Đập thuỷ điện đe doạ cuộc sống của 3,4 triệu dân lưu vực tiểu vùng Mekong
2018.05.11
Nguồn sinh kế của 3,4 triệu người dân Lào, Campuchia và Việt Nam đang bị đe doạ bởi việc xây dựng 65 đập thuỷ điện tại lưu vực nơi sông Mekong chảy qua các nước này. Đây là báo cáo được công bố hôm 10/05 liên quan đến tình trạng hệ sinh thái của lưu vực các sông Sesan, Srepok và Sekong (3S) do tổ chức Bảo Tồn Quốc tế (CI), Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (IUCN) phối hợp với Ủy ban sông Mê Công Campuchia (CNMC) phối hợp nghiên cứu.
Cụ thể nghiên cứu cho thấy Chỉ số Sức khỏe nguồn nước (FHI) của hệ sinh thái 3S có điểm sinh lực là 66 trên 100, đồng nghĩa với việc nguồn nước tại đây chỉ ở trên mức trung bình. Ngoài ra nghiên cứu cũng cho điểm số 80/100 đối với một số khu vực tuy nhiên đánh giá về năng lực quản trị của các khu vực này lại chỉ được 43 điểm.
Cũng theo nghiên cứu này, các công trình đập thuỷ điện tại lưu vực ba sông Sesan, Sprepok và Sekong đang tác động nghiêm trọng tới dòng chảy cũng như quá trình vận chuyển trầm tích và sự di cư của cá.
Ông Nick Souter, giám đốc nghiên cứu nước ngọt của khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc tổ chức Bảo Tồn Quốc Tế, đã trình bày kết quả chính của nghiên cứu, cho biết hiện có 65 đập thuỷ điện được xây dựng trên lưu vực 3 con sông vừa nêu. Trong số đó, 59 đập ở Việt Nam, năm đập ở Lào và hai đập ở Campuchia. Ngoài ra, một đập đang được xây dựng ở Việt Nam, 7 đập ở Lào và hơn 30 đập có khả năng được xây dựng trong lưu vực thời gian tới.
Còn theo ông Jake Brunner, giám đốc Liên minh quốc tế về bảo tồn thiên nhiên của Tập đoàn Indo-Burma thì sự thay đổi của các hệ sinh thái chỉ mới xảy ra gần đây. Các vấn đề trầm tích và đánh bắt cá do ảnh hưởng của đập thuỷ điện thì đã có từ 20-30 năm trước đây nhưng không quá nghiêm trọng và việc giám sát lưu vực sông mới chỉ được quan tâm trong khoảng 5 năm trở lại đây.
Ngoài ra, công tác bảo tồn cần khoảng 10 triệu đô la mỗi năm, một nửa trong số đó được chính ba quốc gia đầu tư, chủ yếu là từ Việt Nam và còn lại là các tổ chức phi chính phủ.