Tội phạm an ninh quốc gia tăng hay chính quyền gia tăng đàn áp dân chủ?
2019.09.04
Tại phiên họp toàn thể của Uỷ ban Tư pháp hôm 3/9/2019, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết: ‘tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia tăng đến 58,8% trong năm 2019’.
Siết “thù trong giặc ngoài”
Không những thế, lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao còn nhấn mạnh, các thế lực thù địch, các tổ chức phản động trong và ngoài nước tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng và nhà nước, nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Trao đổi với RFA qua tin nhắn hôm 4/9/2019, dưới góc nhìn của một luật sư bào chữa trong các vụ án hình sự, Luật sư Đặng Đình Mạnh nói rằng ông tin thống kê của Viện Kiểm Sát tối cao về tình hình tội phạm an ninh quốc gia tăng trong năm 2019 và ông nói rằng điều đó hoàn toàn có cơ sở:
“Bởi lẽ, hoạt động đấu tranh yêu cầu dân chủ đã lan rộng trong khá nhiều tầng lớp xã hội và đa phần trong số họ hoạt động một cách tự phát, không có tổ chức, tôn chỉ, đường lối rõ rệt như một tổ chức thường thấy, mà chỉ là những yêu cầu cụ thể mang tính cách thời sự. Ví dụ dễ thấy nhất là các phát biểu quan điểm trên mạng xã hội hoặc các cuộc biểu tình chống dự án luật đặc khu, luật an ninh mạng…”
Trong tình hình hiện nay, đối với đảng cộng sản VN có thể nói là thù trong giặc ngoài, mà hiện nay họ vẫn nhìn những người biểu hiện quyền con người mà họ ghép cho tội xâm phạm an ninh quốc gia. Đó là điều họ đã phỉ báng lại điều ông Hồ Chí Minh từng nói.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Theo Luật sư Mạnh, các hoạt động dân chủ ấy không còn gói gọn trong giới hạn phạm vi của những người đấu tranh mà tên tuổi đã từng được công chúng biết đến từ nhiều năm nay. Vì thế, mặc dù có sự chững lại của một số nhà hoạt động dân chủ quen mặt, nhưng điều đó không làm giảm đi sự hoạt động dân chủ chung của nhiều người khác trong xã hội Việt Nam hiện nay.
Từ Sài Gòn Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho biết cảm thấy rất phẫn nộ đối với con số 58,8 % của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đưa ra, đó là sự lạnh lùng về tính nhân bản, là sự khô khốc trong tâm hồn người cộng sản khi nhìn đồng bào của mình bằng con số toán học. Ông nói tiếp:
“Trong tình hình hiện nay, đối với đảng cộng sản VN có thể nói là thù trong giặc ngoài, mà hiện nay họ vẫn nhìn những người biểu hiện quyền con người mà họ ghép cho tội xâm phạm an ninh quốc gia. Đó là điều họ đã phỉ báng lại điều ông Hồ Chí Minh từng nói: ‘…dân ta có lòng nồng nàn yêu nước, đó là một truyền thống tốt đẹp quý báu, từ xưa đến nay mỗi khi đất nước bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, lướt qua nguy hiểm khó khăn, nhấn chìm lũ bán nước và cướp nước…’”
Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế - Amnesty International, tính đến ngày 13/5/2019 có đến 128 Tù nhân lương tâm Việt Nam hiện vẫn đang bị giam giữ, đây là những người bị chính quyền Việt Nam cầm tù vì biểu lộ niềm tin theo lương tâm của họ một cách bất bạo động. So với tháng 4 năm 2018 số tù nhân lương tâm đã tăng thêm 31 người.
Chính trị hóa vấn đề dân sinh
Nhà báo độc lập/nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, khi trao đổi với RFA hôm 30/8 cho rằng kể từ Đại hội đảng hồi tháng 1 năm 2016, khi ông Nguyễn Phú Trọng tăng hẳn quyền lực lên, thì sự đàn áp tăng lên rất nhiều, rất nhiều người bị bắt trên khắp các địa phương. Địa phương nào cũng bắt người liên quan các vụ án chính trị, địa phương nào cũng có tù nhân lương tâm. Cô cho biết thêm:
“Đặc biệt là mức án rất khốc liệt, lúc trước nghe mức án 4 hay 5 năm đã là nhiều, nhưng bây giờ hơn 10 năm là bình thường. Đàn áp cũng dữ dội hơn, không chỉ dữ dội về cường độ, mà còn về diện đàn áp, có những thứ không đáng đàn áp, cũng bị đàn áp, Ví dụ như người dân chỉ ra trạm BOT đếm xe cũng bị bắt, bị đánh.”
Đơn cử trường hợp nhà hoạt động bảo vệ môi trường và lên tiếng cho các vấn đề xã hội Lê Đình Lượng, bị tuyên án 20 năm tù vào ngày 16 tháng 8 năm 2018. Theo Human Rights Watch, đây là một trong những bản án dài nhất trong lịch sử gần đây. Lê Đình Lương bị cho là đã tham gia một đảng chính trị hải ngoại bị cấm ở Việt Nam. Hoặc như trường hợp ông Michael Phương Minh Nguyễn, Việt kiều Mỹ vừa bị tuyên 12 năm tù vào tháng 6/2019 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 1, khoản 109 Bộ luật hình sự 2015 của Việt Nam và Huỳnh Đức Thanh Bình, 10 năm tù.v.v. Các luật sư bào chữa cho Huỳnh Đức Thanh Bình đều cho rằng mức án được tuyên là quá nặng và không đủ bằng chứng (?!)
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết, trong một số vụ án hình sự điển hình mà ông và các đồng nghiệp tham gia bào chữa, nhiều người hoạt động dân chủ, biểu thị các ý kiến về những vấn đề trọng đại của đất nước đã bị bắt khi chỉ mới lần đầu tham gia các hoạt động biểu tình, hoặc kêu gọi người khác cùng biểu tình, hoặc phát biểu quan điểm chính trị ôn hòa trên mạng xã hội… Bên cạnh đó, chính quyền cũng thể hiện thái độ khắt khe hơn đối với những hoạt động yêu cầu mở rộng dân chủ bằng cách tăng cường các hoạt động trấn áp bằng nhiều hình thức, trong đó, đáng kể nhất là thông qua việc khởi tố hình sự.
Cái quan trọng nhất không phải xuất phát từ chính trị mà từ dân sinh, như vấn đề dân mất đất, ô nhiễm biển, vấn đề về các trạm BOT… đó hoàn toàn là vấn đề dân sinh. Nhưng cuối cùng nói bị chính người cộng sản đã chính trị hóa nó.
-Nhà báo Nguyễn Ngọc Già
Trong khi đó, nhìn ở góc độ khác của sự việc, nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng, thực chất vấn đề an ninh quốc gia mà chính quyền Việt Nam đề cập không xuất phát từ chính trị, mà từ vấn đề dân sinh:
“Cái quan trọng nhất không phải xuất phát từ chính trị mà từ dân sinh, như vấn đề dân mất đất, ô nhiễm biển, vấn đề về các trạm BOT… đó hoàn toàn là vấn đề dân sinh. Nhưng cuối cùng nói bị chính người cộng sản đã chính trị hóa nó. Đó là mấu chốt, là sai lầm nghiêm trọng của người cộng sản, họ đã biến vấn đề dân sinh trở nên chính trị hóa. Thực chất người dân không cần biết chính trị, nhưng vấn đề dân sinh của họ không được đảm bảo nên họ đứng lên họ đòi đất, đòi biển sạch, đòi không có những trạm BOT thu phi lý, nhưng người cộng sản không đủ khả năng giải quyết và tự họ đã chính trị hóa vấn đề.”
Theo thống kê từ trang The 88 Project, những cuộc đàn áp các nhà hoạt động xã hội dân sự Việt Nam leo thang vào năm 2018 và tiếp tục vào năm 2019. Bằng chứng là chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, có đến 16 vụ bắt giữ các nhà hoạt động và ít nhất 33 nhà hoạt động luôn bị sách nhiễu, quấy rối.
Đáng chú ý là, hai trong số những người bị bắt và xét xử vì biểu tình chống Luật Đặc Khu và Luật An Ninh Mạng trên toàn quốc vào tháng 6 năm 2018, là Đặng Ngọc Tân và Phạm Thanh, đã bị kết án và tuyên án lần lượt là 24 năm và 15,5 năm tù giam, riêng Đặng Ngọc Tân chỉ mới 19 tuổi.
Cũng theo trang The 88 Project, 50% các cáo buộc đối với các tù nhân chính trị vào năm 2019 là theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự 2015 - tuyên truyền chống lại nhà nước, tiếp theo là 14% theo Điều 331 - Nghi phạm lạm dụng quyền tự do dân chủ…