Lễ Hội đầu năm, hô hào hạn chế vẫn không hiệu quả?

RFA
2023.01.30
Lễ Hội đầu năm, hô hào hạn chế vẫn không hiệu quả? Ảnh minh họa chụp tại một chùa ở Hà Nội dịp Tết trước đây.
AFP PHOTO

Cứ mỗi năm vào dịp sau Tết Nguyên Đán, người dân lại tham gia rất nhiều lễ hội, nhiều công ty du lịch còn tổ chức nhiều tour du lịch kết hợp tham gia lễ hội, hay cúng bái tại một số chùa. Tuy nhiên, tình trạng người dân tham dự quá đông do mê tín dị đoan đã tạo ra một luồng ý kiến cho rằng nên thay đổi, hạn chế tập tục này.

Lãnh đạo đảng nhà nước nhiều năm qua đều hô hào tiết kiệm hạn chế lễ hội, đến nay hiệu quả ra sao?

Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện Việt Nam có 7.966 lễ hội, trong đó có 7.039 lễ hội dân gian, 332 lễ hội lịch sử, 544 lễ hội tôn giáo và gần 30 lễ hội du nhập.

Nhà Nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa Minh triết, đưa ra nhận định hôm 30/1:

“Một mặt là sự kích thích của những lễ hội này gắn với du lịch, rồi du lịch là gắn với tâm linh, thành ra nó gần như đang trở thành một phong trào huy động đông đảo quần chúng tham gia. Mà nghiên cứu thì lại chưa đến nơi đến chốn, nên nó trở thành xô bồ và hiện nay chưa có cách nào để có thể có định hướng cho nó tốt hơn. Người ta thấy có lợi ích từ du lịch và thấy tâm linh được nhiều người theo đuổi, nên họ gắn vào cái đấy. Các lễ hội đều gắn với tâm linh, du lịch nên nó phát triển không thể nào hạn chế.”

Theo ông Mai, lãnh đạo hô hào chung chung thì dễ, mà không có chính sách cụ thể để định hướng nên lễ hội có thể trở thành một thứ gì đó dung tục. Ông Mai nói tiếp:

“Những người lãnh đạo họ dễ hô hào lắm, vì nó đơn giản, ai nói chẳng được, cái đó nhàm và vì thế nói được chứ không làm được, không làm được cái gì đến nơi đến chốn cho tử tế. Giới nghiên cứu cũng bị sa vào lợi ích vật chất, nên cũng không định hướng được dư luận xã hội cho cho tử tế. Chỉ hô hào người ta đi vào những yếu tố có thể nói là thấp, đó là vấn đề hiện nay. Bộ văn hóa thì rất là nhiều phong trào, nhưng chả đâu vào đâu cả, nó cũng không định hướng được. Đấy là cái gọi là mạt vận của văn hóa Việt hiện nay, đây là vấn đề đáng lo chứ không phải vui mừng gì.”

Những người lãnh đạo họ dễ hô hào lắm, vì nó đơn giản, ai nói chẳng được, cái đó nhàm và vì thế nói được chứ không làm được, không làm được cái gì đến nơi đến chốn cho tử tế.
-Nhà Nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai

Hội xuân ở từng địa phương là những tập tục cần phải được bảo tồn. Thế nhưng, thực tế của mấy năm trở lại đây cho thấy không ít người tới các lễ hội do mê tín dị đoan, cầu tài cầu lộc, thậm chí sẵn sàng có những hành động tranh cướp không mấy đẹp.

Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc từ Sài Gòn hôm 30/1, nhận định:

“Vấn đề tâm linh đối với dân tộc Việt Nam không phải là mới đây, mà có truyền thống hàng ngàn năm. Nhưng trước đây phật giáo Việt Nam tu  theo đúng phương châm của đạo pháp, chứ không phải hướng quần chúng, tín đồ đi vào mê tín dị đoan như hiện nay. Hiện nay một số chùa chiền ở miền Bắc lợi dụng lòng tin của người dân, của tín đồ trước những khó khăn của cuộc sống, có những bế tắc trong đời sống gia đình… rồi tạo ra bói toán, cầu cúng, cúng sao giải hạn… hướng con người vào vòng mê muội. Nhìn lại lịch sử Phật giáo Việt Nam hàng ngàn năm, chúng ta thấy không có hiện tượng này, mà chỉ xuất hiện trong thời gian gần đây, vấn đề đó phải phê phán rất nặng.”

Theo Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc, cái lỗi đưa quần chúng vào vòng tâm linh mê muội, thì trách nhiệm của nhà nước cũng phải có phần. Ông Phúc nói tiếp:

“Mới đây chúng ta thấy rõ, đảng và nhà nước vừa tổ chức một ‘Hội thảo về Chân giá trị của người Việt trong đời sống hiện đại như thế nào?’… Nhưng nhìn lại thực tế cuộc sống hiện nay, vừa ăn Tết xong thì bắt đầu một thời kỳ lễ hội, một thời kỳ mê muội ở bất cứ một cấp độ nào cũng có thể diễn ra. Vấn đề đó chẳng những không giải quyết được nhu cầu cuộc sống thực của con người, mà nó làm cho con người tiếp tục sống giả và lúc nào cũng hướng về thần linh để cầu cúng, cầu mong để mình có cuộc sống tốt hơn. Trong cuộc sống không ai giúp mình, mình phải tự giúp mình… trước khi trời giúp thì mình phải tự giúp mình.”

000_1D913B.jpg
Ảnh minh họa: Một hoạt động ở Lễ hội Tết. AFP PHOTO.

Theo ghi nhận của báo chí do nhà nước quản lý, cho đến ngày 30 tháng 1 năm 2023, không có tình trạng xô đẩy, giành giật, tranh hoa cướp lộc khi có đến hàng chục ngàn người tham gia các lễ hội xuân như Lễ hội Gióng tại Khu di tích lịch sử đền Sóc, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội…

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Du lịch Lửa Việt khi trả lời Đài Á Châu Tự Do liên quan vấn đề này, nhận xét:

“Nhà nước nói lễ hội không chen lấn thì biết thế thôi, nhưng thú thật là tôi hoài nghi, bởi vì không thể nay chen lấn, mai không chen lấn được, trừ khi là đám đông ít lại. Chứ còn ý thức của người dân, sự quản lý của nhà nước không thể một sớm một chiều từ bên này lật qua bên kia được đâu, nó phải có từng bước, nó có thể hạn chế ít lại, chứ còn nói không có chen lấn xô đẩy, thì xin lỗi mình cũng hơi nghi ngờ.”

Nhìn lại thực tế cuộc sống hiện nay, vừa ăn Tết xong thì bắt đầu một thời kỳ lễ hội, một thời kỳ mê muội ở bất cứ một cấp độ nào cũng có thể diễn ra.
-Nhà Nghiên cứu Đinh Kim Phúc

Theo truyền thông nhà nước hôm 30/1/2023, sau Tết 2023, hàng trăm nghìn người đã đến những ngôi chùa ở miền Bắc ngày đầu xuân, nhiều người có những trải nghiệm tồi tệ, nhưng vẫn chấp nhận.

Theo báo VNExpress, chỉ riêng hôm 27/1/2023 tức Mùng 6 Tết, có đến hơn 40.000 người tham dự Lễ khai hội Chùa Hương. Nhiều người phải đi ghe vào Động Hương Tích từ tối hôm trước để tránh cảnh xếp hàng cả ngày trời cực khổ cùng biển người. Theo bài báo, Khu di tích thắng cảnh Chùa Hương Sơn mở cửa đón khách từ 30 tháng Chạp, tính đến ngày khai hội, lượng khách đã đạt khoảng 150.000 người.

Một người không muốn nêu tên vì lý do an toàn sống tại Hà Nội, cho biết thực tế khi đi chùa đầu năm:

“Dòng người thì đông, không thể đông hơn được nữa, thêm một người nữa thì không biết đứng vào đâu. Mình đứng gần đến động chính (Chùa Hương), mình phải mất 45 phút mới đến được chỗ xếp hàng đi cáp treo, phải có người ra mới có người vào, như là biển người luôn.”

Trước đây, vào năm 2017, những người đi lễ đã biến lễ hội thiêng liêng thành những sinh hoạt mất trật tự như vụ thanh niên xô đạp nhau giành cho được hoa tre trong hội Thánh Gióng ở Sóc Sơn, Hà Nội, hay vụ giành giật ấn tại lễ hội Đền Trần, cướp lộc thánh tại chùa Hương…

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.