Luân chuyển cán bộ: phương thuốc hiệu nghiệm làm giảm tham nhũng?
2023.11.22
Tổng Thanh tra Chính phủ - Đoàn Hồng Phong khi báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng trước Quốc hội hôm 21/11/2023 cho biết sẽ thực hiện chuyển đổi vị trí công tác, luân chuyển cán bộ các cấp, các ngành… nhằm phòng ngừa tham nhũng cho 45.192 lượt cán bộ, công chức, viên chức.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TPHCM, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, hôm 22/11/2023 nói với RFA về việc này:
“Vấn đề luân chuyển cán bộ theo tôi là việc làm rất bình thường, để tránh tham nhũng, cũng như tiêu cực. Tôi thấy một cán bộ không nên làm lâu quá tại một chỗ, luân chuyển làm cho cán bộ đến những đơn vị mới sẽ tìm hiểu những công việc, tránh trường hợp bổ nhiệm những người thân quen trong gia đình. Và nếu về một đơn vị mới thì người đó có một sự độc lập, như vậy khi chỉ đạo điều hành sẽ khách quan công bằng, không bị áp lực bởi những mối quan hệ thân quen. Giống như một tổng thống không thể làm quá hai nhiệm kỳ, việc luân chuyển cán bộ sẽ làm cho công việc có hiệu quả hơn, vì làm lâu quá sẽ bị sức ì, sẽ không đổi mới, cho nên việc luân chuyển cán bộ sẽ giúp phát triển kinh tế xã hội cho đất nước.”
Không phải vấn đề luân chuyển cán bộ mà giảm được tham nhũng. Tham nhũng là do cơ chế, tổ chức, thể chế chính trị tạo ra, cho nên anh nào ở trong guồng máy đó cũng tham nhũng hết, không tránh khỏi…
-Cựu Bộ trưởng Lê Văn Triết
Tuy nhiên, ông Lê Văn Triết, cựu Bộ trưởng Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 22/11/2023 liên quan vấn đề này cho rằng:
“Không phải vấn đề luân chuyển cán bộ mà giảm được tham nhũng. Tham nhũng là do cơ chế, tổ chức, thể chế chính trị tạo ra, cho nên anh nào ở trong guồng máy đó cũng tham nhũng hết, không tránh khỏi… Chứ không phải luân chuyển cán bộ là hết tham nhũng. Anh tham nhũng ở đây, thì qua cơ chế kia anh cũng tham nhũng. Vì cái gốc của nó là cơ chế tạo ra tham nhũng, chứ không phải vấn đề thay đổi ở chỗ này không tham nhũng, ở chỗ kia mới tham nhũng… ‘đau Nam chữa Bắc’… không giải quyết được gì hết đâu.”
Theo Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị, luân chuyển cán bộ là việc bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện. Phạm vi luân chuyển gồm: Luân chuyển từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên, từ địa phương này sang địa phương khác; giữa các cơ quan, tổ chức cùng cấp trong hệ thống chính trị…
Trao đổi với RFA từ Hà Nội liên quan vấn đề này hôm 22/11/2023, Cựu Trung tá Vũ Minh Trí, cho rằng:
“Tôi nghĩ tính tham nhũng trong cán bộ không phải vì luân chuyện mà mất đi, cho nên việc luân chuyển sẽ không làm giảm được tình trạng tham nhũng… Hoàn toàn không làm giảm, có thể nó làm chậm, nó làm ngắt đi một vài nhịp trong một thời gian ngắn… sau đấy thì nó sẽ tiếp tục như vậy. Cụ thể thời gian vừa qua, ta thấy cũng có nhiều cán bộ mới được luân chuyển, nhưng vẫn tiếp tục tham nhũng ở vị trí công tác mới. Thứ hai, có đặc điểm này, ta vẫn nghĩ luân chuyển là tốt, nhưng tôi nghĩ nó như một cái tủ, một cái giường, một cái khung nhà gỗ đã rệu rã rồi, để nguyên thì nó vẫn còn là cái tủ, cái giường, cái khung nhà… nhưng cứ tháo đi lặp lại nhiều lần thì nó càng ngày càng nát…”
Những trường hợp cán bộ lãnh đạo sau khi luân chuyển đến nơi khác cũng bị phanh phui tham nhũng mà Cựu Trung tá Vũ Minh Trí nhắc đến đơn cử như trường hợp ông Phạm Xuân Thăng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, vào ngày 17/9/2022 đã bị C03 Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội ‘Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ quy định tại Khoản 3 Điều 356 Bộ luật Hình sự. Trước khi luân chuyển, ông Thăng là Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương từ tháng 9 năm 2011 đến tháng 11 năm 2019; Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương từ tháng 3 năm 2021 đến tháng 9 năm 2022.
Hay trường hợp Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, bị Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam, ngày 7/6/2022, về tội ‘Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’. Trước khi luân chuyển ông Chu Ngọc Anh từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhiệm kỳ 2010 - 2013 và 2015 -2016; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ từ tháng 4 năm 2013 đến tháng 9 năm 2015.
Việc luân chuyển cán bộ thường xuyên không giúp làm giảm tham nhũng, mà ngược lại nó có thể sẽ khiến tăng mạnh tình trạng tham nhũng. Đó là vì một cán bộ muốn vào được một cái ghế, anh ta phải bỏ tiền ra lo lót để được ngồi vào cái ghế đó.
-Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ
Một trường hợp khác là Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, vào năm 2022 bị Cơ quan điều tra xác định đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật trong việc cấp số đăng ký lưu hành, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương kit xét nghiệm COVID-19, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước. Trước đó, Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long từng kinh qua nhiều vị trí công tác, trong đó có chức Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương từ tháng 10 năm 2018 đến tháng 1 năm 2020.
Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 22/11 nhận định với RFA:
“Việc luân chuyển cán bộ thường xuyên không giúp làm giảm tham nhũng, mà ngược lại nó có thể sẽ khiến tăng mạnh tình trạng tham nhũng. Đó là vì một cán bộ muốn vào được một cái ghế, anh ta phải bỏ tiền ra lo lót để được ngồi vào cái ghế đó. Khi ngồi vào đó rồi, anh ta sẽ tìm cách thu hồi vốn qua các hoạt động tham nhũng. Khi có chính sách từ cấp trên muốn luân chuyển, anh sẽ tìm cách đút lót cấp trên để khỏi luân chuyển hoặc luân chuyển sang các vị trí tương tự nhằm giữ được thu nhập. Cuối cùng thì chính sách này chỉ làm giàu cho những cấp trên, những người tổ chức cán bộ vốn đưa ra quyết định về việc luân chuyển cán bộ.”
Theo Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ, muốn chống tham nhũng thì cần có tự do. Tự do báo chí và truyền thông để vạch tham nhũng. Tự do chính trị để cạnh tranh giữa các đảng phái; đảng đối lập sẽ giám sát đảng cầm quyền; quốc hội sẽ giám sát chính phủ. Tự do bầu cử và ứng cử để gạt bỏ những ứng cử viên tham nhũng và chọn ra những ứng viên có đức và tài. Nhưng trong cơ chế chính trị độc đoán như hiện nay thì ông Vũ cho rằng, nếu thực hiện bất cứ điều nào trong những điều trên, những người cầm quyền lo ngại chế độ sẽ bị lung lay dẫn đến sụp đổ, vì vậy mà họ cứ loay hoay đưa ra những chính sách nhằm khoe mẽ và mị dân nhưng thực chất nó chẳng thể nào giải quyết được vấn đề.