Phúc thẩm vụ Đồng Tâm: 14 luật sư yêu cầu làm rõ những tình tiết mâu thuẫn trong vụ án

Cao Nguyên
2021.03.07
Phúc thẩm vụ Đồng Tâm: 14 luật sư yêu cầu làm rõ những tình tiết mâu thuẫn trong vụ án Hình minh hoạ. Phiên sơ thẩm xử 29 người dân Đông Tâm ở Hà Nội hôm 14/9/2020
AFP

Một tuần lễ trước phiên Toà Phúc thẩm vụ án Đồng Tâm, 14 luật sư bào chữa cho sáu người có kháng án đã gởi Đơn kiến nghị dài 31 trang đến các cơ quan hữu trách yêu cầu làm rõ nhiều điểm sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kết quả bản án.

Vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Theo nhận định của các luật sư, vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xảy ra ở thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào rạng sáng 9/1/2020 là một vụ án đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ thể hiện ở số lượng người chết trong vụ án này, mà sức ảnh hưởng ghê gớm của nó tác động lên đại bộ phận dân chúng Việt Nam.

Vụ án này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của đất nước, thể chế chính trị Việt Nam đối với bạn bè Quốc tế và sự bang giao với các nước lớn trên thế giới.

Do đó, các luật sư đã nêu ra, phân tích 8 nội dung chính và yêu cầu, kiến nghị HĐXX phúc thẩm đặc biệt lưu tâm làm rõ ở phiên phúc thẩm.

Vụ Đồng Tâm liên quan đến tranh chấp đất đai giữa người dân và chính quyền xảy ra khi chính quyền Hà Nội huy động hàng ngàn công an tấn công vào Đồng Tâm, giết chết một người dân là cụ Lê Đình Kình. 3 công an tham gia vụ tấn công cũng thiệt mạng.

Theo luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho hai trong số sáu bị cáo kháng án cho biết cần thiết nhất là phải cho tổ chức thực nghiệm lại hiện trường để xác định nguyên nhân cái chết của ba cán bộ công an. Từ đó mới biết các bị cáo có phạm tội giết người hay không:

Tôi quan tâm nhất việc trả lại hồ sơ để tổ chức thực nghiệm việc ba công an bị chết như thế nào.

Theo như hồ sơ và kết luận điều tra thì vô lý là ba người công an rơi xuống hố mà lại chết cháy hoá than với lượng xăng và mô tả như vậy là bất hợp lý. Tôi cho rằng mấu chốt là ở chỗ này và cần phải được làm rõ.”

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho biết tất cả các điểm được liệt kê trong đơn đều cần được làm sáng tỏ để đảm bảo có được bản án công bằng:

Chúng tôi đưa những điều đó đều rất cần thiết. Chúng tôi mong muốn được giải quyết hết cả 8 điểm, không loại trừ một điểm nào cả.”

Nhận định của luật sư về kết quả phiên phúc thẩm

Theo thông báo, phiên toà phúc thẩm sẽ diễn ra từ ngày 8/3/2021. Do còn quá nhiều tình tiết của vụ án còn mơ hồ, mâu thuẫn nên luật sư Mạnh cho rằng kết quả tốt nhất là Toà phúc thẩm huỷ kết quả bản án sơ thẩm, điều tra lại từ đầu:

Điều lý tưởng nhất mà chúng tôi mong muốn là toà phúc thẩm sẽ huỷ bản án sơ thẩm và trả hồ sơ điều tra lại từ đầu, trong đó bổ sung các nội dung mà các luật sư nêu ra.

Tôi cũng không quá hy vọng vào điều đó, nhưng trong phạm vi chúng tôi có thể yêu cầu và tin rằng nó đúng và có cơ sở pháp luật thì chúng tôi phải đẩy sự việc cho đến cùng.”

Ông Hà Huy Sơn nói hai bị cáo do mình bào chữa nên được giảm án. Đặc biệt là ông Bùi Viết Hiểu không phạm tội giết người vì ông này không có mặt tại nơi ba công an tử vong:

Tôi bảo vệ cho ông Bùi Viết Hiểu và Bùi Thị Nối. Tôi hy vọng bị cáo Nối sẽ được trả tự do, hưởng án treo.

Còn đối với bị cáo Hiểu sẽ không bị kết tội giết người. Vì bị cáo không biết sự việc ba công an chết như thế nào. Lúc đấy bị cáo đang ở cùng nhà ông Kình nên không biết diễn biến ở nhà bên cạnh, nơi ba công an bị chết. Nên tôi cho rằng bị cáo Hiểu không liên quan đến tội giết người.”

Tám nội dung chính được yêu cầu điều tra làm rõ

1. Về diện tích đất quốc phòng: Các luật sư nhận định “Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, rất hiếm khi các bị cáo có cơ hội được trình bày những nội dung liên quan tới nguồn gốc đất Đồng Sênh, nơi xảy ra tranh chấp đất đai, có phải là nguồn gốc đất Quốc phòng hay không.

Điều lý tưởng nhất mà chúng tôi mong muốn là toà phúc thẩm sẽ huỷ bản án sơ thẩm và trả hồ sơ điều tra lại từ đầu, trong đó bổ sung các nội dung mà các luật sư nêu ra. - LS Đặng Đình Mạnh

Do đó cần thiết phải triệu tập một số người có liên quan tới các Kết quả thanh tra của Thanh tra thành phố Hà Nội, Thanh tra Chính phủ, đại diện Bộ Quốc phòng và những người làm chứng khác nguyên là cựu lãnh đạo Đồng Tâm qua các thời kỳ, để làm rõ nội dung liên quan đến nguồn gốc đất đai.”

2. Về việc chính quyền có tổ chức đối thoại với người dân Đồng Tâm hay không:

Chưa hề có bất kỳ một cuộc đối thoại nào đúng nghĩa đã được tổ chức để người dân bức xúc được dịp bày tỏ thái độ quan điểm và chứng minh những luận điểm được đưa ra của mình là đúng, khiến cho những mâu thuẫn dồn nén kéo dài.

Các luật sư kiến nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm triệu tập những người có liên quan bao gồm ông Nguyễn Đức Chung (nguyên Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội), là người có mặt ở hầu hết ở các sự kiện xảy ra tại Đồng Tâm từ tháng 4/2017 cho đến nay, ông Nguyễn Văn Thanh (Tổng Thanh tra Chính phủ), đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Lưu Bình Nhưỡng, Đỗ Văn Đương…

3. Về kế hoạch huy động lực lượng công an để bảo vệ an ninh trật tự trong việc xây dựng tường trạng Miếu Môn

Các luật sư yêu cầu phải công khai bản “Kế hoạch bảo vệ an ninh trật tự ở thôn Hoành” số 419A ngày 2/1/2020 để làm sáng tỏ rằng việc huy động lực lượng Công an thành phố Hà Nội hỗ trợ an ninh trật tự trong việc xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn có phải là “bình phong” cho một kế hoạch tấn công, vây bắt người dân trong “Tổ đồng thuận” đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hay không.

Kế hoạch 419A có từ khi nào? Được cấp nào phê duyệt? Mục đích chỉ là để bảo vệ trật tự đơn thuần hay là bố ráp bắt giữ ông Kình và những người chống đối? Tại sao lại phải bảo vệ thôn Hoành? Tường rào sân bay Miếu Môn ở một nơi xa tại sao không tập trung ở đó? Hơn nữa để tiến vào khu vực cần xây dựng của sân bay Miếu Môn thì có rất nhiều cung đường khác nhau, không nhất thiết phải đi qua thôn Hoành. Lực lượng công an đã đột nhập và tấn công vào nhà ông Kình vào lúc nửa đêm mà không được sự cho phép và đồng ý là xâm phạm các quy định đã được hiến pháp và pháp luật bảo vệ.

Việc làm rõ kế hoạch này cũng đồng thời chứng minh được vai trò của công an thành phố Hà Nội trong vụ án này, để xác minh rõ rằng cơ quan Cảnh sát điều tra công an thành phố Hà Nội có thể là “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi vừa thực hiện trực tiếp tham gia vào vụ án với vai trò là người có liên quan lại vừa là người đi điều tra xử lý tội phạm trong vụ án này.

4. Về hoàn cảnh và nguyên nhân dẫn đến cái chết của 3 chiến sĩ công an

Với tình huống này, các luật sư kiến nghị cần phải thực nghiệm lại hiện trường tổng thể, đặc biệt lưu tâm đến nguyên nhân dẫn tới cái chết của ba chiến sĩ rơi xuống hố.

Lời khai của các bị cáo và những người khác cùng tham gia tổ công tác này có mâu thuẫn với nhau. Có một số lời khai có lợi cho các bị cáo nhưng không được đối chứng, khiến cho sự thật về nguyên nhân dẫn tới cái chết của ba chiến sỹ công an vẫn còn là một ẩn số.

Do đó, cần phải triệu tập các chiến sỹ chứng kiến sự việc các đồng đội bị rơi xuống hố để đối chất với các bị cáo tại tòa.

5. Về vết thương trên người ông Bùi Viết hiểu, Lê Đình Chức, Lê Đình Uy và Bùi Thị Nối

Các bị cáo trên đều mang trong mình những vết thương rất nặng do đạn bắn hoặc bị đánh đập. Thậm chí, theo lời khai của ông Bùi Viết Hiểu thì ông bị bắn hai phát vào ngực và vào chân. Việc ông Hiểu thoát chết là ngoài dự tính. Bà Bùi Thị Nối khai tại phiên toà sơ thẩm rằng bà bị bắn chảy nhiều máu và bị lôi ra ngoài đánh đập tàn nhẫn.

Tuy nhiên, trong cáo trạng cũng như hồ sơ vụ án đã loại bỏ nội dung liên quan đến thương tích của các bị cáo này.

Do vậy, các luật sư kiến nghị “Cần điều tra độc lập, khách quan để làm rõ việc có hay không hành vi dùng vũ khí bắn một cách bừa bãi vào người dân, dù những người này không có vũ khí chống trả, không có khả năng gây nguy hiểm tới lực lượng thi hành công vụ.

Hội đồng xét xử xử cấp phúc thẩm cần triệu tập những người trực tiếp tham gia vào cuộc truy quét sáng ngày 9/1/2020 để làm rõ cá nhân nào đã gây ra các vết thương cho các bị cáo. Đồng thời tạo điều kiện cho các bị cáo bị cáo chứng minh lời khai của mình để làm rõ sự thật. 

6. Về hành vi và cái chết của ông Kình

Trong phần này, các luật sư chỉ ra nhiều điểm mâu thuẫn, bất hợp lý trong Kết luận điều tra và Cáo trạng về cái chết của cụ Lê Đình Kình vào rạng sáng ngày 9/1 so với thực tế. 

Theo Cáo trạng, ông Kình bị bắn hai phát từ phía sau lưng các chừng 2 đến 2,5m. Nhưng kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy vỏ đạn được bắn từ phía trực diện, từ trước ra sau. Điều này cũng trùng hợp với lời khai của ông Bùi Viết Hiểu tại phiên tòa rằng “ông Kình bị bắn ngay trước mặt ông Hiểu, người bắn đứng trước mặt ông Kình khoảng một mét, nòng súng to như cổ tay nhắm thẳng vào ngực ông Kình, bắn trực diện chứ không phải bắn từ phía sau. Ông Kình ngã xuống chết trước mặt tôi. Sau đó đó là chó nghiệp vụ vào kéo xác  ông Kình lôi đi.”

ledinhkinh1abc.jpeg
Hình trái: lưng cụ Kình với nhiều vết bầm tím sau khi bị bắn chết. Hình phải: cảnh sát cơ động được điều đến Đồng Tâm hôm 9/1/2020. AFP

Như vậy cần xác định rõ việc ông Kình có thực sự thực hiện hành vi chống trả lực lượng chức năng hay không và việc bắn chết ông Kình đã đúng quy định của pháp luật hay chưa.

Bản Kiến nghị yêu cầu HĐXX cho triệu tập những người có liên quan đến cái chết của ông Lê Đình Kình tới phiên tòa để làm rõ việc liệu quyết định bắn chết ông là có đúng hay không, có được chỉ đạo trong kế hoạch 419A hay chỉ là phát sinh tại thời điểm đó.

Bên cạnh đó, đề nghị tòa xem xét chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án giết người theo đơn tố cáo và đề nghị khởi tố của bà Dư Thị Thành là vợ của ông Lê Đình Kình. 

7. Về nguồn gốc về các clip phóng sự ghi lại lời nhận tội của bị cáo

Theo ý kiến các luật sư, trong phần tranh tụng, toà cho trình chiếu những phóng sự do phóng viên làm theo hướng cáo buộc, kết tội cụ Kình mà không cần thông qua xét xử, được dùng làm chứng cứ cáo buộc các bị cáo tại tòa là không không đầy đủ điều kiện cơ bản của chứng cứ.

Việc trình chiếu những clip, hình ảnh, âm thanh được dàn dựng có liên quan tới lời khai của các bị cáo ngay trước khi bắt đầu phiên xét hỏi là một cách để phủ đầu các bị cáo, nhằm làm tê liệt sự phản kháng của họ.

Nếu vẫn giữ những tài liệu này, HĐXX cần triệu tập những người đã thực hiện việc quay, dàn dựng nội dung clip ra để các bị cáo và luật sư của họ hỏi, phân tích, đối chất, làm rõ những nội dung liên quan.

8. Về một số vi phạm liên quan đến thủ tục tố tụng/xâm phạm hoạt động tư pháp. 

Các luật sư chỉ ra rằng trong suốt quá trình điều tra, khởi tố và xét xử vụ án Đồng Tâm, có nhiều dấu hiệu cho thấy các bị cáo bị đánh đập, ép cung, mớm cung…

Bà Bùi Thị Nối và ông Lê Đình Công đều nói trước toà rằng trong quá trình bị tạm giam, họ bị đánh “10 ngày như một” để ép cung.

Tại phần lời nói cuối cùng trước khi kết thúc phần tranh luận chuyển sang phần nghị án, rất nhiều bị cáo có phần nói cuối cùng giống y đúc như nhau. Thậm chí giống nhau đến từng câu chữ, theo một mô típ chung: “nhận ra lỗi lầm…, ăn năn hối cải…, cảm ơn các thầy trong trại giam số 2 đã giáo dục để nhận ra sai lầm…, xin lỗi gia đình bị hại, xin giảm nhẹ án…”

Do vậy, cần thiết phải triệu tập các điều tra viên tham gia điều tra vụ án để làm rõ các vấn đề được nêu trong kết luận điều tra, cáo trạng và bản án sơ thẩm vì nó có dấu hiệu rõ ràng là không phản ánh khách quan trung thực so với thực tế đã diễn ra.

Các luật sư cũng bị hạn chế quyền hành nghề vì tới tận ngày có lịch xét xử vụ án thì luật sư mới được sao chụp hồ sơ vụ án; Luật sư khi gặp thân chủ tại trại tạm giam thì luôn có mặt giám sát viên, cán bộ trại giam kèm cặp. Việc thăm hỏi, trao đổi luôn bị theo dõi nhắc nhở; Có dấu hiệu bị cáo bị ép từ chối luật sư do gia đình nhờ để nhờ luật sư chỉ định; Trong phiên tòa, HĐXX hạn chế quyền được tiếp cận thân chủ của luật sư vì cho rằng điều đó là không cần thiết.

Ngoài ra, luật sư cũng đề nghị các cơ quan xem xét, tạo điều kiện cho những người thân của các bị cáo được vào phòng xét xử để dự khán. Đề nghị cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước được vào phòng xử án tác nghiệp, đưa tin công khai về vụ án để mở rộng đường dư luận, tránh sự đồn đoán về một bản án “bỏ túi” như một số trang thông tin không chính thống đã lan truyền.

Các luật sư bào chữa xác nhận rằng cho đến ngày 7/3, chưa có một cơ quan nào phản hồi về Đơn kiến nghị này.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.

Nhận xét

Dân khiếu kiện
07/03/2021 16:44

Các luật sư giúp đỡ các nạn nhân Đồng Tâm đưa toàn bộ chi tiết vụ án để kiện chính quyền Hà Nội ra Tòa án hình sự quốc tế. Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court) có Trụ sở ở Den Haag, Hà Lan,
Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) ngày 15-9-2016 tuyên bố sẽ thụ lý "các vụ án liên quan tới các tội ác hủy hoại môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên phi pháp và trưng thu trái pháp luật đất đai của người dân. Với sự thay đổi đáng kể này, các nhà hoạt động và các luật sư cho biết trong các hợp đồng bàn giao đất trái phép dẫn tới việc phải dùng bạo lực di dời người dân, các giám đốc điều hành doanh nghiệp hoặc các chính trị gia có thể phải chịu trách nhiệm trước luật pháp quốc tế",

vietcong Hanoi Vietnam
07/03/2021 18:11

Xã hội VN người DÂN chân thật thì nghèo đói ! Giao thông tai nạn như cơm bữa & cướp đất , cướp nhà ,cướp của , cướp cả quyền căn bản của người DÂN , cướp ngày chưa đủ cướp cả ban đêm ! Cộng sản cầm quyền chỉ lo "phong bì & hối lộ" ! Còn người DÂN vất vả cả ngày lẫn đêm mà vẫn không kiếm được ngày hai bữa cơm ! Vậy mà cộng sản vẫn chưa tha ! Còn
coi MẠNG NGƯỜI DÂN LÀNH như con vật & như cỏ rác ! Vậy mà những kẻ bị đuổi ra khỏi "ĐẤT MẸ = HO" vẫn vác mặt về " ăn chơi phè phỡn" ! Thật quá buồn vì một số người đã làm rơi mất nhân cách ! ! !