Vi khuẩn E-Coli
2011.06.17
Thoạt đầu người ta nghi ngờ vi khuẩn E.Coli theo những quả dưa chuột Tây Ban Nha xuất khẩu sang các nước, nhưng nghi vấn này được nhanh chóng loại bỏ. Sau đó lại xảy ra vụ ngộ độc nhiễm khuẩn E.Coli của 17 người ở Đức do ăn món sà lách trộn sử dụng giá đậu từ một nông trang Đức. Các cơ quan kiểm tra nhanh chóng vào cuộc nhưng cũng không thể đưa ra một kết luận chính xác nào về nguồn lây lan của vi khuẩn E.coli tại châu Âu hiện nay.
E. Coli và đường lây nhiễm
Nguyên nhân nào khiến khuẩn E.Coli xuất hiện và lây nhiễm thành dịch? Những loại thực phẩm nào dễ bị vi khuẩn này xâm nhập?
Số liệu công bố hồi tuần trước cho thấy tổng số bệnh nhân bị lây nhiễm vi khuẩn E.Coli ở châu Âu đã lên đến trên 2.400 người, với khoảng hơn 30 ca tử vong. Tuy nhiên, các giới chức y tế Đức nhận định tình hình lây lan của dịch bệnh có chiều hướng kiểm soát được.
Bác sĩ Trần Văn Sáng, chuyên về nội khoa, hiện đang hành nghề tại tiểu bang Virginia của Hoa kỳ trình bày một số thông tin về vi khuẩn E.Coli. như sau:
“Hiện nay đã xảy ra những trận dịch do vi khuẩn E.Coli, gây ra tiêu chảy và làm chết người ở tại Đức. Những điều mà chúng ta cần nhớ, là con vi trùng E.Coli trước đây cũng do một bác sĩ về nhi đồng tên Theodor Escherish, thì chữ E này là phát xuất từ tên của ông khi ông tìm ra vi trùng này khoảng năm 1885, bởi vậy nó có tên E.Coli, coli là liên hệ tới ruột.
Đây là một con vi trùng thật sự giúp cho đường ruột của chúng ta, bởi vậy người ta gọi nó là một loại vi trùng tốt “normal flora”. Tốt là vì nó giúp tiêu hoá những thực phẩm thành phân mà chúng ta thấy trong cơ thể con người, cũng như trong cơ thể các con vật. Và nhiệm vụ chính của nó là tiêu hoá các thực phẩm, biến thành những dạng phân để đẩy ra ngoài. Đồng thời cũng giúp cơ thể tạo ra vitamin K giúp cho sự đông máu.”
Vậy nguyên nhân nào khiến vi khuẩn E.Coli có thể gây nhiễm bệnh khi xuất hiện ngoài không khí? Lý do là trong ruột người hay súc vật, bên cạnh E.Coli còn có nhiều loại vi trùng độc khác, có thể cùng với E.Coli nhiễm vào thức ăn. Bác sĩ Sáng giải thích cụ thể con đường lây nhiễm như sau:
“Tuy nhiên một khi con vi trùng này thoát khỏi ruột, nó lây truyền từ người này sang người kia, lây truyền trong đường nước, khi phân lọt xuống nước, và người ta dùng nước đó để bón cây.
Hay tay của người làm việc dính những mẫu phân và bám vào thực phẩm chúng ta ăn. Và khi nó di chuyển vào trong thành bụng thì có thể gây ra chết người do những cái nhiễm trùng máu.
Cũng vì vậy con vi trùng này cũng có thể biến dạng vì nó có những cấu tố di truyền mà biến dạng một cách độc hơn. Chính vì vậy chúng ta thấy khi nó di chuyển ra ngoài có thể gây ra bệnh chết người. Đó là tóm tắt những điều hiểu biết một cách căn bản nhất về loại vi trùng E.Coli này.”
các nhà nghiên cứu đặt tên là 0104:H4. Đó là một dạng mới của E.Coli, nó cũng có một mức độ nguy hiểm vì đã gây ra những hội chứng làm chết người
BS Trần Văn Sáng
“Vi trùng E.Coli có năm loại chính, có những tác động khác nhau, nặng hay nhẹ tuỳ theo mức nó gây ra những phản ứng nặng trong ruột như thế nào, gây ra ảnh hưởng làm hư hoại thành trong của màng ruột, và đôi khi tuỳ theo mức độ nguy hiểm, nó có thể gây ra hư hoại ruột, có thể gây ra tình trạng tiêu chảy ra máu và gây chết người. Trong quá khứ có một loại vi trùng E.Coli có khả năng gây tiêu chảy ra máu do chất gọi là shiga toxin.
Loại vi trùng E.Coli này mang tên là 0157:H7, thường gây ra những loại tiêu chảy có ra máu, khác với những trường hợp tiêu chảy mà không ra máu, giống như trường hợp bị tiêu chảy do dịch tả v.v...
Nhưng đặc biệt trong trường hợp này thì xảy ra tại Đức, là xứ đã tìm ra vi trùng E.Coli này, người ta thấy có dòng mới được các nhà nghiên cứu đặt tên là 0104:H4. Đó là một dạng mới của E.Coli, nó cũng có một mức độ nguy hiểm vì đã gây ra những hội chứng làm chết người.”
T
rả lời phỏng vấn của phóng viên hãng thông tấn AP, ông Hilde Kruse, chuyên gia phụ trách vấn đề an toàn thực phẩm của WHO cho biết, vi khuẩn E.Coli đang hoành hành tại châu Âu hiện nay thuộc dòng biến chủng, cực kỳ độc hại do mang nhiều độc tố, và rất hiếm, chưa từng thấy trong các ổ dịch từ trước đến nay.
Đã xuất hiện ở Mỹ, Việt Nam?
Trong diễn tiến dịch nhiễm khuẩn E.coli ở châu Âu, Tổ chức Y tế Thế giới WHO cho biết, có khoảng 12 nước bị ảnh hưởng. Đồng thời nhận định, đợt dịch E.Coli đang hoành hành ở châu Âu hiện nay là trận dịch lớn nhất trong những năm gần đây, so với đợt dịch E.Coli bùng phát tại Canada hồi năm 2000 đã làm chết 7 người.
Trước đó, vào năm 1996 tại Nhật Bản có gần 12.000 người bị lây nhiễm khuẩn E.Coli, với khoảng 12 ca tử vong, và xuất xứ của nguồn bệnh được cho có liên quan đến những cây cải non phục vụ trong bửa ăn trưa ở học đường.
Theo các chuyên gia y tế, con đường lây lan chủ yếu của vi khuẩn E.Coli là nguồn thực phẩm tươi sống. Như vậy các loại thực phẩm nào dễ bị nhiễm khuẩn E.Coli, Bác sĩ Trần Văn Sáng cho biết:
“Thật sự thì tất cả những gì liên hệ đến phân, phân chuồng hay phân người đều có mang mầm E.Coli này hết vì nó sống trong phân, và tất cả những vùng nào có phân thì sẽ liên hệ đến con siêu vi trùng này.
Chính vì vậy tất cả – từ những rau cải chúng ta ăn, ngay cả tay của người sửa soạn những thực phẩm đó ngoài đồng để mang rau cải đến chợ cho chúng ta. Hay là chính những người sửa soạn thực phẩm trong nhà hàng, nếu họ bốc tay vào những vùng có nhiễm E.Coli từ thịt, trứng gà v.v...
Nếu họ mang tay đó bốc vào trong các loại rau cải thì nó cũng sẽ bị nhiểm E.Coli. Vi khuẩn này sẽ được ủ trong môi trường thì sẽ sinh sôi nẩy nở và cũng sẽ có thể gây ra dịch bệnh.
Thành ra, điều đơn giản nhất mà chúng ta có thể nhớ rằng tất cả những cái gì mà liên hệ tới thực phẩm, có nước, và có liên hệ đến phân người hay phân bò, có sự nhiễm qua lại tức là từ tay người, hay là nhiễm từ thực phẩm để lâu, hay thực phẩm không được bảo quản, hay dùng nước có phân người, phân bò để tưới cây, hay dùng những phân súc vật để trồng cho cây tốt tươi. Thì đó là cái nguồn lúc nào cũng có chứa sẳn những con E.Coli này.”
Trước tình hình dịch bệnh do khuẩn E.Coli gây ra đang lan rộng ra nhiều nước châu Âu, liệu Hoa kỳ có đứng trước nguy cơ bị khuẩn E.Coli tấn công do các mầm bệnh từ các nước này lây sang hay không?
Bác sĩ Đoàn Minh Nhật chuyên khoa về các bệnh lây nhiễm làm việc tại tiểu bang Virginia, Hoa kỳ giải thích như sau:
chúng ta chưa cần lo lắng về vấn đề đồ ăn, thực phẩm bên Mỹ cũng còn rất an toànBS Đoàn Minh Nhật
“Trước mắt bây giờ tôi nghĩ người trong nước Mỹ không cần lo bị lây nhiễm vi khuẩn E.coli. Tôi nghĩ đồ ăn, thực phẩm trong nước Mỹ là an toàn. Chưa có trường hợp bệnh nào xảy ra trong nước Mỹ, bây giờ bệnh chỉ xảy ra ở châu Âu mà thôi.
Ở Mỹ cũng có vài ca bệnh nghi ngờ do nhiễm vi khuẩn E.coli, các trường hợp này là những người từ châu Âu sang Mỹ, chứ không có ca bệnh nào phát xuất từ trong nước Mỹ. Tôi nghĩ mọi người nên tiếp tục ăn trái cây, ăn rau. Đương nhiên cần phải rửa cho thật sạch, và nấu chín nếu cần.
Thật ra chúng ta chưa cần lo lắng về vấn đề đồ ăn, thực phẩm bên Mỹ cũng còn rất an toàn. Bây giờ ở bên châu Âu họ cũng chưa tìm ra chính xác vi khuẩn E.coli xuất hiện từ đâu, họ cũng còn đang cần nghiên cứu.”
Không chỉ riêng ở Đức, các nhà điều tra trên khắp châu Âu đang nỗ lực để xác định phạm vi lây nhiễm của chủng khuẩn E.Coli bất thường và xem xét con đường lây nhiễm từ trang trại đến các cửa hàng rau quả, và nhà hàng diễn ra như thế nào.
thịt, rau củ đều được sản xuất trong nước nên khả năng bị lây nhiễm từ các nước châu Âu hiện đang có dịch là không có điều kiện xảy ra
BS cơ quan vệ sinh dịch tễ VN
Đối với Việt Nam, chúng tôi cũng liên lạc với một số bác sĩ của cơ quan vệ sinh dịch tể ở Việt Nam để tìm hiểu về tình hình dịch bệnh do nhiễm vi khuẩn E.Coli thì được cho biết, hầu hết các loại thực phẩm, thịt, rau củ đều được sản xuất trong nước nên khả năng bị lây nhiễm từ các nước châu Âu hiện đang có dịch là không có điều kiện xảy ra.
Tuy nhiên đây cũng là một bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, ở Việt Nam trong mùa nắng nóng dịch tiêu chảy cấp hay kiết lỵ cũng thường phát sinh ở một số địa phương. Tuy mức độ nguy hiểm chưa bằng vi khuẩn E.Coli biến chủng như tình hình dịch bệnh ở các nước châu Âu hiện nay, nhưng do điều kiện vệ sinh ở một số nơi chưa cao, thiếu nước sạch, và tập quán sử dụng nước sông ngòi, ao hồ là nguyên nhân khiến dịch bệnh dễ lây lan nhanh chóng.