Cung cấp số điện thoại hoặc email khi đăng ký xe có giúp tăng hiệu quả quản lý nhà nước?

RFA
2020.07.06
5c0147c1-67a4-4a2a-a1a3-f0c5a18ad209.jpeg Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông tại thành phố Nha Trang.
Courtesy: mt.gov.vn

Đại tá Đỗ Thanh Bình - Cục phó Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Công an vào ngày 6/7 phát biểu cho hay một trong những giải pháp để áp dụng công nghệ vào xử phạt, giảm công sức đi lại và chi phí in giấy báo của các bên liên quan là yêu cầu người dân cung cấp số điện thoại cho cơ quan chức năng.

Theo lời người đại diện Cục Cảnh sát Giao thông, việc gửi thông báo, hình ảnh người vi phạm giao thông đường bộ bằng văn bản sau khi trích xuất hệ thống camera giám sát hiện có những khó khăn trong khâu thực hiện.

Cụ thể, có những trường hợp cảnh sát mời nhiều lần mà người vi phạm vẫn không đến nhận giấy báo, hoặc thông báo đến không đúng địa chỉ do người dân đã chuyển chỗ...

Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng những nguyên nhân vừa nêu đã gây khó khăn cho việc áp dụng công nghệ xử phạt vi phạm giao thông vì nhiều người không biết thông tin về vi phạm của bản thân. Từ đó làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước.

Nhận xét về đề nghị mới này của Cục Cảnh sát giao thông, nhà hoạt động Trần Bang từ Sài Gòn cho hay:

“Khi đăng ký xe phải có giấy tờ là chứng minh nhân dân và số chứng minh nhân dân. Đấy là cái ràng buộc với người chủ sở hữu xe. Còn số điện thoại thì người ta có thể thay đổi nay dùng số này, mai dùng số khác, email cũng vậy. Theo tôi cái đấy đưa vào bắt buộc thì cũng vô lý, không cần thiết, không có ý nghĩa thực tiễn vì số điện thoại có thể có nhiều số còn số chứng minh nhân dân chỉ có một. Số điện thoại là dịch vụ mà một người có thể có nhiều số tùy theo năng lực nên không thể khống chế người ta cho số điện thoại được. Theo tôi cái đấy không đúng, thậm chí vi phạm quyền dân sự và chính trị của cá nhân mỗi người.”

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam lại ủng hộ đề xuất này:

“Tôi thấy đây là một đề xuất rất hay vì nếu mình thiết lập bằng địa chỉ email, số điện thoại sẽ tiết kiệm, dùng những thiết bị công nghệ như vậy nó rất đơn giản và cải cách thủ tục hành chính về giấy tờ. Có điều là chúng ta phải có chính sách bảo mật đối với địa chỉ, số điện thoại hay email khi sử dụng.”

Tuy nhiên Luật sư Hậu cũng cho biết thêm rằng trong quy định của Bộ luật Hình sự của Việt Nam ở Điều 289 có điều rất mới về tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác. Cụ thể trong điều này quy định rõ xử phạt và mức phí phải đóng phạt nếu có hành động đánh cắp thông tin hoặc quyền truy cập của người khác, tổ chức, cá nhân.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
AFP

Chị Như Quỳnh, hiện đang sống tại Sài Gòn chia sẻ với RFA suy nghĩ về đề nghị của Cục Cảnh sát giao thông qua Facebook Messenger như sau:

“Thật ra chị thấy chỉ cần làm tốt hệ thống căn cước công dân là có toàn thể background của người dân về địa chỉ, nơi ở, đăng ký xe gì. Ở Việt Nam thì hệ thống quản trị mạng chưa được nâng cấp hay sao nên chị thấy vẫn còn loay hoay với những quy định lạ lùng kiểu phải đăng ký số điện thoại hay email khi đăng ký xe. Việc cho số điện thoại hay email không hề khó khăn, nhưng chị nghĩ đây chỉ là giải pháp tạm thời và cứ thay đổi xoành xoạch như vậy thì dân cũng mệt.”

Đồng tình với quan điểm chị Như Quỳnh vừa nêu, bạn trẻ Hải Minh cho rằng do phân hóa giàu nghèo tại Việt Nam nên vẫn còn tình trạng mua xe cũ giấy tờ sang tay hoặc một chiếc xe cả nhà dùng chung nên việc áp dụng đề xuất cung cấp số điện thoại hay email là chuyện không nên.

Bên cạnh đó, bạn Hải Minh cũng chỉ ra việc bất cập trong quy định giao thông đường bộ hiện nay:

“Ở những nước khác khi ghi giấy phạt thì họ không giữ bằng lái, giấy tờ xe. Họ tính tới trường hợp đóng phạt hay không đóng sẽ như thế nào và họ không nghĩ đến chuyện tước phương tiện đi lại của người ta. Còn ở Việt Nam là khi không mang giấy tờ xe là sẽ giữ xe rồi đủ các thể loại mà không nghĩ rằng còn nhiều nhà chỉ có một chiếc xe, khi bị giam thì trong một tuần hay một tháng đó họ di chuyển bằng gì. Do người dân đi sai thì người công an mới thổi. Nhưng những kẽ hở của Hiến pháp, luật pháp có quá nhiều thứ để luồn lách trong đó, căn bản chỉ từ một chiều, khi một người trong bộ máy đó làm sai thì không ai xử lý, không có hai chiều nên không có sự công bằng.”

Với kinh nghiệm trong ngành luật lâu năm, Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng Chính phủ Hà Nội đã có chế tài rất nghiêm khi ban hành Nghị định 100 trong luật xử phạt giao thông đường bộ hiện nay:

“Ví dụ uống rượu mà tham gia giao thông là từ 5-10 triệu, thậm chí mấy chục triệu; hoặc đi trên đường nghe điện thoại hay các lỗi giao thông thường gặp như chuyển làn không tín hiệu, dùng tay sử dụng điện thoại thì mức phạt đến 2 triệu. Hay đi đường không đúng làn đường thì mức phạt hiện nay nâng lên rất cao, đối với xe máy là phạt lên đến 5 triệu và xe ô tô lên đến 12 triệu. Hoặc nồng độ cồn trong hơi thở vượt quá 80-100ml/khí lít thở thì mức phạt với xe ô tô là 40 triệu đồng. Với mức phạt này tôi cho rằng tạo ra hành lang pháp lý để giảm bớt tai nạn giao thông. Tăng mức xử phạt thì tình hình đỡ hơn so với trước đây và tai nạn giao thông có giảm đi.”

Thống kê của Cục Cảnh sát giao thông cho biết trung bình mỗi năm cảnh sát giao thông trên toàn quốc xử phạt gần 5 triệu trường hợp vi phạm.

Do đó, Cục phó Cảnh sát giao thông, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho rằng nếu người dân cung cấp số điện thoại hoặc email và nộp phạt trực tuyến thì mỗi năm sẽ tiết kiệm cho nhà nước hàng tỷ đồng vì không phải in, gửi 5 triệu tờ giấy.

Người đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết thêm hiện Cục đã đề nghị chính phủ bổ sung quy định cung cấp số điện thoại khi đăng ký xe, và số điện thoại phải được thể hiện trong biên bản, quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Tuy nhiên, do đề xuất này hiện chưa được quy định thành văn bản nên chỉ đang vận động người dân tự nguyện cung cấp.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.