Tính mạng hai mẹ con bà Trần Thị Nga bị đe dọa
2012.03.25
Dưới hình thức xã hội đen, kẻ giấu mặt đã dùng những lời đe dọa hết sức nghiêm trọng gửi đến gia đình bà. Cho tới sáng ngày 24/03, một nhóm côn đồ mà theo bà Nga là công an giả danh đã xông vào cướp máy ảnh của bà tại nhà riêng và còn dùng thép gai để khóa cửa thoát hiểm của gia đình bà.
Nhận được tin nguy hiểm cho tính mạng hai mẹ con bà Nga một nhóm nhân sĩ trí thức Hà Nội đã đến Phủ Lý, Hà Nam để đưa hai mẹ con bà về nơi an toàn tại Hà Nội. Trước tiên bà Nga xác nhận với Mặc Lâm về việc này, bà nói:
Kẻ cướp đi trình báo công an
Bà Trần Thị Nga: Số anh em ở Hà Nội mà hôm nay đã về nhà em để cùng với em đi lên công an làm việc, yêu cầu công an phải điều tra kẻ rải truyền đơn đe dọa, rào cái cửa thoát hiểm của nhà em, với lại cướp máy ảnh của em. Các anh em về với lại cùng em đi lên trên công an.
Mặc Lâm: Vâng. Chị có thể cho biết nhóm người từ Hà Nội lên để giúp đỡ chị thì họ và chị đã vào trụ sở công an của Hà Nam để làm việc không ạ?
Bà Trần Thị Nga: Công an phường đấy. Họ hài hước như thế này đây anh ạ: Những người cướp máy ảnh của em, người công an mà mặc quần áo cảnh sát giao thông thì đứng ở đấy, em hô lên “Anh là công an, anh cứu tôi, anh giúp tôi, vì người ta đã cướp máy ảnh của tôi”, thì hắn không nói gì cả. Hắn không động tĩnh gì. Thế còn những người cướp máy ảnh của em thì trong cái nhóm đấy có rất nhiều người công an là nhân viên của Phòng Bảo Vệ Chính Trị - Công An Tỉnh Hà Nam mà em đã từng biết mặt, trong đó có một người tên là Công.
Tên đó cướp của em xong, công an phường lại đến triệu tập em, viết giấy mời để mời em phải lên công an phường để làm việc về vấn đề là họ trình báo… Làm gì có chuyện kẻ cướp lại đi trình báo với công an là tôi đã cướp của người kia và công an lại mời cái người bị cướp lên để làm việc? Anh có thấy vô lý không? Đấy là cái vô lý trong sự việc hôm nay.
Rào cửa thoát hiểm
Mặc Lâm: Dạ. Chị có thể cho biết cụ thể khi họ tới họ rào cái cửa thoát hiểm của nhà chị là vào lúc nào và lý do tại sao vậy?
Bà Trần Thị Nga: Lúc sáng, vào khoảng hơn 6 giờ sáng. Hôm qua họ rải truyền đơn đe dọa giết, rồi chiều tối hôm qua họ dùng hàng rào thép gai để rào cửa thoát hiểm nhà em. Sáng ra thì một số thông tin trên mạng có đưa lên vấn đề đấy của em thì sáng nay có một bác ở Phủ Lý đến thông tin như thế khi bác đến chơi. Khoảng hơn 6 giờ em mở cửa mời bác vào nhà, rồi mở cửa mời bác ra về, tiễn bác đi về thì bác đi ra khỏi khoảng 50 mét thì nó chận bác lại nó đòi cướp điện thoại của bác. Còn em đi tiễn bác ra thì em có cầm máy ảnh của em, thế là chúng nó xông ra chúng nó cướp như sự việc em vừa kể với anh đấy.
Mặc Lâm: Họ tới nhà chị họ rào cửa thoát hiểm thì họ lấy gì họ rào? Họ rào làm sao? Và lý do tại sao họ rào thưa chị?
Bà Trần Thị Nga: Họ dùng thép gai với lại những cây sắt to, rồi đóng bê-tông, rồi hàn xì rất cẩn thận, rất là công phu. Cái lý do thì chỉ họ mới biết thôi chứ em không có biết được. Họ ngăn chận, họ đe dọa, họ muốn giết, họ muốn hãm hại mà anh.
Khủng bố, đe dọa
Mặc Lâm: Và câu chuyện này bắt nguồn từ lâu lắm rồi phải không chị? Chị có thể kể ra nguyên nhân đầu tiên làm cho công an họ chú ý và họ theo dõi chị vì lý do gì vậy?
Bà Trần thị Nga: Dạ. Lý do thứ nhất, em là nạn nhân của tệ buôn bán nô lệ và sau này vào năm 2008 khi em bắt đầu giúp người lao động – những nạn nhân đấy ở Việt Nam, những nạn nhân đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, em giúp họ tại Việt Nam. Thế rồi từ đấy, đầu năm 2010 công an bắt đầu họ quấy nhiễu em và đã có lần họ lừa bắt em lên trên phường, họ lừa em lên trên phường bảo rằng là lên đấy để làm lại giấy tạm trú, nhưng khi lên đến công an phường thì họ lập tức đưa ra giấy triệu tập của họ, họ bắt cóc em lên công an tỉnh để mà thẩm vấn, tra tấn tinh thần.
Lúc đấy họ có yêu cầu em chấm dứt hành động giúp đỡ người lao động. Nếu mà không chấm dứt thì sẽ bị ám hại, kể cả đứa bé lúc ấy đang ở trong bụng em được 7 tháng. Sau đó thì họ cũng vẫn thỉnh thoảng đe dọa và có những hành vi quấy rối thế nhưng không có mạnh mẽ.
Cụ thể là hôm qua họ cũng lại rải truyền đơn và rào cái cửa thoát hiểm, rồi hôm nay họ lại cướp máy ảnh.
Bà Trần Thị Nga
Rồi cho tới mùa hè năm 2011 khi mà có những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc xâm lược, đánh bắt ngư dân thì em có tham gia; từ đó công an họ có những hành vi ngăn chận mạnh mẽ hơn. Rồi em đi thăm chị Bùi Hằng, nhưng đầu năm 2012 này thì bắt đầu họ chuyển sang những trò bẩn, đó là rải truyền đơn đe dọa giết, khóa cửa ngoài, đổ mắm tôm vào trong nhà. Cụ thể là hôm qua họ cũng lại rải truyền đơn và rào cái cửa thoát hiểm, rồi hôm nay họ lại cướp máy ảnh.
Mặc Lâm: Trước những thông tin mà chị cho chúng tôi biết xem ra rất nguy hiểm. Chị có nghĩ rằng tính mạng của chị có thể bị đe dọa hay không, thưa chị Nga, vì họ làm càng ngày càng quá trớn đó chị?
Bà Trần Thị Nga: Dạ. Tính mạng của em rất là bị đe dọa bởi vì những hành vi vô nhân tính và không có luật pháp của họ, nhất là ngành công an khi mà em làm đơn tố cáo, rồi làm đơn trình báo về những sự việc mà em bị đe dọa, thì công an họ nhận được nhưng họ không bao giờ làm giấy xác nhận là đã nhận đơn của em.
Họ nhận đơn xong rồi thì họ để đấy chứ họ không điều tra, bởi vì sao anh biết không? Bởi vì chính những kẻ đang dọa nạt em đấy thì họ chính là công an, nhân viên của Phòng Bảo Vệ Chính Trị - Công An tỉnh Hà Nam, cho nên họ cùng một phe, họ bảo vệ nhau đấy.
Chiều hôm nay một nhóm anh chị em mười người cùng với em đến công an phường nộp đơn yêu cầu công an phường điều tra những lời đe dọa, những cái chắn hàng rào nhà em, cướp máy ảnh của em. Nhưng công an phường họ nhận đơn, nhưng mà họ không dám làm việc, họ không dám làm việc công khai, và họ bắt em phải lên trên tầng hai để làm việc riêng lẻ với họ, em không có nghe.
Em nói là đã nhiều lần em viết đơn nhưng mà họ không điều tra là một, cái thứ hai nữa là bây giờ tính mạng của em càng ngày càng nguy hiểm. Rất nhiều người dân đi vào đồn công an thì khỏe mạnh, lành lặn, đến lúc ra khỏi đồn công an thì toàn là những xác chết phần nhiều, nên em không làm việc với công an một mình như thế.
Họ không dám làm việc công khai, còn bảo họ nhận đơn thì ký xác nhận là “đã nhận đơn” , nhưng họ không dám. Em đề nghị họ viết vào đấy là “không nhận đơn” của em thì họ cũng không dám. Đó là một cái trò quá ư là vô lối, vô pháp luật, là một hành vi bỉ ổi chứ không phải là thường đâu!
Mặc Lâm: Một lần nữa xin cảm ơn chị Trần Thị Nga đã chia sẻ những thông tin của chị để giúp cho chúng tôi trong cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.
Bà Trần Thị Nga: Dạ vâng.