Cán bộ Sứ quán ở Ba Lan bị tố tham nhũng: "Giọt nước tràn ly"!
Ông Nguyễn Minh Quế, Tham tán Công sứ của Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan vừa bị bãi nhiệm khi ông này bị hàng trăm người Việt ở Ba Lan tố cáo có hành vi tham nhũng, lạm thu và thái độ thô lỗ khi tiếp dân.
Biểu tình chống tham nhũng
Một cuộc biểu tình phản đối cán bộ lạm quyền, tham nhũng diễn ra ngay trước Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan vào chiều ngày 13/3 (giờ địa phương) với sự tham gia của hơn 300 người. Mặc dù trước đó ông Quế, người bị người dân tố cáo, đã bị bãi nhiệm, về nước để giải trình sự vụ.
Bà Mạc Việt Hồng, người đứng ra tổ chức cuộc biểu tình, cho RFA biết sự việc: “Ông nhân viên lãnh sự này tên là Nguyễn Minh Quế và ông ấy chính là nguồn cơn của cuộc biểu tình này. Tôi biết rằng cái chuyện lạm thu nó luôn luôn tồn tại, nhưng ở thời lãnh sự Nguyễn Minh Quế thì nó rất là trầm trọng.”
Ông Hoàng Hùng, admin của trang Tôi và Sứ quán, người có mặt tại buổi biểu tình cho biết tình trạng lạm thu ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan là cực kỳ nghiêm trọng. Tuy nhiên, điều làm người dân bức xúc hơn là thái độ làm việc của nhân viên Sứ quán:
“Người dân không hẳn đã bức xúc vì chuyện tiền nong, mà bức xúc về cách xử sự và nói chuyện của nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, ví dụ như là xưng mày tao với người dân, đuổi người dân ra khỏi phòng trong giờ làm việc và đặc biệt là những nạn nhân người Việt Nam từ Ukraine chạy trốn chiến tranh sang Ba Lan cũng bị đe dọa.”
Ông Hoàng Hùng nói thêm rằng mục đích của cuộc biểu tình này nhằm đòi hỏi quyền lợi chính đáng của người dân chứ không chống đối ai cả:
“Đảng và Nhà nước vẫn hô hào chống tham nhũng và thực tế là tôi hay tất cả những người đi biểu tình chỉ đòi hỏi những quyền đó thôi, chứ không có bất cứ điều gì phải lo ngại về ảnh hưởng giấy tờ hay bị an ninh đe dọa như một số người họ vẫn tung tin.”
..và những câu chuyện giờ mới kể
Theo thông tin chúng tôi ghi nhận được hai ngày qua trên mạng xã hội và phỏng vấn những người trong cuộc thì đỉnh điểm gây làn sóng phẫn nộ dẫn đến biểu tình của người dân là vụ việc xảy ra đối với ông Nguyễn Thiện Dương.
Ông Dương sinh sống ở Ba Lan, bị bệnh thận nặng, phải chạy thận mỗi tuần ba lần. Khi ông đi làm giấy tờ cho con của mình thì bị cán bộ sứ quán làm khó, khiến ông phải đi tới lui nhiều lần nhưng vẫn không làm được giấy tờ. Do quá bức xúc, ông Dương đã chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng xã hội hôm cuối tháng 2/2023 và nhận được sự hưởng ứng từ cộng đồng người Việt không những ở Ba Lan mà còn nhiều nơi khác.
Câu chuyện của ông Dương đã “đánh động” đến Bộ Ngoại giao VN và vào ngày 11/3 Đoàn công tác của Bộ Ngoại giao do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Mai Phan Dũng đã có buổi làm việc, trao đổi với đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.
Theo thông báo của Sứ quán Ba Lan, kết quả buổi làm việc, Sứ quán thông báo sẽ bãi nhiệm ông Nguyễn Minh Quế. Ông Quế đồng thời phải về nước ngay lập tức để giải trình. Ngoài ra, lãnh sự sẽ tăng thời gian tiếp khách từ hai lên ít nhất ba buổi mỗi tuần; Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan -Nguyễn Hùng sẽ trực tiếp chỉ đạo giải quyết việc của ông Nguyễn Thiện Dương…
Mặc dù kết quả giải quyết của đoàn công tác Bộ Ngoại giao khá nhanh, gọn nhưng nhiều người Việt sinh sống tại Ba Lan tỏ ra không hài lòng. Ông Hoàng Hùng cho rằng việc cách chức một viên chức lãnh sự chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề:
“Thông tin ông Quế bị đưa về nước tôi đã nắm được từ hôm mùng 4/3. Đây là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng, người dân cực kỳ bức xúc và theo tôi thì người như ông Quế cũng chỉ là một nhân vật, một con tốt thí trong vụ này thôi.
Người dân họ đòi hỏi là ông đại sứ phải từ nhiệm và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra những sai phạm kéo dài như thế.”
Có mặt tại cuộc biểu tình hôm 13/3, bà Ngô Hồng Anh, cho biết mọi năm bà không đấu tranh bởi vì những thời lãnh sự trước họ có thái độ ôn hòa hơn, còn bây giờ không riêng bà mà nhiều người đều bị hạch sách khi đến làm giấy tờ tại Sứ quán Việt Nam, bà Hồng Anh nói:
“Tôi cũng đang trong hoàn cảnh là bốn tháng nay tôi đã trả tiền làm hộ chiếu cho con của tôi rồi mà vẫn chưa được nhận, dù tôi đã trả cái giá gấp đôi rồi.
Con nhà tôi 10 năm nay không về Việt Nam nên ra tôi không đổi hộ chiếu. Luật ở bên Ba Lan này thì mình thích đổi hộ chiếu lúc nào thì mình đổi. Nếu hết hạn mà mình không đi đâu thì cũng không cần phải làm hộ chiếu mới. Thế nhưng ông lãnh sự mới lại bảo là do hết hạn mà tôi không đổi hộ chiếu cho nên bây giờ phải đóng tiền phạt.
Tôi đã đồng ý rồi, thế nhưng ông ấy bắt tôi phải trình giấy khai sinh của Việt Nam, trong khi tôi trình giấy khai sinh của Ba Lan thì ông ấy lại không chấp nhận, cho nên tôi phải lên xuống xuống năm, bảy lần.
Cậu lãnh sự này là cố tình hành cho người ta mệt thì người ta sẽ đưa cho dịch vụ, lại phải mất thêm mấy trăm đô nữa thì nó mới làm cho mình, còn không thì nó sẽ không làm cho.”
Phát biểu tại cuộc biểu tình, ông Nguyễn Quang, một người Việt Nam sống ở Ukraine hơn 30 năm nay cho biết hồi đầu năm ngoái, cả gia đình ông chạy nạn chiến tranh qua Ba Lan. Lúc đó, hộ chiếu của ông chỉ còn hạn ba tháng nên ông tìm đến Đại sứ quán Việt Nam ở Ba Lan để xin cấp hộ chiếu mới. Tại đây, ông đã bị cán bộ sứ quán hạch sách, thậm chí là sỉ nhục hai vợ chồng ông:
“Khi chiến tranh xảy ra thì tất cả chúng tôi phải ra đi. Khổ nhục mới sang được đến bên này, chúng tôi được cộng đồng bà con anh em quyên góp, giúp đỡ, người cho cái quần cái áo…
Cũng không may cho tôi, đó là quyền hộ chiếu của tôi sắp hết hạn. Vợ chồng chúng tôi đến Đại sứ quán nói rằng chúng tôi muốn đổi hộ chiếu thì nhân viên sứ quán hỏi là “tại sao không về, ở đây làm gì, hết hạn hộ chiếu thì về nước chứ sống ở đây là vi phạm pháp luật, công an sẽ bắt anh”.
Hộ chiếu của tôi còn ba tháng nữa mới hết hạn, tôi thì cứ năn nỉ mãi, thế nhưng vẫn không đổi cho tôi.
Tôi là người có giấy tờ thẻ định cư lâu dài ở Ukraine thế nhưng quan chức lại nói những lời không giống như một công chức nhà nước.”
Ông Quang cuối cùng phải di chuyển sang Đức. Đại sứ quán Việt Nam tại Frankfurt đã cấp lại hộ chiếu mới miễn phí cho ông.