Chi nhiều cho lực lượng an ninh cơ sở có giúp ổn định trật tự?
2023.08.29
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa thuộc tỉnh Đồng Tháp tại phiên họp về ‘Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở’ hôm 28/8/2023 cho biết kinh phí cho lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở là ‘rất cao’.
Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, ngân sách phải chi 540 tỷ đồng mỗi tháng cho 300 ngàn người của lực lượng này.
Một người sinh sống ở Sài Gòn không muốn nên tên vì lý do an toàn, cho RFA biết ý kiến liên quan việc này:
“Cái con số mà ông đại biểu Quốc hội nói ra thì mình không biết thực hư như thế nào bởi con số này là bí mật. Nhưng con số chắc chắn là rất lớn. Họ muốn tạo ra một mạng lưới chân rết quần chúng sát với từng người dân. Tôi nghĩ họ muốn tạo ra một hệ thống thật kín kẽ, để nắm được từng chân tơ kẽ tóc, rồi nắm được mọi hoạt động tiềm ẩn, theo họ có thể là nguy cơ... thì họ phát hiện được sớm. Một lực lượng như thế, thì rõ ràng tiền phải rót xuống nhiều, ngân sách rót nhiều hơn, rõ ràng là tốn kém nhiều hơn.”
Lý giải về con số phải chi 540 tỷ đồng mỗi tháng cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho biết Dự thảo luật không quy định cụ thể mức bồi dưỡng là bao nhiêu, nhưng ông Hòa nghĩ thấp nhất cũng phải bằng mức lương cơ sở, nghĩa là khoảng 1,8 triệu đồng/người/tháng.
Phát biểu tại phiên họp hôm 28/8, ông Hòa tính toán nếu ‘Dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở’ chính thức thông qua thì với 100.000 tổ, trung bình mỗi tổ ba người, thì Việt Nam có 300.000 người. Với mức bồi dưỡng 1,8 triệu đồng/tháng thì phải chi 540 tỷ đồng mỗi tháng, tức mỗi tỉnh, thành là 8,4 tỷ đồng, chưa kể hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện…
Trước đó, theo giải trình của Chính phủ vào hồi tháng 5 năm 2023, tổng mức chi trung bình dự kiến của một tỉnh, thành chi trả chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chỉ khoảng 2,4 tỷ đồng/tháng.
Tôi nghĩ con số đó quá lớn, có thể có những phần khác nhưng không đáng kể, ví dụ như Ủy ban Nhân dân cấp xã phường tự chi cho lực lượng dân phòng, trật tự ở địa phương…
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí
Cựu trung tá quân đội Vũ Minh Trí từ Hà Nội hôm 29/8, nhận định với RFA:
“Tôi nghĩ con số đó quá lớn, có thể có những phần khác nhưng không đáng kể, ví dụ như Ủy ban Nhân dân cấp xã phường tự chi cho lực lượng dân phòng, trật tự ở địa phương… Nhưng chắc cũng vẫn phải theo luật ngân sách, bởi vì Việt Nam bây giờ thực hiện luật ngân sách tương đối chặt chẽ, không thể chi bậy bạ, mà chẳng tội gì người ta làm vậy.”
Tuy nhiên ông Vũ Minh Trí cho rằng, việc này cho thấy đảng và chính quyền cảm thấy chưa được an toàn, vì mục tiêu của công an và an ninh là bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ:
“Chi càng nhiều, càng chứng tỏ tâm lý không yên tâm của Đảng và chính quyền. Chứ nếu họ cảm thấy yên tâm, không có thế lực thù địch, không bị chống phá thì không cần phải chi nhiều tiền như thế và phải duy trì một lực lượng đông đến 300.000 người. Tôi cảm thấy số tiền phải chi đó hết sức vô ích, việc chi tiền như vậy hoàn toàn không cần thiết, thứ hai nó lãng phí rất nhiều tiền của nhân dân.”
Bộ Công an khi giới thiệu Dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở ở Hà Nội vào năm 2022 từng cho biết, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở với khoảng 300.000 người, là lực lượng quần chúng tự nguyện, hỗ trợ bảo vệ an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn...
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng, lực lượng an ninh cơ sở sẽ sinh ra những hệ lụy như rình mò, hạch sách, trấn áp, lộng quyền... Ông Nguyễn Ngọc Già nói tiếp:
“Những năm sau này, người dân cũng thấy rất nhiều hệ lụy của chuyện gọi là ‘hiệp sĩ đường phố’... Hay bản thân tôi ở tù cũng dám khẳng định là họ dùng cái gọi là ‘tù trị tù’; trong trường học thì họ dùng ‘học trò trị học trò’, đó là đội sao đỏ mà rất nhiều hậu quả xảy ra... Rồi bây giờ trong xã hội, họ chính thức dùng ‘dân trị dân’... Thế thì tôi hỏi nhà nước để làm gì?”
Bây giờ lực lượng an ninh chủ yếu là nhắm vào các tầng lớp nhân dân, chỉ cần đọc tên của các lực lượng cũng đã thấy rõ, ví dụ như ‘Cục an ninh chính trị nội bộ’; ‘Cục an ninh tư tưởng văn hóa’ nắm văn nghệ sĩ…
-Cựu Trung tá Vũ Minh Trí
Trung tướng Nguyễn Ngọc Anh khi giới thiệu Dự thảo luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở ở Hà Nội vào năm 2022 cho rằng, lực lượng được kiện toàn theo dự thảo Luật này sẽ là cánh tay nối dài cho công an chính quy cấp xã, qua đó an ninh trật tự ở cơ sở chắc chắn sẽ được đảm bảo.
Tuy nhiên theo cựu trung tá Vũ Minh Trí, sẽ lãng phí nếu chi quá nhiều tiền thuế của dân cho lực lượng công an:
“Ở đây nó liên quan đến vấn đề chức năng nhiệm vụ của lực lượng công an. Tôi đã từng đọc bài viết của ông Nguyễn Tài, từng là Thứ trưởng Bộ Công an, nói về chức năng nhiệm vụ của lực lượng an ninh là bắt gián điệp các nước thù địch phái vào Việt Nam phá hoại, hay ăn cắp bí mật về chính trị, kinh tế, quân sự… Nhưng bây giờ lực lượng an ninh chủ yếu là nhắm vào các tầng lớp nhân dân, chỉ cần đọc tên của các lực lượng cũng đã thấy rõ, ví dụ như ‘Cục an ninh chính trị nội bộ’; ‘Cục an ninh tư tưởng văn hóa’ nắm văn nghệ sĩ…”
Theo ông Trí rõ ràng là rất tốn kém, mà không đạt được mục đích bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Ông Trí cho rằng, số tiền đấy chi ra vì sai mục đích, sai đối tượng… cho nên nó lãng phí và không đạt được kết quả.