Hải quan Việt Nam: Đến khi nào thôi tiêu cực?!

Mỹ Lan RFA
2018.04.30
Những cảnh đưa - nhận chớp nhoáng của nhân viên "chạy lệnh" và các cán bộ hải quan. Những cảnh đưa - nhận chớp nhoáng của nhân viên "chạy lệnh" và các cán bộ hải quan.
laodong

Đầu tháng 4/2018, truyền thông trong nước đồng loạt đăng tải bài viết “Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa - nhận tại Hải quan Hải Phòng” phản ánh thực trạng hải quan tại cửa khẩu Đình Vũ, Hải Phòng nhận phí “bôi trơn” của người làm thủ tục.
Đây không phải là lần đầu tiên nhân viên hải quan bị tố nhận hối lộ, xách nhiễu các cá nhân xuất cảnh hay doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá tại các cửa khẩu trải dài từ Bắc vào Nam.
Liên quan đến vấn đề này, Văn phòng Chính phủ ngay sau đó đã có thông báo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, về việc xác minh và xử lý nghiêm cán bộ Hải quan Hải Phòng có hành vi tiêu cực, được báo chí phản ánh.

Doanh nghiệp họ cũng coi việc đó là việc “bình thường” để giải quyết cho nó nhanh và các yếu tố đó khiến cho các ngành như hải quan, thuế dễ nảy sinh tiêu cực - Tiến sĩ Võ Trí Thành, phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương

Là người có thâm niên hàng chục năm trong ngành xuất nhập khẩu, nhà báo Võ Văn Tạo cho biết khi sự việc bị báo chí phanh phui thì các cá nhân vi phạm sẽ bị đưa ra xử lý. Tuy nhiên, các trường hợp này lại thường được xử lý qua quýt cho xong chuyện. Nhà báo Võ Văn Tạo giải thích về hiện tượng này:
“ Tại sao lại có chuyện đó, tại vì ngành hải quan từ trên xuống dưới hầu như là đều tiêu cực như thế cả. Có ghế là phải mua bằng tiền, thế nên họ cũng thông cảm cho cái chuyện đó. Ví dụ như ông Giám đốc hải quan của một tỉnh mua cái ghế giám đốc của ông bằng tiền, thì bây giờ cái thằng nhân viên đi làm có vấn đề bị báo chí đăng lên, công luận tố cáo, bằng chứng đầy đủ, thì trước khi nó lộ nó kiếm được tiền nó cũng cúng cho ông, quà cáp Tết nhất… ông hưởng cái đó thì bây giờ nỡ nào mà ông phạt mạnh nó, kỷ luật mạnh nó?Thế nên ông xử lý nhẹ lại nó là như thế”
Nhà báo Võ Văn Tạo cũng cho rằng ngoài việc hầu hết nhân sự ngành hải quan vào ngành đều bằng cách chạy tiền thì họ còn là con ông cháu cha. Do đó, hình phạt được đưa ra đối với cá nhân vi phạm đều được giảm nhẹ đi rất nhiều với mục đích chính là xoa dịu dư luận như khiển trách hay tạm đình chỉ công tác. Trong khi đó, những vụ việc tiêu cực trong ngành này lại dường như được truyền thông trong nước “ưu ái” và ít phanh phui hơn so với các ngành khác như công an, y tế hay xây dựng. Nhà báo Võ Văn Tạo nói tiếp:
“Hải quan do chức năng nghề nghiệp nên họ kiếm được rất nhiều tiền ở hành vi tiêu cực, báo chí “ngửi” ra thì họ thường sử dụng tiền để chạy cái đó nên anh em phóng viên không vững vàng hay lãnh đạo, cán bộ toà soạn mà có động cơ không tốt thì sẽ dìm cái chuyện đó đi”
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Võ Trí Thành, phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, một trong những nguyên nhân khiến cho ngành hải quan không thể giải quyết được vấn nạn tham nhũng là từ phía chính các doanh nghiệp:

Những người đó họ về bây giờ họ còn làm sếp của các cơ quan hải quan, họ dần dần từ lính tráng họ đi lên, từ Đảng viên họ sống lâu lên lão làng đi lên… Thế thì sếp mà hư hỏng thì bảo sao nhân viên lại không hư hỏng?!” - nhà báo Võ Văn Tạo

“Bởi vì nó cần một số các điều kiện mà khi phát sinh ra những điều kiện này nó cần phải có cơ chế “xin-cho” và do đó dễ nảy sinh tiêu cực. Mặt khác nữa cũng phải nói trong nhiều trường hợp để mà thuận tiện thì đã có nhiều trường hợp không tốt cũng là từ phía doanh nghiệp, họ cũng coi việc đó là việc “bình thường” để giải quyết cho nó nhanh và các yếu tố đó khiên cho các ngành như hải quan, thuế dễ nảy sinh tiêu cực ”
Trên thực tế, kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố vào cuối tháng 11/2015 cho thấy 53,35% doanh nghiệp tham gia khảo sát nói đã phải trả chi phí không chính thức ở Cục Hải quan TP.HCM, 31% DN cho biết nếu không trả chi phí “đen” sẽ bị phân biệt đối xử như kéo dài thời gian làm thủ tục, bổ sung những giấy tờ, chứng từ không có trong quy định. Còn tại hội nghị công bố kết quả giám sát việc thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực thuế và hải quan hôm 24/04 vừa qua, trả lời Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết các thủ tục hải quan, thông quan khiến cho chi phí logistic của các doanh nghiệp tăng và chiếm khoảng 21% GDP, thậm chí có thời kỳ, chi phí logistic chiếm đến 25% GDP. Trong khi đó, nếu không giảm chi phí này xuống dưới 20% thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn để cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.
Để xảy ra thực trạng này, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng hạn chế về năng lực chuyên môn cũng như quản lý của ngay trong chính đội ngũ lãnh đạo ngành là nguyên nhân chính gây nên các tiêu cực:
“Trước đây Bộ Ngoại thương trực tiếp thực hiện hoạt động công tác xuất nhập khẩu nhưng kể từ khi cho các địa phương trực tiếp thực hiện thì hoạt động này bùng lên rất mạnh. Ở giai đoạn đó thì cán bộ ngành hải quan thì hầu hết lại là tay ngang, không phải là những người được rèn luyện đến nơi đến chốn, ví dụ từ thuế vụ về, từ quân đội hay công an chuyển sang. Mà những anh em đó thì không phải có một quá trình học tập đào tạo lâu dài, không được rèn luyện tốt cho nên cái chuyện tiêu cực nó là tất yếu. Và những người đó họ về bây giờ họ còn làm sếp của các cơ quan hải quan, họ dần dần từ lính tráng họ đi lên, từ Đảng viên họ sống lâu lên lão làng đi lên… Thế thì sếp mà hư hỏng thì bảo sao nhân viên lại không hư hỏng?!”
Trước vấn nạn tiêu cực xảy ra liên tục trong những năm gần đây, Tổng cục Hải quan Việt Nam đã ban hành nhiều quyết định mà gần đây nhất là Quyết định số 413/QĐ-TCHQ vào đầu tháng 3/2018 nhằm triển khai kế hoạch phòng chống tham nhũng áp dụng đối với các đơn vị thuộc và trực thuộc ngành. Tiến sĩ Võ Trí Thành cho biết chỉ số về lợi nhuận kinh doanh Ease of Doing Business của Việt Nam do Ngân hàng thế giới đánh giá năm nay đã tăng 14 bậc so với năm 2017, từ vị trí 82 lên vị trí 68/190 nền kinh tế. Điều này cho thấy Việt Nam cũng đã ghi nhận một số những cải thiện thể hiện quyết tâm của chính phủ Việt Nam trong việc đơn giản hoá các thủ tục hành chính, trong đó các thủ tục hải quan. Tuy nhiên, nhà báo Võ Văn Tạo lại không mấy tỏ ra lạc quan trước viễn cảnh này và cho rằng, những tồn tại trong ngành hải quan chắc chắn sẽ gây tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu, khiến sản phẩm bị đội giá và các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam vì thế không thể tạo lợi thế cạnh tranh so với các nước khác trong khu vực.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.