nam.

Theo chị Mai, dưới con mắt người trong nghề, nhìn vào có thể phân biệt được tem thật, tem giả nhưng chị cho rằng đối với người tiêu dùng thì khó có thể phân biệt được thật, giả.

Tuy nhiên, theo chị Hương hiện đang sống ở Sài Gòn cho biết thực tế tại Việt Nam, việc ‘tem chống hàng giả’ lại bị làm giả không được người tiêu dùng trong nước để tâm tới:

“Người Việt Nam không quan tâm tới tem chống hàng giả. Vì ở Việt Nam mấy cái đó biết chắc là thế nào cũng có đường làm giả, dù có tem chống hàng giả cũng vậy, nên cũng không quan tâm, nhìn bao bì, thương hiệu mình mua thôi. Nói chung Việt Nam khi có chuyện mới đem ra chửi chứ bình thường không soi (tem) kỹ đâu.”

Xác nhận thực tế này, chị Hà Anh khẳng định:

“Nói về hàng Việt Nam thì Anh không coi tem quá nhiều vì Anh không nghĩ là hàng Việt Nam bị làm giả nhiều, nhưng hàng nước ngoài Anh phải coi tem.”

Còn theo luật sư Trần Quốc Thuận, tình trạng hàng giả, đồ giả, và tem giả không gây quá ngạc nhiên đối với người dân trong nước, vì thậm chí cả chức vụ và học vị cũng còn làm giả được thì cái gì họ không làm giả.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.