Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên: “Công an Hà Nội triệu tập tôi trong hoàn cảnh bất khả kháng”

RFA
2021.07.27
Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên: “Công an Hà Nội triệu tập tôi trong hoàn cảnh bất khả kháng” Cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên.
Courtesy of Phạm Thanh Nghiên

Công an Hải Phòng, vào ngày 26/7, đến tư gia của gia đình cựu tù nhân lương tâm Phạm Thanh Nghiên và đưa giấy triệu tập cô làm việc với Công an Hà Nội vào ngày 28/7; trong khi cô đang trú ngụ tại Sài Gòn trong bối cảnh thành phố bị giãn cách xã hội nghiêm ngặt do dịch COVID-19.

Cô Phạm Thanh Nghiên có cuộc trao đổi ngắn với Đài RFA vào ngày 27/7. Trước hết cô chia sẻ về vụ việc thân nhân của cô ở Hải Phòng nhận giấy triệu tập một ngày trước đó.

Cô Phạm Thanh Nghiên: Khoảng 11 giờ trưa ngày 26/7/2021, gia đình của tôi ở Hải Phòng thông báo rằng Công an Hải Phòng đã đến nhà và đưa giấy triệu tập của Cơ quan An ninh Điều tra, Công an thành phố Hà Nội đến cho tôi. Lý do họ triệu tập là yêu cầu tôi đến đó để chịu thẩm vấn và làm việc về vấn đề liên quan vụ án của bà Nguyễn Thúy Hạnh. Cụ thể là để làm rõ việc họ thu giữ được quyển sách “Những mảnh đời sau song sắt” của tôi ở nhà bà Hạnh, trong quá trình họ khám nhà và bắt giữ bà Hạnh.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh bị bắt hồi đầu tháng tư, dưới cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Xin nhắc lại từ cuối năm 2015, tôi đã sinh sống ở Sài Gòn. Và đã hai năm nay, tôi được cấp giấy tạm trú. Tôi cũng nhắc lại sự kiện ở Sài Gòn đã áp dụng Chỉ thị 15, bị phong tỏa từ cuối tháng năm. Và đến ngày 9/7 thì áp dụng Chỉ thị 16, tức là áp dụng xiết chặt đi lại trong phạm vi nội thành rất đỗi khó khăn rồi. Thế nhưng bốn ngày sau, vào ngày 13/7, Công an Hà Nội đưa ra giấy triệu tập này. Họ đã chuyển cho Công an Hải Phòng để Công an Hải Phòng đưa cho gia đình nhà tôi, trong khi tôi đang ở Sài Gòn. Tôi thắc mắc vì sao họ không làm một việc đơn giản hơn là họ có thể ủy quyền cho công an ở Sài Gòn có quyền tống đạt giây triệu tập đến cho tôi. Như thế sẽ đỡ tốn rất nhiều thời gian.

RFA: Liên quan đến quyển sách “Những mảnh đời sau song sắt”, xin được hỏi có bao giờ cô tặng cho bà Nguyễn Thúy Hạnh với tư cách là tác giả của quyển sách và cô có thể hình dung được lý do vì sao họ triệu tập cô trong bối cảnh Sài Gòn bị giãn cách nghiêm ngặt như thế này không?

Cô Phạm Thanh Nghiên: Tôi khẳng định rằng tôi chưa bao giờ tặng bà Nguyễn Thúy Hạnh quyển sách của tôi là quyển “Những mảnh đời sau song sắt”. Không rõ quyển sách bà Hành đang có là do đâu mà có và có phải đúng là quyển “Những mảnh đời sau song sắt” mà tôi là tác giả hay không?

Rất nhiều câu hỏi được đặt ra là tại sao họ lại triệu tập tôi trong bối cảnh này. Từ Hà Nội đến Hải Phòng chỉ vỏn vẹn hơn 100 km, trong thời đại viễn thông phát triển như bây giờ thì tại sao giấy triệu tập mất đến 13 ngày mới tới nơi và mới giao cho gia đình tôi? Tôi cũng không biết lỗi tại đâu và họ đang muốn gì.

Tôi nhắc lại, tôi nhận giấy triệu tập đó vào khoảng trưa ngày 26/7. Nhưng họ yêu cầu vào ngày 28/7 thì tôi phải có mặt tại cơ quan công an ở Hà Nội. Tức là tôi chỉ có chưa đầy 46 giờ để chuẩn bị, mà 46 giờ đó là điều không thể thực hiện được.

Thật sự là tôi vừa ngạc nhiên và vừa phẫn nộ là tại sao Công an Hà Nội lại triệu tập tôi khi họ đã biết thừa rằng tôi đang trong hoàn cảnh bất khả kháng, không thể đi được mà họ vẫn đưa giấy triệu tập.

RFA: Được biết quyển sách “Những mảnh đời sau song sắt” của cô được ra mắt hồi cuối năm 2017 và không qua kiểm duyệt. Cô ghi nhận độc giả đón nhận quyển sách đầu tay của cô như thế nào?

Cô Phạm Thanh Nghiên: Rất là vui vì quyển sách vẫn được nhắc tới một cách âm ỉ dù không phải là “hot”. Đến bây giờ, mấy năm rồi, tôi vẫn thỉnh thoảng nhận được những lời nhắn của các độc giả; có những người thậm chí vẫn chưa kết bạn trên Facebook với tôi. Họ chụp hình ảnh họ cầm sách hay hình quyển sách để trên bàn thôi và họ nói rằng họ rất vui khi có được quyển sách của tôi. Những người quen và các nhà văn chuyên nghiệp ở trong nước lẫn ở hải ngoại đều dành cho tôi những lời khen ngợi khích lệ nhất định, vì tôi là người viết không chuyên. Có người còn nói rằng họ mua khá nhiều sách và tôi không biết họ đã mua sách ở đâu. Họ mua sách để tặng cho người thân quen của họ đọc. Có người cũng còn thổ lộ với tôi là họ đã đọc đi đọc lại cuốn sách bốn, năm lần và lần nào đọc thì họ cũng thích, cảm động và khóc. Có người còn trách là tại sao tôi lại viết ít như thế, khiến cho họ đọc và cảm thấy muốn đọc nữa…Tại sao tôi lại kết thúc một cách đột ngột như vậy? Đối với những người cầm bút không chuyên như tôi thì điều đó là một món quà rất lớn.

Quyển sách "NHững mảnh đời sau song sắt", tác giả Phạm Thanh Nghiên được xuất bản ở Hoa Kỳ năm 2017.
Quyển sách "NHững mảnh đời sau song sắt", tác giả Phạm Thanh Nghiên được xuất bản ở Hoa Kỳ năm 2017.

RFA: Với trải nghiệm của riêng mình, cô nhận xét thế nào về giới bất đồng chính kiến và những người cầm bút không qua kiểm duyệt tại Việt Nam ngày càng gặp khó khăn và nguy hiểm nhiều hơn khi được cộng đồng biết đến?

Cô Phạm Thanh Nghiên: Như chúng ta đã biết thì việc bắt bớ, khủng bố, giam cầm những người đối kháng là phong trào trấn áp và việc làm trọng tâm của nhà cầm quyền này, để duy trì quyền lực nhiều chục năm nay rồi chứ không phải bây giờ.

Tuy nhiên, tùy vào bối cảnh và các biến động của xã hội thì việc bắt bớ có thể giảm hoặc tăng.

Chúng ta cũng đã thấy trong vài năm trở lại đây, đặc biệt kể từ khi xảy ra vụ Formosa xả thải ra môi trường hồi năm 2016 đến bây giờ, thì càng về sau càng có nhiều vụ bắt bớ. Không chỉ bắt những gương mặt được cộng đồng biết đến nữa, mà bắt cả những người chưa kịp trở thành các nhà hoạt động nhân quyền nữa. Họ chỉ viết và bày tỏ quan điểm trên trang Facebook cá nhân thôi hoặc là chia sẻ bài viết của người khác thôi thì cũng bị bắt.

Chúng ta có thể thấy việc bắt bớ những năm gần đây phải nói là vô cùng khốc liệt, đặc biệt vào khi có những biến động, xáo trộn xảy ra trong xã hội Việt Nam.

RFA: Và cô cũng đã trải qua những năm tháng tù đày, cô liên tưởng đến hoàn cảnh của những tù nhân lương tâm hiện nay ra sao, đặc biệt là nữ giới?

Cô Phạm Thanh Nghiên: Thời điểm tôi đấu tranh bên ngoài vào khoảng cuối năm 2006, bị bắt và đi tù hồi năm 2008. Thời gian đó, nói thật là mạng xã hội chưa có và internet chưa phát triển chưa kể rất khó khăn vì nhà cầm quyền cấm đoán và chặn tường lửa đối với những trang web cổ súy cho tự do, dân chủ. Thời gian đó, những người đấu tranh cũng rất là ít. Nhưng ngược lại, bây giờ thì những người đấu tranh được công luận biết đến và thậm chí đón nhận nữa. Điều đó cũng không phải chúng tôi thời đó vất vả và khổ sở hơn. Thật ra, những người chịu các bản án tù sau này đều là những án tù rất nặng nề. Ví dụ như tôi lúc trước bị tuyên án bốn năm. Nhưng bây giờ, đối với những việc làm như tôi thì có thể bị tuyên 10 năm hoặc hơn 10 năm.

Là phụ nữ từng bị đi tù thì đương nhiên hoàn cảnh đi tù đối với phụ nữ thì khổ hơn và khó hơn rất nhiều so với nam giới về mặt giới tính.

Còn trong bối cảnh bây giờ, chúng ta có thể quan sát những thông tin mà chúng ta nhận được từ trong nhà tù là những vụ tuyệt thực, những vụ bách hại hay dùng những thủ đoạn như cho vào trại tâm thần đối với một số người; ví dụ như blogger Lê Anh Hùng, anh Trịnh Bá Phương hay như ông Phạm Thành.

Đối với những người phụ nữ thì tôi rất lo cho họ. Các nữ tù nhân, đặc biệt như chị Cấn Thị Thêu, chị Phạm Đoan Trang, chị Nguyễn Thúy Hạnh. Chị Thêu đã ra tòa và phải nhận án tám năm. Hai chị Trang và Hạnh thì chưa ra tòa, mà thời gian tạm gia và chịu đi cung, không được gặp gia đình thì phải nói là thời gian khó khăn nhất trong suốt án tù.

Là một phụ nữ, tôi cảm thấy xót xa cho họ như đã từng xót xa cho tôi. Nhưng với tư cách là người bạn và là người đã từng trải qua và có kinh nghiệm không đáng có thì tôi rất lo lắng. Thậm chí nhiều khi tôi ái ngại cho những chị em tù chính trị trong thời điểm này.

Giấy triệu tập của Công an Hà Nội ghi ngày 13/7/2021 và gia đình cô Phạm Thanh Nghiên ở Hải Phòng nhận được vào trưa ngày 26/7/2021.
Giấy triệu tập của Công an Hà Nội ghi ngày 13/7/2021 và gia đình cô Phạm Thanh Nghiên ở Hải Phòng nhận được vào trưa ngày 26/7/2021.

RFA: Trở lại vụ việc Công an Hà Nội triệu tập cô phải có mặt vào ngày 28/7 mà cô không thể nào đến đó được, ngay lúc này cô cảm thấy lo ngại cho chính số phận của mình hay không?

Cô Phạm Thanh Nghiên: Nếu mà nói không lo thì không đúng. Bởi vì những người đã dám dấn thân và dám đứng “bên kia chiến tuyến” đối với nhà cầm quyền, tôi không dám dùng từ đao to búa lớn nhưng họ thích dùng như thế; họ gọi chúng tôi là những người “phản động” và “kẻ thù”…, đại khái là những người đối kháng với nhà cầm quyền thì chúng tôi biết rằng những ngày tháng tự do của chúng tôi được đến đâu hay đến đấy.

Đương nhiên trong vụ này, tôi cũng dự cảm về sự không lành dành cho mình. Tuy nhiên, tôi cũng mong rằng mình không phải rơi vào hoàn cảnh nào mà nó ngoài sức chịu đựng của tôi. Tôi chỉ có thể nói đến thế thôi.

RFA: Chân thành cảm ơn cô Phạm Thanh Nghiên dành thời gian chia sẻ với Đài RFA.

Nhận xét

Bạn có thể đưa ý kiến của mình vào khung phía dưới. Ý kiến của Bạn sẽ được xem xét trước khi đưa lên trang web, phù hợp với Nguyên tắc sử dụng của RFA. Ý kiến của Bạn sẽ không xuất hiện ngay lập tức. RFA không chịu trách nhiệm về nội dung các ý kiến. Hãy vui lòng tôn trọng các quan điểm khác biệt cũng như căn cứ vào các dữ kiện của vấn đề.