Ban soạn thảo sửa đổi Luật Đất đai: Lại câu chuyện lợi ích nhóm?
2019.08.22
Theo đó, danh sách Ban soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai gồm 31 người đến từ các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch Đầu tư, Thanh tra Chính phủ.... Ngoài ra, còn có Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Hồ Chí Minh, Long An....Ban soạn thảo do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm trưởng ban.
Nhập nhằng nhân sự
Đáng lưu ý, trong danh sách nhóm chuyên gia xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, bên cạnh nhiều chuyên gia về đất đai đã từng và đang làm việc ở các bộ ngành, tổng cục, viện…. thì có duy nhất đại diện của 1 doanh nghiệp là bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng Ban pháp chế của Tập đoàn Vingroup tham gia ở “nhóm các vấn đề chung”.
Việc xuất hiện của một vị đại diện doanh nghiệp trong danh sách nhóm chuyên gia xây dựng, sửa đổi bổ sung một số vấn đề Luật Đất đai đã gây chú ý trong dư luận. Nhiều người thắc mắc tại sao có đại diện của doanh nghiệp tham gia nhóm soạn thảo này?
Ông Đào Trung Chính, phó tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai thuộc Bộ TNMT trao đổi với với báo Infonet hôm 21/8/2019 cho rằng, Bộ mời bà Lâm tham gia và khi mời chỉ mang tính chất tư vấn, còn trong quá trình soạn thảo không chỉ có mỗi người này mà còn phải phối hợp với các bên liên quan để lấy ý kiến của các chuyên gia nên không có vấn đề gì phải làm phức tạp hóa vấn đề.
“…Đây là ai tự nguyện tham gia thì chúng tôi mời bởi vì làm cái này chả có quyền lợi gì, chỉ với tinh thần xây dựng đất nước thôi nên khuyến khích mọi người đều có thể tham gia vào tổ chuyên gia này được. Nhưng mời ai tự nguyện tham gia thì mới điền tên vào được, còn những người từ chối thì không đưa vào danh sách”(trích từ infonet.vn 21/8/2019)
Nếu nói như ông Đào Trung Chính, nhiều ý kiến cho rằng, nghĩa là Bộ có qui định mời cá nhân (với tư cách là người dân) tham gia góp ý vào việc soạn thảo, vậy tại sao lại chỉ mời bà Lâm mà không công khai trên truyền thông mời người dân nào (muốn tham gia) thì có thể đăng ký tên và ý kiến cho ban soạn thảo? Trả lời của ông Chính không làm cho việc nghi ngờ về danh sách ban soạn thảo lắng xuống mà sự việc càng ngày càng căng thẳng…
Cũng trong lúc dư luận đặt nhiều nghi vấn về việc đại diện của Vingroup có tên trong danh sách ban soạn thảo, hôm 20/8, đại diện của Vingroup đã lên tiếng với báo chí rằng, bà Hồ Ngọc Lâm tham gia nhóm chuyên gia xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai với tư cách cá nhân và không báo cáo Tập đoàn, nghĩa là tập đoàn Vingroup không liên quan đến việc này. Ngay sau khi Vingroup lên tiếng, bà Lâm đã làm đơn xin rút khỏi nhóm chuyên gia (?!).
Cá nhân không thể đại diện chung cho cộng đồng
Với sự việc lùm xùm như trên, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, cựu thành viên ban cố vấn kinh tế cao cấp của cố thủ tướng Phan Văn Khải và cũng là nguyên chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia nhận định rằng, việc soạn thảo rất cần tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp nhưng ý kiến đó phải đại diện cho cộng đồng, cho đa số doanh nghiệp chứ không nên có doanh nghiệp riêng lẻ vì nó chỉ đại diện tiếng nói của doanh nghiệp đó chứ không đại diện chung cho cộng đồng các doanh nghiệp được.
“Thông thường tiêu chuẩn tham gia soạn thảo trước hết phải là người hiểu biết các vấn đề chung về luật pháp và đặc biệt là về lĩnh vực mà luật pháp đưa ra. Ở đây là luật đất đai thì phải hiểu về vấn đề đất đai của nước ta đang như thế nào, luật hiện hành như thế nào, những cái gì mà đông đảo người dân, doanh nghiệp đang mong muốn, đang chờ đợi có những sửa đổi để giúp cho đất nước phát triển tốt hơn. Thứ hai, người đó phải đại diện cho cộng đồng nào đó nếu không người ta chỉ được tham gia với tư cách là chuyên gia, nhưng chuyên gia thường cũng được rất chọn lọc, có uy tín cao trong xã hội và được coi như là một người đại diện một cách trung thực cho lợi ích của cộng đồng xã hội.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định, ông hoàn toàn đồng ý việc nên có ý kiến của doanh nghiệp và người dân đại diện chung cho cộng đồng tham gia vào việc soạn thảo và khuyến khích điều này, bởi vì ý kiến đề xuất sửa đổi luật là không có hạn chế điều gì, một doanh nghiệp, tổ chức xã hội, hay chuyên gia với tư cách người dân đều được tham gia. Tuy nhiên, vấn đề khi đề xuất thì việc tiếp thu điều đó như thế nào mới là vấn đề cần phải bàn.
“Tại VN thì luôn luôn có một ban chỉ đạo, xong sau đó mới tới ban soạn thảo là những người dự thảo ra luật. Ban chỉ đạo là những người đưa ra phương hướng, xem xét được hay chưa được, sửa đổi thêm chỗ nào… Lần này cũng có thể đưa nhiều thành phần vào ban soạn thảo thì việc cân nhắc tiêu chí nào thì tôi không rõ. Có thể lần này cũng chỉ đưa đại diện của một doanh nghiệp vào bởi vì ban soạn thảo thông thường cũng chỉ có độ khoảng mười mấy người thôi, là đại diện của các Bộ ngành, đại diện của địa phương, không thể nào đưa đại diện 63 tỉnh thành vào ban soạn thảo mà chỉ lựa chọn 1-2 đại diện địa phương và chắc chắn các doanh nghiệp cũng chỉ chọn 1-2 người, còn cách chọn như thế nào thì hoàn toàn không biết.”
Ngoài ra, giáo sư Đặng Hùng Võ còn cho biết đưa đại diện vào ban soạn thảo ít nhất phải thông thạo về vấn đề đất đai, va chạm trên thực tế về vấn đề này thì đó mới là tiêu chí quan trọng nhất lựa chọn thành viên.
Còn đối với nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang, từng giữ vị trí Hội Thẩm Nhân dân Thành phố nhiều năm, thì có nhận định:
“Thì trong vụ việc này thì người ta nói tham gia tư cách cá nhân nhưng người ta vẫn là thành viên của Vingroup, thứ hai nếu đối với tư cách cá nhân thì người ta đâu phải là người chuyên môn về luật pháp đến mức mà nhà nước thiếu, các cơ quan chức năng, bộ TNMT hay văn phòng chính phủ mà tìm không ra nhân tài để tham gia xây dựng luật đất đai đâu. Tôi cho rằng việc này hết sức tiêu cực.”
Dư luận xã hội đặc vấn đề cho rằng, việc bà Lâm tham gia với tư cách cá nhân không đại diện cho doanh nghiệp, cũng không đại diện cho tổ chức xã hội hay chuyên gia trong lĩnh vực đất đai, vậy nghĩa là bà tham gia với tư cách người dân. Bà có đại diện cho tiếng nói của 97 triệu người được không?
Theo bà Chu Thị Hoa, phó viện trưởng Viện khoa học pháp lý, trả lời với báo Phụ nữ ngày 21/8/2019 khẳng định, việc có một chuyên gia tham gia vào quá trình xây dựng luật là hoàn toàn đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên không nên có một doanh nghiệp cụ thể trong quá trình soạn thảo dự án luật, để phòng ngừa khả năng có sự “lobby” (chạy chọt) nhằm mang lợi ích cho doanh nghiệp hoặc một nhóm lợi ích.
“…chúng ta cần ý kiến chuyên gia, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhưng đó nên là ý kiến từ chuyên gia thuộc Hiệp hội Bất Động sản nơi có nhiều doanh nghiệp, hiểu được ý chí nguyện vọng của cả doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ, thay vì ý kiến của chuyên gia từ một doanh nghiệp…Tôi xin nhắc lại, chúng ta không thể kết luận trưởng ban pháp chế của Vingroup lobby luật sửa đổi, bổ sung một số điều luật đất đai, muốn kết luận phải có bằng chứng…”(trích báo Phụ Nữ 21/8/2019)
Nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng thông thường những việc như thế này không có cá nhân, không có doanh nghiệp nào được cử đại diện vào thành phần của hội đồng.
“Điều thứ hai phải am hiểu luật pháp liên quan đến lĩnh vực đó, phải là quan chức nhà nước hoàn toàn và không dính líu đến hoạt động kinh doanh tư nhân hay cổ phần thì nó mới được khách quan. Khi cơ quan chức năng giải thích về việc mời như vậy là điều không thỏa đáng. Nếu như cần người trong dân thì việc đó phải được phổ biến rất rộng rãi, thăm dò ý kiến… để người dân bình bầu chứ không để ông lựa chọn được.”
Đồng quan điểm này, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định: “…Thông thường thì người ta (chính phủ-PV) không công bố và không lấy ý kiến trong dân đâu về thành phần những người tham gia soạn thảo luật nhưng theo cách làm thông thường từ trước đến nay thường đại diện tham gia soạn thảo luật là đại diện của các tổ chức mang tính chất của nhà nước hoặc tổ chức nghiên cứu có uy tín chuyên về các vấn đề pháp luật hoặc là vấn đề kinh tế hoặc đại diện tổ chức cho các cộng đồng khác nhau, chứ từ trước đến nay tôi cũng chưa thấy những người tham gia đại diện cho một doanh nghiệp riêng lẻ tham gia vào soạn thảo.”