
Hồi hộp chờ đợi mốc 30 tháng 6
Càng gần hạn 30-6 kèm theo cơn sốt giá dầu thế giới, người tiêu dùng chờ đợi trong âu lo, doanh nghiệp sản xuất hồi hộp, các chủ cây xăng tìm cách hưởng chênh lệch nếu có quyết định tăng giá bán lẻ.
Nhiều mặt hàng thiết yếu nằm trong danh mục bình ổn giá và đang được kềm giá cho tới hết tháng 6, tuy nhiên xăng dầu là mặt hàng tối quan trọng vì nó gây ảnh hưởng dây chuyền. Một người dân TP.HCM phát biểu: "Anh nào anh nấy đang run rẩy chờ đợi tới ngày 30-6 chưa biết như thế nào."
Tại cuộc họp báo được triệu tập khẩn cấp sáng hôm Thứ Ba ở Hà Nội, thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú xác định rằng cho tới thời điểm hiện nay, chính phủ vẫn duy trì chỉ đạo tổng thể là giữ giá, chưa quyết định biện pháp gì mới.
Giá xăng dầu ở Việt Nam được điều chỉnh lần cuối cách đây khỏang 4 tháng và lúc đó giá dầu thế giới mới quanh quẩn mức dưới 100 đô la/thùng.
Hiện nay giá quốc tế đã ngấp nghé 140 đô la /thùng nhưng ông Nguyễn Cẩm Tú xác định rằng giá xăng dầu bán lẻ sẽ chưa tăng, chính phủ tiếp tục sử dụng tiền chênh lệch dầu xuất khẩu để bù giá và người dân chưa phải chia sẻ gánh nặng này.
Tôi nghĩ là Nhà nước nên tiếp tục có bàn tay điều tiết của mình, song cách tốt hơn là nên điều chỉnh từng bước nhỏ dần dần, để cho người tiêu dùng và người sản xuất chịu được tín hiệu thị trường, chấp nhận tín hiệu của thị trường, chịu cái áp lực đó để có thể thích nghi.
TS Lê Đăng Doanh
Tuy nhiên theo Tiền Phong Online, ông Nguyễn Cẩm Tú xác nhận là các cơ quan chức năng đã chuẩn bị kịch bản cho giá xăng dầu trong nước khi giá dầu thế giới lên trên 150 đô la/ thùng.
Nhà nước và Thị trường
Mỗi năm thị trường Việt Nam tiêu thụ khỏang 15 triệu tấn xăng dầu nhập khẩu. Sự kiện Việt Nam kềm giá xăng dầu trong giai đọan dài, được TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia nghiên cứu kinh tế ở Hà Nội nhận định:
“Tôi nghĩ là Nhà nước nên tiếp tục có bàn tay điều tiết của mình, song cách tốt hơn là nên điều chỉnh từng bước nhỏ dần dần, để cho người tiêu dùng và người sản xuất chịu được tín hiệu thị trường, chấp nhận tín hiệu của thị trường, chịu cái áp lực đó để có thể thích nghi.”
Việc Việt Nam bù giá xăng dầu hàng chục ngàn tỷ đồng mỗi năm để cản đà tăng vật giá, từng được cựu thủ tướng Võ Văn Kiệt khi còn sống, mô tả là bao cấp cho cả Đông Dương một cách vô lý. TS Lê Đăng Doanh cũng có những nhận xét về vấn đề buôn lậu xăng dầu qua biên giới:
“Nếu chúng ta kìm giá xăng lâu quá, giá xăng ở trong nước có khỏang cách ngày càng xa so với giá xăng trên thị trường thế giới, hoặc so với Cămpuchia chẳng hạn. Như vậy khỏang cách về giá là một động lực ghê gớm thúc đẩy buôn lậu, mà biên giới giữa VN và Cămpuchia thì quá dễ dàng cho việc buôn lậu đó, nhất là vào mùa nước nổi cho nên tình hình sẽ trở nên phức tạp.”
Có thể không ghi nhận được một cách cụ thể về tổng lượng xăng dầu được xuất lậu qua biên giới. Nhưng bản tin Thông Tấn Xã VN mới đây ghi nhận tình trạng ở tỉnh Kiên Giang.
Theo đó các cây xăng dọc theo tuyến biên giới thuộc Huyện Kiên Lương ban ngày treo bảng hết xăng, nhưng lại mở cửa mua bán nhộn nhịp vào ban đêm.
Mỗi lít xăng di chuyển một chặng đường chưa đầy 100 mét đưa qua biên giới, là con buôn hưởng lợi từ 1.500 đồng tới 1.800 đồng. Tuyến biên giới Tây Nam của VN rất dài, bao gồm nhiều tỉnh và quả thật không thể nào có con số ước tính đúng đắn rằng lượng xăng dầu xuất lậu hàng năm là bao nhiêu.