Chính quyền Hà Nội với giấc mơ về dự án thành phố ven sông Hồng (Phần II)
2020.10.08
Phần II: Dự án thành phố sông Hồng: Giấc mộng hão huyền?
Khó khăn của dự án trong 3 thập niên qua
Bí thư thành phố Hà Nội, ông Vương Đình Huệ, tại Tọa đàm cấp cao Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội-Thành phố sáng tạo, diễn ra vào sáng ngày 2/10, cho biết dự án thành phố ven sông Hồng, được kỳ vọng như là một thành phố Seoul thứ nhì ở Châu Á. Tuy nhiên, trong gần 30 năm qua, dự án vẫn chưa thể thực hiện và hoàn thành vì đang gặp khó khăn về quy hoạch và kiến trúc, đặc biệt trong vấn đề trị thủy.
Liên quan vấn đề trị thủy, truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào trung tuần tháng 7 vừa qua, dẫn ý kiến của Tiến sĩ-Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội, hiện là Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam.
Tiến sĩ-Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm nhận định thách thức lớn nhất là tính toán sự ổn định thoát lũ và hệ thống đê điều. Do đó, ông Đào Ngọc Nghiêm đề nghị Bộ Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn cần sớm xác định quy hoạch thoát lũ sông Hồng, hệ thống đê điều đoạn qua Hà Nội và trên cơ sở đó, thành phố Hà Nội mới có thể phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng, tạo định hướng và là công cụ quản lý, cơ sở kêu gọi đầu tư.
Về những cảnh báo rằng dự án quy hoạch sông Hồng có thể “nhồi những cao ốc” sẽ làm phá vỡ cảnh quan cùng những hệ lụy khác, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng lo ngại này là có cơ sở, bởi thực tế có những quy hoạch khu đô thị mới bị điều chỉnh theo hướng có hại cho khu vực. Ông Đào Ngọc Nghiêm đưa ra đề xuất với các cơ quan chức năng cần tính toán bố trí phần lớn quỹ đất ven sông Hồng, để nơi đó thật sự trở thành không gian chung của cả cộng đồng, thay vì trở thành những cao ốc dành cho số ít.
Chúng ta không bị áp lực đến mức là phải phát triển như vậy. Tại vì chỉ cần lui về phía trong một chút xíu là Hưng Yên, chung quanh là Nắc Ninh và đồng bằng sông Hồng còn rộng lắm. Còn rất nhiều nơi để phát triển, không cớ gì phải chọn phát triển ở chỗ đó để lấn ra dòng sông Hồng. Trong khi xu hướng chung của thế giới là mở rộng dofng sông ra để chuẩn bị đối phó với biến đổi khí hậu. Như Hà Lan, người ta đắp đê hai bên để be con sông lại thì bây giờ người ta bỏ bớt một số đoạn cho nước tràn ra, để mực nước hạ thấp xuống. Đó là cách thức sẵn sàng để đối phó với khí hậu, gọi là “room for river”. Còn chúng ta thì lại đi hướng ngược lại, là lấn chiếm không gian của dòng sông. Điều đó hoàn toàn là không nên
-Thạc sĩ Hồ Long Phi
Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên-Môi trường thì cần phải nhìn vấn đề thành phố sông Hồng một cách rất nghiêm túc, dựa trên các tri thức về quy hoạch hiện đại; cần thiết đặt vấn đề là thành phố này sẽ thiên về yếu tố nào, ngành nghề nào, việc làm nào sẽ là chủ đạo cho thành phố. Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh sức sống của thành phố phụ thuộc vào hoạt động kinh tế nào là trụ cột của thành phố sông Hồng.
“Tôi vẫn cho rằng là có thể xây dựng trên cơ sở đây là một thành phố mà lấy du lịch làm động lực kinh tế chính. Bởi vì, du lịch sông nếu mà chúng ta biết làm gắn với nhiều câu chuyện lịch sử về sông Hồng của Hà Nội, gắn với cầu Long Biên chẳng hạn, là một cây cầu rất nổi tiếng. Tôi vẫn cho rằng trước hết lấy du lịch làm điểm trọng tâm. Sau đó, phần bãi sông để làm nông nghiệp cũng rất màu mỡ, có thể tạo dựng được một hệ sinh thái nông nghiệp tương đối tốt. Và, cũng có thể lấy đấy là một phần nông nghiệp đáp ứng cho nhu cầu của Hà Nội. Do đó, có thể gọi là một hệ sinh thái đô thị gắn với nông nghiệp. Tôi cho rằng phải lựa chọn động lực kinh tế nào cho khu vực thành phố này?”
Kiến trúc sư Sơn Đặng, tốt nghiệp Đại học Cornell ở Mỹ và từng làm việc tại những công ty kiến trúc lớn của thế giới, qua ứng dụng Messenger, cho RFA biết theo thiển ý của anh thì hiện tại dự án thành phố sông Hồng vẫn đang trong giai đoạn tranh cãi về mặt khoa học. Vì thế, thành phố Hà Nội cần nên tư vấn với các nhà khoa học về đê điều-thủy lợi-phòng chống thiên tai-ứng biến lũ lụt. Đồng thời, cần thiết phải có những loạt bài báo phỏng vấn chuyên môn sâu với các nhà khoa học và công bố bộ dữ liệu rộng rãi đến công chúng.
Kiến trúc sư Sơn Đặng nêu rõ rằng bây giờ các ý tưởng về quy hoạch thành phố như thế nào thì còn quá sớm. Và, một vấn đề cần đặc biệt lưu tâm mà kiến trúc sư Sơn Đặng đề cập đến; đó là đã từng có ý kiến phản đối dự án thành phố sông Hồng, bởi vì cho rằng các bãi bồi là nơi tiếp nước ngầm cho túi nước ngầm dưới lòng Hà Nội và nếu đô thị hoá sẽ làm Hà Nội lún sụt nặng.
Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu, thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, Thạc sĩ Hồ Long Phi nhận xét về ý kiến mà kiến trúc sư Sơn Đặng vừa nêu.
“Tôi thật ra cũng không có nhiều tư liệu về sông Hồng, nhưng thông thường vỉa nước ngầm trải ở một khu vực rộng lắm, chứ không phải chỉ là những dải đất ven sông. Nó có thể cách đó hàng trăm cây số. Thí dụ như ở TP.HCM chẳng hạn, thì vỉa nước ngầm từ Tây Nguyên mới đưa bổ sung dần xuống dưới này, tức là bổ sung trực tiếp. Cho nên, cũng chưa chắc là yếu tố quan trọng nhất đâu. Cái nguồn từ đâu thì phải coi về địa chất mới biết được. Ý kiến này thì cũng để tham khảo, còn chắc chắn thì tôi cũng chưa dám nói.”
Dự án thành phố sông Hồng: Không cần thiết!
Đối với Thạc sĩ Hồ Long Phi thì ông cho rằng thật sự không cần thiết có một dự án quy hoạch sông Hồng, với lập luận:
“Chúng ta không bị áp lực đến mức là phải phát triển như vậy. Tại vì chỉ cần lui về phía trong một chút xíu là Hưng Yên, chung quanh là Bắc Ninh và đồng bằng sông Hồng còn rộng lắm. Còn rất nhiều nơi để phát triển, không cớ gì phải chọn phát triển ở chỗ đó để lấn ra dòng sông Hồng. Trong khi xu hướng chung của thế giới là mở rộng dòng sông ra để chuẩn bị đối phó với biến đổi khí hậu. Như Hà Lan, người ta đắp đê hai bên để be con sông lại thì bây giờ người ta bỏ bớt một số đoạn cho nước tràn ra, để mực nước hạ thấp xuống. Đó là cách thức sẵn sàng để đối phó với khí hậu, gọi là “room for river”. Còn chúng ta thì lại đi hướng ngược lại, là lấn chiếm không gian của dòng sông. Điều đó hoàn toàn là không nên. Ngay cả sông Hàn (của Hàn Quốc) cũng vậy. Những gì chúng ta chứng kiến cũng là theo ở quá khứ. Nhưng trong điều kiện của biến đổi khí hậu thì những gì chúng ta sẽ thấy chưa chắc giống như vậy, mà có thể diễn biến theo hướng khác.”
Thạc sĩ Hồ Long Phi trưng dẫn thêm một ví dụ về trận lụt hồi năm 2011 xảy ra ở thành phố Bangkok, Thái Lan. Nguyên nhân là do mưa rất lớn cùng với các hồ lớn chứa nước dự trữ ở trên khu vực vùng cao bị đầy phải xả, và hậu quả là thành phố Bangkok bị thiệt hại hơn 50 tỷ USD.
Ông Hồ Long Phi cho rằng không nên tích lũy nguy cơ khi thực hiện dự án thành phố sông Hồng, bởi vì biến đổi khí hậu trong thời gian tới là vô chừng.
“Thành ra chúng ta nên hết sức cẩn thận và theo nên hướng chung là không hối tiếc. Có nghĩa là làm cái gì mà không chắc thì đừng làm. Trừ trường hợp mà không còn cách nào khác, bắt buộc phải phát triển thì đó là một lựa chọn cần cân nhắc về kỹ thuật. Nếu như chúng ta còn cách khác để phát triển thì không cứ gì mà phải làm. Bởi vì, nguy cơ cứ lớn lớn theo biến đổi khí hậu cho đến một lúc nào đó thì thiên nhiên sẽ lấy một lần mà lấy hết những cái mà chúng ta đã đầu tư vào đó. Thiệt hại lên đến hàng trăm tỷ USD và có những thiệt hại về nhân mạng mà chúng ta không thể lường trước được. Tóm lại, không nên thách thức thiên nhiên, bởi vì năng lực của con người là hữu hạn và sức mạnh của thiên nhiên là vô hạn.”
Tôi có thể nói rõ rằng đúng là chúng tôi không cần. Hà Nội chật lắm rồi. Đừng có làm gi để giết chết người Hà Nội nữa. Trời ơi, khổ lắm rồi! Ở nhà, trải chiếc chiếu ra để ăn cơm mà trải không đúng chỗ thì có thể cuộc chiếu lại và cất đi. Bày cái bàn mà không đúng chỗ thì có thể dọn bàn đi. Ông Vương Đình Huệ chẳng biết gì cả, có thể là ông sẽ để lại hậu quả. Đâu phải cứ nói thích là làm đâu. Đó là dự án thành phố, đâu có đơn giản. Vớ vẩn! Tôi chỉ có thể nói như thế thôi
-Kiến trúc sư Trần Thanh Vân
Đài RFA liên lạc với đại diện của Sở Kế hoạch-Đầu tư Hà Nội để tìm hiểu thêm về kế hoạch sẽ được triển khai cụ thể như thế nào, qua tuyên bố mới nhất vào đầu tháng 10 của Bí thư thành phố Hà Nội Vương Đình Huệ về quyết tâm thực hiện dự án thành phố sông Hồng.
Chúng tôi đã gửi email đến ông Giám đốc Nguyễn Mạnh Quyền và Phó Chánh văn phòng, bà Trần Thị Dung của Sở Kế hoạch-Đầu tư Hà Nội. Thế nhưng, đã không nhận được hồi đáp nào từ họ.
Trong khi đó, một cư dân Hà thành, bà Kiến trúc sư Trần Thanh Vân, vào tối ngày 7/10 lên tiếng với RFA:
“Tôi có thể nói rõ rằng đúng là chúng tôi không cần. Hà Nội chật lắm rồi. Đừng có làm gi để giết chết người Hà Nội nữa. Trời ơi, khổ lắm rồi! Ở nhà, trải chiếc chiếu ra để ăn cơm mà trải không đúng chỗ thì có thể cuộc chiếu lại và cất đi. Bày cái bàn mà không đúng chỗ thì có thể dọn bàn đi. Ông Vương Đình Huệ chẳng biết gì cả, có thể là ông sẽ để lại hậu quả. Đâu phải cứ nói thích là làm đâu. Đó là dự án thành phố, đâu có đơn giản. Vớ vẩn! Tôi chỉ có thể nói như thế thôi.”
Một cư dân Hà Nội khác và là một nhà hoạt động xã hội, ông Nguyễn Lân Thắng cũng chia sẻ ghi nhận của ông về ý kiến của người dân Hà Nội liên quan dự án thành phố sông Hồng.
“Không có hy vọng gì lắm về dự án ven sông Hồng này. Chỉ biết những người lãnh đạo thỉnh thoảng nhắc đến dự án đó một cách rất xa xôi. Tôi nghĩ rằng sự thay đổi sẽ ngày càng tệ đi, chứ không thể được tốt lên như người ta đã hứa hẹn. Bởi vì đối thủ đô của đất nước thì không thiếu nguồn lực để làm những việc này, nhưng những rào cản về mặt chính trị và kỷ thuật làm cho tất cả những lời tuyên bố đó chỉ là sự hứa suông, chứ người dân không trông mong gì vào dự án này.”
Qua tìm hiểu và trình bày gói gọn trong hai bài ghi nhận của RFA về dự án thành phố sông Hồng, chúng tôi nhận thấy ý kiến của những người quan tâm đến dự án được trông đợi là thành phố Seoul thứ nhì của Châu Á thì dường như còn xa vời lắm.
Tham khảo: Phần I: Dự án thành phố sông Hồng vẫn lửng lơ sau 30 năm