Facebook kiểm duyệt thông tin ‘chống nhà nước’ Việt Nam: miễn cưỡng thỏa hiệp trước sức ép của Hà Nội?
2020.04.22
Tổ chức Ân Xá Quốc Tế Amnesty International vào ngày 22/4 ra thông cáo báo chí lên tiếng kêu gọi Facebook ngưng đồng lõa với biện pháp kiểm duyệt của chính phủ Hà Nội, cụ thể không chặn những nội dung đăng tải bị cho là chỉ trích chính phủ Việt Nam.
Trước đó, vào ngày 21 tháng 4, Reuters đăng tải bài viết cho biết Facebook đã bắt đầu tăng cường đáng kể việc kiểm duyệt những nội dung ‘chống chính quyền’ tại Việt Nam.
Biện pháp này được tiến hành sau khi có áp lực từ cơ quan chức năng, trong đó có việc mà tập đoàn này nghi những công ty viễn thông của Nhà nước hạn chế truy cập đối với máy chủ địa phương khiến Facebook không thể sử dụng trong nhiều khoảng thời gian.
Reuters cho biết nội dung vừa nêu được xác thực bởi hai nguồn tin từ công ty Facebook.
Xác nhận thực tế việc bị Facebook gỡ bỏ bài viết mà không nhận được bất kỳ thông báo nào của phía Tập đoàn này, nhà hoạt động xã hội dân sự Lã Việt Dũng tại Hà Nội cho hay:
“Cách đây 2, 3 hôm mình có đăng một clip về việc người nhà cụ Lê Đình Kình nhận xác từ tay công an. Clip ấy gây được nhiều sự phẫn nộ trong cộng đồng và cỡ 2.000 lượt chia sẻ. Đến sáng nay bạn bè nói thì mình vào xem mới thấy clip đó biến mất trên Facebook của mình mà Facebook không hề có thông báo hay thông tin gì qua email hay qua gì trong hệ thống Facebook cho mình cả.”
Vẫn theo lời nhà hoạt động Lã Việt Dũng, trước đây ông đã nghe bạn bè nói Facebook tự xóa bài nhưng ông không tin. Ông lập luận:
“Thường thì thấy Facebook khi nhận được report 1 bài gì đó thì họ sẽ gửi thông báo cho chủ tài khoản biết bài ấy đã bị hạ xuống vì vi phạm luật cộng đồng. Lần này chính mình vào trường hợp ấy thì mình thấy việc Facebook tự xóa bài mà không nói gì cho chủ tài khoản là có thật và đây là hành động rất không nên của Facebook.”
Không chỉ riêng nhà hoạt động Lã Việt Dũng, dân oan Cấn Thị Thêu và cả hai con trai là nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Trịnh Bá Tư cũng cho biết đã bị ẩn những bài viết trên dòng thời gian về những nội dung nhắc đến sự việc xảy ra ở Đồng Tâm trong những tháng qua mà ngay cả người đăng tải cũng không thể kiếm thấy.
Ngoài ra, họ cũng không được phía Facebook thông báo hay nhắc nhở gì và những nội dung bị ẩn trùng hợp trong cùng đợt thời gian mà video của nhà hoạt động Lã Việt Dũng bị ‘biến mất’.
Dưới góc nhìn cá nhân, anh Trịnh Bá Phương đưa ra nguyên nhân vì sao Facebook lại hành động như vậy:
“Ở Việt Nam trong môi trường nhà nước toàn trị, công an trị thì hầu hết tất cả các cơ quan báo chí, truyền thông của nhà nước đều là cánh tay dài của đảng cộng sản Việt Nam. Họ đều phải đưa tin theo sự chỉ đạo của Bộ Truyền thông – Thông tin, theo sự kiểm duyệt gắt gao từ nhà nước cộng sản, tin tức từ báo chí Đảng, truyền thông nhà nước chỉ mang tính chất tuyên truyền mị dân, rất nhiều thông tin sự thật đều không được họ đưa ra công luận. Chính vì vậy, qua trang mạng xã hội Facebook, tôi thấy đó là phương tiên để tôi nói lên những bất công xã hội. Đặc biệt thời gian vừa qua thì tôi sử dụng trang cá nhân của tôi để đưa tin về Đồng Tâm để dư luận trong nước và quốc tế biết được tội ác diễn ra ở Đồng Tâm. Tuy nhiên đến nay công cụ duy nhất của tôi là Facebook thì Facebook lại có sự thỏa hiệp, nhượng bộ đối với chính phủ Việt Nam. Tôi cho rằng đấy là hành động bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận. Tôi thấy việc Facebook tự kiểm duyệt như thế thì họ không tôn trọng khách hàng và không đảm bảo quyền lợi chính đáng cho khách hàng của mình”
Trả lời qua email câu hỏi của RFA về việc có hay không Facebook đã thỏa hiệp với chính phủ Hà Nội ngăn chặn nội dung ‘chỉ trích chính phủ’ vào tối ngày 22/4, bà Amy Sawitta Lefevre - Quản lý chính sách truyền thông của Facebook dẫn lại lời người phát ngôn của Tập đoàn cho hay:
“Chính phủ Việt Nam đã chỉ thị chúng tôi hạn chế quyền truy cập vào nội dung được coi là bất hợp pháp tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng tự do ngôn luận là quyền cơ bản của con người và nỗ lực hoạt động để bảo vệ quyền tự do dân sự quan trọng này trên toàn thế giới. Tuy nhiên, chúng tôi đã thực hiện hành động này để đảm bảo các dịch vụ của chúng tôi vẫn có sẵn và hàng triệu người ở Việt Nam có thể sử dụng được vì họ dựa vào chúng mỗi ngày.”
Vẫn theo nội dung được người đại diện Facebook cung cấp trong email, điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù những nội dung này đã bị chặn ở Việt Nam, nhưng nó vẫn có thể được xem ở các quốc gia khác trên thế giới. Phía Facebook tin rằng đây là kết quả tốt nhất có thể trong những hoàn cảnh vô cùng thách thức đang diễn ra hiện nay.
Ngoài ra, dù Facebook không đồng ý với các luật mà chính phủ Hà Nội đưa ra, nhưng nếu phía tập đoàn tiếp tục bác các yêu cầu pháp lý của chính phủ Hà Nội chặn quyền truy cập vào nội dung ở Việt Nam, rất có thể các nền tảng của Facebook sẽ bị chặn hoàn toàn. Kết quả này thậm chí còn gây hạn chế thông tin hơn nữa vì lúc đó tất cả các tiếng nói ở Việt Nam sẽ bị im lặng.
Theo lời cố vấn về nhân quyền của Amnesty International, chuyên gia William Nee, việc Facebook khuất phục yêu cầu kiểm duyệt khó đạt được là một bước ngoặc tồi tệ cho quyền tự do biểu đạt tại Việt Nam và xa hơn nữa.
Vì vậy, nhà hoạt động Trịnh Bá Tư đưa ra kiến nghị:
“Công ty Facebook nên quay lại với mục đích vốn có của họ lúc đầu là bảo vệ quyền tự do ngôn luận và đứng vững trước những sức ép của thế lực xấu mà ở thời điểm này là nhà cộng sản độc tài. Vì khi xa rời tự do dân chủ và quyền tự do ngôn luận mà Facebook đang làm là điều rất đáng tiếc cho cả Facebook và người sử dụng Facebook.”
Bên cạnh việc phản đối hành động kiểm duyệt của Facebook, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương cho biết sẽ thông tin vụ việc này đến các tổ chức cổ súy cho quyền tự do biểu đạt:
“Trong ngày hôm nay tôi cũng có trao đổi với nhân viên của Tổ chức Ân xá Quốc tế. Trong điều kiện có thể, tôi sẽ tiếp tục nêu lên với một số tổ chức nhân quyền khác hoặc các cơ quan ngoại giao như Đại sứ Quán Mỹ vì đây cũng có thể gọi là hành vi vi phạm nhân quyền giúp cho chế độ độc tài cộng sản Việt Nam có nhiều quyền hơn trong việc bưng bít thông tin, kiểm soát người dân và tiếp tục vi phạm nhân quyền.”
Với tư cách nhà hoạt động xã hội dân sự lâu năm tại Việt Nam, nhà hoạt động Lã Việt Dũng đưa ra lời khuyên với mạng xã hội lớn nhất toàn cầu hiện nay:
“Bản thân những nhà hoạt động xã hội ưa chuộng các công cụ mạng xã hội vì ở đấy có thể có tiếng nói rất tự do và trực tiếp mà không qua công cụ kiểm duyệt của chính quyền cộng sản. Rõ ràng Facebook cũng như các mạng xã hội là biểu tượng của một thế giới tự do và Facebook không nên đi ngược lại tiêu chí cũng như bản chất của Facebook vì nếu chạy theo lợi nhuận mà nhượng bộ như vậy thì mình nghĩ sẽ trả giá cho lợi ích lâu dài sau này.”
Vào tháng 10/2019, trong một bài phát biểu ở Georgetown University, Hoa Kỳ, ông Mark Zuckerberg - nhà đồng sáng lập Facebook, và hiện đang điều hành công ty này với chức danh chủ tịch kiêm giám đốc điều hành đã khẳng định việc kiểm duyệt đi ngược lại với cam kết bảo vệ tự do ngôn luận.
Theo thông tin bà Amy Sawitta Lefevre cung cấp trong email gửi RFA, khi Facebook nhận được yêu cầu từ chính phủ để gỡ xuống một phần nội dung, công ty sẽ tuân theo một quy trình nhất quán.
Trong đó, Facebook sẽ bác các yêu cầu quá rộng và bất cứ nơi nào có thể Facebook cũng bác các yêu cầu hạn chế quyền phát biểu về chính trị.
Đồng thời cũng sẽ minh bạch về số lượng nội dung Facebook hạn chế trong Báo cáo minh bạch.
Bên cạnh đó, Facebook luôn tìm cách tôn trọng luật pháp ở tất cả các nước mà mạng xã hội này hoạt động, nhưng vẫn luôn làm mọi thứ trong khả năng để bảo vệ nghiêm ngặt các quyền cơ bản của tất cả người dùng internet, kể cả quyền tự do ngôn luận.