Hàng loạt tiến sĩ, thạc sĩ ‘giấy” ra lò, vì đâu nên nỗi?
2022.05.10
Kết luận mới nhất của Thanh tra Chính phủ nêu rõ có nhiều sai phạm tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội và các đơn vị trực thuộc.
Cụ thể, từ 2015-2017, nhiều vi phạm bị Thanh tra Chính phủ nêu ra gồm quy trình đào tạo thạc sĩ không đúng quy định chi tiết về đối tượng, điều kiện dự thi, điều kiện bảo vệ luận án, thâm niên công tác, thiếu quy định về trình độ ngoại ngữ trước khi bảo vệ luận án, không ban hành chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ.
Bên cạnh đó, việc tuyển sinh và đào tạo tiến sĩ thiếu quy định về kinh nghiệm quản lý, thâm niên công tác theo yêu cầu của từng ngành. Học viện không xây dựng kế hoạch chi tiết dự kiến chỉ tiêu từng ngành, chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Thông báo tuyển sinh trình độ tiến sĩ không quy định cụ thể về thời gian làm việc chuyên môn.
Về mặt quản lý khoa học, kết luận cho rằng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tuy ban hành các quy chế quản lý khoa học nhưng nội dung còn nhiều bất cập, không hợp lý, dẫn đến các đơn vị cấp dưới không tiếp thu kịp thời, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ.
Đáng nói hơn nữa là qui trình thực hiện nhiều đề tài không đúng tiêu chuẩn Luật Khoa Học và Công Nghệ, kể cả quy chế quản lý khoa học.
Theo số liệu do Thanh tra Chính công bố, đã có ba đề tài mà nội dung không thực sự đóng góp được gì cho khoa học và cho xã hội; 37 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ do văn phòng chủ trì chưa được nghiệm thu cấp cơ sở trước khi nghiệm thu cấp bộ; chưa kể 18 đề tài, nhiệm vụ cấp bộ nữa không qua nghiệm thu cấp bộ; 55 đề tài, nhiệm vụ khoa học cấp bộ lại được giao cho cá nhân ngoài đơn vị chủ trì...
Một trường hợp điển hình rộ trên mặt báo và trên mạng mấy hôm nay là luận án mang tên ‘Nghiên Cứu Giải Pháp Phát Triển Môn Cầu Lông Cho Công chức, Viên chức thành phố Sơn La’. Luận án Tiến sĩ này có tên ngành là Giáo Dục Học, có Mã ngành 9140101…
Đây là một trong những chuyện cười ra nước mắt về công việc đào tạo, chứng nhận và cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam, không chỉ từ 2015-2017 mà trước đó, trước đó rất nhiều, là nhận định của nhà nghiên cứu Đông Nam Á và Việt Nam, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp:
“Chuyện Tiến sĩ cầu lông mà người ta phát hiện là câu chuyện đào tạo từ lâu lắm rồi, từ khi mà có Chính phủ này. Cấp cái bằng tiến sĩ không phải để trở thành nhà nghiên cứu, mà cấp để cho người ta làm quan, để có chức danh mà làm việc. Không làm quan thì lấy oai tức là có mảnh giấy đóng khung kính treo ở nhà.”
“Từ sau 1995-2000, có những nơi đào tạo tiến sĩ mà có bảy triệu thôi. Nộp bảy triệu sau mấy tháng là có bằng tiến sĩ mà ở những khu vực cực kỳ quan trọng như ngân hàng, kinh Tế, thương Mại… cấp cái bằng rẻ rúng như vậy. Việt Nam làm ra rất nhiều ông nhiều bà tiến sĩ nhưng mà số người để trở thành cá nhà nghiên cứu thì tỷ lệ rất nhỏ”.
Đã là nhận xét của dân thì nhiều phần chỉ có đúng chứ không sai, nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp nói tiếp:
“Bây giờ lôi ra để cùng cười, cùng chê nhau để mà quên những chuyện khác quan trọng hơn nhiều, chứ còn chuyện chả có gì đáng ngạc nhiên. Chê rồi phê phán nọ kia nhưng không ai nói được tình cảnh nó như thế thì phải làm như nào cho nó bớt đi hoặc hết đi. Đấy là điều đáng buồn”.
Giáo sư Tiến sĩ Đăng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường, lý giải thực chất đào tạo học hàm học vị của Việt Nam nặng tính quan liêu, nô lệ bằng cấp từ thời phong kiến.
Và khi bước vào giai đoạn định hướng xã hội chủ nghĩa trong cơ chế phát triển thị trường, ông nói tiếp, thì tư tưởng đạt bằng cấp, học vị, học hàm cho được vẫn là ưu tiên một:
“Ngay những người không cần đến chữ nghĩa, chỉ cần quản lý tốt thôi thì thực sự mà nói chỉ cần học một trường quản lý thật tốt là được rồi. Chỉ những người làm nghiên cứu người ta mới cần những học hàm, học vị tiến sĩ, thạc sĩ…Nhưng ngay giáo sư, ngay người nghiên cứu thì cũng phải thấy rõ bằng cấp nào gắn với phát minh nào, lý thuyết nào hay thực tiễn nào.”
“Nhiều nước họ cho rằng số lượng giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ tại Việt Nam rất nhiều, thậm chí còn đặt ra chỉ tiêu tăng. Định hướng phát triển như vậy không phù hợp với yêu cầu thực tế của quá trình công nghiệp hóa. Điều thứ hai nữa là trên thực tế chúng ta đặt ra những nơi được đào tạo rất nhiều nhưng đã bao giờ ta kiểm định lại những số lượng nghiên cứu này làm được gì trong việc phát triển khoa học, công nghệ, mang lại lợi ích gì cho quốc gia? Không có!”.
Hôm 16/11/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục-Đào tạo khi đó là ông Phùng Xuân Nhạ, đã trả lời báo chí về đề án 12.000 tỷ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ cho Việt Nam mà dư luận đặc biệt quan tâm:
Khi đó, ông Phùng Xuân Nhạ tuyên bố nguyên văn: “Tỷ lệ tiến sĩ hiện nay ở ta khoảng 21%, như vậy là quá thấp nên phải nâng tỷ lệ này lên. Theo Đề án 911 là phải 35%. Nếu với 9.000 tiến sĩ như trong đề án thì cũng chỉ mới đáp ứng được 30%.”
Theo Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, điều này cho thấy câu nói ‘Quí hồ tinh bất quí hồ đa’ của người xưa, đã không còn giá trị trong quá trình đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ ở Việt Nam. Từng tham gia đào tạo sau đại học cho khoảng 25 tiến sĩ tại nhiều trường, viện trong nước, ông Đặng Hùng Võ khẳng định đường lối phát triển tri thức và công nghệ ở Việt Nam đang rơi vào tình trạng ‘Quí hồ đa bất quí hồ tinh’:
“Tôi cho rằng cuộc thanh tra tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chỉ là một trường hợp được lập ra bằng những số liệu cụ thể, chứ còn nhiều nơi khác đang chạy theo số lượng. ‘Lò ấp tiến sĩ’ có nghĩa là chạy theo số lượng, chứ không chạy theo chất lượng. Ngoài Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam còn Viện Hàn lâm Khoa học Tự nhiên, còn nhiều viện nghiên cứu thuộc các Bộ cũng làm nhiệm vụ đào tạo. Họ cũng rơi vào tình trạng không khác gì mấy so với kết luận thanh tra tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.”
Ông còn cho biết lý do nhiều nơi rất muốn làm công việc đào tạo vì thực tế đó là nguồn lợi cho cơ quan:
“Đào tạo càng nhiều thì được lương bổng chi phí chính thức của Nhà nước càng nhiều. Đấy chính là cái Việt Nam giờ muốn thoát cũng khó thoát, bởi công việc như một nguồn lợi ích cho đơn vị được quyền đào tạo mà Nhà nước cho phép.”
“Chính vì vậy, ta thấy nếu làm ngặt quá theo nguyên tắc cạnh tranh thị trường quá thì người học không đến nữa. Phải lỏng lẻo một chút thì người ta đến mình nhiều hơn. Đấy chính là thực chất của vấn đề”.
Trả lời câu hỏi Bộ Giáo dục - Đào tạo xử lý thế nào về tình trạng hàng loạt tiến sĩ, thạc sĩ ‘dỏm, kém chất lượng’ hoặc vớ vẩn kiểu Tiến sĩ Cầu lông, Vụ trưởng Vụ Đại học Bộ GD-ĐT, bà Nguyễn Thu Thủy, cho rằng trước 2017 thì công tác đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ còn nhiều khuyết điểm, sai phạm , nhưng từ 2017 đến nay đã cơ bản được khắc phục.
Vẫn theo lời bà Thu Thủy, Bộ GD-ĐT đã ban hành Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ kèm theo Thông tư số 23/2021, cùng với qui chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ kèm theo Thông tư số 18/2021. Các cơ sở đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nói chung và Học viện Khoa học Xã hội nói riêng có trách nhiệm xây dựng quy chế, quy trình đào tạo căn cứ vào hai văn bản hướng dẫn nói trên, đồng thời đảm bảo các yêu cầu tối thiểu quy định tại các quy chế.
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, đây là câu trả lời loanh quanh, càng nghe càng rối:
“Ba tiêu chuẩn, năm điều kiện, bảy tiêu chí rồi hàng trăm những thứ nọ kia. Không quản được thì phải nói loanh quanh như cô Vụ trưởng Thủy là loanh quanh chả đi vào đâu cả.”
“Người đọc thì bảo không hiểu, lãnh đạo thì bảo cứ phải viết như thế, còn từ ngoài nhìn vào mình bảo có nói nữa cũng chả giải quyết được gì cả và không thể làm được gì cả”.
Dưới mắt nhà nghiên cứu Ngữ học Hoàng Dũng, nhiều chục năm trong công tác đào tạo tại Đại học Sư phạm TPHCM, tình trạng lạm phát tiến sĩ, thạc sĩ không có thực tài trước hết là lỗi của hệ thống:
“Một khi việc cất nhắc người này mà cứ dựa vào tiêu chí và hình thức anh tiến sĩ được cất nhắc tốt hơn anh thạc sĩ, tức là thế cạnh tranh cao hơn, thì nó thúc đẩy cả một lô người phải có bằng tiến sĩ cho bằng được.”
Phía có lỗi tiếp theo là những vị trong Hội Đồng thẩm định, giáo sư Hoàng Dũng nói tiếp, thay vì nghiêm túc đánh rớt thì các vị ấy lại thỏa hiệp với người trình luận án:
“Nước nào cũng có người không xứng đáng, vấn đề là nhiều hay ít thôi. Một nhà khoa học thực sự nghiêm khắc thì họ có quyền đánh rớt người không xứng đáng. Vấn đề ở Việt Nam là sự thỏa hiệp này trong đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ càng ngày càng lớn”.
Thế nhưng với tai mắt của Internet, của đội ngũ trí thức trong nước, Giáo sư Hoàng Dũng lạc quan cho rằng:
“Là người trong cuộc, trong bộ máy đào tạo tiến sĩ tôi tin chắc nó sẽ bớt dần đi. Tất nhiên sự chặt chẽ không thay thế được lương tâm những vị giáo sư trong hội đồng đánh giá luận án, nhưng tôi tin trong tương lai gần Việt Nam khó lòng mà sản xuất tiến sĩ dỏm đến mức ồ ạt như hiện nay”.