Thanh toán điện tử để chống tham nhũng: còn nhiều bất cập

RFA
2019.06.11
0611f1.jpg Người dân dùng tiền mặt mua hàng.
RFA

Trong buổi hội thảo ‘Xã hội không tiền mặt, chính sách và thực tiễn tại Việt Nam’ được tổ chức ngày 11/6 tại Thành phố Hồ Chí Mminh, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu rằng thanh toán không tiền mặt sẽ tạo minh bạch trong hoạt động người dân, doanh nghiệp, góp phần chống tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt…

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do vào tối cùng ngày, ông Nguyễn Duy Lộ, cựu chuyên viên Ngân hàng Vietcombank cho biết ông hoàn toàn đồng ý với phát biểu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

Quản lý tham nhũng thì giáo dục là một việc, giải quyết theo luật định là một vấn đề, nhưng phương tiện thanh toán bằng tiền mặt cũng góp phần chống tham nhũng, không còn cớ sử dụng tiền mặt để đưa hối lộ nữa. - Nguyễn Duy Lộ

“Quản lý tham nhũng thì giáo dục là một việc, giải quyết theo luật định là một vấn đề, nhưng phương tiện thanh toán bằng tiền mặt cũng góp phần chống tham nhũng, không còn cớ sử dụng tiền mặt để đưa hối lộ nữa. Không dùng tiền mặt thì không thể có chuyện có tiền tự vào tài khoản được, nếu có khoản thu lớn vào tài khoản thì đều có người theo dõi. Mà không xài tiền mặt thì chỉ tiêu xài bằng thẻ, hạn chế tình trạng đưa hối lộ bằng tiền mặt.”

Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia Tài chính - Ngân hàng độc lập, việc thanh toán không tiền mặt này có những tác dụng tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ông giải thích:

“Có rất nhiều hoạt động tham nhũng, bất hợp pháp họ dùng tiền mặt. Thế thì việc biến nền kinh tế này trở thành nền kinh tế thanh toán phi tiền mặt, có nghĩa là rất nhiều thanh toán phải qua chuyển khoản, qua hệ thống ngân hàng. Mỗi lần qua hệ thống ngân hàng như thế là được soi xét sẽ làm cho những người có những hoạt động tham nhũng sử dụng tiền mặt có thể họ sẽ tránh né việc dùng tiền để thanh toán. Từ đó có thể làm giảm nạn tham nhũng.”

Tuy nhiên, một thực tế đáng quan ngại tại Việt Nam hiện nay là phần lớn người dân thực hiện giao dịch bằng tiền mặt.

Số liệu thống kê đưa ra trong buổi hội thảo cho thấy tỉ lệ thanh toán không tiền mặt hiện nay chỉ chiếm 14% trên trổng phương tiện thanh toán ở Việt Nam.

Một công nhân đang rút tiền mặt tại ATM.
Một công nhân đang rút tiền mặt tại ATM.
AFP

Bạn Hường, hiện làm cho một công ty nước ngoài tại Sài Gòn cho biết chỉ những người trẻ làm cho các công ty lớn, hoặc liên doanh đều không xa lạ với việc thanh toán không tiền mặt qua các ứng dụng thanh toán như Momo, Zalo pay, hoặc thanh toán qua thẻ tín dụng. Nhưng đây chỉ là một phần nhỏ so với tỉ lệ những người không xài và người lớn tuổi không biết nhiều về công nghệ:

“Tại vì với độ tuổi đó để tiếp cận thông tin làm sao để thanh toán thì cũng hơi khó. Khó có thể chỉ được là làm cách nào, nạp tiền vô đâu, làm cách nào để thanh toán. Cũng có thể nhưng sẽ tốn rất nhiều thời gian nhưng hiện tại thì chưa thấy khả thi tại xung quanh tất cả những người lớn lớn họ xài tiền mặt là nhiều.”

Do đó, theo ông Nguyễn Duy Lộ, cựu chuyên viên Ngân hàng Vietcombank, chính phủ cần có hướng giải quyết nếu muốn thay đổi hình thức thanh toán bằng tiền mặt của người Việt:

“Dùng tiền mặt quen rồi, bây giờ không dùng nữa thì nhà nước phải quy định khoản nào không dùng tiền mặt và khoản nào có dùng, chứ không theo ý muốn của dân. Không khó khăn nhưng phải thực hiện theo quy chế của nhà nước. Nếu trả lương thì không trả tiền mặt nữa mà qua tài khoản thôi, rồi từ thẻ rút tiền, thanh toán qua dịch vụ. Như vậy việc không tiền mặt này liên quan tới người làm việc và ứng lương, đồng thời liên quan tới chỗ cung ứng dịch vụ, cung ứng hàng hóa, đã không tiền mặt là phải đều hết. Như vậy tỉ lệ dùng tiền mặt ít đi và không dùng tiền mặt mà dùng thẻ tăng lên.”

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, cần phải phân hai trường hợp trong hình thức thanh toán hiện nay, bao gồm thanh toán giữa các doanh nghiệp với nhau và thanh toán giữa những người dân. Trong đó, giao dịch tiền mặt giữa những người dân là khá nhỏ, còn con số để rửa tiền là rất lớn. Ông đưa ra ví dụ:

“Chẳng hạn như lên hàng tỉ bạc thì họ mua bất động sản bằng tiền mặt rồi bán bất động sản, tiền bán qua hệ thống ngân hàng sẽ rửa tiền bẩn sang tiền sạch. Họ biến tiền bẩn, tiền tham nhũng qua cách giao dịch như thế để trở thành tiền sạch. Những giao dịch trong đời sống hàng ngày là rất nhỏ, không phải là phạm trù mà tham nhũng họ dùng để rửa tiền. Nên nếu tìm cách để dần dần biến hoạt động thanh toán bằng tiền mặt sang hoạt động thanh toán phi tiền mặt ở những hoạt động lớn thì việc chống tham nhũng có tác động.”

Mặc dù hệ thống ngân hàng chưa hoàn hảo, còn nhiều lỗ hổng trong hệ thống bảo mật thì cũng vẫn phải dùng hệ thống ngân hàng để biến thành nền kinh tế phi tiền mặt trong vấn đề bài trừ tham nhũng. - TS. Nguyễn Trí Hiếu

Vì thế, ông đề nghị những giao dịch lớn như những người bán nhà, bán xe sau khi nhận được khoản tiền mặt thì cần phải làm báo cáo lên cơ quan phòng chống rửa tiền tại Ngân hàng Nhà nước. Đây cũng là hình thức mà Hoa Kỳ đang áp dụng cho người dân nước này.

Cũng trong buổi hội thảo, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh bày tỏ lo ngại về công tác bảo mật, an toàn dữ liệu, an ninh mạng… trong phương pháp thanh toán điện tử.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu xác nhận thực tế này:

“Đúng là hiện tại còn nhiều lỗ hổng trong hệ thống ngân hàng, nhưng muốn sử dụng hệ thống phi tiền mặt thì bắt buộc phải qua hệ thống ngân hàng. Mặc dù hệ thống ngân hàng chưa hoàn hảo, còn nhiều lỗ hổng trong hệ thống bảo mật thì cũng vẫn phải dùng hệ thống ngân hàng để biến thành nền kinh tế phi tiền mặt trong vấn đề bài trừ tham nhũng.”

Theo nội dung được công bố trong hội thảo, sắp tới các cơ quan quản lý vẫn tiếp tục theo dõi để hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động thanh toán, thúc đẩy hình thức thanh toán điện tử.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết “Quan điểm của Chính phủ là cái gì chưa có hành lang pháp lý thì cho thí điểm bởi không có khuôn khổ pháp lý chung cho tất cả những kênh thanh toán, phương thức thanh toán ở các lĩnh vực.”

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.