Truyền thông do Đảng chỉ đạo có thể góp phần vào đổi mới giáo dục không?
2021.05.07
Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt Báo Giáo dục và Thời đại sáng 29 tháng 4 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu rằng, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong đổi mới Giáo dục. Buổi làm việc tập trung vào các mục tiêu của truyền thông trong ngành Giáo dục, nhằm tăng cường vị thế của ngành trong giai đoạn tới.
Báo Giáo dục và Thời đại, tiền thân là Báo Người Giáo viên Nhân dân, có cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mục đích của tờ báo được cho là nhằm tuyên truyền các đường lối, chủ trương giáo dục của Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Báo Giáo dục và Thời đại cùng Trung tâm Truyền thông giáo dục là những đơn vị quan trọng bám sát và quán triệt tinh thần đổi mới trên toàn hệ thống, đồng thời tích cực đổi mới cơ cấu tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Cách tiếp cận của ông tân Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Kim Sơn là hoàn toàn sai lầm, bởi trong giáo dục, truyền thông là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Tôi đặt câu hỏi với ông Sơn, cứu cánh của ngành giáo dục hiện nay là gì? Triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay là gì? Khi xác định được cứu cánh và triết lý của giáo dục rồi thì đó mới là cách tiếp cận đúng vấn đề. Truyền thông chỉ là phương tiện mà thôi. - Blogger Nguyễn Ngọc Già
Blogger Nguyễn Ngọc Già nêu quan điểm của ông về việc này:
“Thứ nhất, cách tiếp cận của ông tân Bộ trưởng Bộ giáo dục Nguyễn Kim Sơn là hoàn toàn sai lầm, bởi trong giáo dục, truyền thông là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Tôi đặt câu hỏi với ông Sơn, cứu cánh của ngành giáo dục hiện nay là gì? Triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay là gì?
Khi xác định được cứu cánh và triết lý của giáo dục rồi thì đó mới là cách tiếp cận đúng vấn đề. Truyền thông chỉ là phương tiện mà thôi.
Thứ hai, cái trung tâm truyền thông giáo dục của Bộ giáo dục Đào tạo là một bộ phận trực thuộc Bộ và nó chỉ như là một bản tin, như là một tờ báo. Nhiệm vụ của nó là tuyên truyền, tiếp nhận những phản ánh, những chỉ đạo của bộ trưởng, thứ trưởng cho ngành giáo dục. Như vậy, trung tâm truyền thông giáo dục ở đây làm công việc gói gọn, gần như là một ban tuyên giáo thu nhỏ, chứ nó không có giá trị gì đối với việc đổi mới giáo dục cả.”
Theo blogger Nguyễn Ngọc Già, cứu cánh của giáo dục hiện nay là dạy làm người và rành nghề. Triết lý giáo dục hiện nay có ba yếu tố, đó là trách nhiệm, thành thật và tự do. Cả ba tính chất này hoàn toàn đang vắng bóng trong giáo dục, và thậm chí nó vắng bóng trong tất cả các lãnh vực khác ở Việt Nam hiện nay.
Hôm 5 tháng 12 năm 2019, tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm ngày Báo Giáo dục và Thời đại xuất bản số đầu, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo lúc đó là ông Phùng Xuân Nhạ phát biểu, báo là kênh phản ánh nhanh, trung thực các hoạt động giáo dục, đấu tranh với những quan điểm chưa sát, chưa đúng…
Vai trò của truyền thông
Trao đổi với RFA sáng 7 tháng Năm năm 2021 về mối liên hệ giữa truyền thông và đổi mới giáo dục, Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, Việt Nam cần có những thay đổi mạnh mẽ và thực chất về những thói quen, nếp nghĩ và tư duy tồn dư từ thời bao cấp.
Với trẻ em phải thay đổi bằng giáo dục mang tính khai phóng; phải đưa được nhịp sống của cuộc sống thực tế với những yêu cầu của dân tộc, của đất nước vào giáo dục từ cấp mầm non. Còn với những người đã qua ghế nhà trường thì dùng truyền thông, nhưng không phải là truyền thông một chiều. Ông nói:
“Truyền thông phải truyền tải được những yêu cầu thay đổi, làm cho thay đổi. Qua truyền thông có thể tạo ra những cuộc thảo luận, tranh luận về nhiều vấn đề để người dân nhận thức dễ dàng hơn, đa chiều hơn. Lúc đó hiệu quả của truyền thông đối với nhận thức của người đã rời ghế nhà trường sẽ cao hơn nhiều.
Truyền thông một chiều không thể tạo hiệu quả cao được khi mà một vấn đề được đưa ra mổ xẻ thật sâu với những thảo luận kỹ lưỡng, đa chiều, mang tính tranh luận.
Truyền thông và giáo dục có mối liên hệ với nhau. Đấy là hai cộng cụ để thay đổi tư duy con người. Thay đổi trẻ em là giáo dục, thay đổi người lớn là truyền thông. Do đó, việc truyền thông không đầy đủ hay truyền thông mang tính một chiều chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến giáo dục, bởi nó cũng sẽ gây ra tác động giáo dục cũng có thể chỉ là một chiều.”
Truyền thông có ảnh hưởng rất lớn đến mọi lãnh vực trong xã hội. Truyền thông tác động đến nhận thức của người dân dẫn đến cách hành xử trong cuộc sống, dần dần sẽ thành thói quen. Nếu truyền thông sai lệch, một chiều thì cách ứng xử không còn theo chuẩn mực đúng đắn của xã hội nữa.
Truyền thông và giáo dục có mối liên hệ với nhau. Đấy là hai cộng cụ để thay đổi tư duy con người. Thay đổi trẻ em là giáo dục, thay đổi người lớn là truyền thông. Do đó, việc truyền thông không đầy đủ hay truyền thông mang tính một chiều chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến giáo dục, bởi nó cũng sẽ gây ra tác động giáo dục cũng có thể chỉ là một chiều. - Giáo sư Đặng Hùng Võ
Chính phủ Việt Nam từ lâu tỏ ra rất quan tâm đến vai trò của truyền thông trong giáo dục. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn I (2005- 2010), giai đoạn II (2012 - 2020), trong đó khẳng định tầm quan trọng của các phương tiện thông tin đại chúng đối với hoạt động giáo dục.
Giải pháp chung được đưa ra trong đề án là tăng cường sự lãnh đạo của các tổ chức Đảng các cấp đối với các cơ sở giáo dục thường xuyên; đổi mới cơ chế quản lý giáo dục; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến các cơ sở; phát huy mạnh mẽ vai trò của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội để chỉ đạo tổ chức, triển khai phong trào “Cả nước trở thành một xã hội học tập”.
Cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa có truyền thông tự do. Tất cả các đài phát thanh, truyền hình, các cơ quan báo chí lớn, nhỏ đều chịu sự kiểm soát thông tin của Nhà nước theo đường hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương - là cơ quan tham mưu về mặt tư tưởng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Còn về giáo dục, nền giáo dục ở Việt Nam hiện nay là một sự tiếp nối của giáo dục thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bị cho là đang đi lạc đường sau nhiều lần cải cách với những thay đổi lớn liên quan đến chương trình học, nội dung sách giáo khoa, phương pháp dạy học.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng từng nói với RFA rằng, nếu so sánh với nền giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa thì giáo dục hiện nay khá thảm hại dù Chính phủ Hà Nội đã ban hành và sửa đổi Luật Giáo dục ở các đợt khác nhau vào những năm 1998, 2005, 2009...