Giải pháp nào cho Vinashin?

Chính phủ Việt Nam hôm qua họp báo cho biết có thể tái cấu trúc Tập Đoàn Công Nghiệp Tàu Thủy Vinashin đang gần như phá sản vì năng lực quản trị yếu kém, trong lúc báo cáo lời lỗ bao năm qua đã không rõ ràng minh bạch.

0:00 / 0:00

Tái cấu trúc theo phương pháp nào?

Một chuyên gia từng có nhiều năm giảng dạy về môn Quản Trị Tập Đoàn cho hầu hết các tổng công ty và công ty ở trong nước, giáo sư Hà Tôn Vinh, chủ tịch kiêm tổng giám đốc Stellar Management, tức Tổ Hợp Giáo Dục, Đào Tạo Và Tư Vấn, ở thành phố Hồ Chí Minh, nhận định về việc tái cơ cấu, đồng thời phân tích những điểm tất yếu dẫn đến tình trạng suy sụp của Vinashin mà Hà Nội từng coi là tập đoàn đầu tàu. Giáo sư Vinh nói:

"Quyết định tái cơ cấu Vinashin là một quyết định đứng đắn, tốt, phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của một tập đoàn đang đứng trước bờ vực thẳm.

Nhưng mà cái tôi quan ngại là phương pháp tái cơ cấu Vinashin, là thứ nhất, chính phủ quyết định chuyển những món nợ cũng như một số hoạt động của những công ty trong Vinashin sang Tổng Công Ty Hàng Hải Việt Nam, tức Vinalines, và Tổng Công Ty Dầu Khí Việt Nam, tức PetroVietnam. Một cách nào đó chính phủ, qua một quyết định hành chính hay một quyết định lãnh đạo, đã chuyển khó khăn của Vinashin sang hai tập đoàn Vinalines và PetroVietnam.

Tôi có thể nói quyết định đó có tính cách tức thời hay tình thế, nhưng mà tôi không chắc đó là một quyết định có tính cách chiến lược. Chuyển những khó khăn của tập đoàn này sang hai tập đoàn kia chưa chắc là cách giải quyết được khó khăn của Vinashin mà có thể còn vô hình chung biến Vinalines và PetroVietnam thành hai tập đoàn gánh thêm nhiều khó khăn trong khi tự họ đã có nhiều những khó khăn khác."

Không nên qua những quyết định hành chính hay quyết định có tính cách chính trị mà đẩy các tập đoàn vào cái thế phải lớn trong khi chưa lớn đủ, hay đẩy họ vào cái thế phải phát triển trong khi chưa đủ năng lực phát triển.

GS Hà Tôn Vinh

Thanh Trúc: Thưa giáo sư Hà Tôn Vinh, chính phủ Việt Nam cho biết một số nguyên nhân dẫn đến việc Vinashin gần như phá sản trong đó có vấn đề năng lực quản trị doanh nghiệp và dự báo yếu kém. Với kinh nghiệm của một người chuyên đào tạo nhân lực cao cấp, ông thấy đây có phải là lỗ hổng lớn nhất của Vinashin? Lãnh đạo của Vinashin có thể không biết nên làm sai, hoặc là biết sai mà vẫn cứ làm?

GS Hà Tôn Vinh:Thất bại của Vinashin đến từ quản lý yếu kém, về tài chính, về các hợp đồng và vấn đề dự báo. Rồi tất cả những vấn đề gọi là báo cáo sai lạc hoặc là cố tình che giấu. Thì tất cả đều chung qui về một cái gọi là yếu tố lãnh đạo của tập đoàn Vinashin. Vấn đề gọi là nhân lực cao cấp để mà quản lý một tập đoàn vài tỷ đô la không phải là một công việc nhỏ mà cần đòi hỏi một tổ hợp, một nhóm lãnh đạo, vừa có kiến thức quản lý, kinh nghiệm quản lý, cùng hợp tác cùng có một chiến lược giống nhau. Đây là lỗ hổng lớn nhất trong sự thất bại của Vinashin.

Ngoài ra còn có sự giám sát của chính phủ, qua cái nghĩa là cơ quan đầu não của chính phủ, phải đứng giám sát họat động tài chính của Vinashin nữa.

Thanh Trúc: Thưa giáo sư Hà Tôn Vinh, Vinashin mang nợ nhiều là do đâu? Tháng Ba 2009, Vinashin có rất nhiều đơn đặt hàng, hợp đồng lên tới 12 tỷ đô la Mỹ, hoàn thành việc đóng và giao một số tàu trị giá hơn 1 tỷ 800 triệu USD. Rồi một năm sau, tháng Sáu 2010, thì tổng số nợ được biết lên tới 86.000 tỷ đồng Việt Nam. Có cái gì mâu thuẫn ở đây? Ông hiểu và giải thích thế nào?

VNshin-250-tuoitre.jpg
Đoàn thương binh của Công ty TNHH Kiêm Dung (Hà Tĩnh) đến chờ đợi ở trụ sở Vinashin để đòi nợ năm 2009. Photo courtesy of tuoitre.vn (Đoàn thương binh của Công ty TNHH Kiêm Dung (Hà Tĩnh) đến chờ đợi ở trụ sở Vinashin để đòi nợ năm 2009. Photo courtesy of tuoitre.vn)

GS Hà Tôn Vinh:Thường trong ngành tàu thủy, nhất là ngành đóng tàu, đòi hỏi phải có nhiều vốn, phải có sự hỗ trợ của chính phủ, đòi hỏi các tập đoàn phải vay mượn rất nhiều. Khi biết hợp đồng của Vinashin lên hơn 10 tỷ đô la thì không có nghĩa là các công ty cần đóng tàu sẽ trả ngay mà họ chỉ ứng trước một số tiền. Vì thế, Vinashin phải đi vay mượn. Một là vay mượn ở thị trường tài chính bên ngòai, hai là vay theo sự bảo lãnh của chính phủ hay của trái phiếu chính phủ.

Vay mượn như thế mà đến cuối cùng, vì nền kinh tế thế giới kém đi và các hợp đồng bị hủy bỏ, đương nhiên Vinashin bị hậu quả dẫn tới tình trạng không có tiền chi trả hay không thu được từ khách hàng. Đó là một trong những khó khăn nhất của Vinashin, một tập đoàn lớn dựa vào những hợp đồng lớn của khách hàng lớn bên ngoài. Không có vốn phải đi vay mượn, khi sự thất bại lộ ra thì tổng số nợ hiện tại gần như bằng tổng giá trị tài sản của doanh nghiệp.

Thanh Trúc: Theo ông, đâu là bài học mà chính phủ có thể rút ra được từ vụ Vinashin này? Liệu có những tập đoàn khác trong nước cũng đang gặp khó khăn như Vinashin không?

GS Hà Tôn Vinh: Chính phủ Việt Nam chắc chắn sẽ rút ra được rất nhiều bài học. Chắc chắn còn có nhiều tập đoàn cũng gặp khó khăn như Vinashin hay cũng có thể nhẹ hơn Vinashin.

Nhiều tập đoàn Việt Nam làm ăn thua lỗ nhưng vẫn báo báo có lãi. Cái đó là sự thật hiển nhiên cũng như là một tình trậng rất phổ biến hiện nay. Chính phủ chắc chắn sẽ rút được ba bài học lớn. Thứ nhất, không thể nào lơ là việc giám sát các tập đoàn. Những tập đoàn đó là của nhà nước thì chính phủ phải có vai trò giám sát, kiểm sóat, thanh tra cũng như kiểm toán thường xuyên.

Điểm thứ hai, không cho phép các tập đoàn đó đầu tư dàn trải, đầu tư ngoài ngành chủ đạo của mình hay là đầu tư ngoài ngành chủ lực của mình.

Điểm thứ ba, đặt người vào vai trò lãnh đạo của các tập đoàn không những là nhân sự có kinh nghiệm mà phải vừa tài năng, vừa đức độ, và có chuyên môn để có thể lãnh đạo một tập đoàn lớn như thế. Đó là ba bài học cho chính phủ qua sự kiện Vinashin.

Đừng khoác chiếc áo quá rộng

Thanh Trúc: Thưa giáo sư Hà Tôn Vinh, theo ông đâu là phương pháp quản trị phù hợp cho các tập đoàn Việt Nam trong lúc này? Nói cách khác, phải làm gì để một trường hợp tương tự như Vinashin không xảy ra nữa?

images2011005_250.jpg
Đông đảo phóng viên có mặt tại nhà riêng ông Bình ở số 10 Ngô Văn Sở - Hà Nội để săn tin tối 04/8/2010. Photo courtesy of VietnamNet (Đông đảo phóng viên có mặt tại nhà riêng ông Bình ở số 10 Ngô Văn Sở - Hà Nội để săn tin tối 04/8/2010. Photo courtesy of VietnamNet)

GS Hà Tôn Vinh:Tôi thấy có ba trường hợp hay là ba yếu tố gọi là phương pháp quản trị các tập đoàn. Thứ nhất , chính phủ nên để cho các tập đoàn hay các tổng công ty lớn mạnh từ từ, phát triển theo nhu cầu của thị trường và theo sức của tập đoàn. Không nên qua những quyết định hành chính hay quyết định có tính cách chính trị mà đẩy các tập đoàn vào cái thế phải lớn trong khi chưa lớn đủ, hay đẩy họ vào cái thế phải phát triển trong khi chưa đủ năng lực phát triển. Đó là cái yếu tố quan trọng nhất trong vấn đề quản trị các tập đoàn ở Việt Nam.

Điểm thứ hai là vấn đề giám sát tài chính hay kiểm soát tài chính. Kiểm toán cũng như giám sát tài chính là công cụ vô cùng quan trọng trong quản lý, để mà hiểu rõ tập đoàn đang ở đâu,lời lỗ thế nào.

Nhà nứơc có nói rằng Kiểm Toán Nhà Nước là một tổ chức mới thành ra không đủ ngừơi không đủ thời gian để kiểm toán các tập đoàn. Tôi nghĩ đó không phải cái lý do chính đáng. Đã có các tập đoàn lớn thì phải kiểm toán. Nếu chính phủ không đủ sức không đủ thời giờ không đủ ngừơi thì chính phủ gần như có bổn phận phải tìm các tổ chức kiểm toán tư nhân , mà ở Việt Nam cũng có rất nhiều, để cùng hợp tác với Kiểm Toán Nhà Nước. Không vì nói rằng nhà nứơc không đủ ngừơi hay còn nhiều việc để lo mà lơ là vấn đề kiểm toán các tập đoàn.

Một cái rất quan trọng nữa là điểm thứ ba, không thể để cho ácc tập đoàn lớn mạnh bừa bãi, có nghĩa là vươn ra bên ngòai theo thị hiếu của thị trường hay là theo cái nhìn cá nhân hay một nhóm nào trong tập đoàn hoặc là theo lợi nhuận trứơc mắt lợi nhuận ngắn hạn.

Quyết định tái cơ cấu Vinashin là một quyết định đứng đắn, tốt, phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của một tập đoàn đang đứng trước bờ vực thẳm. Nhưng mà cái tôi quan ngại là phương pháp tái cơ cấu Vinashin...

GS Hà Tôn Vinh

Vinashin là trường hợp điển hình, trong một thời gian ngắn , hai năm hoặc hơn hai năm, Vinashin đã thành lập hơn hai trăm công ty con. Không thể tưởng tượng có một tập đoàn nào trong một thời gian ngắn mà có thể bùng nổ hay bùng phát ra với nhiều công ty con như vậy.

Thanh Trúc: Tắt một lời, nếu có thể hỏi trách nhiệm của Vinashin hiện tại cũng là trách nhiệm của chính phủ, thì ông nghĩ thế nào?

GS Hà Tôn Vinh:Chắc chắn Vinashin, vì là tập đoàn của nhà nứơc, nên chính phủ phải có trách nhiệm. Theo tôi nghĩ chính phủ đã nhìn thấy trách nhiệm của mình. Tôi không nghĩ có sự khác biệt giữa lãnh đạo của tập đoàn Vinashin với lãnh đạo chính phủ.

Tôi có ý kiến là chính phủ cách đây vài năm, năm 2006, cho Vinashin là một tập đoàn đầu tàu trong việc phát triển ngành đừơng thủy, ngành hàng hải, ngành đóng tàu. Đó là cái nhìn hạn hẹp. Ngành đóng tàu sửa chữa tàu biển không phải là Vinashin, Vinashin cũng không nên độc quyền mà phải mở rộng ra để các công ty khác tham gia đóng tàu, sửa chữa tàu, và làm những công việc khác về vấn đề hàng hải.

Thanh Trúc: Xin cảm ơn giáo sư Hà Tôn Vinh.

Theo dòng thời sự: