Có nhất thiết phải quy định bật đèn chiếu sáng nhận diện vào ban ngày?

RFA
2020.06.02
Những xe máy tham gia giao thông vào ban ngày trên đường phố Hà Nội. Những xe máy tham gia giao thông vào ban ngày trên đường phố Hà Nội.
AFP

Trước thời điểm diễn ra hội thảo, đã có nhiều ý kiến khác nhau sau khi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề xuất xe máy phải bật đèn nhận diện vào ban ngày. Tại buổi hội thảo này, Vụ trưởng Pháp chế Bộ GTVT Trịnh Thị Hằng Nga cho rằng quy định đèn nhận diện đã được luật hóa theo công ước quốc tế.

Luật sư Đặng Dũng, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết việc thiết lập đèn nhận diện cho xe máy tham gia lưu thông là một trong những biện pháp để giảm thiểu số lượng tai nạn giao thông diễn ra hằng ngày tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông cho rằng việc này hiện chỉ đang được dự thảo và chưa có tính bắt buộc:

“Thành ra tôi nghĩ rằng đó là bước đi phù hợp đối với tình hình hiện nay, người ta phải có giải pháp để hạn chế vấn đề tai nạn giao thông, thì người ta thấy rằng, ví dụ như ở Thái Lan, điều này nó cũng đã được làm rồi; không có gì trở ngại và cũng không có tốn kém gì và nó cũng dễ dàng cho người dân người ta thực hiện, thì tôi nghĩ đó là một trong những giải pháp người ta nghĩ ra cho Việt Nam cũng là một điều tốt.”

Theo luật sư Dũng, ông đồng ý với ý kiến của Vụ trưởng Pháp chế Bộ GTVT về việc luật hóa quy định lắp đặt đèn nhận diện cho xe máy tại Việt Nam, vì ông cho rằng điều này đã được nghiên cứu dựa theo tiêu chuẩn của quốc tế về luật giao thông đường bộ:

“Về cái điều này, những nhà tham khảo luật, những văn bản luật người ta bám vào cái quy định theo international standards (tiêu chuẩn quốc tế) về luật giao thông đường bộ. Ví dụ như, tại vì vấn đề này có liên quan đến cả vấn đề đó ở trên thế giới, thành ra điều này họ làm cũng phải căn cứ trên những điều thế giới người ta đã làm, hoặc trong luật giao thông, nên tôi nghĩ điều họ làm điều đã được nghiên cứu hết chứ không phải là không; tôi nghĩ điều đó là hợp lý.”

Anh V. Lộc, một người dân sinh sống tại TP.HCM, cho biết anh thấy việc bổ sung quy định bật đèn nhận diện vào ban ngày cho các xe máy ở Việt Nam sẽ chẳng có mấy tác dụng:

“Chẳng có lợi, chẳng có hại gì đâu, anh thấy bình thường. Buổi sáng vẫn thấy bình thường; chỉ có khi trời mưa, tối hay gì thôi chứ buổi sáng không bật đèn vẫn thấy mà.”

Tuy nhiên, giáo sư Đặng Hùng Võ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định việc áp dụng bật đèn nhận diện vào ban ngày không phù hợp với điều kiện môi trường nhiệt đới của Việt Nam:

“Tôi thì cho rằng đây là kinh nghiệm của các nước Bắc Âu, cụ thể là ở Thụy Điển, Na uy thì đều có quy định là đèn thậm chí là không có công tắc, mà suốt ngày khi nổ máy xe là phải bật đèn. Thế nhưng, ở Việt Nam thì tôi cho rằng nó lại gây lãng phí vì đây là vùng nhiệt đới, nhất là mùa hè thì nắng suốt ngày; kể cả mùa đông thì vẫn là nắng, không có chuyện sương mù, thế thành ra học tập kinh nghiệm này của các nước Bắc Âu thì tôi cho rằng nó không phù hợp với Việt Nam.”

Người dân bật đèn chiếu sáng trên xe máy khi tham gia giao thông lúc trời tối tại Hà Nội.
Người dân bật đèn chiếu sáng trên xe máy khi tham gia giao thông lúc trời tối tại Hà Nội.
AFP

Anh Đạo, một người dân khác cũng sinh sống tại TP.HCM, cũng cho rằng anh không thấy lợi ích cho việc phải bật đèn nhận diện cả ngày. Ngoài ra, anh Đạo cho biết ý kiến rằng việc tất cả các xe máy đều phải bật đèn nhận diện chỉ gây tiêu tốn nhiên liệu và góp phần tăng ô nhiễm môi trường:

“Theo quan điểm cá nhân, nó cũng đâu có lợi gì đâu, nhưng mà nhiều lúc nó cũng ảnh hưởng chiếc xe hơn nữa. Xe mà bật đèn buổi sáng cũng không thấy quá cần thiết, mà bật như vậy thì nguyên liệu nó cũng xe tốn hơn, ảnh hưởng đến môi trường nhiều hơn chứ không có ích lợi gì. Sáng thì hầu hết đều thấy rõ người ở đằng xa, thậm chí không cần bật đèn, vẫn thấy rõ bình thường.”

Ngoài ra, anh Đạo cho rằng hiện bản thân anh cũng chưa biết rõ về thông tin liên quan đến đèn nhận diện cho xe máy tại Việt Nam, vì từ trước đến nay anh chỉ biết đến loại ‘đèn thường’ và ‘đèn pha’ khi sử dụng xe máy tham gia lưu thông trên đường.

Trước ý kiến về tác động môi trường, giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng việc bắt buộc các xe máy phải bật đèn nhận diện cả ngày sẽ góp phần tăng lượng khí thải và có thể tăng thêm rủi ro tai nạn giao thông:

“Chắc chắn ý kiến đó là đúng, bởi vì tôi cho rằng lãng phí là một và nó làm tăng khí thải tại các phương tiện giao thông. Đồng thời, ngay trong ánh sáng ban ngày, nhưng mà đèn bao giờ cũng sẽ ảnh hưởng người đi đối diện với mình và cũng có thể có nguy cơ, rủi ro gây tai nạn giao thông trong một số tình huống nhất định, khi mà ví dụ như bật đèn pha chẳng hạn, khi mà người đối diện với mình trong cái tư duy ban ngày không để ý đến đèn, có khi nó lại gây ra tai nạn.

Thành ra tôi cho rằng là lợi thì không thấy, nhưng mà hại thì khá nhiều thứ có thể chỉ ra cái hại, lãng phí nhiên liệu, phát thải nhiều hơn và có những cái rủi ro có thể gây tai nạn giao thông.”

Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định, các cơ quan có thẩm quyền về xây dựng và thông qua pháp luật nên xem xét kỹ lưỡng những lợi ích và tác hại của việc đưa quy định bật đèn nhận diện cả ngày vào Luật Giao thông Đường bộ của Việt Nam, vì ông nhận thấy có nhiều tác hại hơn là lợi ích trong quy định này:

“Tất nhiên, tôi chỉ là một người dân thường thì ý kiến nó cũng vậy thôi, chứ nó cần phải có sự xem xét nghiêm túc của những người có thẩm quyền về chuyện xây dựng pháp luật, thẩm định và thông qua pháp luật.”

Ngoài ra, trong những cuộc tọa đàm dự thảo liên quan đến việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ của Việt Nam, giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng các cơ quan thẩm quyền cũng cần xem xét và tiếp thu thêm ý kiến của các chuyên gia về môi trường để có thêm thông tin cho việc cân đo của lợi ích và tác hại trong việc đưa những quy định mới về giao thông vào luật pháp Việt Nam. Ông nhận định:

“Nói cách khác là chúng ta cần quen với một tư duy phân tích chi phí lợi ích đi, chúng ta cần lợi ích trừ đi chi phí thì chúng ta thấy rằng nó bằng 0, hoặc âm thì chuyện đó là đương nhiên rồi, cần phải xem xét để tiếp thu. Tôi cho rằng lúc này là rất cần nghiên cứu và tiếp thu càng sớm càng tốt.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.