Quy luật là thứ không thể chống

Đinh Ngọc Thu, gửi RFA
2016.03.23
000_907P7-622.jpg Những người ủng hộ Blogger Basam Nguyễn Hữu Vinh trước Tòa án nhân dân Hà Nội ngày 23 tháng 3 năm 2016.
AFP

Chính quyền Cộng sản Việt Nam sẽ không đạt được bất ký lợi ích nào cho dù phóng thích hay cầm giữ anh Nguyễn Hữu Vinh, cô Nguyễn Thị Minh Thúy.

Sự khởi đầu “phá vòng nô lệ”?

Trước nay, họ vẫn bảo rằng, mục tiêu của trừng phạt là “giáo dục và răn đe”. Thực tế cho thấy, sự trừng phạt nhắm vào nhiều người khác trước đây, rồi tới anh Vinh và cô Thúy, kể cả những người khác nữa sau này, sẽ chẳng còn “giáo dục” và “răn đe” được bao nhiêu người giống như trước nữa.

Tất cả đã, đang và sẽ còn thay đổi, vừa nhanh, vừa mạnh mẽ.

Đã có rất nhiều người nhận ra, muốn vô hiệu hóa “chuyên chính vô sản” tại Việt Nam thì phải cung cấp đủ thông tin đúng cho đồng bào của mình. Thông tin là con đường duy nhất giúp thay đổi nhận thức. Khi nhận thức đã thay đổi thì hành vi cũng sẽ thay đổi. Hình như “phá vòng nô lệ” phải khởi đầu từ đó.

Anh Vinh là một trong những người nhận điều này. Năm 2007, anh Vinh làm trang web Ba Sàm. Anh Vinh không đơn độc. Anh Trần Hoàng cũng nghĩ như vậy và đã giúp anh Vinh.

Tháng 4 năm 2009, anh Trần Hoàng rút lui. Tháng 8 năm 2009, tôi tình nguyện thay vào chỗ anh Hoàng. Cũng như anh Vinh và anh Hoàng, tôi thấy mình cần phải làm gì đó. Tôi cũng có thể nhặt nhạnh, gom góp đưa đủ thông tin đúng đến đồng bào của mình như các anh thay vì chỉ bất bình, chửi đổng rồi thôi.

Blogger Basàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự, bà Nguyễn Thị Minh Thủy, tại Tòa án Nhân dân Hà Nội ngày 23 tháng 3 năm 2016.
Blogger Basàm Nguyễn Hữu Vinh và người cộng sự, bà Nguyễn Thị Minh Thủy, tại Tòa án Nhân dân Hà Nội ngày 23 tháng 3 năm 2016.
AFP photo

Chưa bao giờ tôi làm loại công việc nào giống như phụ anh Vinh – thực hiện Ba Sàm: Không thù lao, không có bất kỳ thứ phúc lợi nào mà lại không thể ngưng nghỉ. Mỗi ngày từ 14 đến 16 tiếng. Mỗi tuần bảy ngày. Mỗi tháng đủ 30 ngày. Tôi đã có ý định bỏ cuộc cả chục lần vì áp lực quá lớn.

Anh Vinh cũng đuối bởi áp lực đối với anh còn lớn hơn tôi. Không ai có thể cô lập tôi, bắt tôi vì những việc tôi làm, còn anh Vinh phải đối diện với điều đó từng ngày.

Chúng tôi không thoái bộ chỉ vì một điều, chúng tôi có thể “cầm nắm, sờ mó” được hiệu quả từ công việc của mình. Đó là những phản hồi và cả những đóng góp từ phía độc giả. Thậm chí Ba Sàm bắt đầu được nhân bản, càng ngày càng nhiều.

“Bịt miệng” là một mong muốn hão huyền?

Ai cũng có thể thấy từ cuối thập niên 2010 đến nay, tại Việt Nam, sự sợ hãi giảm dần, yêu cầu chính quyền phải thay đổi cách hành xử công quyền càng ngày càng lớn. Mọi người bớt thì thầm với nhau mà bắt đầu công khai bày tỏ điều họ nghĩ, xa hơn là điều họ muốn. Chính quyền sợ hãi nhưng sự bạo ngược giảm nhiều hơn.

Sự lo ngại của chính quyền tỉ lệ thuận với việc Ba Sàm bị tấn công. Chúng tôi đã từng bị đánh gục nhưng chúng tôi đã tự gượng dậy vì sự nâng đỡ tinh thần của độc giả.

Mệt mỏi và kiệt sức, tháng 4 năm 2014, tôi đã quyết định bỏ cuộc. Chính quyền Việt Nam đã thúc tôi mở lại cửa vào Ba Sàm khi bắt anh Vinh và cô Thúy.

Bây giờ, “bịt miệng” rõ ràng là một mong muốn hão huyền. Những chỗ như Ba Sàm trên Internet không phải là hàng chục, hàng trăm, rồi sẽ thành hàng ngàn. Đó là một thứ nhu cầu tự nhiên như hít thở, ăn, uống. Làn sao có thể cản được?

Đang có thêm những Nguyễn Hữu Vinh và những Ba Sàm khác. Giống như “niêu cơm Thạch Sanh”. Đây là thứ “niêu” không ai có thể đập bể. “Bạo lực cách mạng” có thể giúp Đảng CSVN đạt được một số “thắng lợi” nhưng lịch sử từng cho thấy bạo lực không thể tạo ra phát triển và thịnh vượng. Đó là quy luật. Cứ ngẫm sẽ thấy, không ai có thể chống lại các quy luật.

Đinh Ngọc Thu, 22/03/2016

*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.