Không ghi âm, ghi hình khi hòa giải tại tòa để bảo đảm bí mật?

RFA
2020.05.27
0527f2.jpg Dự thảo luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án.
Ảnh chụp màn hình thuvienphapluat.vn

Trong phiên họp Quốc hội sáng 26/5 thảo luận về một số nội dung của dự thảo luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng nguyên tắc bảo đảm bí mật của câu chuyện hòa giải là nguyên tắc bao trùm của chế định này.

Báo trong nước dẫn lời ông Nguyễn Hòa Bình rằng trong luật không được ghi biên bản, không được ghi âm, ghi hình để bảo đảm rằng tất cả những điều mà người ta đã chia sẻ với hòa giải viên được giữ kín. Kể cả bản thân thẩm phán cũng không được phép biết về nội dung của việc chia sẻ này.

Trao đổi với RFA vào tối ngày 27/5, Luật sư Hoàng Văn Hướng thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội, Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Hưng cho rằng ý kiến của ông Nguyễn Hòa Bình đóng góp có cơ sở và phù hợp với hoạt động hòa giải. Ông lập luận:

“Phải hiểu rằng hòa giải là một trình tự thủ tục, một phương pháp giải quyết giữa các chủ thể với nhau, một bên hoặc nhiều bên tham gia giải quyết một vấn đề. Vì khi hòa giải có thể nói rất nhiều thông tin bí mật trong hoạt động kinh doanh, đời tư, dân sự và quyền nhân thân nên việc giữ được bí mật cho các bên là điều tốt. Vì đây không phải là hoạt động tố tụng mà là hòa giải nên phải tôn trọng các bên.”

Vẫn theo Luật sư Hoàng Văn Hướng, vấn đề ghi âm, ghi hình trong lúc hòa giải hay không thì không nên quy định vào luật cứng mà nên quy định vào sự cần thiết thỏa thuận của chính các chủ thể đó.

“Đó là quyền tối cao, tối thượng của chính các chủ thể tham gia vào hòa giải đó chứ luật không nên bắt buộc có ghi âm, ghi hình hay không vì đây đang mang nguyên tắc hòa giải một bên hoặc nhiều bên với nhau.”

Trong khi đó, Luật sư Đặng Đình Mạnh tại Sài Gòn lại cho rằng đề nghị của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình không hợp lý vì ngược nguyên tắc đòi hỏi sự minh bạch:

“Hầu như không đúng với những gì trong pháp luật. Những điều mà trong pháp luật hầu như đều cần thiết minh bạch và công khai nên những lời trao đổi hoặc chứng cứ, tài liệu được quy định trong những phiên hòa giải này thì sự minh bạch, phơi bày là điều rất cần thiết. Hiện nay pháp luật chỉ giới hạn trong phạm vi là những sự tranh chấp có liên quan tới trẻ vị thành niên hoặc liên quan đến thuần phong mỹ tục thì không thể công khai nên chỉ giữ bí mật trong phạm vi đó.”

Giải thích rõ hơn về nội dung dự thảo lần này, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia cho rằng quy định ông Nguyễn Hòa Bình nhắc đến là bảo mật thông tin, không phải bí mật thông tin như truyền thông trong nước ‘giật tít’. Ông giải thích:

“Nguyên tắc hòa giải đối thoại là phải bảo mật thông tin, lấy thông tin đó để làm bằng chứng. Tức là các cơ quan, tổ chức tham gia hòa giải đối thoại không được tiết lộ thông tin mình biết trong quá trình hòa giải đối thoại, trừ khi có sự đồng ý của các bên cung cấp thông tin đó. Theo Hiến pháp và luật quy định thì bí mật đời tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm, phải giữ bí mật đó. Ngoài ra tất cả những gì pháp luật không quy định thì tôi nghĩ không cần giữ bí mật, không cần thiết phải bảo mật.”

Chánh án Nguyễn Hoà Bình tại phiên họp sáng 25/5/2020.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình tại phiên họp sáng 25/5/2020.
Nguồn: VOV

Tuy nhiên Luật sư Nguyễn Văn Hậu cũng cho rằng nếu thật sự xác định được trường hợp nào cần bảo mật thông tin và trường hợp nào không cần thì phải xem xét đến yếu tố thời hạn bảo mật.

“Trong quá trình hòa giải trước khi đến biên bản hòa giải thì phải bảo mật, chứ còn đã có kết luận, 2 bên thống nhất rồi thì bảo mật đó chấm dứt. Quy định của luật này phải rất rõ, tức trong quá trình hòa giải đối thoại thì không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải đối thoại đó để làm bằng chứng hay gì đó khi các bên đang giải quyết, nhưng khi các bên giải quyết rồi, kết luận thi hành có rồi thì thông tin đó phải được công khai. Nếu ghi vậy thì sẽ phù hợp hơn chứ không phải bảo mật suốt thời gian vụ việc.”

Với quan điểm cá nhân, Luật sư Hà Huy Sơn tại Hà Nội cũng cho hay theo quy định về hòa giải trong tố tụng hiện nay bao gồm tố tụng hành chính và tố tụng dân sự thì không có quy định nào về việc giữ bí mật:

“Theo tôi chuyện bí mật hay không thì phụ thuộc vào các đương sự, nếu người ta có nhu cầu bí mật thì là quyền của người ta, còn người ta muốn công khai cũng là quyền của người ta. Theo quyền công dân thì tôi cho là như vậy, còn bắt buộc bí mật thì cũng giảm sự giám sát của công dân đối với các cơ quan nhà nước thì cũng không tốt. Dẫn tới các cơ quan, cán bộ thi hành công vụ dễ làm sai mà người dân không biết được.”

Bày tỏ nhận định của mình với RFA qua Facebook Messenger, anh Lê Minh Hải quê ở Bình Dương viết rằng:

“Nếu không ghi âm, ghi hình, rồi mai mốt có bên lật lọng thì làm sao giải quyết? Nếu muốn bí mật hay bảo mật gì thì cứ quay lại hết, giao cho một bên có trách nhiệm giữ, nếu lộ thì truy cứu trách nhiệm người đó. Còn ý kiến của ông chánh án này như kiểu che giấu hết, hay sợ trách nhiệm nếu có sai sót thì không có bằng chứng cáo buộc vậy đó.”

Hiên nay tại Việt Nam đang sử dụng Luật Hòa giải ở cơ sở theo Luật số 35/2013 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2013.

Trong khi đó, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án vẫn đang được lấy ý kiến và trình Quốc hội nhiều lần trong năm vừa qua và hiện tại vẫn chưa được thông qua.

Theo toàn văn dự thảo luật, việc hòa giải, đối thoại theo quy định của Luật này được thực hiện trước khi Tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, đơn khởi kiện vụ án hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Nếu những tranh chấp, khiếu kiện được đồng thuận trong phiên hòa giải, đối thoại thì phán quyết của tổ chức hòa giải được xem như bản án để các bên thống nhất. Nhằm tránh những tranh chấp kéo dài như sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm.

Mục đích luật này được nói để góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm giá trị pháp lý, hiệu lực thi hành kết quả hòa giải thành, đối thoại thành; tiết kiệm chi phí của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, đề xuất giữ ‘bí mật’ trong các phiên hòa giải, đối thoại tại tòa mà Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình kiến nghị trong phiên họp Quốc hội vào ngày 26/5 vừa qua chưa được nhiều người đồng tình.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.