Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh nợ cư dân Lộc Hưng lời xin lỗi?

Hòa Ái, phóng viên RFA
2019.01.23
VRLH.jpg Quang cảnh khu đất vườn rau Lộc Hưng sau khi bị cưỡng chế vào ngày 4&8/01/19.
Courtesy: Netizen photo

Trong năm 2018, Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) nói lời thủ thiêm với người dân Thủ Thiêm sau 20 năm Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm được triển khai. Tuy nhiên, vào những ngày đầu năm 2019, chính quyền quận Tân Bình, TP.HCM cưỡng chế nhà nhà cửa, đất đai của hơn trăm hộ dân tại khu đất ở vườn rau Lộc Hưng. Liệu rằng Chính quyền TP.HCM sẽ phải nhận lỗi với các hộ dân ở đây?

Đài RFA có cuộc hội luận với Luật sư Lê Công Định, Nhà báo Võ Văn Tạo và cư dân Lộc Hưng.

Trước hết, Luật sư Lê Công Định nhận định về lời xin lỗi của Chính quyền TP.HCM đối với người dân Thủ Thiêm:

Luật sư Lê Công Định: Trong 20 năm người dân Thủ Thiêm đã chịu nhiều mất mát và đau khổ như thế nào thì chúng ta cũng không cần phải nhắc lại. Tuy nhiên, một lời xin lỗi đơn thuần của Chính quyền cũng như Đảng bộ Đảng Cộng sản ở TP.HCM thì tôi cho là không đủ. Bởi vì, chỉ xin lỗi suông thì không giải quyết được vấn đề, mà phải có những giải pháp như thế nào để bù đắp lại những mất mát của người dân ở Thủ Thiêm. Điều quan trọng là họ có nhận được đề bù hay không, đất của họ mất thì họ có lấy lại được hay không, và gỉa sử trong trường hợp không lấy lại được thì cơ sở pháp lý để đề bù cho họ như thế nào một cách thỏa đáng? Cho đến giờ phải nói thật là tôi chưa đọc thấy ở đâu có một quyết định liên quan đến vấn đề bồi hoàn lại những mất mát mà người dân Thủ Thiêm đã chịu. Cho nên lời xin lỗi đó nói thật là không đáng để chúng ta nhận.

Hòa Ái: Nhưng điều như Luật sư Lê Công Định nói chưa thấy diễn biến mới nào sau lời xin lỗi của Chính quyền TP.HCM đối với người dân ở Thủ Thiêm. Thế nhưng, tại quận Tân Bình lại diễn ra một cuộc cưỡng chế mà nhiều người mô tả giống như một trận bom càng quét.

Thưa nhà báo Võ Văn Tạo, trước hết chúng ta chưa bàn đến đúng sai trong vụ việc này như thế nào, nhưng cách hành xử cưỡng chế của Chính quyền quận Tân Bình và của TP.HCM trong những ngày giáp Tết như vậy, có phải là có lỗi với người dân hay không?

Nhà báo Võ Văn Tạo: Công chúng rất là ngạc nhiên và bức xúc khi nghe tin vụ cưỡng chế ở vườn rau Lộc Hưng, quận Tân Bình, TP.HCM xảy ra vào những ngày giáp Tết. Tôi cho rằng đó là một việc làm rất vô nhân đạo. Tôi ngạc nhiên vô cùng! Hồi năm 2003, tại Nha Trang, Khánh Hòa nơi tôi ở cũng có một cuộc cưỡng chế gần Tết như thế. Lúc đó, Mặt trận Tổ quốc của Trung ương đã có công văn gửi yêu cầu là không nên cưỡng chế vào những dịp giáp Tết vì như thế rất là phản cảm. Thế thì từ năm 2003 đến giờ là hơn 15, 16 năm mà sự việc lại lặp lại ngay tại trung tâm của TP.HCM. Đó là một điều rất đau buồn, rất đáng phẫn nộ, rất đáng lên án.

Có nhiều người không biết, lên mạng chê trách là do chính quyền của quận do họ không để ý. Lúc họp báo sau đó, quận có nói rằng kế hoạch này đã được trình lên Ủy ban Nhân dân TP.HCM và được thông qua chứ không phải quyết định hành động của cấp quận.

Tôi ngạc nhiên vô cùng! Hồi năm 2003, tại Nha Trang, Khánh Hòa nơi tôi ở cũng có một cuộc cưỡng chế gần Tết như thế. Mặt trận Tổ quốc của Trung ương đã có công văn gửi yêu cầu là không nên cưỡng chế vào những dịp giáp Tết vì như thế rất là phản cảm. Thế thì từ năm 2003 đến giờ là hơn 15, 16 năm mà sự việc lại lặp lại ngay tại trung tâm của TP.HCM. Đó là một điều rất đau buồn, rất đáng phẫn nộ, rất đáng lên án
-Nhà báo Võ Văn Tạo

Hòa Ái: Đài RFA ghi nhận sau khi truyền thông chính thống ở trong nước vào cuộc và Chính quyền quận Tân Bình nói rằng đó không phải là cuộc cưỡng chế và việc làm của chính quyền là đúng; đồng thời chính quyền có chính sách hỗ trợ 7 triệu đồng/m2 cho người dân ở Lộc Hưng nằm trong khu vực bị dẹp bỏ.

Thưa Luật sư Lê Công Định, ông nhận định thế nào về việc làm này của Chính quyền quận Tân Bình?

Luật sư Lê Công Định: Thú thật là tôi không biết động cơ của họ trong việc đặt ra một số tiền hỗ trợ như vậy dựa trên cơ sở nào và thật sự là xuất phát từ việc lên án của dư luận hay không? Nhưng mà rõ ràng, hành động của chính quyền cho thấy có rất nhiều sự mâu thuẫn. Chẳng hạn như khi quyết định cưỡng chế hơn 100 cái nhà mà họ gọi là xây dựng bất hợp pháp thì họ bảo đây là cưỡng chế những cái nhà xây dựng trái pháp luật. Sau đó, họ lại dựng một cái bảng ngay trên khu đất vừa cưỡng chế thông báo thu hồi đất để đưa vào sử dụng cho mục đích công cộng và xây dựng trường học công đủ tiêu chuẩn quốc gia. Sau đó, họ lại đưa ra hành động là muốn hỗ trợ. Vậy họ hỗ trợ cho việc thu hồi đất hay hỗ trợ cho việc phá dỡ nhà mà họ gọi là “xây dựng trái pháp luật”? Những hành động đó của họ thì tôi thấy là hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Và vấn đề quan trọng là việc hỗ đó thì họ dựa trên cơ sở pháp lý nào? Chúng ta thấy họ chưa đưa ra được và tôi vẫn đang theo dõi để tìm hiểu xem là những hành động đó của họ dựa trên cơ sở pháp lý ra sao.

Hòa Ái: Về mặt truyền thông thì sau khi truyền thông chính thống tích cực vào cuộc, loan tin cho rằng có bằng chứng cho thấy những người dân ở vườn rau Lộc Hưng có nhà chỗ khác cũng như không có chủ quyền sử dụng hợp pháp tại khu vực gần 5 héc-ta ở Lộc Hưng, một số phần tử có những tài liệu chống phá chính quyền, hay những phần tử xấu sử dụng ma túy và có nhà báo loan tin người dân bằng lòng nhận mức hỗ trợ và không có ta thán nào…Hòa Ái xin hỏi nhận định của nhà báo Võ Văn Tạo ra sao liên quan đến truyền thông chính thống của Nhà nước trong việc loan tin về vụ cưỡng chế ở vườn rau Lộc Hưng và việc loan tin như thế có gây thêm sự sai trái nào của chính quyền hay không?

Nhà báo Võ Văn Tạo: Sự việc cưỡng chế ở vườn rau Lộc Hưng là việc gây bức xúc trong dư luận. Một trong những điều khiến cho dư luận thêm bức xúc, đó là thái độ của truyền thông Nhà nước trong vụ việc này.

Trong những ngày đầu, họ im lặng. Không có một bài báo nào phản ánh cả. Chỉ có mạng xã hội và truyền thông nước ngoài đưa tin dồn dập về vụ việc này. Sau đó, họ mới tổ chức họp báo và các báo của Nhà nước mới bắt đầu đăng thông tin vụ việc này.

Tôi có nhận xét rằng hầu hết các tờ báo của Nhà nước trong những ngày đầu như cái loa của chính quyền, chứ không phải là báo chí. Chính quyền phổ biến ra sao thì họ đăng lại y như thế. Họ không hề đi tìm người dân để hỏi xem người dân có đồng ý với thông tin bên chính quyền đưa ra hay không và tìm hiểu về những cơ cực của người dân sau khi họ bị cưỡng chế ra làm sao…

Mãi về sau gần đây, tôi mới thấy có một bài gọi là xem được của tờ Người Đô Thị, có đưa thông tin khá đông người dân ở Lộc Hưng ký vào đơn gửi lên Trung ương để kêu cứu khẩn cấp vụ việc này. Tôi thấy tờ báo giống như tờ Người Đô Thị là rất nhiếm trong hơn cả ngàn tờ báo và cơ quan truyền thông của Việt Nam là phản ánh thông tin đa chiều: chính quyền nói gì, người dân nói gì. Và rõ ràng, việc người dân bị cưỡng chế là cơ cực, khổ lắm, tan nát hết thì truyền thông phải có phản ánh về nỗi khổ đó của người dân. Ngoài ra, tôi cũng đọc được một số thông tin về một số hộ đã vui vẻ nhận tiền. Nhưng tôi cúng có thông tin trái chiều là những trường hợp đó thì con cháu của họ là công chức nhà nước. Và cái trò này thì chúng tôi biết từ lâu rồi, cách đây mấy chục năm cho đến giờ. Cứ mỗi lần cưỡng chế như thế thì chính quyền địa phương nhằm vào những hộ có con cháu hay bản thân là đảng viên hay làm việc công chức nhà nước, vì họ bị răng đe nếu không nghe theo chính quyền thì bị ảnh hưởng đến công ăn việc làm hay thi đấu thăng tiến…Chuyện đấy thì chúng tôi không lạ, theo dõi mấy chục năm nay thì việc như vậy diễn ra hoài.

Hòa Ái: Bây giờ Hòa Ái mời quý khán thính giả nghe chia sẻ của anh Cao Hà Chánh, 1 cư dân ở vườn rau Lộc Hưng rằng người dân mong muốn có một cuộc đối thoại trực tiếp với chính quyền hay không và có cần thấy chính quyền phải xin lỗi người dân ở Lộc Hưng?

Ông Nguyễn Thiện Nhân, đại diện Chính quyền TP.HCM lên tiếng về vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, đại diện Chính quyền TP.HCM lên tiếng về vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng.
Courtesy: Netizen photo
Anh Cao Hà Chánh (Cư dân vườn rau Lộc Hưng): Thưa quý đài, 20 năm nay chính quyền không ra mặt, không tiếp, không tả lời. Nhưng đến giờ này phá hoại hết tài sản của bà con từ việc rào đất đến cưỡng chiếm đất luôn và tiếp tục không ra mặt, xuất hiện những người đeo mặt nạ và những người không đeo bảng tên vẫn hùng hổ với sắt mặt đầy sát khí, tuyên bố và bắt người này, bắt người kia.

Rõ ràng, bà con hiện nay mất lòng tin rồi. Nói đến cán bộ chính quyền thì mệt mỏi lắm rồi. Chính vì vậy, bà con Lộc Hưng yêu cầu cấp thẩm quyền phải ra mặt để đối thoại cộng với các vấn đề tuyên bố, kể cả việc nói rằng có người xúi giục bà con, rồi 50-60 người ký tên để nhận tiền thì hoàn toàn không đúng sự thật.

Hòa Ái: Bây giờ chúng ta bàn thảo về vấn đề pháp lý. Trong thời gian qua, Bộ Tài Nguyên-Môi trường và ông Nguyễn Thiện Nhân, đại diện của Chính quyền TP.HCM cũng lên tiếng liên quan vụ cưỡng chế vườn rau Lộc Hưng. Bên phía người dân Lộc Hưng và các luật sư đại diện của họ cũng trưng ra các bằng chứng khẳng định rằng họ đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật từ trước đến nay về việc sử dụng đất tại vườn rau Lộc Hưng. Tuy nhiên, phía chính quyền nói việc đó là sai trái, không đúng pháp luật.

Xin thưa Luật sư Lê Công Định, ông có thể chia sẻ thêm về thông tin liên quan đến lãnh vực pháp lý của vụ việc ở vườn rau Lộc Hưng để rộng đường dư luận rằng phía chính quyền sai hay người dân Lộc Hưng sai ở chỗ nào?

Luật sư Lê Công Định: Theo những văn bản trên mạng xã hội cũng như theo dõi những văn bản của chính quyền có nhắc đến các tài liệu cũ thì tôi có một số khái quát về vấn đề pháp lý của vườn rau Lộc Hưng như sau:

Kể từ năm 1993, người dân ở Lộc Hưng đã tìm mọi cách để đăng ký quyền sử dụng đất của mình, nhưng Nhà nước và chính quyền địa phương đã cố tình bác bỏ cái quyền lợi của người dân, chứ không phải người dân đã không thực hiện các thủ tục luật định. Cho nên bây giờ quay lại bảo rằng người dân không có quyền sử dụng đất nên xây nhà là trái pháp luật thì phải truy tìm lại nguồn gốc cơ sở của sự trái pháp luật đó từ đâu? Đó chính là lỗi của cơ quan chính quyền địa phương, chứ không phải lỗi của người dân Lộc Hưng
-Luật sư Lê Công Định

Miếng đất này rõ ràng chính quyền thừa hiểu đó là đất Công giáo và đất này không phải là đất của chính quyền chế độ cũ. Và họ cố tình lập lờ rằng đây là đất của chế độ cũ để họ có thể quốc hữu hóa sau năm 1975, theo Quyết định 111 của Hội đồng Chính phủ năm 1977.

Thực ra, Quyết định 111 này cũng chỉ là quyết định tổng quát áp dụng chung cho toàn miền Nam, chứ không phải áp dụng riêng cho miếng đất đang bị tranh chấp ở vườn rau Lộc Hưng.

Chúng ta thấy việc Ban Tuyên giáo Quận ủy Tân Bình đưa ra cho báo chí lập lờ trong việc sử dụng đến Quyết định 111 này với mục đích là cố tình nói miếng đất đó đã bị quốc hữu hóa và trở thành đất công; do đó người dân vẫn canh tác và sống, xây dựng nhà cửa trên miếng đất đó là bất hợp pháp.

Tôi xin khẳng định rằng Quyết định 111 hoàn toàn không có thể áp dụng vào trường hợp của vườn rau Lộc Hưng. Bởi vì đất này là đất của Công giáo, chứ không phải là đất của chính quyền chế độ cũ.

Thứ hai nữa, chiếu theo Hiến pháp 1980 và đặc biệt Luật Đất đai 1987 thì khái niệm sở hữu đất tư nhân không còn nữa và tất cả đất đều thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước đại diện, quản lý một cách thống nhất trên toàn lãnh thổ. Như vậy, đất ở đâu thì cũng thuộc Nhà nước quản lý hết, chứ không phải riêng vườn rau Lộc Hưng. Tuy nhiên, Hiến pháp hiện hành cũng nhấn mạnh là tất cả người dân đều có quyền sử dụng đất dù cho miếng đất đó có thuộc quyền sở hữu toàn dân đi nữa. Cho nên, nếu căn cứ vào Luật Đất đai của Việt Nam suốt từ năm 1987 cho đến nay thì có một quy định là người dân sinh sống ổn định trước khi có Luật Đất đai năm 1993 thì họ đương nhiên có quyền đăng ký để đứng tên quyền sử dụng đất ở miếng đất mà mình sinh sống và canh tác.

Mặc dù vậy, kể từ năm 1993, người dân ở Lộc Hưng đã tìm mọi cách để đăng ký quyền sử dụng đất của mình, nhưng Nhà nước và chính quyền địa phương đã cố tình bác bỏ cái quyền lợi của người dân, chứ không phải người dân đã không thực hiện các thủ tục luật định. Cho nên bây giờ quay lại bảo rằng người dân không có quyền sử dụng đất nên xây nhà là trái pháp luật thì phải truy tìm lại nguồn gốc cơ sở của sự trái pháp luật đó từ đâu? Đó chính là lỗi của cơ quan chính quyền địa phương, chứ không phải lỗi của người dân Lộc Hưng.

Do đó, nếu dựa trên cơ sở luật pháp mà giải quyết một cách thấu tình đạt lý thì chắc chắn phải ưu tiên giải quyết quyền lợi của người dân tại chỗ, chứ không phải để nhằm mục đích lấy, thu hồi đất đó.

Hòa Ái: Chân thành cảm ơn Luật sư Lê Công Định, Nhà báo Võ Văn Tạo và anh Cao Hà Chánh dành thwofi gian cho cuộc hội luận với RFA.

Tham khảo toàn bộ nội dung cuộc hội luận:

https://www.facebook.com/RFAVietnam/videos/2064768260279834/

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.