Dự thảo “Báo cáo đánh giá tác động của một số loại hình kinh tế chia sẻ chính tới nền kinh tế” vừa được Bộ Kế hoạch - Đầu tư công bố để lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ được báo chí đăng tải ngày 8/12 cảnh báo về tình trạng các công ty cho vay ngang hàng (P2P) nước ngoài đang tìm cách chuyển hướng hoạt động sang thị trường Việt Nam. Trong đó chủ yếu là các công ty đến từ Trung Quốc, Nga, Indonesia và Singapore.
RFA có cuộc phỏng vấn với Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng độc lập, với hơn 30 năm kinh nghiệm làm trong ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và Việt Nam để tìm hiểu về vấn đề này. Trước hết, ông nhận định về tình trạng các công ty cho vay ngang hàng nước ngoài vào Việt Nam cũng như nguyên nhân khiến P2P thu hút được nhiều người vay mượn tại đất nước hình chữ S hiện nay như sau:
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là các công ty Trung Quốc sau khi hệ thống cho vay ngang hàng ở Trung Quốc sụp đổ thì họ tìm cách len lỏi vào thị trường Việt Nam. Nói chung thị trường cho vay ngang hàng ở Việt Nam ngày càng mở rộng vì rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân không vay tiền được của ngân hàng vì các ngân hàng đỏi hỏi phải có bảo đảm, phải có tài sản thế chấp. Nhiều doanh nghiệp bị tác động của dịch bệnh không còn tài sản nữa, nhiều cá nhân doanh thu giảm không có khả năng vay ngân hàng. Thế thì lối thoát cho những doanh nghiệp và cá nhân đó là phải vay mượn bằng cách nào đó, một trong những giải pháp là vay ngang hàng.
Một số công ty ở Trung Quốc cũng như Việt Nam hiện tại lập nên một sàn giao dịch để cho người đầu tư có thể kết nối với người vay vốn. Những công ty của Trung Quốc hay công ty Fintech (công nghệ tài chính) của Việt Nam làm nhiệm vụ kết nối người có tiền với người có nhu cầu vay. Đó là cách làm cho vay ngang hàng ở Việt Nam ngày càng phổ biến.
Để đưa hoạt động cho vay ngang hàng vào quỹ đạo chính thống, chưa đến nói đến tiềm năng hiệu quả, thì hiện tại nó đang hoạt động có thể nói ở trong vacuum, trong một khoảng không pháp luật. - TS. Nguyễn Trí Hiếu
Việc một công ty Fintech dùng những platforms, những nền tảng để kết nối người có tiền và người có nhu cầu vay thì hai bên thỏa thuận dân sự. Ngày xưa người ta thường gửi và vay ngân hàng, ngân hàng trở thành một định chế tài chính, một trung gian tài chính mà tiếng Anh gọi là financial intermediary. Ngày nay thì rất nhiều công ty Fintech làm nhiệm vụ đó.
RFA: Theo Tiến sĩ, việc nhiều công ty P2P vào Việt Nam sẽ đem lại những lợi ích gì nhất định cho nền kinh tế của chính phủ Hà Nội, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cho vay ngang hàng có hỗ trợ nền kinh tế hay không thì câu trả lời là có. Họ có đóng góp trong vấn đề phát triển kinh tế qua việc tìm được nguồn vốn và kết nối nhà đầu tư với doanh nghiệp nhỏ và các cá nhân muốn vay vốn qua những công ty Fintech, qua những platform mà công ty Fintech đó cung cấp cho thị trường.
Một số công ty cho vay theo đúng luật pháp, luật dân sự, họ là những công ty cho vay với sự thẩm định khách hàng, tức khách hàng là doanh nghiệp hay cá nhân có nhu cầu vay đến thì họ thẩm định khả năng qua những báo cáo tài chính hoặc những thông tin họ có được, giới thiệu những doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu vay đến cho những nhà đầu tư. Họ làm ăn một cách khả quan, có quản lý rủi ro, tất cả lãi suất và phí trong giới hạn hợp lý.
Bên cạnh những công ty làm ăn chính thống thì có những công ty là những loại tín dụng đen trá hình, tức dùng tên là cho vay ngang hàng nhưng thật sự không chấp nối giữa người có tiền và người có nhu cầu vay. Họ là người huy động vốn như ngân hàng và cho vay như ngân hàng, dĩ nhiên những công ty như thế không được phép hoạt động vì ở Việt Nam, chỉ có ngân hàng mới có quyền huy động vốn, ngay cả các công ty tài chính cũng không được phép huy động vốn người dân mà chỉ có thể gây vốn bằng cách phát hành trái phiếu. Với cho vay cũng vậy, phải là những tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới có thể cho vay.
RFA: Bên cạnh những lợi ích và bất lợi tiến sĩ vừa đưa ra, Bộ Kế hoạch - Đầu tư mới đây còn cảnh báo các công ty cho vay ngang hàng có thể chi phối hoàn toàn thị phần cho vay tại Việt Nam và nếu không có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan quản lý thì có thể gia tăng rủi ro nợ xấu. Tiến sĩ nhận xét thế nào về cảnh báo này?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi nghĩ thị trường P2P hiện tại chưa chiếm tỉ trọng lớn vì tổng dư nợ của cả hệ thống ngân hàng và công ty tài chính hiện tại lên đến đâu đó khoảng 9 triệu tỉ đồng, tương đương 450 tỉ đô la. Các hoạt động cho vay ngang hàng tôi không có con số cụ thể để nói lên là bao nhiêu phần trăm của tổng dư nợ nền kinh tế, nhưng tôi nghĩ rằng nó chưa chiếm tỉ trọng lớn, có thể vài tỉ đô la. Thành ra không thể nói rằng việc cho vay ngang hàng đang lấn át thị trường cho vay của Việt Nam hoặc nó đang khống chế thị trường cho vay ở Việt Nam.
Nhưng vấn đề nợ xấu là vấn đề đã phát hiện. Những công ty cho vay ngang hàng phần lớn cho vay dưới dạng tín chấp, tức không có tài sản bảo đảm thì công ty Fintech phải làm sao đảm bảo dòng tiền cho khách hàng của mình, tức nhà đầu tư bỏ tiền cho vay chẳng hạn như 1 tỉ đồng, khi doanh nghiệp nhận được số vay 1 tỉ đồng nhưng làm sao họ trả lại? Công ty Fintech phải có chương tình để kiểm soát được dòng tiền, tức làm sao cột được anh đi vay 1 tỉ đồng đó để khi anh ấy bán hàng hoặc có doanh thu thế nào, để nắm được dòng tiền đó trả lại cho nhà đầu tư. Tôi nghĩ hiện tại còn đang rất khó khăn trong việc này.

Chính vì thế tôi nghĩ vấn đề nợ xấu đang trở thành vấn đề cho các công ty cho vay ngang hàng. Nếu họ không kiểm soát được vấn đề nợ xấu thì một số sàn giao dịch có thể phá sản, khi mà nhà đầu tư của họ mất tiền thì họ sẽ tẩy chay sàn giao dịch đó. Hiện tại chưa thấy công ty nào có nợ xấu trong lĩnh vực cho vay ngang hàng nhưng tôi nghĩ rằng vấn đề nợ xấu đang trở thành vấn đề, đặc biệt trong thời buổi này khi các doanh nghiệp nhỏ bị tác động của dịch bệnh và các cá nhân thu nhập của họ giảm và họ vay, nếu không có sự kiểm soát dễ trở thành nợ xấu.
Thành ra tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề mà các cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, các cơ quan thuế, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, tất cả những bộ ngành của chính phủ cần phải quan tâm và có sự điều tra để xem vấn đề nợ xấu của các hoạt động cho vay ngang hàng hiện tại đang ở mức độ nào.
RFA: Hiện tại các công ty cho vay ngang hàng được cho là chưa có cơ chế quản lý hoặc còn rất sơ khai tại Việt Nam. Vậy theo ông chính sách quản lý các công ty P2P tại Việt Nam hiện nay còn thiếu những gì?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hiện tại Việt Nam chưa có quy định, pháp luật rõ ràng về vấn đề cho vay ngang hàng thành ra có rất nhiều những kẽ hở mà những kẻ gian, những tổ chức tín dụng đen lợi dụng để huy động vốn cũng như cho vay với hình thức trá hình, gây ra rất nhiều hậu quả cho người dân và các doanh nghiệp.
Dĩ nhiên còn thiếu nhiều nhưng trong năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra một dự thảo để xây dựng một cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, tiếng Anh gọi là regulatory sandbox. Trong cơ chế thử nghiệm đó, Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ một đề xuất, một dự thảo cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Có thể sang đầu năm 2021 Chính phủ sẽ ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm đó.
Cơ chế thử nghiệm đó chưa phải là những quy định về vấn đề cho vay ngang hàng mà mới là quy định để Ngân hàng Nhà nước hoặc đơn vị nào chủ trì sẽ xây dựng một chương trình thử nghiệm và mời những công ty cho vay ngang hàng vào chương trình đó. Những công ty đó phải là những công ty có giấy phép đăng ký hoạt động hợp pháp, phải có vốn điều lệ, có quy trình quản lý vốn rủi ro.
Các cơ quan chức năng, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, các cơ quan thuế, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, tất cả những bộ ngành của chính phủ cần phải quan tâm và có sự điều tra để xem vấn đề nợ xấu của các hoạt động cho vay ngang hàng hiện tại đang ở mức độ nào. - TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chương trình đó có thể kéo dài từ 1 đến 2 năm. Trong 1-2 năm đó thì Ngân hàng Nhà nước quan sát các công ty đó hoạt động thế nào, có vấn đề rủi ro gì, có lợi cho thị trường thế nào, vấn đề lãi suất, vấn đề phí, vấn đề trả nợ cho nhau thế nào, việc cho vay ngang hàng vận hành thế nào. Sau đó Ngân hàng Nhà nước có thể cấp phép cho một số công ty đi vào trong chương trình thử nghiệm đó được phép hoạt động chính thức. Cũng trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước quan sát cũng như rút tỉa kinh nghiệm trong chương trình đó, Ngân hàng Nhà nước có thể đề xuất một quy định về cho vay ngang hàng. Quy định đó có thể dưới dạng thông tư cũng có thể là luật được phê chuẩn bởi Quốc Hội. Đây là bước khởi đầu rất quan trọng.
RFA: Có nhận định cho rằng hiệu quả hoạt động của các nền tảng cho vay P2P ở Việt Nam chưa hoạt động đúng với bản chất. Vậy Tiến sĩ có đề xuất giải pháp nào nhằm tăng hiệu quả của hình thức cho vay này tại thị trường Việt Nam?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Để đưa hoạt động cho vay ngang hàng vào quỹ đạo chính thống, chưa đến nói đến tiềm năng hiệu quả, thì hiện tại nó đang hoạt động có thể nói ở trong vacuum, trong một khoảng không pháp luật. Thành ra vấn đề đầu tiên là phải đưa tất cả công ty đang hoạt động vào trong quỹ đạo của pháp luật, trong cơ chế thử nghiệm có kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước. Đó là điều thứ nhất.
Điều thứ hai là các cơ quan chức năng, cơ quan an ninh phải làm sao loại bỏ, trục xuất công ty mang tính tín dụng đen đang đội lốt, trá hình những công ty P2P hoạt động bất hợp pháp.
Điều thứ ba là qua cơ chế thử nghiệm như thế thì Ngân hàng Nhà nước phải tiến hành nhanh chóng, tôi mong rằng trễ nhất là đầu năm 2021 sẽ ban hành quy định về xây dựng cơ chế, thể chế thử nghiệm đó. Và sẽ quyết định xem ai, cơ quan nào sẽ đứng ra chủ trì chương trình đó. Theo tôi hiểu thì Ngân hàng Nhà nước đang soạn dự thảo nhưng chưa chắc Ngân hàng Nhà nước được giao trách nhiệm quản lý chương trình đó. Thế thì đó là một cơ sở nền tảng, một nghị định về cơ chế thử nghiệm và sau đó là dự thảo luật về hoạt động của các công ty cho vay ngang hàng.
RFA: Xin cám ơn Tiến sĩ đã dành thời gian trả lời buổi phỏng vấn hôm nay.
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Xin cám ơn và xin chào.
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết hiện có khoảng 100 công ty P2P và 200 công ty công nghệ tài chính có nguồn gốc nước ngoài hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Theo thông tin trên trang Công an Nhân dân online, thị trường P2P ở Việt Nam ước khoảng 1 tỷ USD với 3.000-3.500 giao dịch.