Đội vốn, bị trì hoãn, bị kiện, làm sao các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội có hiệu quả?
2021.11.03
Các dự án đường sắt đô thị đều đội vốn
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông được lên lịch bàn giao cho TP Hà Nội trước ngày 10/11 để thành phố đưa vào vận hành thương mại. Ngay trước thời điểm này, nhiều báo trong nước như báo An Ninh Thủ Đô đã có bài bình luận cho rằng hiệu quả của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được thấy rõ ngay sau khi hệ thống giao thông đô thị hiện đại này đi vào hoạt động.
Cụ thể, báo này cho rằng Dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách công cộng ngày càng tăng cao ở Hà Nội, đồng thời góp phần quan trọng giảm ách tắc giao thông.
Tuy nhiên, cũng với dự án này, vào tháng chín năm 2021, báo Thanh Niên đã đặt câu hỏi rằng đây là dự án đội vốn hàng trăm triệu đô nhưng tại sao Chính phủ vẫn cố thực hiện bằng được, đồng thời bài báo của Thanh Niên còn có những bình luận về tính hiệu quả khi tuyến đường sắt này đưa vào vận hành thương mại. Liệu Chính phủ có vội vã đưa Đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào hoạt động? Hiệu quả của nó sẽ như thế nào?
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, khi trả lời RFA hôm 3/11, nhận định:
“Tôi thì chỉ dự báo thôi, còn để đánh giá thì phải có thời gian vài năm... Chỉ cần tính vốn bỏ ra bao nhiêu, thu hàng năm bao nhiêu, trừ chi phí còn bao nhiêu, rất đơn giản. Nhưng ở Việt Nam có câu ngạn ngữ dân gian vẫn nói một quá trình thành công thì ‘đầu có xuôi thì đuôi mới lọt’... đầu mà mắc mớ thì đuôi khó lọt. Còn vướng mắc thì tôi cho rằng đó là tài chính, nó rất mù mờ và không ai hiểu nó thế nào cả. Vậy vốn đội lên rất nhiều thì vận hành con đường này đến bao giờ thì phục hồi được vốn đầu tư đã bỏ ra? Rồi từ bao giờ có lãi, hết khấu hao... ”
Cũng theo lời Giáo sư Đặng Hùng Võ, với việc đội vốn, với cách quản lý dự án đường sắt Cái Linh - Hà Đông... thì chắc chắn quá trình hồi vốn như ông vừa nêu sẽ rất gian nan.
Vướng mắc thì tôi cho rằng đó là tài chính, nó rất mù mờ và không ai hiểu nó thế nào cả. Vậy vốn đội lên rất nhiều thì vận hành con đường này đến bao giờ thì phục hồi được vốn đầu tư đã bỏ ra? Rồi từ bao giờ có lãi, hết khấu hao...
-Giáo sư Đặng Hùng Võ
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt năm 2008 là 8,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vay Trung Quốc là hơn 400 triệu USD. Ban đầu, dự kiến năm 2013 vận hành dự án. Tám năm sau, vào năm 2016, dự án được điều chỉnh lên hơn 18 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 9,2 ngàn tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13,8 ngàn tỷ đồng, tương đương trên 669 triệu USD.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã trễ hẹn vận hành thương mại hơn 10 lần. Dự án này trước đây được chính quyền Hà Nội kỳ vọng nhiều nhất nhưng lại vướng quá nhiều bê bối về điều chỉnh vốn đầu tư cũng như trục trặc kỹ thuật và kéo dài thời gian do tổng thầu EPC của Trung Quốc không tuân thủ theo các quy định của nhà đầu tư.
Không chỉ có dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông đội vốn trong quá trình thi công mà hôm cuối tháng 10/2021, theo báo cáo Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, có đến năm dự án nhiều lần điều chỉnh mức đầu tư với tổng số vốn đội lên hơn 80 ngàn tỷ đồng.
Cụ thể, đó là các dự án đường sắt đô thị tuyến: Bến Thành - Suối Tiên, Bến Thành - Tham Lương tại TP.HCM; Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo tại Hà Nội.
Theo số liệu từ báo Nhà nước, dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên tăng 26.400 tỷ đồng. Năm 2007, dự án có tổng mức đầu tư là 17.387 tỷ đồng. Năm 2011 tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên 47.325 tỷ đồng.
Dự án tàu điện ngầm Bến Thành - Tham Lương có tổng mức đầu tư tăng hơn 21.700 tỷ đồng. Năm 2010, dự án có mức đầu tư là 26.116 tỷ đồng, năm 2019 điều chỉnh lên 47.890 tỷ đồng.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư là tăng 9.231 tỷ đồng. Năm 2008, dự án có tổng mức đầu tư 8.769 tỷ đồng, năm 2017 điều chỉnh lên 18.000 tỷ đồng.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội: Tăng khoảng 10.400 tỷ đồng. Đầu tư ban đầu 783 triệu euro, sau đó điều chỉnh là 1.176 triệu euro.
Dự án tuyến Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo: Tăng hơn 16.000 tỷ đồng. Dự kiến đầu tư ban đầu 19.555 tỷ đồng, sau điều chỉnh lên 35.679 tỷ đồng.
Tuy vậy, dự án Cát Linh - Hà Đông có nhiều tai tiếng nhất vì điều chỉnh vốn và phải dời ngày hoạt động thương mại hàng chục lần.
Dù dính nhiều bê bối, nhưng cuối cùng dự án này vẫn sẽ được bàn giao cho chính quyền Hà Nội trong vài ngày tới.
Việt Nam sẽ đối mặt các vụ kiện
Trong khi báo chí Nhà nước đang tung hô việc đường sắt Cát Linh - Hà Đông sắp vận hành thương mại thì một liên doanh giữa nhà thầu Hyundai Engineering and Construction (Huyndai E&C) của Hàn Quốc và hãng xây dựng cơ sở hạ tầng Ý- Ghella đang đòi thành phố Hà Nội bồi thường 114,7 triệu USD vì sự chậm trễ trong việc hoàn thành dự án đường sắt đô thị Hà Nội là tuyến Nhổn - Ga Hà Nội.
Tờ Nikkei Asia loan tin trên trong ngày 2/11, đồng thời cho biết liên doanh nhà thầu Hàn Quốc, Ý dự định sẽ đưa sự việc ra trọng tài quốc tế nếu khoản thanh toán gần 115 triệu đô la không được phía Việt Nam thực hiện.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA ngày 3/11, nhận định:
“Tôi thấy đó là việc rất đáng tiếc, chứng tỏ năng lực quản trị của các cơ quan quản lý các dự án này rất yếu kém. Tôi cũng không biết ai phải chịu trách nhiệm để dẫn đến hệ quả này? Nhưng chắc chắn hai bên sẽ phải đưa tòa trọng tài xem xét xử lý. Dẫu sao thì đấy cũng là những thiệt hại về vật chất, cũng như về mặt danh dự và uy tính của các cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam.”
Nikkei Asia dẫn lại tin từ truyền thông Nhà nước Việt Nam rằng, theo kế hoạch, dự án Nhổn-ga Hà Nội dự kiến được hoàn thành vào năm 2018, nhưng sau đó đã bị hoãn đến tháng 12/2022. Nguyên nhân được phía Hà Nội đưa ra là do chậm trễ trong công tác giải toả, thu hồi đất.
Chia sẻ tiếp quan điểm của mình về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nói:
“Việt Nam thì vấn đề giải phóng mặt bằng rất là khó khăn, bởi vì đất thì sở hữu Nhà nước, sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện. Nhưng quyền sử dụng thì người dân có, và người dân xây dựng trên đó tài sản của mình... Thế thì để giải phóng mặt bằng thì phải đền bù, tái định cư... những vấn đề đó rất phức tạp vì giá nhà nước thì rất thấp, trong khi giá thị trường thì rất cao. Nếu không cẩn thận sẽ có chênh lệch giá, số tiền này chảy vào túi ai thì cho đến nay chưa được giải quyết thấu đáo. Thực tế đã có khá nhiều quan chức đã trả giá vì sự chênh lệch giá đó.”
Việc các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội cứ bị trì hoãn, đội vốn, hoặc đối mặt với các vụ kiện từ các nhà thầu ngoại... sẽ khiến chính quyền Việt Nam ‘đổ’ thêm bao nhiêu tiền? Thật sự ai sẽ phải gánh chịu các khoảng chi phí đội thêm này?
Tôi nghĩ nếu trường hợp đó thì họ vẫn thắng vì Việt Nam rất kém trong tranh chấp thương mại quốc tế. Cái đó thì cuối cùng những người đóng thuế là nhân dân chịu thôi.
-Nhà báo Võ Văn Tạo
Nhà báo Võ Văn Tạo khi trả lời RFA hôm 3/11, cho biết ý kiến của mình liên quan vấn đề này:
“Các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội nổi lên có tuyến Cát Linh - Hà Đông và tuyến Nhổn - Hà Nội... Tuyến Cát Linh - Hà Đông thì có lẽ không cần nói nhiều, bởi báo Nhà nước đăng rất nhiều cái này cứ hoãn tới hoãn lui... Và cuối cùng, ngày 6/11 này họ quyết tâm đưa vào khai thác. Ban quản lý còn nói 15 ngày đầu cho đi miễn phí để khuyến khích mọi người sử dụng. Nhưng thật ra quá trình họ làm thì qua phản ánh của báo chí thì tất cả những sơ suất cẩu thả của nó thì... chưa biết đoàn tàu thế nào, nhưng riêng đường ray trên cao đã có nhiều vấn đề chất lượng yếu kém, gỉ sét, vỡ lở lung tung... báo chí đăng rất nhiều.”
Vì vậy, nhà báo Võ Văn Tạo e rằng người dân sẽ nghi ngại sử dụng tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông này:
“Dù được miễn phí đi chăng nữa thì người dân sẽ không hồ hởi đâu, ai gan lắm mới dám đi, còn người cẩn thận thì không ai dám. Sau Cát Linh thì lại nổi lên cái Nhổn - Hà Nội, cũng là đường sắt trên cao, là nhà thầu khác của Hàn Quốc, và họ đang đòi bồi thường hơn 100 triệu đô la do chậm giải tỏa mặt bằng. Họ đã đe rồi, nếu không bồi thường thì họ sẽ đưa ra trọng tài quốc tế. Tôi nghĩ nếu trường hợp đó thì họ vẫn thắng vì Việt Nam rất kém trong tranh chấp thương mại quốc tế. Cái đó thì cuối cùng những người đóng thuế là nhân dân chịu thôi.”
Hậu quả này theo Nhà báo Võ Văn Tạo, không chỉ ngành đường sắt, không chỉ chính quyền Hà Nội... mà theo nhà báo Võ Văn Tạo còn do những chỉ đạo phát triển kinh tế phản khoa học của lãnh đạo chính phủ Việt Nam khiến người chịu khổ cuối cùng cũng là “trăm dâu đổ đầu dân hết”.