Bầu hội đồng đại học là một nội dung được nêu ra trong hội thảo lấy ý kiến về dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 13 tháng 8 vừa qua. Nghị định 99 được Chính phủ ban hành cuối năm 2019 với mục đích hướng dẫn thi hành một số sửa đổi, bổ sung của Luật Giáo dục Đại học.
Theo giải thích của Bộ Nội Vụ với truyền thông Nhà nước, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học số 34/2018 và Nghị định 99/2019 không quy định địa vị pháp lý và chỉ rõ giữa chủ tịch hội đồng và hiệu trưởng thì ai là người đứng đầu trường đại học công lập.
Do đó, việc xác định người đứng đầu phải được căn cứ theo quy định của pháp luật về tổ chức bộ máy và các văn bản pháp luật có liên quan quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan. Từ những căn cứ này và trên cơ sở quy định của Luật số 34, Bộ Nội vụ cho rằng, Hiệu trưởng sẽ là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập.
Nếu phải có hội đồng trường thì thành viên của hội đồng trường phải là những chuyên gia hàng đầu về giáo dục. Là những người am hiểu về giáo dục đại học. Là những người có tư duy chiến lược để đóng góp cho đại học Việt Nam phát triển. Đây không phải là một mâm cỗ để mời những người thân quen kết hợp với nhau, khen nhau vài ba tiếng rồi cầm bao thơ đi về. - Nhà giáo Đinh Kim Phúc
Một số người nêu vấn đề, một khi có Hội đồng Đại học thì chủ tịch hội đồng hay hiệu trưởng sẽ là người đứng đầu trường đại học, nhất là trong bối cảnh bí thư đảng ủy một số trường lại chính là hiệu trưởng?
Nhà giáo Đinh Kim Phúc nêu vấn đề:
“Vấn đề đặt ra là hội đồng trường để làm gì? Trong các trường đại học Việt Nam tôi cho rằng có một vấn đề hết sức là mấu chốt mà hình như Chính phủ và lãnh đạo Bộ Giáo dục Đào tạo không hiểu được. Đó là tầm vóc quan trọng của ông Chủ tịch hội đồng trường đại học. Người ta quy định ở các trường công, Chủ tịch hội đồng trường đại học là ông Bí thư đảng ủy của trường đó. Chúng ta thấy rõ ràng Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện. Trong Đảng bộ có Đảng ủy; có ông bí thư đảng ủy và trong Ban giám hiệu có hiệu trưởng; có hội đồng khoa học.
Bây giờ thành lập thêm hội đồng trường, vậy thì có ông chủ tịch hội đồng có là chuyên gia về học thuật; có là nhà khoa học có tên tuổi và uy tín hay là nhà khoa học có trình độ quản trị đại học mới là vấn đề quan trọng!
Nếu phải có hội đồng trường thì thành viên của hội đồng trường phải là những chuyên gia hàng đầu về giáo dục. Là những người am hiểu về giáo dục đại học. Là những người có tư duy chiến lược để đóng góp cho đại học Việt Nam phát triển. Đây không phải là một mâm cỗ để mời những người thân quen kết hợp với nhau, khen nhau vài ba tiếng rồi cầm bao thơ đi về”.
Theo quy định của Chính phủ, thành viên Hội đồng trường đại học có thể gồm một số thành viên bên ngoài, không phải là giảng viên, cán bộ quản lý cơ hữu của trường. Chủ tịch Hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong số các thành viên của hội đồng trường theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và phải được trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của hội đồng trường đồng ý. Chủ tịch hội đồng trường không kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng của nhà trường.
PGS-TS Hoàng Dũng nêu quan điểm của ông:
“Phải nói là sau nhiều dè dặt trong nội bộ và dần dần cái thiết chế Hội đồng Đại học nó được khẳng định bằng luật. Đó cũng là một bước tiến. Vấn đề trong khuôn khổ Việt Nam thì Hội đồng Đại học nó ít có tác dụng như ở nước ngoài bởi vì nó không độc lập. Tổ chức Đảng mà ra quyết định gì thì ông hiệu trưởng phải tuân theo. Đành rằng có nhiều trường, bí thư đảng ủy cũng là hiệu trưởng nhưng cũng không có nghĩa ông bí thư đảng ủy có toàn quyền vì đảng ủy gồm có nhiều người.
Thiết chế đó can thiệp rất chồng chéo. Ý muốn hay quyết định gì đó của Hội đồng trường đại học không phải bao giờ cũng là ý muốn hay quyết định của đảng trong nhà trường. Lưu ý, trong Hội đồng Đại học có những người ngoài trường. Đảng ủy lại ra quyết định trong trường, thành ra nguy cơ có sự xung đột rất có thể xảy ra.
Hội đồng Đại học có thể hoạt động suôn sẻ. Nhưng thật lòng tôi không tin lắm. Trong một cái thiết chế tổ chức như vậy thì cái Hội đồng Đại học nó không có đủ quyền lực mạnh mẽ như Hội đồng Đại học các nước khác trên thế giới. Ở Việt Nam thì nói nó vô tác dụng cũng không đúng nhưng mà tác dụng nếu cò cũng hạn chế rất nhiều.”
Trong thể chế hiện nay, hiệu trưởng được cho là chỉ thực hiện các quyết định theo đảng ủy. Nếu đảng ủy lãnh đạo toàn diện thì hội đồng trường đứng ở chỗ nào? Thêm vào đó, một thực tế được nêu ra là hiệu trưởng các trường đại học công lập chưa thực sự sẵn sàng trao quyền cho hội đồng trường. Không hiệu trưởng nào muốn thành lập một hội đồng trường để giám sát mình cả.
Hội đồng Đại học có thể hoạt động suôn sẻ. Nhưng thật lòng tôi không tin lắm. Trong một cái thiết chế tổ chức như vậy thì cái Hội đồng Đại học nó không có đủ quyền lực mạnh mẽ như Hội đồng Đại học các nước khác trên thế giới. Ở Việt Nam thì nói nó vô tác dụng cũng không đúng nhưng mà tác dụng nếu cò cũng hạn chế rất nhiều. - PGS-TS Hoàng Dũng
Một trong những nhiệm vụ năm 2020-2021 mà ngành giáo dục tập trung thực hiện là đẩy mạnh tự chủ đại học, trong đó điều kiện tiên quyết là phải thành lập, kiện toàn hội đồng trường theo đúng Luật Giáo dục đại học sửa đổi và Nghị định 99 về hướng dẫn thi hành một số điều của luật này.
Theo Nhà giáo Đinh Kim Phúc, đối với trường công, Chủ tịch Hội đồng trường là Bí thư Đảng ủy trường. Ông cho rằng đây là một chủ trương lạc hậu trong Khoa học quản lý và Khoa học giáo dục. Chủ tịch Hội đồng trường không nhất thiết phải có học vị Tiến sĩ nên Bí thư Đảng ủy không có bằng Tiến sĩ vẫn làm Chủ tịch Hội đồng trường và để coi cho được trong vị thế ở Đại học thì chạy bằng Tiến sĩ cho 'bằng chị bằng em'.